CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN CỦA CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
Hiện nay hành tinh chúng ta có khoảng 148 km2 nhưng đất canh tác để sản xuất nông lâm nghiệp chỉ có khoảng 27% diện tích tự nhiên (DTTN) [5]. Với trên 900 triệu ha, chiếm khoảng 7% bề mặt trái đất (nếu tính cả những đụn cát di động và cát chảy chiếm tới 10%).
Đối với nhiều nước trên thế giới như Nga, Mỹ, Đức, Hà Lan… người ta sử dụng đất cát ở các vùng thảo nguyên, ven hồ lớn để xây dựng những bãi chăn thả gia súc có giá trị, nhất là đối với ngành nuôi cừu lấy len [19], ở một số vùng khác đất cát ven biển được dùng trồng cây ăn quả như dừa, điều, thanh long, cây có múi, cây dược liệu, trồng rừng nhân tạo.
Đất cát vùng khô hạn có tổng lượng mưa hàng năm nhỏ hơn 300 mm, tại những vùng này thường được sử dụng chủ yếu để chăn nuôi quảng canh theo phương thức du mục. Tuy nhiên, với những nơi có tổng lượng mưa từ 300 – 600 mm, khi gieo trồng các loại cây lấy hạt như dưa, đậu và cây thức ăn cho gia súc được tưới đã cho năng suất khá cao, phương pháp tưới được coi là có hiệu quả nhất thường được sử dụng ở vùng đất cát là tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân liều lượng hợp lý, tưới nước bề mặt không phù hợp do tính thấm cao của cát dẫn đến mất mát nước quá nhiều.
Đất cát ở vùng ôn đới có những hạn chế tương tự đất cát ở vùng khô hạn, tuy nhiên tình trạng khô hạn thường ít trở ngại hơn, phần lớn đất cát ở vùng ôn đới có rừng che phủ (rừng trồng hoặc rừng tự nhiên) thuộc các khu bảo tồn thiên nhiên. Một số diện tích nhỏ được sử dụng cho nông nghiệp để trồng cây ngũ cốc, cây làm thức ăn cho gia súc, trồng cỏ để chăn nuôi và dĩ nhiên để các cây trồng trên có năng suất cao cũng phải sử dụng phương pháp tưới phun bổ sung nhằm ngăn chặn áp lực hạn hán trong những giai đoạn khô hạn.
Khác với đất cát ở vùng khô hạn và vùng ôn đới, đất cát ở vùng nhiệt đới ẩm thường có chất lượng tốt hơn nhiều nếu giữ được lớp phủ thực vật tự nhiên. Vì dinh dưỡng tập trung chủ yếu trong sinh khối của lớp đất mặt 0 – 20 cm nên việc lấy đi lớp phủ thực vật sẽ làm cho đất suy giảm độ phì và không có giá trị kinh tế cũng như sinh
thái. Ở một số nơi đất cát đã được sử dụng để trồng các cây trồng dài ngày như cao su và hồ tiêu; đất cát biển sử dụng để trồng các cây lâu năm như dừa, điều, thông và phi lao với những nơi có nguồn nước ngầm chất lượng tốt ở trong tầng đất mà rễ cây có thể tiếp cận và sử dụng được. Các cây lấy củ cũng thích hợp ở loại đất này vì dễ thu hoạch, nhất là với sắn là cây có thể chịu được những loại có hàm lượng dinh dưỡng thấp. Lạc được trồng ở trên những loại đất cát có tính chất tốt hơn. Như vậy, có thể thấy những nghiên cứu về đất cát ở nước ngoài đã được đề cập đến khá toàn diện từ đặc điểm vật lý đến hóa học, sự khác biệt của đất cát phân bố ở các vùng khí hậu khác nhau, tình hình sử dụng và giải pháp tưới nước phù hợp. Tuy nhiên, ở nhiều nơi trên thế giới việc sử dụng đất cát cho mục đích canh tác trồng trọt không nhiều mà chủ yếu cho phát triển đồng cỏ chăn nuôi hoặc trồng cây làm thức ăn gia súc. Phần lớn đất cát được sử dụng trồng rừng nhằm hạn chế quá trình sa mạc hóa, bảo vệ môi trường.
