CHƯƠNG 3 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.4. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA VĂN PHÒNG ĐANG KÝ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT THÀNH PHỐ HÀ TĨNH
3.4.1. Giải pháp về hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan đến người sử dụng đất. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các hoạt động của mô hình VPĐKQSDĐ; Chủ trương cải cách hành chính trong quản lý đất đai của Đảng và nhà nước; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong việc đăng ký quyền sử dụng đất. Đồng thời nâng cao nhận thức, hiểu biết về chính sách pháp luật đất đai với đội ngũ cán bộ, công chức và lao động công tác tại VPĐK thông qua việc bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại kiến thức pháp luật cho các thành viên.
- Thường xuyên có các văn bản báo cáo vướng mắc trong nghiệp vụ cũng như cơ chế chính sách đất đai trên địa Thành phố để UBND Thành phố, Sở tài nguyên- Môi trường và UBND tỉnh Hà Tĩnh có hướng chỉ đạo thực hiện kịp thời.
- Cấp có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể hóa nội dung công nhận diện tích đất ở cho trường hợp thửa đất có nhà ở đã sử dụng ổn định trước năm 1980 mà không có tên trong sổ đăng ký ruộng đất và bản đồ giải thửa 299 để giải quyết lượng hồ sơ còn tồn đọng.
3.4.2. Giải pháp về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động
- UBND Thành phố cần phải ban hành "Quy chế phối hợp" quy định rõ vai trò, trách nhiệm của VPĐKQSDĐ và các đơn vị liên quan. Đặc biệt là vai trò phối hợp của UBND các phường, xã, việc xác định mốc giới chỉ giới quy hoạch các dự án của phòng Quản lý đô thị, ban quản lý công trình Thành phố và các đơn vị có liên quan để VPĐKQSDĐ chủ động thực hiện các nhiệm vụ được tốt hơn.
Văn phòng đăng ký cấp huyện và tỉnh phối hợp rà soát lại nguồn nhân lực và Sở Tài nguyên- Môi trường Hà Tĩnh hoàn thiện đề án xây dựng văn phòng đăng ký một cấp theo quy định nhưng phải có quy chế hoạt động cho phù hợp với đắc thù của từng địa phương để thống nhất chỉ đạo về mặt chuyên môn nghiệp vụ trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Tạo điều kiện để công chức, viên chức phấn đấu rèn luyện nâng cao trình độ, kỹ năng năng chuyên môn, phát huy thế mạnh và tinh thần phục vụ; đồng thời là căn cứ để tuyển dụng nhân sự khi có nhu cầu; Tiếp tục kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của mô hình VPĐKQSDĐ; tăng cường biên chế đảm bảo cho VPĐKQSDĐ hoạt động hiệu quả, việc luân chuyển cán bộ phụ trách địa bàn phải khoa học để tạo điều kiện cho cán bộ tiếp cận và nắm bắt địa bàn được sâu sát, tránh tình trạng ùn tắc trong công việc gây bức xúc cho người dân.
3.4.3. Giải pháp về kỹ thuật
- Ủy ban nhân dân Thành phố cần quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng kho lưu trữ để đảm bảo cho công tác lưu trữ và khai thác tài liệu; đầu tư trang thiết bị hiện đại đủ điều kiện để phục vụ công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận và đăng ký biến động.
Hoàn thiện hồ sơ địa chính cơ sở dữ liệu về đất đai, đặc biệt là cần đầu tư mua máy Scan để scan lưu trữ các hồ sơ, dữ liệu quan trọng về đất đai giúp quá trình sao lục thông tin được nhanh chóng, chính xác.
3.4.4. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực
Phát triển nguồn nhân lực hoạt động trong bộ máy tổ chức VPĐK là một trong những yêu cầu cấp bách nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động và nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động:
- UBND Thành phố Hà Tĩnh cần có phương án bổ nhiệm phó giám đốc văn phòng, bố trí thêm cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho VPĐKQSDĐ để giảm tải khối lượng công việc cho mỗi cán bộ hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Văn phòng.
- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc cho cán bộ. Đặc biệt là nghiệp vụ trích đo địa chính khi cần thiết; nâng cao hiệu quả và đa dạng hóa các nguồn vốn phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Hiện tại, một số viên chức còn một số mặt hạn chế về trình độ, năng lực chuyên
môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, phương pháp làm việc và tinh thần trách nhiệm còn thiếu thực tế. Vì vậy, giải pháp tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức VPĐKQSDĐ là rất quan trọng. Mục tiêu của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải đạt được là tạo ra một đội ngũ cán bộ có kiến thức chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm, có khả năng chủ động giải quyết công việc được giao, năng động trong xử lý tình huống. Đồng thời đội ngũ cán bộ này phải thường xuyên thực hiện công tác tổng kết, đánh giá, phát hiện vấn đề, phát huy năng lực và đề xuất cái mới.
- Nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân; Việc đào tạo nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ địa chính cấp xã có ý nghĩa rất rất quan trọng bởi các quan hệ đất đai đều được xác lập từ cơ sở, mọi biến động đều phát sinh trên những thửa đất cụ thể và con người cụ thể chính vì vậy cần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ địa chính cấp xã.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