CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.4. MIỄN DỊCH CHỐNG VIRUS DẠI
1.4.1. Đáp ứng miễn dịch dịch thể
Đáp ứng miễn dịch dịch thể tạo ra các kháng thể trung hoà virus dại, chủ yếu là kháng thể loại IgG. Khi tiêm vaccine ở mũi tiêm đầu tiên, sau một thời gian tiềm ẩn (dài hay ngắn), kháng thể được tạo ra với một lượng thấp (đáp ứng tiên phát). Ngay sau khi tiêm mũi thứ hai và các mũi tiếp theo, sự đáp ứng miễn dịch sẽ diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ (đáp ứng thứ phát), điều này liên quan mật thiết đến vai trò của các đại thực bào, tế bào lympho T giúp đỡ (TH), tế bào lympho B trong việc biệt hóa thành tế bào plasmocyte để tiết ra các kháng thể. Vai trò của các kháng thể trung hoà virus dại, nhất là nhóm IgG, là ngăn chặn nhóm virus ngoại bào trước khi diễn ra sự cố định virus trên tế bào, hạn chế sự phân tán virus ở ngay vị trí nhiễm, cũng như là sự phát triển của virus hướng về não. Tuy nhiên, đôi khi kháng thể trung hoà virus không ngăn chặn hữu hiệu virus mà chỉ có tác dụng kéo dài thời gian ủ bệnh (Hoàng Văn Năm và cs, 2012).
Qua các đề tài nghiên cứu người ta có thể rút ra nhận xét là bên cạnh chất lượng vaccine và quy trình tiêm chủng, còn có nhiều yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng tới đáp ứng kháng thể tạo thành sau tiêm chủng, trong đó có các yếu tố về tuổi, giới tính, giống chó và thời điểm lấy mẫu sau khi tiêm chủng vaccine. Kết quả khảo sát của Nguyễn Trần Hiển (2013) cho thấy sự biến động về hàm lượng kháng thể đo được ngoài việc tùy thuộc vào thời gian lấy mẫu sau khi tiêm ngừa còn chịu ảnh hưởng của những yếu tố khác như điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng ở các khu vực nuôi, độ tuổi hay mức độ thành thục về mặt miễn dịch và giống chó nuôi. Ở trung tâm thành phố người dân có cuộc sống sung túc, chó nuôi chủ yếu là giống chó cảnh nhập ngoại, làm thú cưng nên được quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn. Ngoài ra, những chó non có thể còn hàm lượng kháng thể thụ động nên khi tiêm phòng sớm sẽ bị trung hoà một phần kháng nguyên vaccine làm cho kháng thể sinh ra không đủ bảo hộ cho chó
(Seghaier và cs, 1999). Mansfield (2004) đã kết luận rằng độ tuổi và nguồn gốc chó có ảnh hưởng lớn tới hàm lượng kháng thể đo được sau tiêm phòng. Kennedy (2007) cho rằng những chó H dưới một năm tuổi có đáp ứng miễn dịch với vaccine dại thấp hơn những chó trưởng thành. Jakel (2008) đã chứng minh những con chó non thường có hàm lượng kháng thể dưới 0,5 IU/ml (dưới mức bảo hộ) là do mới chủng ngừa 1 lần.
