CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.4. ÐỀ XUẤT MỘT SỐ BIỆN PHÁP QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ DI DỜI ĐẤT NGHĨA TRANG, NGHĨA ĐỊA MỘT CÁCH HỢP LÝ
3.4.3. Các giải pháp thực hiện
3.4.3.1. Giải pháp về nguồn vốn đầu tư
Nghĩa trang là một hạng mục hạ tầng xã hội phục vụ cho dân cư chính, vì vậy việc đầu tư xây dựng các nghĩa trang không chỉ là công việc của nhà nước mà còn là công việc của toàn thể cộng đồng dân cư. Nhiều địa phương trên cả nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương đang áp dụng phương thức này để huy động các nguồn vốn của các doanh nghiệp và người dân đầu tư xây dựng, khai thác và quản lý nghĩa trang. Chính vì điều này việc xã hội hóa công tác đầu tư xây dựng nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là rất quan trọng và cũng được triển khai trên địa bàn tỉnh cũng như trên địa bàn thành phố Biên Hòa trong thời gian qua.
Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu táng của các phường, xã trên địa bàn thành phố, việc cải tạo, đóng cửa, di dời các nghĩa trang hiện hữu được thực hiện trên nguyên tắc: nghĩa trang hiện hữu được đóng cửa hoặc di dời phù hợp với thời gian đưa nghĩa trang mới vào hoạt động. Trong thời gian chưa hoàn thành việc xây dựng các nghĩa trang mới thì các nghĩa trang hiện hữu sẽ được cải tạo, phục vụ nhu cầu táng.
Đề xuất các nguồn vốn đầu tư cho nghĩa trang trên địa bàn thành phố Biên Hòa như sau:
- Nguồn vốn ngân sách của thành phố: Các dự án quy hoạch, điều tra cơ bản, các dự án cải tạo môi trường, cải tạo nghĩa trang cũ, các chương trình truyền thông và giáo dục.
- Nguồn vốn doanh nghiệp: Đầu tư xây dựng các nghĩa trang tập trung, các dịch vụ tang lễ đi kèm theo đúng quy hoạch được phê duyệt. Chủ động khai thác khả năng của các nghĩa trang trên địa bàn để thu hồi vốn.
- Các nguồn vốn khác: Mọi tổ chức, cá nhân có đủ năng lực đều có thể tham gia đầu tư vào xây dựng, khai thác và quản lý nghĩa trang theo đúng các quy định pháp luật hiện hành.
Lộ trình cải tạo, đóng cửa, di dời các nghĩa trang hiện hữu trên địa bàn thành phố được thực hiện theo Quyết định số 453/QĐ-UBND ngày 01/02/2013 của UBND tỉnh về duyệt địa điểm quy hoạch nghĩa trang tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2050.
3.4.3.2. Giải pháp quản lý
- Hoàn thiện công cụ quản lý về đất nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn thành phố Biên Hòa.
Thực tế cho thấy rằng, công cụ quản lý về mặt pháp lý trên địa bàn thành phố vẫn chưa được quản lý chặt chẽ. Các trường hợp vi phạm về việc chôn cất trái phép cũng như xây dựng mồ, mả tùy tiện vẫn chưa có các văn bản nào quy định hình thức xử lý cụ thể.
Sau Quyết định quy hoạch tổng thể về hệ thống nghĩa trang tỉnh Đồng Nai, UBND thành phố Biên Hòa chưa có kế hoạch nào được phê duyệt riêng về quy hoạch đất nghĩa trang, nghĩa địa cho từng đơn vị phường, xã cụ thể. Định hướng quy hoạch đất nghĩa trang, nghĩa địa của thành phố chỉ đường lồng ghép vào các văn bản quy hoạch sử dụng đất hằng năm, cũng như kế hoạch sử dụng đất 5 năm cho từng giai đoạn. Cần có kế hoạch chi tiết cho từng giai đoạn quy hoạch, và các văn bản điều chỉnh cho quản lý và sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa tách biệt để đảm bảo sự chặt chẽ và thuận tiện về mặt pháp lý.
- Quản lý chặt chẽ và xử lý kịp thời những dự án quy hoạch đất nghĩa trang, nghĩa địa không đúng tiến độ thời gian quy định.
Đến nay,trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều khu nghĩa trang, nghĩa địa trong quy hoạch vẫn chưa được di dời đến khu vực hợp lý, việc cắm mốc chôn cất chưa đồng bộ được tiến hành ở 30 phường trên địa bàn thành phố, nên tạo điều kiện cho những người dân cố tình chôn cất trái quy định.
- Sử dụng tiết kiệm quỹ đất bằng định mức bằng cách quản lý hạn mức sử dụng đất mai táng.
