CHƯƠNG 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
4.5 Thảo luận kết quả về mối quan hệ giữa các đặc tính HĐQT và hiệu quả hoạt động của các NHTM cổ phần Việt Nam
Nhìn chung, các kết quả hồi quy bằng phương pháp GMM được trình bày ở Bảng 4.6, Bảng 4.7 hỗ trợ giả thuyết cho rằng các thành viên HĐQT đóng vai trò quan trọng trong các ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam. Cụ thể:
Các cuộc họp của HĐQT có mối liên hệ ngược chiều (-) với hiệu quả hoạt động của ngân hàng ở mức ý nghĩa 1% (đại diện bởi biến ROA, biến Preprovision profit ratio). Hệ số hồi quy giữa biến Meeting với ROA qua các mô hình 1 đến mô hình 6 dao động trong khoảng từ 0.026 đến 0.032 cho biết khi các cuộc họp HĐQT càng tăng hoặc giảm 1% thì tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản sẽ giảm hoặc tăng dao động trong khoảng từ 0.026% đến 0.032%. Hệ số hồi quy giữa biến Meeting với Preprovision profit ratio là 0.03516 cho biết khi các cuộc họp HĐQT càng tăng hoặc giảm 1% thì tỷ lệ lợi nhuận trước dự phòng sẽ giảm hoặc tăng 0.03516%. Như vậy, từ thực tiễn Việt Nam, kết quả hồi quy này đã chứng minh cho giả thuyết nghiên cứu 8 (H8: Các cuộc họp HĐQT có mối quan hệ ngược chiều với hiệu quả hoạt động của ngân hàng). Thông thường, các cuộc họp sẽ có tác động tích cực đối với hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của tác giả đối với các NHTM cổ phần ở Việt Nam cho kết quả ngược lại. Đây là một điểm mới so với các nghiên cứu trước đó, tuy nhiên kết quả nghiên cứu của tác giả ủng hộ kết quả nghiên cứu của Vafeas (1999) cho rằng tần suất các cuộc họp HĐQT có ý nghĩa tiêu cực (-) đến hiệu quả hoạt động, điều này có thể là kết quả của cuộc họp HĐQT thường xuyên hơn để giải quyết hiệu quả hoạt động kém. Có thể do trong giai đoạn 2006- 2016, các NHTM cổ phần tại Việt Nam họp nhiều nhưng để giải
quyết tình hình hoạt động kém. Số lượng các cuộc họp nhiều nhưng không có chất lượng do các thành viên HĐQT đóng vai trò tiên phong trong các cuộc họp thảo luận và trao đổi ý kiến về cách làm thế nào để giám sát và tư vấn cho Ban điều hành để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Nhưng do số lượng các cuộc họp quá nhiều nên các thành phần dự họp không có thời gian để chuẩn bị tốt tài liệu để có những ý kiến, đề xuất để giải quyết vấn đề hiệu quả. Thực tế, thời gian qua, các ngân hàng Việt Nam cũng hoạt động không tốt nên ngân hàng nhà nước phải tiến hành tái cơ cấu các tổ chức tín dụng nhằm giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống ngân hàng cũng giải thích phần nào cho kết quả nghiên cứu của tác giả. Tuy nhiên, do chỉ nghiên cứu tại 26 NHTM cổ phần Việt Nam trong giai đoạn 2006- 2016 nên chưa thể đưa ra kết luận là các cuộc họp càng thường xuyên sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động của ngân hàng nói chung. Vì vậy, điểm cần lưu ý chính trong kết quả nghiên cứu là mối quan hệ ngược chiều (-) giữa các cuộc họp HĐQT với hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
Quy mô HĐQT có mối liên hệ ngược chiều (-) với hiệu quả hoạt động của ngân hàng ở mức ý nghĩa 5% (đại diện bởi biến ROA, biến Preprovision profit ratio) là minh chứng cho giả thuyết 1 (H1: Quy mô HĐQT có mối quan hệ ngược chiều với hiệu quả hoạt động của ngân hàng). (ngoại trừ trường hợp hồi quy ROA với các biến đặc tính HĐQT BoardSize, Meetings, Duality, IndepDirector, BusyDirector là không có mối quan hệ có ý nghĩa thống kê). Hệ số hồi quy giữa biến BoardSize với ROA qua các mô hình 1 đến mô hình 6 dao động trong khoảng từ 0.072 đến 0.090 cho biết khi quy mô HĐQT càng tăng hoặc giảm 1% thì tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản sẽ giảm hoặc tăng dao động trong khoảng từ 0.072% đến 0.090%. Hệ số hồi quy giữa biến BoardSize với Preprovision profit ratio là 0.11493 cho biết khi quy mô HĐQT càng tăng hoặc giảm 1% thì tỷ lệ lợi nhuận trước dự phòng sẽ giảm hoặc tăng 0.11493%. Kết quả nghiên cứu này của tác giả ủng hộ kết quả nghiên cứu của Jensen (1993) cho rằng HĐQT của công ty lớn thường ít hiệu quả hơn do các vấn đề về hợp tác, kiểm soát và sự linh hoạt trong việc ra quyết định, hoặc gây ra sự kiểm soát quá mức đối với các Tổng Giám đốc (CEOs).