Berndtsson và cs (2011) thì chứng minh rằng lượng kháng thể dưới 0,5 IU/ml ở những chó dưới 6 tháng tuổi là do kháng nguyên bị trung hoà bởi kháng thể mẹ truyền và chó ở trên 5 năm tuổi là do chó già đã suy giảm hệ miễn dịch. Kết quả khảo sát trên cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của Delgado và cs (1997), Manfield và cs (2004) và Jakel và cs (2008) về ảnh hưởng của giới tính trong đáp ứng miễn dịch vaccine dại. Cả ba nhóm tác giả này đều cho rằng không có sự khác biệt về giới tính trong việc tạo kháng thể kháng dại. Về ảnh hưởng của thời điểm lấy mẫu, kết quả nghiên cứu của Tepsumethanon và cs (1991) cho thấy rằng kháng thể xuất hiện vào ngày thứ 14 sau tiêm chủng vaccine và giảm nhanh trong vòng 60 ngày. Theo nghiên cứu của Seghaier và cs (1999), sau khi tiêm phòng mũi đầu tiên (nếu không có sự tái chủng) thì hàm lượng kháng thể thấp không đủ bảo hộ cho chó. Kết quả nghiên cứu ở trên chó với vaccine Duravax của Nguyễn Kim Dung và cs (2011) cũng đưa ra những nhận xét tương tự là hàm lượng kháng thể đạt mức cao nhất vào thời điểm 15 ngày sau tiêm chủng rồi giảm dần và chó trưởng thành (≥1 năm tuổi) có tỷ lệ bảo hộ cao nhất (Nguyễn Đức Hiền, 2012).
Mansfield và cs (2004) cho rằng sau khi được tiêm vaccine phòng bệnh dại một số chó và mèo không thể hiện một hiệu giá kháng thể đủ để đáp ứng các yêu cầu của Vương quốc Anh trong chương trình tiêm chủng vật nuôi mang theo khi du lịch. Để nghiên cứu vấn đề này, các dữ liệu thu được từ 16.073 mẫu huyết thanh gửi đến phòng thí nghiệm của cơ quan thú y để xét nghiệm huyết thanh học từ năm 1999 đến năm 2002 trong đó 1002 mẫu trình BioBest trong tháng 3 - 4 năm 2001, 1264 mẫu năm 2003 tháng 1 kết hợp với một mẫu tháng 6 năm 2001, đã được phân tích. Xác suất của hiệu giá kháng thể không đạt ít nhất 0,5 IU/ml được phân tích hồi quy nhằm xác định ảnh hưởng của các yếu tố như khoảng cách giữa các chủng ngừa và lấy mẫu, giới tính và tuổi của con vật, và nước xuất xứ. Kết quả cho thấy trên chó thì tất cả những yếu tố này, ngoại trừ giới tính, đều có ý nghĩa về mặt thống kê (Mansfield và cs, 2004).
Theo nghiên cứu của Kennedy và cs (2007), từ năm 2000, đã có một yêu cầu pháp lý ở Anh mà chó và mèo nên tiêm phòng bệnh dại nếu chủ sở hữu muốn tránh kiểm dịch tái nhập cảnh vào Vương quốc Anh. Năm 2002, 10.483 mẫu xác định định trên chó tại Anh. Phân tích thống kê đánh giá hiệu quả của vaccine trong mỗi giống chó khác nhau. Kích thước động vật, tuổi tác, giống, thời gian lấy mẫu và vaccine có tác dụng đáng kể về tỷ lệ bảo hộ và độ chuẩn trung bình. Dữ liệu nghiên cứu cho thấy một mối quan hệ chung giữa kích thước động vật và mức độ đáp ứng kháng thể tồn tại, những con chó thuộc giống có kích thước nhỏ hơn gây ra những mức độ kháng thể cao
hơn so với giống chó lớn hơn. Thời gian miễn dịch là khác nhau giữa các giống chó.
Quan sát khác là động vật giống nhỏ cho thấy cho thấy nhóm chó dưới 1 năm tuổi tạo ra một phản ứng kháng thể thấp hơn đối với tiêm phòng bệnh dại so với chó lớn. Đáng kể là tỷ lệ thất bại cao hơn cũng đã được quan sát cho vaccine khác nhau được thử nghiệm. Sự thay đổi đáp ứng kháng thể cũng liên quan đến chiều dài của khoảng thời gian lấy mẫu sau tiêm chủng (Kennedy và cs, 2007).
Một nghiên cứu cắt ngang của Delgado và Carmenes (1997) được tiến hành để xác định tỷ lệ bảo hộ kháng thể với virus bệnh dại ở 156 chó đã được tiêm chủng từ hai tỉnh Castilla và Leon (bao gồm Barcelona) vùng tự trị cộng đồng (phía tây bắc Tây Ban Nha) tiến hành theo một chương trình chống bệnh dại bắt buộc hiện đang diễn ra tại khu vực này cho thấy trong số 156 động vật thí nghiệm, 91 (58,3%) dương tính (độ chuẩn là 0,5 IU/ml hoặc cao hơn). Tuy nhiên, tỉnh Soria đã cho thấy một tỷ lệ bảo hộ cao hơn đáng kể (77,1%) so với tỉnh Leon (50%). Tuổi, giới tính và môi trường sống tuy được đánh giá là có liên quan đến các phản ứng thu được sau khi tiêm chủng nhưng lại không có sự khác biệt đáng kể được phát hiện đối với bất kỳ những yếu tố này. Tuy nhiên, tỷ lệ bảo hộ của chó chăn gia súc ở tỉnh Leon có xu hướng có tỷ lệ bảo hộ thấp hơn so với những con chó nuôi (Delgado và Carmenes, 1997).
Nghiên cứu về dịch tễ học phân tử của bệnh dại tại Việt Nam do tác giả Nguyễn Đức Hiền (2012) đã tiến hành khảo sát hiệu quả miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine dại (Rabigen®mono) ở chó đã được thực hiện tại 9 quận, huyện của thành phố Cần Thơ. Kết quả của đề tài đã khảo sát kháng thể bằng phương pháp ELISA từ 480 mẫu huyết thanh chó được lấy ngẫu nhiên sau tiêm phòng cho thấy tỷ lệ chó đạt mức kháng thể bảo hộ là 65,42%. Tỷ lệ này giảm dần theo thời gian sau tiêm phòng trong khoảng dưới 6 tháng, 6 - 12 tháng và sau 12 tháng tương ứng là 79,80%, 52,25% và 12,28%.
Chó trên 12 tháng tuổi cho tỷ lệ bảo hộ cao nhất (71,77%), kế đến là chó từ 6 - 12 tháng tuổi (57,03%) và thấp nhất là ở chó nhỏ hơn 6 tháng tuổi (51,72%). Tỷ lệ bảo hộ ở chó nuôi tại khu vực nội thành cao hơn (75,00%) ngoại thành (60,09%). Chó giống ngoại (73,80%) cho tỷ lệ bảo hộ cao hơn so với chó giống nội địa (60,07%). Tỷ lệ bảo hộ không bị ảnh hưởng bởi giới tính của chó (Nguyễn Đức Hiền, 2012).
1.4.2. Đáp ứng miễn dịch tế bào
Đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào là sự phối hợp của các nhóm quần thể lympho bào T, đại thực bào, các tế bào tiêu diệt, bổ thể và kháng thể trung hoà virus dại được tiết ra bởi tế bào lympho B đã được biệt hóa. Đây là một tương tác khá phức tạp nhằm tiêu diệt virus dại đã thâm nhập vào tế bào (Đinh Thị Bích Lân, 2007).
Thông tin về lĩnh vực này , tuy vậy, còn hạn chế.
Khi có sự hiện diện của kháng nguyên dại, cơ thể sẽ được kích thích dẫn đến sự tổng hợp của interferon alpha và beta, còn interferon gamma thì do tế bào lách bị kích
thích tạo ra. Việc tổng hợp interferon có liên quan đến vai trò của quần thể lympho T gây độc (TC). Các interferon có khả năng ức chế sự nhân lên của virus dại và được dùng trong phòng bệnh dại sau khi bị nhiễm. Tuy nhiên, trên thực tế interferon chỉ có hiệu quả nếu dùng ngay tại vết thương ngay lập tức sau khi bị cắn (Nguyễn Vĩnh Phước và cs, 1970 và Đinh Thị Bích Lân, 2007).