Tăng cường công tác quản lý đất đai tại các nghĩa trang, nghĩa địa bằng việc quy định hạn mức sử dụng đất mai táng, đất cải táng vào quy ước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của phường để vận động làm thay đổi tập quán trong nhân dân về việc mai táng, chôn cất.
Nâng cấp và bảo trì các hệ thống cơ sở hạ tầng ở các nghĩa trang, tăng cường thêm các dịch vụ mới tạo tâm lý thuận tiện hơn cho người thân khi chôn cất người thân cũng như thăm viếng sau này.
Hiện tại,còn nhiều nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn thành phố chưa có hệ thống tường rào, cây xanh chưa được bố trí hợp lý mà chỉ là những cây bụi hoang dại chưa khai phá để khoanh vùng bán đất mộ, chưa có nước sạch. Nghĩa trang nhân dân và nghĩa trang liệt sỹ các cơ sở hạ tầng ban đầu có những dấu hiệu xuống cấp nên cần tu sữa và nâng cấp hơn.
Ngoài ra, khi quy hoạch nghĩa trang có thể sử dụng một số dịch vụ mới như đưa ra cho người đã khuất và người thân viếng, chăm sóc mộ hàng ngày, hàng tuần, rằm, các dịch vụ cầu an, dịch vụ cải táng, thăm quan… Đặc biệt, nếu có người ở xa không thể hương khói cho người thân thì có thể đăng ký dịch vụ cúng giỗ qua trang web và đăng ký sản phẩm, ngày giờ lễ, lực lượng hậu cần của nghĩa trang sẽ làm lễ theo yêu cầu và gửi lại video clip, hình ảnh buổi lễ cúng giỗ cho khách hàng.
- Xây dựng hệ thống quan trắc môi trường
Cần sớm xây dựng hệ thống quan trắc môi trường kiểm tra chất lượng nguồn nước, môi trường nước tại các hồ trong khu vực và một số giếng cách khu vực nghĩa trang trong phạm vi 1 km, sẽ được lấy mẫu, phân tích theo TCVN và tiêu chuẩn của các tổ chức y tế thế giới (WHO) kết hợp với việc thí nghiệm, phân tích trong phòng thí nghiệm. Các chỉ số phân tích gồm: độ pH, BOD5, COD,NO2-, NO3-, Coliform, Protein, Lipit; các chỉ số này đều phải ở dưới mức cho phép.
Khuyến khích người dân ở các khu vực ven nghĩa trang, nghĩa địa không nên sử dụng nguồn nước giếng sử dụng vào mục đích sinh hoạt.
Tuyên truyền người dân sử dụng hình thức hỏa táng, hướng đến những công nghệ mai táng hiện đại, thân thiện với môi trường và tiết kiệm được quỹ đất.
Bước đầu cần thực hiện các biện pháp tuyên truyền cho người dân hiểu và ủng hình thức an táng mới thông qua các cuộc họp dân, hoặc thông qua truyền thông, đưa ra các minh chứng về hiệu quả của hình thức này đã được áp dụng ở một số nơi để người dân thật sự an tâm và đồng tình.Để khuyến khích người dân sử dụng hình thức hỏa táng, nhà nước có thể hỗ trợ thêm một phần kinh phí. Cần có các phương án cụ thể và lâu dài nhằm thay đổi nhận thức của người dân với việc hỏa táng.
Đồng thời, về lâu dài nên hướng người dân theo những hình thức mai táng hiện đại đang phát triển trên thế giới như bút táng, hỏa táng, thạch táng…Một khi mai táng không chỉ là chôn cất người chết, mà còn là cách để người sống lưu giữ người đã khuất bên mình theo những các riêng đặc biệt có ý nghĩa.
- Khuyến khích sử dụng GIS vào công tác quy hoạch và quản lý đất nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn.
Cùng với sự phát triển của hệ thống thông tin địa lý, cần áp dụng linh hoạt GIS vào quy hoạch và quản lý đất NTD để kết quả chính xác và thông tin biến động về đất NTD được cập nhật hiệu quả cao hơn.
3.4.3.3.Giải pháp về quy hoạch
- Phân kỳ thực hiện quy hoạch nghĩa trang, nghĩa địa
Tùy theo phân loại hiện trạng đất nghĩa trang, nghĩa địa (sự phân bố khu vực nghĩa trang, nghĩa địa, số lượng mồ mả mỗi phường), tùy theo phân loại quy hoạch, tùy theo tình hình phát triển của thành phố hiện nay để có phương án phân kỳ thực hiện cho phù hợp. Kết hợp với việc di dời mồ mả với các nội dung khác.
