CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. ĐÁNH GIÁ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ XÃ HỘI CỦA VÙNG ĐẤT CÁT VEN BIỂN HUYỆN THẠCH HÀ
3.1.1. Điều kiện tự nhiên
3.1.1.1. Vị trí địa lý
Vùng đất cát ven biển huyện Thạch Hà là vùng đất nằm ở phía đông huyện Thạch hà bao gồm 5 xã Thạch Hải, Thạch Lạc, Thạch Trị, Thạch Văn và Thạch Hội.
- Phía Bắc giáp xã Thạch Kim của huyện Lộc Hà;
- Phía Nam giáp xã Cẩm Hòa của huyện Cẩm Xuyên;
- Phía Tây giáp các xã Thạch Bàn, Thạch Đỉnh, Thạch Khê, Thạch Thắng, Tượng Sơn của huyện Thạch Hà;
- Phía Đông giáp Biển Đông.
Hình 3.1. Sơ đồ vị trí của huyện Thạch Hà
Vùng đất cát ven biển huyện Thạch Hà cách trung tâm huyện Thạch Hà khoảng 15km và các trung tâm thành phố Hà Tĩnh khoảng 12 km.
Tổng diện tích tự nhiên toàn vùng cát là 5840,15 ha, trong đó xã có diện tích lớn nhất là xã Thạch Hải với diện tích 1387,28 ha, xã có diện tích nhỏ nhất là xã Thạch Hội với diện tích 1070,37 ha.
3.1.1.2. Địa hình, thổ nhưỡng
Vùng đất cát ven biển huyện Thạch Hà gồm 5 xã là dải đồng bằng ven biển hẹp với 5840,15 ha diện tích đất tự nhiên, diện tích đất sản xuất nông nghiệp 2421,42ha chủ yếu là đất pha cát nặng, bãi cát, cồn cát và đất phèn mặn. Vùng đất cát ven biển huyện Thạch Hà bị chia cắt bởi những khe suối nhỏ và có hướng nghiêng từ Tây sang Đông. Đặc biệt, ở trên địa bàn xã Thạch Hải có dãy núi Nam giới nằm sát biển gắn liền với nhiều dấu ấn lịch sử của đất nước. Nơi đây có khu du lịch sinh thái Quỳnh Viên và đền thờ Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi – một vị tướng trấn giữ vùng ven biển Nghệ An và Hà Tĩnh thời hậu Lê. Sản xuất nông nghiệp ở đây không chủ động tưới tiêu, chủ yếu trồng rau, màu, một số ít trồng lúa 1 vụ. Phần lớn diện tích các xã ở đây trồng rừng phi lao xen keo với mục đích chắn cát bay, cát nhảy.
3.1.1.3. Khí hậu
Khí hậu vùng ven đất cát ven biển huyện Thạch Hà nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, có khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, mang tính chất chuyển tiếp giữa khí hậu miền Bắc và khí hậu miền Nam.
Với đặc trưng khí hậu nhiệt đới điển hình của miền Nam và Á nhiệt đới có mùa đông lạnh của miền Bắc, khí hậu vùng ven biển Thạch Hà có 2 mùa khá rõ rệt: mùa hè từ tháng 4 đến tháng 10 thường nóng và khô hạn kéo dài kèm theo nhiều đợt gió tây (gió lào) khô nóng, nhiệt độ có thể lên đến trên 400C, bốc thoát hơi nước tiềm năng đạt từ 184,0 đến 228,8mm/tháng. Từ cuối tháng 7 đến tháng 10 thường có nhiều đợt bão kèm theo mưa lớn gây ngập úng, lượng mưa lớn nhất đạt tới 500 mm/ngày đêm. Mùa đông từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, thường có gió mùa đông bắc lạnh kèm theo mưa phùn, nhiệt độ có thể xuống dưới 70C. Nhiệt độ trung bình năm 23,80C, tổng lượng mưa hàng năm là 2642,3 mm, tổng giờ nắng hàng năm là 1662,6 giờ.
3.1.1.4. Chế độ thủy văn
Do gần cửa biển nên khi mưa lớn, kéo dài thì thường bị ngập úng trong thời gian ngắn. Vùng sát biển thường gặp chế độ triều cường vụ sản xuất hè thu, nước mặn theo các khe lạch đi sâu vào gây nhiễm mặn nhiều diện tích đất, ảnh hưởng đến việc lấy nước ngọt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
3.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội
3.1.2.1. Dân số, lao động
Theo số liệu thống kê năm 2016 của Chi cục Thống kê huyện Thạch Hà thì vùng ven biển huyện Thạch Hà có 5.343 hộ, trong đó xã có số hộ nhiều nhất là xã Thạch Lạc với 1274 hộ, xã có số hộ ít nhất là xã Thạch Hải với 960 hộ. Tổng dân số toàn vùng là 19.211 người, trong đó dân số nữ là 10.110 người, chiếm 52,63%. Nhìn chung thì dân số trên địa bàn nghiên cứu tăng không quá nhanh, đồng thời số nhân khẩu tính trung bình cho một hộ khá thấp. Mật độ dân số đạt 328,9 người/km2. Số người có việc làm là 10.886 người chiếm 17,11% so với toàn huyện. Số người thất nghiệp là 98 người, chiếm 17,16% so với toàn huyện và số người không tham gia hoạt động kinh tế là 2326 người, chiếm 18,04% so với toàn huyện.