Yermack (1996) và Eisenberg và cộng sự (1998) cho rằng các công ty có quy mô Hội đồng quản trị nhỏ có kết quả kinh doanh vượt trội hơn. Và kết quả nghiên cứu của Qi Liang, Pisun Xu, Pornsit Jiraporn (2013) cho rằng HĐQT với quy mô lớn đại diện cho việc quản trị không hiệu quả và có ảnh hưởng bất lợi đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu của tác giả ủng hộ kết quả nghiên cứu của Võ Hồng Đức và Phan Bùi Gia Thủy (2013) và PGS, TS.Phạm Hữu Hồng Thái, Phan Thị Mỹ Kiều (2018) cho rằng quy mô HĐQT có mối quan hệ ngược chiều với giá trị DN. Như vậy, thực tiễn trên thế giới và Việt Nam đều thống nhất với quan điểm cho rằng quy mô HĐQT càng lớn sẽ khó khăn cho việc truyền đạt thông tin và không linh hoạt trong việc ra quyết định do nhiều thành viên HĐQT sẽ có nhiều quan điểm, do đó dễ dẫn đến bất đồng, không hợp tác và khó khăn thống nhất trong việc ra quyết định. Kết quả nghiên cứu của tác giả có ý nghĩa đóng góp vào thực tiễn tại Việt Nam.
Thành viên HĐQT lớn tuổi có mối quan hệ ngược chiều (-) với hiệu quả hoạt động của ngân hàng ở mức ý nghĩa 10% (đại diện bởi biến ROA) là minh chứng cho giả thuyết nghiên cứu 5 (H5: Thành viên HĐQT lớn tuổi có mối quan hệ ngược chiều với hiệu quả hoạt động của ngân hàng). Hệ số hồi quy giữa biến OldDirector với ROA là 0.03197 cho biết thành viên HĐQT lớn tuổi càng tăng hoặc giảm 1% thì tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản sẽ giảm hoặc tăng 0.03197%. Kết quả nghiên cứu này của tác giả ủng hộ kết quả nghiên cứu của Core và cộng sự (1999) cho rằng thành viên HĐQT mà lớn hơn 69 tuổi đồng nghĩa với hệ thống quản trị công ty yếu hơn và sẽ chi trả cho Ban Giám đốc còn nhiều hơn, hay nghiên cứu của Fahlenvrach (2009), Li và Srinivasan (2011) cho rằng tuổi của CEO gia tăng sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động của công ty. Tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu của tác giả giống với kết quả nghiên cứu của Phan Bùi Gia Thúy, Trần Đức Tài (2017), cho rằng tồn tại hiệu ứng biên giảm dần của ROA khi gia tăng thành viên HĐQT lớn tuổi. Nguyên nhân là do thành viên HĐQT lớn tuổi có ưu điểm là nhiều kinh nghiệm quản lý nhưng cũng có khuynh hướng bảo thủ và độc đoán dẫn đến ra quyết định tiềm ẩn nhiều rủi ro do đó có tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động. Trong
khi các nhà quản lý trẻ tuổi có khuynh hướng sáng tạo và chấp nhận đổi mới, kỹ năng và nắm bắt vấn đề nhanh nhạy nên dễ tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động hơn. Kết quả nghiên cứu của tác giả vì vậy có ý nghĩa đóng góp thêm vào các nghiên cứu tại Việt Nam.