Tác giả xin đưa ra các giai đoạn phân kỳ thực hiện như sau:
* Giai đoạn 1 (Từ năm 2019 đến năm 2020)
+ UBND các phường, xã cần tiến hành khoanh vùng, cắm mốc các vị trí được chôn cất thêm để tránh trường hợp người dân không biết nên xảy ra các vi phạm chôn cất trái quy định. Hạn chế tình trạng chôn cất tại địa bàn các phường nội thị để tránh trường hợp phải di dời sau này.
+ Tạm thời đóng cửa tất cả các nghĩa địa trong khu vực nội thành, cấm người dân chôn cất thêm.
+ Giải tỏa và di dời các khu nghĩa địa còn lại nằm trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết được quy hoạch chức năng khác nhau như đất công viên cây xanh - mặt nước, công trình công cộng, công trình thương mại để hoàn tất công tác chỉnh trang thực hiện quy hoạch và phát triển đô thị.
* Giai đoạn 2 (Từ năm 2021 đến năm 2025)
+ Tiến hành xây dựng, đầu tư các nghĩa trang nhân dân, nghĩa trang liệt sỹ theo mô hình nghĩa trang công viên, nhằm tạo môi trường thân thiện cũng như công viên cây xanh phù hợp cho cảnh quan đô thị.
+ Những nghĩa địa có quy mô lớn, không thể di dời như nghĩa trang tại phường Trảng Dài, các nghĩa trang giáo xứ có diện tích lớn có thể đóng cửa, cải trang thành các công viên nghĩa trang.
+ Quy hoạch, di dời các khu nghĩa địa nằm trong khu vực hiện tại chưa có kế hoạch chi tiết, vì nhóm này chiếm một phần diện tích mồ mả cũng như số lượng mồ mả tương đối lớn nên cần tập trung nguồn lực cũng như kinh phí để giải quyết triệt để vấn đề này, tạo quỹ đất sạch cho thành phố.
* Giai đoạn 3 (Từ năm 2025 đến năm 2030)
+ Đảm bảo đến năm 2030, di dời hết các khu nghĩa trang, nghĩa địa tập trung trong vùng quy hoạch, các mồ, mả di dời và chôn cất mới được tập trung ở các nghĩa trang liên vùng nhằm tận dụng triệt để cho quỹ đất sạch nhằm phát triển đô thị.
+ Từng bước xây dựng và phát triển các nghĩa trang theo hướng công viên nghĩa trang theo tiêu chí phủ xanh vùng đất tâm linh.
3.4.3.4. Giải pháp quản lý và cải tạo, phục hồi và tái sử dụng nghĩa trang hiện hữu
* Giải pháp cải tạo nghĩa trang hiện hữu:
Các nghĩa trang được cải tạo khi vẫn còn phù hợp với quy hoạch xây dựng nhưng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan, môi trường chưa phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành. Các nội dung cải tạo nghĩa trang cần thực hiện gồm:
- Xác lập ranh giới nghĩa trang theo quy hoạch đã được phê duyệt (nếu chưa có).
- Trồng cây xanh bao quanh, cây xanh trong nghĩa trang.
- Cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật trong nghĩa trang: xây dựng hệ thống cấp, thoát nước; hệ thống thu gom chất thải rắn…
- Đối với diện tích đất chưa sử dụng phải phân khu vực táng rõ ràng, phân mloo mộ, nhóm mộ, hàng mộ, thoát nước, quy định về diện tích, kích thước và kiến trúc mộ.
* Giải pháp đóng cửa, phục hồi, tái sử dụng nghĩa trang:
Các nghĩa trang phải được đóng cửa khi không còn diện tích sử dụng, không có điều kiện mở rộng và không gây ô nhiễm môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép mà có khả năng khắc phục. Khi đóng cửa thực hiện theo quy trình sau:
- Việc đóng cửa nghĩa trang do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và phải được thông báo công khai.
- Khắc phục ô nhiễm môi trường trước khi đóng cửa nghĩa trang (nếu có).
- Cải tạo, chỉnh trang lại hệ thống hạ tầng kỹ thuật, mộ chí và các công trình trong nghĩa trang, trồng cây xanh, thảm cỏ trong và xung quanh nghĩa trang.
- Các nghĩa trang trong đô thị hoặc trong khu dân cư nông thôn phải có tường rào hoặc hàng cây xanh bao quanh với chiều cao đủ đảm bảo cho dân cư xung quanh không bị ảnh hưởng.
- Đối với nghĩa trang nằm bên đường các tuyến đường giao thông phải trồng cây xanh ngăn cách bảo đảm không ảnh hưởng tới mỹ quan, người tham gia giao thông.
* Giải pháp quản lý nghĩa trang sau khi đã đóng cửa:
- Định kỳ chăm sóc, bảo quản, giữ gìn phần mộ, tro cốt tại các nhà lưu giữ, duy tu bảo dưỡng các công trình trong nghĩa trang.
