CHƯƠNG 2: LÝ THUYẾT VÀ TỔNG QUAN CÁC NGHIÊN CỨU TRƯỚC
2.3 Tổng quan các nghiên cứu trước và đề xuất lý thuyết nghiên cứu của tác giả
2.3.2 Thành phần của Hội đồng Quản trị
Sự độc lập của các thành viên trong HĐQT thực tế là một chủ đề trung tâm trong quản trị. Các nghiên cứu về quản trị công ty không cung cấp bằng chứng thuyết phục về vai trò của thành viên HĐQT độc lập. Một số tài liệu nghiên cứu lập luận rằng sự hiện diện của các thành viên độc lập trong Hội đồng quản trị có khuynh hướng giảm bớt xung đột lợi ích và hiệu quả hơn trong việc giảm vấn đề đại diện. Rosenstein và Wyatt (1990) cho rằng giá cổ phiếu phản ứng cùng chiều (+) với việc bổ nhiệm các thành viên HĐQT độc lập. Klein (2002) lập luận rằng chất lượng các khoản thu nhập gia tăng với tỷ trọng thành viên HĐQT độc lập. Nguyen và Nielsen (2010) cho rằng giá cổ phiếu giảm xuống sau những cái chết bất ngờ của
thành viên HĐQT độc lập. Một xu hướng nghiên cứu khác cho rằng khi các thành viên HĐQT độc lập gia tăng chất lượng kiểm soát, họ có thể sẽ thiếu hiểu biết đầy đủ về đặc điểm cụ thể của công ty nên sẽ dẫn đến ra quyết định không tối ưu (như Adams và Mehran, 2003, Raheja, 2005, Harris và Raviv, 2008). Hermalin và Weisbach (2003), Coles và cộng sự (2008) không tìm thấy tác động đáng kể nào về mặt thống kê của số lượng/ tỷ lệ phần trăm thành viên HĐQT bên ngoài lên hiệu quả hoạt động. Agrawal và Knoeber (1996) chỉ ra rằng sự hiện diện của thành viên HĐQT độc lập làm giảm giá trị công ty. Do vậy, tác giả đưa ra giả thuyết nghiên cứu là:
H2: Thành viên HĐQT độc lập có mối quan hệ ngược chiều (-) với hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
Ngày càng nhiều nghiên cứu xem xét vai trò của sự kết nối chính trị trong một nền kinh tế quá độ và tìm ra kết quả về tác động đáng kể của nó lên giá trị công ty.
Firth và cộng sự (2009) mở rộng nghiên cứu đối với ngành ngân hàng ở Trung Quốc và tìm thấy rằng sự kết nối chính trị ảnh hưởng đến quyết định cho vay của các ngân hàng đối với khu vực tư nhân. Nhưng lại có rất ít nghiên cứu điều tra về sự kết nối chính trị của các thành viên HĐQT, trừ một ngoại lệ đáng chú ý là công trình của Boubakri và cộng sự (2008). Bằng việc sử dụng mẫu nghiên cứu gồm 245 công ty phi ngân hàng trên 41 quốc gia, nghiên cứu cho thấy rằng các công ty mới cổ phần hóa gần đây mà vẫn duy trì sự kết nối chính trị thông qua Hội đồng quản trị hoạt động kém hơn các đối tác không kết nối chính trị của họ. Một loạt các cải cách đã được giới thiệu với mục tiêu chuyển đổi ngành ngân hàng Trung Quốc từ một hệ thống được chính phủ kiểm soát hoàn toàn thành một hệ thống thương mại theo định hướng thị trường. Tuy nhiên, các thành viên HĐQT có kết nối chính trị có thể giảm hiệu quả của việc cải cách. Các thành viên HĐQT có kết nối chính trị cho phép chính phủ can thiệp nhiều hơn vào việc ra quyết định của ngân hàng và có các cơ chế khuyến khích ngân hàng này thực hiện các mục tiêu của chính phủ. Các ngân hàng với thành viên HĐQT có kết nối chính trị có nhiều khả năng sẽ theo đuổi mục
