CHƯƠNG 2: LÝ THUYẾT VÀ TỔNG QUAN CÁC NGHIÊN CỨU TRƯỚC
2.3 Tổng quan các nghiên cứu trước và đề xuất lý thuyết nghiên cứu của tác giả
2.3.3 Chức năng của Hội đồng Quản trị
Jensen (1993) lập luận rằng việc Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm Tổng giám đốc hay bổ nhiệm kép của Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc, tập trung quá nhiều quyền lực vào một cá nhân có thể là nguyên nhân của việc ra quyết định không đem lại lợi ích tốt nhất đối với các cổ đông thiểu số. Yermack (1996) bổ sung thêm cho rằng việc Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm Tổng giám đốc giảm đi sự độc lập của Hội đồng quản trị. Trong ngành ngân hàng, Pi và Timme (1993) cho rằng hiệu quả chi phí và lợi nhuận trên tổng tài sản thấp hơn khi Tổng giám đốc đóng vai trò như Chủ tịch HĐQT trong ngành ngân hàng Mỹ. Một quan điểm mâu thuẫn cho rằng việc phân chia vai trò của Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc có thể tạo ra những vấn đề trong việc ra quyết định nếu hai vị trí quyền lực này không đồng thuận về chiến lược. Brickley và cộng sự (1997) tìm thấy ít bằng chứng cho rằng việc kết hợp hay phân chia chức danh ảnh hưởng đến việc quản trị doanh nghiệp. Ngược lại, Goyal và Park (2002) cho rằng ảnh hưởng của việc Tổng giám đốc từ nhiệm lên hiệu quả
hoạt động sẽ thấp hơn khi các chức danh nói trên được kết hợp. Tương tự như vậy, Adams và cộng sự (2005) tìm thấy bằng chứng cho rằng các Tổng giám đốc cũng nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT dường như có ảnh hưởng lớn hơn đến việc ra quyết định của công ty. Do vậy, tác giả đưa ra giả thuyết nghiên cứu là:
H7: Việc chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm chức danh TGĐ có mối quan hệ ngược chiều (-) với hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
Các cuộc họp Hội đồng quản trị thường xuyên có thể là tín hiệu của một Hội đồng quản trị chủ động. Các cuộc họp càng thường xuyên, việc kiểm soát đối với Ban giám đốc càng tăng, vai trò tư vấn càng thích hợp hơn, điều này có thể cải thiện hiệu quả hoạt động của công ty. Hơn nữa, sự phức tạp của hoạt động kinh doanh ngân hàng đòi hỏi vai trò tích cực hơn của HĐQT. Ngoài ra, tần suất họp HĐQT có thể tăng lên trong thời gian khủng hoảng tài chính hoặc trong những thời điểm quyết định gây tranh cãi. Vafeas (1999) cho rằng tần suất các cuộc họp HĐQT có ý nghĩa tiêu cực (-) đến hiệu quả hoạt động, điều này có thể là kết quả của cuộc họp HĐQT thường xuyên hơn để giải quyết hiệu quả hoạt động kém. Trong bài nghiên cứu của mình, tác giả đưa ra giả thuyết nghiên cứu là:
H8: Các cuộc họp HĐQT có mối quan hệ ngược chiều (-) với hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
Các thành viên HĐQT bận rộn sẽ kiểm soát hoạt động ít tích cực hơn so với những thành viên tham gia vào ít Hội đồng quản trị hơn. Core và cộng sự (1999) cho rằng số lượng các thành viên HĐQT bận rộn có tương quan với việc quản trị công ty kém hiệu quả hơn và trả lương cho Tổng giám đốc cao hơn. Fich và Shivadasani (2004) cho rằng đa số các thành viên HĐQT bên ngoài mà tham gia vào ba hoặc nhiều HĐQT của các công ty khác nhau, các công ty đó sẽ có kết quả hoạt động kém thể hiện bằng tỷ lệ Giá cổ phiếu/ Giá sổ sách được thị trường đánh giá thấp và lợi nhuận gộp thấp hơn. Ahn và cộng sự (2010) cho rằng các thành viên HĐQT tham gia vào nhiều HĐQT khác nhau không quan tâm đến công ty của mình
làm cho hiệu quả hoạt động của công ty đó kém đi, giá trị cổ phiếu thấp và bị mua lại. Jirapon và cộng sự (2009) báo cáo rằng các thành viên HĐQT nắm giữ nhiều chức vụ giám đốc bên ngoài, tham gia vào các Ủy ban hội đồng quản trị ít hơn sẽ ảnh hưởng đến khả năng của thành viên HĐQT đó để thực hiện nhiệm vụ giám sát một cách hiệu quả. Hoạt động kinh doanh phức tạp và không rõ ràng của các ngân hàng có thể đòi hỏi nhiều thời gian và sự quan tâm hơn từ các thành viên HĐQT để đảm bảo vai trò kiểm soát và tư vấn một cách đầy đủ, hiệu quả hơn. Vì vậy, tác giả kỳ vọng các thành viên HĐQT bận rộn sẽ có tác động tiêu cực (-) vào hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Do vậy, tác giả đưa ra giả thuyết nghiên cứu là:
H9: Thành viên HĐQT bận rộn có mối quan hệ ngược chiều (-) với hiệu quả hoạt động của ngân hàng.