- Bảo đảm các quy định về vệ sinh môi trường trong nghĩa trang.
- Lập và lưu giữ hồ sơ nghĩa trang.
- Quy định, chỉ dẫn khách viếng thăm, tưởng niệm và quản lý các hoạt động trong nghĩa trang.
KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ
KẾT LUẬN
Ngày nay, quản lý, sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa là một vấn đề có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đời sống tâm linh của con người. Nghiên cứu thực trạng quản lý, sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn thành phố Biên Hòa không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận và còn có ý nghĩa về mặt thực tiễn góp phần đề xuất giải pháp quản lý, sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa hiệu quả. Qua nghiên cứu đề tài “Đánh giá thực trạng quản lý và sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai”, tác giả xin đưa ra một số kết luận sau:
- UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định phê duyệt địa điểm quy hoạch nghĩa trang tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2050, trong đó có quy định mức sử dụng đất đối với một phần mộ. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến và việc triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố Biên Hòa chưa được quan tâm nên kết quả đạt được chưa cao.
- Tại một số phường, xã còn chưa coi trọng việc quản lý quỹ đất dành cho nghĩa trang, nghĩa địa dẫn đến tình trạng sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa không đúng kế hoạch sử dụng đất được duyệt; một số nơi còn để xảy ra tình trạng các gia đình, dòng họ tự khoanh bao chiếm đất nông nghiệp làm quỹ đất nghĩa địa dự trữ cho dòng họ mình.
- Các nghĩa trang nhân dân chủ yếu hình thành tự phát, không có quy hoạch chi tiết, không có tường bao quanh bảo vệ, không có nhà quản trang, tuyết thoát nước, không có quy định tối thiểu về diện tích đất của mỗi phần mộ nên còn tình trạng gây lãng phí đất. Kiến trúc các phần mộ không thống nhất, hầu hết là phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của mỗi gia đình, dòng họ gây nên tình trạng lãng phí tiền của, mất mỹ quan chung và không đảm bảo vệ sinh môi trường.
- Các nghĩa trang giáo dân đều được quy hoạch trên diện tích đất của tôn giáo và có người quản lý, có quy định về hướng mộ, kích thước các mộ. Tuy nhiên, các nghĩa trang này thường nằm gần các khu dân cư và gây ô nhiễm môi trường khu vực.
- Trên địa bàn thành phố còn có nhiều khu nghĩa trang đã có từ trước năm 1975, không có ai quản lý nên việc chôn cất của người dân còn tùy tiện. Ngoài ra, còn tình trạng một số các thửa đất hiện trạng có một số mồ, mả rải rác trong khuôn viên của các hộ gia đình.
- Tình hình quản lý các nghĩa trang tại các phường, xã trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn đặc biệt trong việc di dời những nghĩa trang nằm sát khu dân cư gây ô nhiễm môi trường khu vực. Nguyên nhân của tình trạng này là do tập quán chôn cất 01 lần không cải táng của người dân địa phương.
Thêm vào đó, trên địa bàn các phường, xã còn khá nhiều các nghĩa trang của các giáo dân, họ có quy định và phần đất riêng nên cũng mang lại khó khăn trong việc di dời và các nghĩa trang chung có quy hoạch.
ĐỀ NGHỊ
Từ những thực trạng trên, tác giả xin đưa ra một số đề nghị sau:
- UBND thành phố Biên Hòa cần tập trung lập kế hoạch, xây dựng phương án xử lý và di dời hệ thống nghĩa trang nhỏ lẻ đã dừng sử dụng tại các phường, xã trên địa bàn thành phố dựa trên lộ trình và định hướng đã được phê duyệt tại quy hoạch địa điểm nghĩa trang của tỉnh Đồng Nai đã được UBND tỉnh phê duyệt.
- Cần bổ sung các quy hoạch chi tiết, kế hoạch cụ thể về việc di dời, giải tỏa mồ mả trên địa bàn thành phố để việc di dời đảm bảo hiệu quả. Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất NTD.
- Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện công tác quản lý, sử dụng, quy hoạch nghĩa trang trên địa bàn các phường và kiểm tra tiến độ thực hiện, chất lượng của các dự án quy hoạch về nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn thành phố.
- Triển khai thực hiện nghiêm các chế tài xử lý đối với các trường hợp tự ý chôn cất trái phép trên địa bàn. Thực hiện tốt việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và cắm biển cấm chôn cất tại các khu vực có quy hoạch các dự án khác để người dân biết, nghiêm túc chấp hành.
- Thống kê, kiểm kê xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn thành phố, tiến tới xây dựng bản đồ quy hoạch sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa tập trung và liên vùng giữa các phường, xã trên địa bàn thành phố.