Việc khai thác sử dụng có hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên ven biển nói chung và tài nguyên đất ven biển nói riêng hiện nay đang trở nên bức xúc, theo báo cáo của Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) sáu phần mười dân số thế giới sống ở vùng ven biển và trong khoảng 20 – 30 năm tới dân số vùng ven biển sẽ tăng gấp đôi, trong đó chủ yếu là nông dân và ngư dân. Ngoài khía cạnh phát triển kinh tế thì ngược lại vấn đề môi trường ngày càng trở nên bức xúc bởi sự xuống cấp của nỏ. Nhiều nhà khoa học của UNEP cảnh báo các nước phải sử dụng kinh nghiệm và kỹ thuật tối ưu có thể có được để quản lý những vùng ven biển bị đe dọa bởi bão lũ, lở đất, sa mạc hóa… [24].
Nói về tình trạng sa mạc hóa, tác giả Nguyễn Ánh Hồng [16], đưa ra một số thông tin cảnh báo: từ năm 2000 đến nay mỗi năm trái đất mất đi 3.436 km2 diện tích canh tác do sa mạc hóa. Những vùng bị là phía Nam sa mạc Sahara, khu vực Gobi (Trung Quốc) mà nguyên nhân chính là trái đất nóng lên, cáp lấp, hạn hán kéo dài.
Từ năm 1950 đến nay diện tích đất canh tác của Trung Quốc bị sa mạc hóa tăng thêm 92.100 km2.
Tại Tây Ban Nha, có 31% diện tích đất canh tác bị đe dọa nguy cơ sa mạc hóa.
1.2.2. Khái quát thực tiễn sử dụng đất cát ven biển ở Việt Nam - Những nghiên cứu về tài nguyên đất cát ven biển
+ Ở Việt Nam đến nay có nhiều công trình nghiên cứu về đất nhưng chủ yếu tập trung vào những nhóm đất như phù sa sông Hồng, ĐBSCL, đất đồi núi, ba zan… Tuy nhiên còn ít công trình nghiên cứu về đất CVB vì từng coi đây là “đất có vấn đề”. Từ năm 1989 trở về trước Việt Nam thiếu lương thực trầm trọng, nên mục tiêu làm nông nghiệp là chủ yếu để đảm bảo lương thực, trong khi đất cát biển ít phù hợp cho cây lúa vẫn phải trồng lúa dù năng suất thấp.
+ Năm 1981, Phan Liêu trong quá trình nghiên cứu về đất cát biển cũng đã đề cập đến một số khía cạnh về phát sinh, xây dựng hệ thống phân loại đất cát ven biển nhưng chưa đi sâu nghiên cứu hiệu quả sử dụng của nhóm đất này [19].
+ Khi tài nguyên đất ngày càng khan hiếm đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp thì việc nghiên cứu khảo sát, mở rộng đất nông nghiệp càng trở nên bức xúc. Đất đồi núi, đất cát ven biển là những loại đất có tiềm năng còn rất lớn về diện tích như đến nay nhiều nơi còn hoang hóa.
+ Cả nước hiện nay diện tích nhóm đất CVB có 479,1 nghìn hectar, tập trung chủ yếu ở 4 vùng; Bắc trung bộ (202,8 nghìn hectar), Nam trung bộ (244,6 nghìn hectar), vùng Đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh (13,7 nghìn hectar), Đông Nam bộ (17,9 nghìn hectar). Như vậy vùng Duyên hải miền Trung là lớn nhất, chiếm tới 93,4% diện tích nhóm đất cát ven biển cả nước [29]. Nhóm đất này được chia các loại:
(i) đất cồn cát trắng, vàng (178,3 nghìn hectar, chiếm 37,2%), phân bố chủ yếu ở các tỉnh ven biển miền Trung, trong đó Bắc Trung Bộ có 93000 ha, Nam Trung Bộ có 82.300 ha và Đông Nam bộ có 2900 ha. (ii) Đất cồn cát đỏ (73.400 ha, chiếm 15,3%), phân bố tập trung tại Bình Thuận và một ít ở tỉnh Ninh Thuận thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. (iii) Đất cát ven biển (227,4 nghìn hectar, chiếm 47,4%), trong đó vùng Bắc Trung Bộ chiếm xấp xỉ 48,5% còn lại là các vùng Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng.
