CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.3. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
Việc nghiên cứu đối với chính sách tài chính về đất đai ảnh hưởng đến nguồn thu từ đất là đề tài khá thú vị, nội dung rộng và có nhiều chính sách, quy định pháp luật điều chỉnh liên quan qua nhiều thời kỳ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đã thu hút được nhiều học giả quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, phạm vi nghiên cứu, nội dung nghiên cứu được thực hiện ở phạm vi không gian, và thời gian khác nhau, trong từng đề tài, luận văn nghiên cứu đã thể hiện được bức tranh tổng quan về chính sách thu tài chính từ đất, cơ cấu tiềm lực đất đai trong tổng thu ngân sách, hệ thống được chính sách tài chính đất đai qua các thời kỳ và ở từng địa phương, địa điểm nghiên cứu. Cụ thể:
Theo luận văn của tác giả Nguyễn Quang Ánh , đã nghiên cứu ảnh hưởng của một số chính sách đất đai đến thu ngân sách trên địa bàn thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình với mục đích xác định ảnh hưởng của một số chính sách đất đai đến thu ngân sách trên địa bàn thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Qua đó, đã tập trung nghiên cứu các chính sách tài chính đất đai như giá đất, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuế chuyển quyền sử dụng đất, thuế sử dụng đất và có đề xuất một số giải pháp nhằm chống thất thu ngân sách trong lĩnh vực đất đai tại địa phương, luận văn đã nghiên cứu đánh giá sâu, nổi bật được cơ cấu nguồn thu ngân sách từ đất trong địa bàn hành chính cấp huyện, đã đi sâu phân tích hoàn thiện chính sách thu tiền sử dụng đất
của đối tượng hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố giai đoạn Luật Đất đai 2003 có hiệu lực thi hành.
Theo Vũ Thị Thơm, luận văn nghiên cứu đánh giá nguồn lực thu được từ tài chính đất đai, thực trạng khai thác nguồn lực thu được từ tài chính đất đai ở thành phố Thái Nguyên. Luận văn đã đánh giá ưu, nhược điểm trong việc khai thác các nguồn lực thu được từ tài chính đất đai. Đề xuất những giải pháp để hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, trong đó chủ yếu là chính sách tài chính liên qua đến việc khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai có hiệu quả hơn trong điều kiện kinh tế thành phố Thái Nguyên; đồng thời, làm rõ được cơ sở lý luận, những vấn đề liên quan đến nguồn lực tài chính từ đất đai, chú trọng đến các quy định tại Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn dưới Luật đã ban hành. Đưa ra những đánh giá ưu, nhược điểm trong việc khai thác các nguồn lực tài chính từ đất đai của địa phương. Đề xuất các giải pháp để hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, trong đó chủ yếu là các chính sách tài chính liên quan đến khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai của thành phố Thái Nguyên.
Theo nghiên cứu của tác giả Trần Đức Thắng nhận xét về tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ đất ở Việt nam, có những thành công và hạn chế sau:
- Về cơ chế, chính sách:
+ Đối với chính sách thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế, phí, lệ phí có liên quan: Về cơ bản, các chính sách trên đã phù hợp với cơ chế thị trường; huy động được nguồn thu tài chính hiệu quả, phù hợp từ đất đai cho ngân sách nhà nước; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp lý về quản lý tài chính đất đai.
+ Đối với sử dụng nhà, đất của các đơn vị sự nghiệp công lập: Việc cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết và tiền thu được từ hoạt động này, sau khi thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước, được dành phát triển hoạt động sự nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản nhà nước, khai thác tiềm lực tài chính từ đất đai bổ sung nguồn lực tài chính cho các đơn vị sự nghiệp, giảm gánh nặng chi cho NSNN, nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ cung cấp cho xã hội.
+ Đối với thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước:Thông qua việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, các bộ, ngành, địa phương và tổng công ty nhà nước đã nắm được một cách hệ thống số lượng, giá trị và hiện trạng sử dụng để có phương án sắp xếp hiệu quả như chấm dứt việc cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định để sử dụng đúng mục đích được giao theo pháp luật về quản lý công sản.
+ Đối với các trường hợp nhà đất sử dụng không đúng mục đích, kém hiệu quả thì cho chuyển mục đích sử dụng đất: Qua đó, đã góp phần huy động nguồn lực to lớn từ nhà đất để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
+ Đối với bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước: Đã tạo điều kiện cho một bộ phận người dân (chủ yếu là cán bộ, công chức) được quyền sở hữu, tự cải thiện nhà ở của mình, từ đó giảm gánh nặng duy trì, bảo dưỡng từ NSNN và góp phần chỉnh trang đô thị.