Việc Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm chức danh TGĐ có mối quan hệ ngược chiều (-) với hiệu quả hoạt động của ngân hàng ở mức ý nghĩa 5% (đại diện bởi biến ROA) là minh chứng cho giả thuyết nghiên cứu 7 (H7: Việc chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm chức danh TGĐ có mối quan hệ ngược chiều với hiệu quả hoạt động của ngân hàng). Hệ số hồi quy giữa biến Duality với ROA là 0.48939 cho biết việc Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm chức TGĐ của doanh nghiệp khác càng tăng hoặc giảm 1%
thì tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản sẽ giảm hoặc tăng 0.48939%. Kết quả nghiên cứu này của tác giả ủng hộ kết quả nghiên cứu của Jensen (1993) lập luận rằng việc Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm chức danh TGĐ hay bổ nhiệm kép của chủ tịch HĐQT và TGĐ, tập trung quá nhiều quyền lực vào một cá nhân có thể là nguyên nhân của việc ra quyết định không đem lại lợi ích tốt nhất đối với các cổ đông thiểu số.
Yermack (1996) cho rằng việc Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm TGĐ giảm đi sự độc lập của HĐQT. Trong ngành ngân hàng, Pi và Timme (1993) cho rằng hiệu quả chi phí và lợi nhuận trên tổng tài sản thấp hơn khi TGĐ đóng vai trò như Chủ tịch HĐQT trong ngành ngân hàng Mỹ. Tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu của tác giả ngược với kết quả nghiên cứu của Pham và ctg (2015) và Phan Bùi Gia Thúy, Trần Đức Tài (2017), cho thấy những công ty tồn tại quyền kiêm nhiệm sẽ có hiệu quả hoạt động cao hơn so với công ty không có cấu trúc này. Lý giải kết quả này có thể dựa trên nghiên cứu của Truong và ctg (1998). Các tác giả cho rằng có sự khác biệt về phong cách lãnh đạo ở Việt Nam so với quốc tế được gọi là văn hóa “khoảng cách quyền lực cao”. Do đó, kết quả nghiên cứu của tác giả có đóng góp mới vào các nghiên cứu tại Việt Nam. Và kết quả này phần nào phản ánh thực trạng tình hình hoạt động của ngành ngân hàng Việt Nam hiện nay, góp phần giúp các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam ban hành, sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan nhằm đảm bảo an toàn hoạt động cho hệ thống ngân hàng Việt
Nam. Thời gian gần đây, NHNN đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng trong đó nâng cao năng lực quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng , hạn chế, ngăn ngừa việc lạm quyền quản trị, điều hành để phục vụ cho các lợi ích liên quan. Theo đó, từ 15/01/2018 thì Chủ tịch HĐQT, TGĐ của tổ chức tín dụng không được đồng thời là chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, chủ tịch HĐ thành viên, chủ tịch công ty, TGĐ, phó TGĐ hoặc các chức danh tương đương của DN khác. Điều này có nghĩa là các lãnh đạo ngân hàng sẽ phải lựa chọn một là làm chủ ngân hàng, hai là làm chủ doanh nghiệp. Đây là một bước tiến mới nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo, đảm bảo minh bạch, an toàn trong hoạt động của toàn hệ thống tổ chức tín dụng trong tình hình mới. Như vậy, kết quả nghiên cứu của tác giả cho rằng việc Chủ tịch HĐQT ngân hàng kiêm nhiệm chức danh TGĐ sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động của ngân hàng đã có đóng góp thực tiễn vào các nghiên cứu tại Việt Nam.
Các đặc tính HĐQT còn lại (thành viên HĐQT độc lập, thành viên HĐQT có kết nối chính trị, thành viên HĐQT bận rộn, thành viên HĐQT là người nước ngoài, thành viên HĐQT là nữ), tác giả vẫn chưa tìm được bằng chứng mang ý nghĩa thống kê từ thực tiễn Việt Nam cho thấy các đặc tính này có mối quan hệ với hiệu quả hoạt động của ngân hàng như kỳ vọng. Kết quả này chứng minh cho giả thuyết nghiên cứu 2 (H2: Thành viên HĐQT độc lập có mối quan hệ ngược chiều với hiệu quả hoạt động ngân hàng), giả thuyết nghiên cứu 3 (H3: Thành viên HĐQT có kết nối chính trị có mối quan hệ ngược chiều với hiệu quả hoạt động của ngân hàng), giả thuyết nghiên cứu 4 (H4: Thành viên HĐQT là người nước ngoài có mối quan hệ cùng chiều với hiệu quả hoạt động của ngân hàng), giả thuyết nghiên cứu 6 (H6:
Thành viên HĐQT là nữ có mối quan hệ cùng chiều với hiệu quả hoạt động của ngân hàng), giả thuyết nghiên cứu 9 (H9: Thành viên HĐQT bận rộn có mối quan hệ ngược chiều với hiệu quả hoạt động của ngân hàng).