- Những nghiên cứu về phân vùng đất cát ven biển
+ Tác giả Phạm Việt Hoa cùng nhóm nghiên cứu đề tài “Điều tra đánh giá hiện trạng về môi trường sinh thái vùng đất cát và các đầm phá ven biển miền trung nhằm chống sa mạc hóa bảo vệ môi trường phục vụ phát triển kinh tế xã hội” [12], đã đưa ra các vùng sinh thái đất cát ven biển các tỉnh miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) theo lát cắt từ bờ biển vào sâu trong đất liền 4 – 5 km chia thành 3 vùng; vùng ngoài (sát biển), vùng giữa, vùng trong.
(i) Vùng ngoài: sát biển thường gồm các bãi cát, cồn cát di động; khoảng cách từ mép biển vào đất liền khoảng 150 – 200 m. Vùng này tồn tại thực vật chịu gió cát, chịu hạn như me rừng, mẫu đơn, cỏ lông chông, dứa dại. Các loại thực vật chịu hạn có cơ cấu chống mất nước như lá biến thành gai (xương rồng, vợt gai), lá kim (phi lao) hoặc có bộ rễ dài ăn sâu 1 – 2 m trong cát để hút nước sinh tồn.
(ii) Vùng giữa: tiếp theo vùng sát biển và ăn sâu vào đất liền từ 2 – 3 km hoặc vào sâu hơn. Vùng giữa là vùng đã có khá đông dân cư sinh cơ lập nghiệp. Hệ sinh thái phong phú, các cây trồng nông nghiệp như lúa, ngô, lạc đậu, dưa hấu…, cây ăn quả như xoài, dừa. Nhìn chung ở vùng sinh thái này, nạn cát bay, cát nhảy, cát chảy khá trầm trọng nên hướng phát triển các mô hình trồng rừng, nông lâm kết hợp phải được coi trọng.
(iii) Vùng trong: là vùng các bờ biển từ 3 – 5 km trở vào. Đây là nơi tập trung dân cư đông đúc, làng mạc trù phú. Hệ thống cây trồng nông nghiệp phong phú; vùng đất cát cao hoặc vàn cao thường là trồng màu như cây công nghiệp ngắn ngày, rau đậu.
Trên địa hình đất cát vàn, thấp trũng dân trồng lúa, NTTS. Cây dài ngày như xoài, dừa thơm, thanh long, nho… và cây lấy gỗ, nguyên liệu giấy như phi lao, bạch đàn, tràm…
+ Tác giả Nguyễn Võ Linh đã xếp đất cát ven biển vùng BTB thành 2 đơn vị sinh thái nông nghiệp đó là: (i) đơn vị sinh thái nông nghiệp đồng bằng ven biển Thanh – Nghệ - Tĩnh; (ii) đơn vị sinh thái nông nghiệp đồng bằng ven biển Bình – Trị - Thiên.
Cả hai đơn vị sinh thái này với đặc điểm thổ nhưỡng chủ yếu các loại đất cát có tiềm năng khá lớn nhưng hạn chế là dinh dưỡng kém, ảnh hưởng đến sinh trưởng cây trồng và thoái hóa đất (đất cát nhiễm mặn ven biển). Hơn nữa đây là nơi chịu ảnh hưởng của bão, nạn cát bay, cát nhảy (nhất là từ Hà Tĩnh trở vào) gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.