- Về thực hiện khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai:
+ Tỷ trọng nguồn thu NSNN từ đất không ngừng tăng cao. Đây là kết quả khả quan trong hoạt động khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, đóng góp vào NSNN.
Xét riêng khía cạnh nguồn thu từ tiền sử dụng đất thì giá trị thu được dưới hình thức này cũng tăng theo thời gian.
+ Đa dạng hơn trong các hình thức khai thác: Trong những năm gần đây, hình thức thực hiện khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai ở Việt Nam dần đa dạng, phù hợp hơn với cơ chế thị trường, chẳng hạn việc đổi đất lấy hạ tầng, việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất là những hình thức rất mới trong quá trình thực hiện khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai ở Việt Nam. Khi đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, hình thức tính giá trị quyền sử dụng đất vào trong giá trị tài sản doanh nghiệp khi thực hiện cũng được áp dụng, làm tăng hiệu quả quá trình thực hiện khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai. Bên cạnh đó, hình thức khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai thông qua sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước cũng đang được áp dụng góp phần huy động nguồn lực to lớn từ nhà đất để bổ sung cho đầu tư phát triển và cho NSNN.
- Các mặt hạn chế, tồn tại: Chưa khai thác hết tiềm năng tài chính từ đất đai phục vụ phát triển KT-XH; công tác định hướng, dự báo, đánh giá, tính toán khả năng khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai còn nhiều hạn chế; hệ thống chính sách tài chính đất đai vẫn còn phức tạp, bất cập, thiếu tính nhất quán; việc khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai còn chủ yếu tập trung ở các địa phương có tốc độ đô thị hoá cao; phương thức khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai vẫn mang nặng tính hành chính, chưa phù hợp với nguyên tắc thị trường
Bên cạnh đó, các tác giả khác, cũng nghiên cứu phân tích tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai ở tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định... phân tích, làm rõ cơ sở lý luận của nguồn lực tài chính từ đất đai. Đánh giá thực trạng, đưa ra những nhận định về kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế trong việc khai thác nguồn lực tài chính về đất đai trên địa bàn nghiên cứu (chủ yếu là cấp huyện). Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai trên địa bàn nghiên cứu.
Nhìn chung, các đề tài và nhóm nghiên cứu thời gian qua đã tập trung nghiên cứu trên địa bàn cấp huyện, chưa đánh giá tổng quan, bao quát hết các chính sách, đối tượng trên địa bàn cấp tỉnh (cấp ban hành chính sách theo ủy quyền của Luật có tác động trực tiếp đến nguồn thu từ đất), cũng như nghiên cứu các chính sách pháp luật mới về tài chính đất đai theo Luật Đất đai 2013; đặc biệt là các thành phố lớn như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...
Ngoài ra một số nhà khoa học, nhà quản lý đã viết các bài báo về kết quả nghiên cứu chính sách tài chính về đất đai như Đặng Hùng Võ, Kiểm toán thu sử dụng đất cần tập trung vào việc phát hiện các thủ thuật trong quản lý, sử dụng đất đã đề cập đến một số mảng vấn đề như: Giá đất do Nhà nước quy định hiện đang thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường, nhưng bản thân khái niệm giá thị trường trong lĩnh vực đất đai cho đến nay vẫn chưa được rõ ràng và thống nhất. Việc giá đất thị trường cao như hiện nay là sự thể hiện trị giá thực của đất hay chỉ là giá ảo và hướng giải quyết hợp lý cho nền sản xuất của chúng ta khi giá đất tăng, yếu tố đầu vào tăng; Hoàn chỉnh hệ thống thu trên nền tảng hệ thống thuế sử dụng đất…Vấn đề mới là việc kiểm toán tham gia vào thực hiện kiểm toán nguồn thu sử dụng đất, mặc dù chưa nhiều nhưng những năm gần đây kiểm toán Nhà nước thực hiện và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Đối với địa bàn huyện Xuân Lộc, cho đến nay, chưa có công trình nghiên cứu trực tiếp về vấn đề đánh giá tình hình quản lý nguồn lực tài chính từ đất đai mà chỉ mới có các báo cáo tổng hợp hàng năm của UBND huyện, Chi cục thuế huyện về tình hình thu chi ngân sách nhà nước trên địa bàn, chưa đi sâu phân tích, đánh giá thực trạng cũng như đề ra những giải pháp cụ thể cho việc huy động nguồn lực tài chính từ đất đai trong thời gian tới.
CHƯƠNG 2 - ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU