Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. KHÁI QUÁT ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ, XÃ HỘI HUYỆN MINH HÓA, TỈNH QUẢNG BÌNH
3.1.2. Các nguồn tài nguyên
Tổng diện tích tự nhiên của toàn huyện là 139.375,37 ha. Trong đó đất nông nghiệp là 128.535,10 ha; đất phi nông nghiệp là 3.493,95 ha; đất chưa sử dụng là 7.346,42 ha.
Chia ra các nhóm đất sau:
* Nhóm đất mới biến đổi: (Cambisols)
Nhóm đất mới biến đồi bao gồm: đất mới biến đổi chua điển hình có diện tích khoảng 459 ha và đất mới biến đổi chua kết von có diện tích khoảng 1.173 ha. Nhóm đất này chủ yếu được phân bố ở xã Quy Hóa và xã Tân Hóa, có thành phần cơ giới trung bình nặng, phản ứng chua pHkcl 4,1- 5,1. Lượng cation kiềm trao đổi nghèo
<5meq/100g đất, dung tích hấp thu CEC thấp <9 meq/100g đất. Hàm lượng mùn và đạm tổng số mặt trung bình khá (1,6 - 2,3% và 0,12 - 0,19%). Lân tổng số trung bình khá (0,07 - 0,13%). Kali tổng số trung bình đến giàu (0,8 - 2,1%). Lân và kali dễ tiêu đều ở mức độ nghèo đến rất nghèo (3 - 9 mg/100g đất). Loại đất này thích hợp để trồng lúa và các loại cây ngắn ngày.
* Nhóm đất xám: (Acrisols)
- Đất xám lẫn đá: Có diện tích khoảng 229 ha, được phân bố ở xã Hồng Hóa và Xuân Hóa. Loại đất này được phát triển trên đất Granit trên địa hình dốc, thảm thực vật che phủ thấp, trong đất có chứa nhiều đá. Phản ứng đất khá chua pHkcl 4,1- 5,1. Lượng cation kiềm trao đổi nghèo <2 meq/100g đất, dung tích hấp thu thấp <9 meq/100g đất.
Hàm lượng mùn và đạm tổng số trung bình khá (1,9% và 0,19%). Lâm tổng số thấp
<0,07%. Kali tổng số trung bình (0,9 - 1,3%). Lân và kali dễ tiêu rất nghèo <5mg/100g đất. Loại đất này thích hợp để trồng cây ngắn ngày.
* Nhóm đất xám có các đơn vị đất như sau:
- Đất xám feralit: Phân bố ở tất cả các xã có đất đồi núi trên nhiều dạng địa hình khác nhau. Đất hình thành trên các loại đá mẹ nghèo kiềm, trong điều kiện nhiệt đới ẩm, khoáng sét bị biến đổi đáng kể, quá trình rửa trôi sét và cation kiềm thổ xảy ra mạnh mẽ, tạo cho đất có tầng tích tụ (tầng Arigic), có dung lượng trao đổi cation thấp.
Hiện tại một số mô hình nông lâm kết hợp đang được chú trọng phát triển trên loại đất này. Loại đất này ở huyện Minh Hóa có diện tích khoảng 36.426 ha. Loại đất này thích hợp với cây cao su, cây ăn quả, mít, dứa …
- Đất xám mùn trên núi đá nông: Loại đất này phát triển trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm vùng núi trung bình với nền nhiệt độ thấp và độ ẩm cao hơn so với vùng đồi. Loại đất này ở huyện Minh Hóa có diện tích khoảng 3.330 ha. Tập trung nhiều ở các xã Dân Hóa, Xuân Hóa.
* Nhóm đất đỏ: Phát triển chủ yếu trên đá poocfarit và đá vôi. Đặc điểm cơ bản của nhóm đất đỏ là có quá trình tích lũy sắt, nhôm tương đối nên đất có màu đỏ hoặc nâu vàng điển hình, cấu trúc của đất phát triển và có hạt kết bền vững.
Đất đỏ có phản ứng từ chua đến rất chua chua pHkcl 3,9 - 5,7. Lượng cation kiềm trao đổi từ nghèo đến trung bình (3 - 12 meq/100g đất), dung tích hấp thu trung bình (9 - 17 meq/100g đất). Hàm lượng mùn và đạm tổng số trung bình (1,9 - 2,2% và 0,14 - 0,21%). Lâm tổng số trung bình đến giàu (0,07 - 0,26%). Kali tổng số từ nghèo đến trung bình (0,2 - 0,7%). Lân và kali dễ tiêu đều thấp khoảng 5mg/100g đất.
Đất đỏ là một trong những loại đất tốt ở huyện Minh Hóa thích hợp cho việc trồng các loại cây dài ngày có giá trị kinh tế cao như: cao su, cà phê, cây ăn quả...
Đánh giá chung: Tài nguyên đất huyện Minh Hóa không phong phú về nhóm, loại đất nên quá trình khai thác sử dụng chưa cho phép đa dạng hóa các loại hình sử dụng. Các loại đất trong huyện thích hợp với cây lâm nghiệp, cây ăn quả và các loại cây công nghiệp ngắn ngày. Tuy nhiên, do điều kiện địa hình và đặc điểm khí hậu nên phần lớn đất nghèo dinh dưỡng... Vì vậy để góp phần khai thác tốt nguồn tài nguyên đất đai, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường đòi hỏi phải có sự đầu tư thỏa đáng, đặc biệt là các công trình thủy lợi; đồng thời bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ các dòng chảy tránh xói lở, hạn chế lũ lụt...
3.1.2.2. Tài nguyên nước
Tài nguyên nước của huyện có những hạn chế nhất định và phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, khí hậu hàng năm.
Nguồn nước mặt phụ thuộc chủ yếu vào lượng mưa tự nhiên, một phần được lấy từ Sông Gianh, Sông Rào Nan.... ngoài ra còn có các hồ đập nhỏ khác phục vụ cho sinh hoạt và tưới tiêu của nhân dân, toàn huyện có 8 hồ thủy lợi với tổng trữ lượng
73,03 triệu m3, ngoài ra còn có hồ nước nóng ở xã Tân Hoá dung tích 3 triệu m3. Tuy nhiên, nguồn nước mặt của huyện cũng còn bị hạn chế do mùa mưa lượng mưa lớn gây lũ lụt ngập úng, tuy nhiên về mùa khô lại thường xảy ra hạn hán, khe suối cạn kiệt.
Nguồn nước ngầm ở Minh Hóa chất lượng khá tốt và khá phong phú tuy nhiên phân bố không đều và mức độ nông sâu thay đổi phụ thuộc địa hình và lượng mưa trong mùa. Nguồn nước ngầm ở đây mới chỉ khai thác một lượng nhỏ bằng hình thức giếng đào, giếng khoan để phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, chưa được khai thác để phục vụ sản xuất.
3.1.2.3. Tài nguyên rừng
Theo số liệu thống kê đất đai đến quý IV năm 2017, toàn huyện có 121.208,85 ha đất lâm nghiệp (trong đó đất rừng sản xuất là 54.578,75 ha; đất rừng phòng hộ là 36.060,09 ha; đất rừng đặc dụng là 30.570,01 ha). Tài nguyên rừng của huyện Minh Hóa còn khá lớn về cả diện tích lẫn trữ lượng, phong phú, đa dạng về chủng loại cho phép phát triển công nghiệp chế biến lâm sản tại chỗ. Khí hậu và đất đai Minh Hoá thích hợp để trồng các loại cây lấy gỗ quý, đây chính là một lợi thế, là chỗ dựa giúp huyện trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Song song với công tác trồng mới rừng, địa phương cũng đã giao khoán rừng cho các hộ dân để chăm sóc bảo vệ và khai thác hợp lý, đồng thời tuyên truyền bảo vệ rừng, chú trọng phòng chống cháy rừng, tích cực tuần tra, bảo vệ rừng. Nhờ đó diện tích được cũng cố, bổ sung và chất lượng rừng ngày càng nâng cao.
Trong những năm qua, Ủy ban nhân dân huyện cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức về bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng cho người dân; thành lập tổ công tác liên ngành thực hiện nhiệm vụ điều tra, xác minh các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp và xử lý cây trồng trái phép trên đất rừng bị phá, lấn chiếm trái pháp luật.
3.1.2.4. Tài nguyên khoáng sản
Nguồn khoáng sản của huyện chưa được điều tra thăm dò, nhưng qua thu thập tài liệu từ các đoàn địa chất đã tìm kiếm thăm dò thì trên địa bàn huyện chưa phát hiện các mỏ khoáng sản lớn có giá trị công nghiệp mà chỉ có một số khoáng sản như:
- Than đá: Mỏ than Ba Nương, trữ lượng ước tính 5 - 10 vạn tấn. Do vỉa than chỉ là một lớp kẹp mỏng trong đá trầm tích cổ nên chỉ có thể khai thác thủ công để phục vụ cho sản xuất vật liệu xây dựng, làm chất đốt.
- Đá vôi: Có trữ lượng lớn, chưa được thăm dò nghiên cứu về chất lượng cụ thể.
Hiện nay chỉ khai thác làm vật liệu xây dựng.
- Phốt phorit: Có trữ lượng nhỏ trong các hang động, ước tính 1,5 - 2 vạn tấn, có thể dùng sản xuất phân bón.
3.1.2.5. Tài nguyên nhân văn
Tổng dân số của huyện Minh Hoá có 50.203 người, mật độ dân số bình quân chung toàn huyện là 36 người/km2. Trên địa bàn huyện Minh Hoá có dân tộc Kinh chiếm đa số và các dân tộc ít người Bru - Vân Kiều, Chứt với 6.500 người, tập trung ở các xã biên giới (Dân Hoá, Trọng Hoá, Thượng Hoá và Hoá Sơn). Các tộc người ở huyện Minh Hoá với nhiều bản sắc về văn hoá truyền thống, là vốn quý và hiện đang được quan tâm bảo tồn, lưu giữ.