- Những nghiên cứu về sử dụng đất cát ven biển
Hiện nay Việt Nam đã bảo đảm đủ lương thực đáp ứng tiêu dùng trong nước và từ năm 1989 đến nay hàng năm xuất khẩu hàng triệu tấn gạo. Việc nghiên cứu chuyển đổi một phần đất lúa kém hiệu quả sang canh tác cây trồng khác hoặc sang mục đích sử dụng khác là đòi hỏi khác quan của nền kinh tế. Đất cát ven biển đã trở thành đối tượng nghiên cứu cho mục đích chuyển đổi sang các cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế cao hơn hoặc sang NTTS.
+ Mô hình trồng cây hàng năm như: cây lạc xuân trên đất cát ven biển trồng theo phương pháp che phủ nilon ở xã Diễn Quỳnh – huyện Diễn Châu cho giá trị sản lượng đạt từ 18 – 19 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân đạt 12 – 13 triệu đồng/ha. Bông xen dưa hấu trên đất CVB ở huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế đạt giá trị sản lượng 29,36 triệu đồng, trừ chi phí còn lại cho thu nhập 13,32 triệu đồng. Mô hình trồng bông trong mùa mưa (Hòa Thắng, Bắc Bình, Quảng Nam) năng suất thu được từ 10 – 12 tạ bông hạt/ha. Mô hình này thành công sẽ có ý nghĩa lớn cho việc đưa cây bông vào sản xuất đại trà trên đất CVB, đây là cây thay thế nhập khẩu (hiện nay Việt Nam phải nhập khẩu trên 60% bông sợi nguyên liệu cho công nghiệp dệt) [20].
+ Mô hình trồng cây lâu năm trên đất cát ven biển như: cây dừa ở Bến Tre có thể phát triển trên các vùng đất xấu như đất cát nhiễm mặn ven biển cũng mang lại một nguồn thu nhập quan trọng cho nông dân (giá trị sản xuất khoảng 10 triệu đồng/năm.
Cần thiết phải áp dụng giống mới, quy trình kỹ thuật mới để nâng năng suất dừa lên 5 – 6 tấn/ha thì hiệu quả sản xuất dừa sẽ cao hơn. Hiện nay dừa được chế biến với nhiều sản phẩm xuất khẩu [1]. Cây điều ở Bình Định phù hợp với đất đai, khí hậu, thời tiết vùng đất cát ven biển NTB. Trồng giống điều ghép mới cho năng suất tới 1,8 tấn/ha (cao hơn giống cũ 8,445 triệu đồng/ha) [20].
+ Mô hình trồng cỏ kết hợp chăn nuôi: tỉnh Quảng Nam có mô hình khá độc đáo, mô hình nuôi đà điểu của Công ty Khanh Việt. Từ 10 ha đất cát hoang hóa, đã cây dựng thành một trại nuôi đà điểu khép kín để có thể nuôi được 600 con, trong đó 3 ha dùng để trồng cỏ, sản xuất thức ăn. Thịt đà điểu trên thị trường hiện nay giá khoảng 150000 đồng/kg [20].
+ Nuôi trồng thủy sản trên đất cát ven biển: Kết quả khảo sát năm 2002 của Viện Kinh tế, Bộ Thủy sản và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) [40] cho thấy chỉ khoảng 20.000 ha đất CVB miền Trung có khả năng quy hoạch và cải tạo để NTTS. Trong đó, Quảng Bình (4500 ha), Quảng Trị (4000 ha), Quảng Ngãi (4000 ha), Ninh Thuận (1500 ha), Bình Định (1000 – 1300 ha), Hà Tĩnh (1300 ha), Thừa Thiên Huế (600 ha), Phú Yên (250 ha) [39]. Cũng theo kết quả nghiên cứu này, chỉ sau chưa đầy hai năm (đến năm 2002), diện tích nuôi tôm trên cát tại một số tỉnh miền Trung tăng lên rất nhanh: 200 ha ở Ninh Thuận, 60 ha ở Quảng Ngãi, 16 ha ở Thừa Thiên Huế, 14 ha ở Quảng Bình, 6 ha ở Quảng Trị. Năng suất nuôi tôm bình quân mỗi vụ dao động từ 1,72 tấn/ha ở Bình Định, 3 tấn/ha ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, đến 6 tấn/ha ở Ninh Thuận, đem lại thu nhập rất cao. Đến nay đã có một số dự án lớn nuôi tôm trên cát đang triển khai tại miền Trung như:
(i) Dự án 2000 ha phát triển nuôi tôm trên cát và cơ sở hạ tầng dịch vụ liên quan như trại giống và nhà máy chế biến tại 2 huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
(ii) Dự án 2800 ha xây dựng khu nuôi tôm công nghiệp trên cát lớn nhất Việt Nam tại 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
+ Sử dụng đất cát ven biển theo hướng nông – lâm kết hợp [30].