Nhìn chung, dân số của vùng ven biển huyện Thạch Hà khá trẻ, nguồn lao động dồi dào. Tuy nhiên, phần lớn lực lượng lao động trẻ còn đi học, tìm kiếm việc làm trong và ngoài nước. Lực lượng lao động sản xuất nông nghiệp chiếm 53,67%. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp ở vùng ven biển huyện Thạch Hà mang tính thời vụ, thu nhập thấp, thời gian rảnh rỗi nhiều mà không có việc làm nên cần phải tăng cường công tác đào tạo và phát triển ngành nghề để tạo việc làm cho người lao động. Mức thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 19,67 triệu đồng/người, đời sống của dân cư được cải thiện đáng kể.
Bảng 3.1. Dân số và lao động vùng ven biển huyện Thạch Hà
Chỉ tiêu Vùng
ven biển
Toàn
huyện Tỷ lệ (%) 1. Tổng số dân trong độ tuổi lao động 13.310 77.070 17,27
2. Số người có việc làm 10.886 63.609 17,11
3. Số người thất nghiệp 98 571 18.11
4. Số người không tham gia hoạt động
kinh tế 2.326 12.890 18,04
Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo phòng LĐTB&XH huyện Thạch Hà 3.1.2.2. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật
Trong những năm qua hệ thống giao thông trên địa bàn vùng nghiên cứu được quan tâm đúng mức, đầu tư nâng cấp 31 km đường liên huyện, liên xã, thực hiện tốt chương trình giao thông nông thôn. Các tuyến giao thông chính trên địa bàn có tổng
chiều dài trên 50km, gồm tuyến đường quốc phòng ven biển dài hơn 20km, tuyến đường nối liền từ bãi tắm Thạch Hải đến trung tâm thành phố Hà Tĩnh dài hơn 15km và nhiều tuyến đường nối liền các xã với nhau… tạo điều kiện đi lại thuận lợi, giúp phát triển kinh tế - xã hội và điều kiện dân sinh.
3.1.3. Đánh giá chung về những ưu thế và hạn chế của vùng nghiên cứu
Vùng ven biển huyện Thạch Hà là vùng có vị trí thuận lợi về giao thông, đặc biệt là giao thông đường thủy. Nguồn lao động trẻ, dồi dào, trình độ dân trí khá, có khả năng tiếp thu nhanh tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới. Tuy nhiên, nền kinh tế của vùng ven biển huyện Thạch Hà còn mang tính sản xuất nhỏ, khả năng nguồn vốn tại chỗ hạn hẹp, phát triển công nghiệp trên địa bàn như khai thác và bán khoáng sản thô (Titan, sắt Thạch Khê); công nghiệp chế biến chưa có; du lịch, dịch vụ mới đang là tiềm năng như vùng sinh thái Quỳnh Viên, các đền chùa... chưa được khai thác.
Tài nguyên đất của vùng ven biển huyện Thạch Hà khá hạn hẹp. Đất cát pha vùng ven biển có địa hình thấp trũng, thích hợp để nuôi trồng thủy sản, sản xuất các loại cây rau màu có tính chịu hạn cao. Tuy nhiên,vào mùa khô hạn, do ảnh hưởng của gió Lào khô, nóng nhiều loại cây trồng gặp hạn hán nghiêm trọng, sinh trưởng, phát triển kém, năng suất thấp. Những năm thời tiết nắng nóng khắc nghiệt sản xuất nông nghiệp bị thất thu hoàn toàn. Trong mùa mưa với lượng mưa lớn, kết hợp với địa hình phức tạp nên dễ bị úng lụt trên quy mô lớn, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.
Hiện nay, vùng ven biển huyện Thạch Hà đã có cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất khá đầy đủ, ngành nông nghiệp có bước chuyển biến tích cực, công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp đang được đẩy mạnh, giá trị sản xuất nông nghiệp trên một ha canh tác luôn được nâng cao. Tuy nhiên, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng diễn ra còn chậm, việc xác lập phương hướng và kế hoạch sản xuất chưa thật phù hợp với điều kiện sinh thái và nhu cầu của thị trường. Sản xuất nông nghiệp bởi chú trọng về vấn đề an ninh lương thực do đó nhiều loại nông sản tăng nhanh về khối lượng nhưng giá trị hàng hóa không cao, sức tiêu thụ chưa mạnh.
Mức độ đầu tư thâm canh của nông dân chưa đồng đều, quá thấp so với nhu cầu của cây trồng trên vùng đất đó. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất cũng như trình độ bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn nhiều hạn chế, phần lớn làm theo kinh nghiệm. Quy mô sản xuất còn nhỏ, phân tán, các vùng sản xuất manh mún không tập trung nên chưa tạo ra những mặt hàng nông sản với số lượng lớn, giá trị kinh tế cao để chiếm lĩnh thị trường trong nước hoặc xuất khẩu, ngoài trừ mặt hàng lạc vỏ.