tiêu chính trị và xã hội bằng chi phí ngân hàng, điều này sẽ gây bất lợi cho hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Do vậy, tác giả đưa ra giả thuyết nghiên cứu là:
H3: Thành viên HĐQT có kết nối chính trị có mối quan hệ ngược chiều (-) với hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
Thành viên HĐQT là người nước ngoài có thể mang lại công nghệ mới và kỹ thuật quản lý hiện đại, tăng cường quản trị công ty, phát huy tốt hơn việc giám sát và sau đó nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty. Bằng việc sử dụng mẫu nghiên cứu các công ty có trụ sở ở Na-Uy hay Thụy Điển, Oxelheim và Randoy (2003) cho rằng công ty sẽ có giá trị cao hơn đáng kể nếu có thành viên HĐQT là người nước ngoài (Anh, Mỹ), Berger và cộng sự (2009) cho rằng một cơ chế mà qua đó thiểu số công ty có sở hữu nước ngoài có thể làm tăng hiệu quả của các ngân hàng Trung Quốc, cử đại diện tham giao vào HĐQT và “tận dụng” vị trí để giám sát và cải thiện công tác quản trị của ngân hàng. Vì vậy, sự hiện diện của thành viên HĐQT là người nước ngoài có thể cải thiện hiệu quả hoạt động và chất lượng tài sản các ngân hàng ở Trung Quốc. Do vậy, tác giả đưa ra giả thuyết nghiên cứu là:
H4: Thành viên HĐQT là người nước ngoài có mối quan hệ cùng chiều (+) với hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
Thành viên HĐQT lớn tuổi có thể thiếu động lực, năng lượng và kiến thức cần thiết để chủ động kiểm soát và tư vấn cho Ban Giám đốc. Core và cộng sự (1999) đã nghiên cứu và ra kết quả rằng thành viên HĐQT là người bên ngoài mà lớn hơn 69 tuổi đồng nghĩa với hệ thống quản trị công ty yếu hơn và sẽ chi trả cho Ban Giám đốc còn nhiều hơn. Với tốc độ cải cách và chuyển đổi nhanh chóng của ngành ngân hàng ở Việt Nam, tác giả dự đoán có mối liên hệ tương tự giữa thành viên HĐQT là người lớn tuổi và hiệu quả hoạt động của ngân hàng (hiệu quả kém và chi phí nhiều). Do vậy, tác giả đưa ra giả thuyết nghiên cứu là:
H5: Thành viên HĐQT lớn tuổi có mối quan hệ ngược chiều (-) với hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
Tỷ lệ thành viên HĐQT là nữ hay sự đa dạng giới tính trong HĐQT thời gian gần đây đã trở thành một chủ đề trong cải cách quản trị toàn thế giới. Adams và Ferreira (2009) đã nỗ lực đầu tiên để xem xét vai trò của thành viên HĐQT là nữ.
Họ cho rằng thành viên HĐQT là nữ có thành tích tham dự tốt hơn các thành viên HĐQT là nam và có nhiều khả năng tham dự vào các Ủy ban giám sát. Tuy nhiên, bằng chứng về cách mà sự đa dạng giới tính tác động vào hiệu quả hoạt động của công ty là khác nhau. Sự đa dạng giới tính cải thiện hiệu quả hoạt động ở các công ty mà hệ thống quản trị yếu kém, được đo bằng khả năng để chống lại việc mua bán, sáp nhập nhưng giảm giá trị của các cổ đông ở các công ty có hệ thống quản trị mạnh. Sự tác động của các thành viên HĐQT là nữ vào hiệu quả hoạt động của ngân hàng trở thành một câu hỏi mở. Trong bài nghiên cứu của mình, tác giả đưa ra giả thuyết nghiên cứu là:
H6: Thành viên HĐQT là nữ có mối quan hệ cùng chiều (+) với hiệu quả hoạt động của ngân hàng.