Vùng cát ven biển huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị, trong số 8.020 ha tổng diện tích tự nhiên có đến 4.665 ha là đất cát ven biển (chiếm 58,2%). Ở một số xã ven biển như Triệu An, Triệu Vân, Triệu Trạch, Triệu Lăng hầu như chỉ toàn là đất cát ven biển. Việc nghiên cứu cải tạo khai thác sử dụng đất cát ven biển trong vùng mang ý nghĩa lớn về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt cũng như lâu dài. Trên địa bàn đã xuất hiện một số mô hình như: (i) Theo hướng nông lâm kết hợp, đất cát ven biển được chia ô, lên liếp, gắn với mương tiêu và hệ thống đai rừng chắn gió, giữ ẩm, trồng các cây chịu hạn như ớt, dưa hấu, khoai lang. Sau khi đất tương đối thuộc có thể tổ chức canh tác theo công thức luân canh: lúa vãi + cây gia vị (hành tây, ớt…) + dưa hấu hoặc khoai lang. (ii) Phát triển kinh tế vườn, tại một số khu dân cư mới hình thành trồng cây ăn quả như mãng cầu xiêm, chanh, táo, bưởi, dừa. Một số hộ còn trồng cỏ chịu hạn làm thức ăn chăn nuôi bò.
- Nghiên cứu về cảnh báo môi trường khu sử dụng đất cát ven biển.
+ Tác giả Nguyễn Văn Toàn trong đề tài nghiên cứu nhận xét [27]: bên cạnh lợi ích kinh tế - xã hội trước mắt của nghề nuôi tôm trên cát, đặc biệt là quy mô lớn, vẫn còn tiềm ẩn một số vấn đề về môi trường. Ví dụ, nếu việc khai thác nước ngầm để nuôi tôm trên cát quá giới hạn cho phép có thể dẫn đến sụt lở địa tầng, cạn kiệt nguồn nước ngầm ngọt, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt của nhân dân và cho sản xuất nông nghiệp tại các khu vực lân cận.
+ Rừng phòng hộ (thường là trồng phi lao) đối với vùng bờ cát có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là giải pháp hữu hiệu và mang tính truyền thống ở nước ta để chống cát bay, cát nhảy và bão cát, tạo cảnh quan đẹp cho vùng bờ cát ở các xứ nóng như miền Trung. Nhưng những dải rừng như vậy đang bị ảnh hưởng và chết dần do nguồn nước ngầm nuôi cây đã bị hút cạn kiệt chủ yếu do nuôi tôm trên cát [28].
Tóm lại: các công trình nghiên cứu vừa nêu đã phản ánh khá rõ nét đặc thù của đất cát ven biển nhưng chủ yếu là những nghiên cứu về tính chất, những yếu tố tự nhiên vùng cát ven biển. Tuy nhiên những nghiên cứu có tính chất tổng hợp về sử dụng và hiệu quả sử dụng đất cát ven biển hầu như được đề cập chưa saai, nhất là những giải pháp sử dụng để đạt hiệu quả và bền vững. Đây cũng là mảng nội dung nghiên cứu mà đề tài này đề cập.