2.1. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU
Đất sản xuất nông nghiệp và hiệu quả của các kiểu sử dụng đất sản xuất nông nghiệp tại vùng đất cát ven biển huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
2.2. PHẠM VI NGHIÊN CỨU
- Phạm vi không gian: Đề tài được tiến hành tại 2 xã bao gồm xã Thạch Văn và xã Thạch Hội, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
- Phạm vi thời gian: số liệu đề tài được thu thập trong khoảng thời gian từ năm 2015-2017.
2.3. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
- Nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của vùng đất cát ven biển huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
- Quy mô phân bố và hiện trạng sử dụng đất tại vùng đất cát ven biển huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
- Thực trạng sử dụng đất sản xuất nông nghiệp vùng nghiên cứu.
- Đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường của việc sử dụng đất sản xuất nông nghiệp vùng đất cát ven biển huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
- Đề xuất một số kiểu sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao ở vùng đất cát ven biển huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
- Đề xuất các giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp vùng đất cát ven biển
2.4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.4.1. Phương pháp thu thập số liệu
- Nguồn số liệu thứ cấp: Thu thập tư liệu, số liệu có sẵn từ các cơ quan nhà nước, phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng NN & PTNT, phòng Thống kê,... Tiến hành điều tra bổ sung ngoài thực địa để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và chuẩn hoá các số liệu.
- Nguồn số liệu sơ cấp:
Chọn 2 xã đại diện cho vùng nghiên cứu bao gồm xã Thạch Văn và xã Thạch Hội.
Thu thập số liệu sơ cấp bằng phiếu điều tra, phỏng vấn nông hộ: Điều tra 30 hộ sản xuất nông nghiệp/xã, tổng số 60 hộ điều tra. Hộ điều tra được chọn ngẫu nhiên từ danh sách hộ của xã. Nội dung điều tra theo phiếu như trình bày ở phần phụ lục.
2.4.2. Phương pháp thống kê, xử lý số liệu:
Các số liệu được thống kê được xử lý bằng phần mềm EXCEL. Kết quả được trình bày bằng các bảng biểu số liệu, bản đồ và biểu đồ.
2.4.3. Phương pháp đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp:
Trên cơ sở số liệu tài liệu thu thập được, chúng tôi tiến hành tổng hợp, phân thành nhiều loại khác nhau: loại cây trồng, các khoản chi phí,... Và xây dựng các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng đất, bao gồm:
* Hiệu quả kinh tế: Tính trên 1 ha/ năm
Để tính hiệu quả sử dụng đất trên 1 ha của các LUT, sử dụng hệ thống các chỉ tiêu sau:
- Chi phí sản xuất (CPSX): là toàn bộ chi phí vật chất và công lao động thuê ngoài trong quá trình sản xuất (không tính công lao động gia đình) của loại hình sử dụng đất trong 1 năm trên 1 ha đất.
- Chi phí trung gian (CPTG) là tổng các chi phí vật chất ( giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khấu hao dụng cụ…và các chi phí khác ngoài công lao động gia đình).
- Giá trị sản xuất (GTSX): là toàn bộ giá trị sản phẩm mà loại hình sử dụng đất thu được trong 1 năm trên 1 ha được tính bằng sản lượng * giá bán sản phẩm.
GTSX = giá bán sản phẩm * sản lượng
- Thu nhập hỗn hợp (TNHH): được tính bằng hiệu số giữa giá trị sản xuất và chi phí sản xuất.
TNHH= GTSX - CPTG - Giá trị ngày công lao động (GTNC):
GTNC= TNHH/ số công lao động
- Hiệu quả sử dụng đồng vốn (HQĐV) = thu nhập hỗn hợp trên 1 đơn vị chi phí sản xuất.
HQĐV= TNHH/CPTG
* Hiệu quả xã hội:
Đánh giá hiệu quả xã hội là chỉ tiêu khó định lượng, trong phạm vi nghiên cứu của đề tài chúng tôi chỉ đề cập đến một số chỉ tiêu sau:
- Đảm bảo an toàn, an ninh lương thực, tăng thu nhập, tăng giá trị sản xuất cho người dân.
- Khả năng thu hút lao động, giải quyết việc làm cho người sản xuất.
- Mức độ chấp nhận loại hình sử dụng đất của người dân thể hiện ở mức độ đầu tư, ý định chuyển đổi cây trồng.
* Hiệu quả môi trường:
- Khả năng duy trì và cải thiện độ phì đất (như khả năng che phủ đất, giữ ẩm, trả lại cho đất tàn dư thực vật …)
- Mức độ sử dụng phân bón và các loại thuốc bảo vệ thực vât.