CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.1. Cơ sở lý luận
1.1.2 Tổng quan sinh kế người dân
Sinh kế được hiểu đơn giản là phương tiện đảm bảo đời sống của con người.
Sinh kế có thể được xem xét ở các mức độ khác nhau, trong đó phổ biến nhất là sinh
kế quy mô hộ gia đình. Trên thế giới, đã có nhiều thành tựu quan trọng nghiên cứu sinh kế cộng đồng. Các công trình bước đầu gắn với các khái niệm và phương pháp từ các nghiên cứu đói nghèo ở nông thôn. Điển hình như nghiên cứu của Chambers, Robert (1983) lập luận rằng hộ gia đình có thu nhập thấp hướng tới sinh kế bền vững thông qua việc chống lại tính dễ bị tổn thương khi gặp rủi ro và bất an bằng cách thế chấp cả tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Đối với Carney (1998), cho rằng sinh kế bao gồm các khả năng, tài sản (gồm cả vật chất, nguồn lực xã hội) và các hoạt độn cần thiết để sống. Hay Cục Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (DFID) và tổ chức CARE Quốc tế đã phát triển khung lý thuyết về sinh kế, sinh kế bền vững. Dựa trên khung lý thuyết này, rất nhiều các nghiên cứu đã được triển khai và mở rộng các khung lý thuyết cho sinh kế nông thôn. Các chính sách để xác định sinh kế cộng đồng dân cư theo hướng bền vững được xác định liên quan chặt chẽ đến bối cảnh kinh tế vĩ mô và liên quan đến các yếu tố bên ngoài. Tiêu biểu cho các nghiên cứu này là Ellis (2000), đã chỉ ra mức độ quan hệ của tăng trưởng kinh tế, cơ hội sinh kế và cải thiện đói nghèo của người dân. Đồng thời nhấn mạnh vai trò của thể chế, chính sách cũng như các mối liên hệ và hỗ trợ xã hội đối với cải thiện sinh kế và xóa đói giảm nghèo. Nghiên cứu khẳng định sự bền vững của sinh kế cộng đồng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: khả năng trang bị nguồn vốn, trình độ lao động, các mối quan hệ trong cộng đồng và chính sách phát triển sinh kế…. Mỗi công trình lại có một hướng tiếp cận nghiên cứu riêng, những kết quả nghiên cứu tập hợp lại tạo thành một bức tranh đa dạng, phong phú về sinh kế cộng đồng trong quá trình phát triển và có ý nghĩa gợi mở vấn đề, cung cấp nhiều thông tin có giá trị làm cơ sở cho việc nghiên cứu sinh kế cộng đồng trong bối cảnh đô thị hóa ở Việt Nam hiện nay [17].
Về khái niệm sinh kế bền vững, Sinh kế bao gồm năng lực, tài sản (dự trữ, nguồn lực, yêu cầu, tiếp cận) và các hoạt động cần có để bảo đảm phương tiện sinh sống. Và sinh kế chỉ bền vững khi nó có thể đương đầu và phục hồi sau các cú sốc hoặc cải thiện năng lực, tài sản, cung cấp các cơ hội sinh kế bền vững cho các thế hệ kế tiếp; và đóng góp lợi ích cho các sinh kế khác ở cấp độ địa phương hoặc toàn cầu, trong ngắn hạn và dài hạn. Khái niệm cho thấy “Sinh kế” bao gồm các nguồn lực tự nhiên, kinh tế, xã hội và văn hóa mà các cá nhân, hộ gia đình, hoặc nhóm xã hội sở hữu có thể tạo ra thu nhập hoặc có thể được sử dụng, trao đổi để đáp ứng nhu cầu của họ. Hiểu biết và đánh giá đúng cũng như biết huy động tối đa các nguồn lực sẽ thúc đẩy quá trình phát triển sinh kế của cộng đồng. Các nước đang phát triển muốn nhanh chóng thoát khỏi tụt hậu, cần phát hiện và sử dụng hợp lý các nguồn lực sẵn có và gia tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực sinh kế này bằng cách sở hữu hay sử dụng được hiểu là hỗ trợ cho phát triển sinh kế bền vững. Về mặt xã hội, sinh kế bền vững là khi nó có thể chống chịu hoặc hồi sinh từ những thay đổi lớn và có thể cung cấp cho thế hệ tương lai [17].
Ngầm ẩn trong khung sinh kế bền vững là một lý thuyết cho rằng con người dựa vào năm loại tài sản vốn, hay hình thức vốn, để giảm nghèo và đảm bảo an ninh bảo sinh kế của mình, bao gồm: vốn vật chất (physical capital), vốn tài chính (financial capital), vốn xã hội (social capital), vốn con người (human capital) và vốn tự nhiên (natural capital), là những loại vốn đóng cả hai vai đầu vào và đầu ra. Tiếp cận sinh kế bền vững cũng thừa nhận rằng các chính sách, thể chế và quá trình có ảnh hưởng đến sự tiếp cận và việc sử dụng các tài sản mà cuối cùng ảnh hưởng đến sinh kế (Paulo Filipe 2005). Khung sinh kế bền vững coi đất đai là một tài sản tự nhiên rất quan trọng đối với sinh kế nông thôn. Quyền đất đai đóng một vị trí quan trọng về nhiều mặt và tạo cơ sở để người nông dân tiếp cận các loại tài sản khác và những sự lựa chọn sinh kế thay thế [21].
1.1.2.1 Khái niệm
Thuật ngữ “sinh kế bền vững” được sử dụng đầu tiên như là một khái niệm phát triển vào những năm đầu 1990. Tác giả Chambers và Conway (1992) định nghĩa về sinh kế bền vững như sau: Sinh kế bền vững bao gồm con người, năng lực và kế sinh nhai, gồm có lương thực, thu nhập và tài sản của họ. Ba khía cạnh tài sản là tài nguyên, dự trữ, và tài sản vô hình như dư nợ và cơ hội.
Sinh kế bền vững khi nó bao gồm hoặc mở rộng tài sản địa phương và toàn cầu mà chúng phụ thuộc vào và lợi ích ròng tác động đến sinh kế khác. Sinh kế bền vững về mặt xã hội khi nó có thể chống chịu hoặc hồi sinh từ những thay đổi lớn và có thể cung cấp cho thế hệ tương lai.
Phương pháp tiếp cận sinh kế là một trong các phương pháp tiếp cận mới trong phát triển nông thôn nhằm không chỉ nâng cao mọi mặt đời sống hộ gia đình mà còn phát triển nông nghiệp, nông thôn theo xu hướng bền vững và hiệu quả. Người đi đầu về nội dung sinh kế đó là Robert Chambers trong tác phẩm của ông vào những năm 1980 (sau đó được phát triển và hoàn thiện hơn nữa bởi Chamber, Conway và những người khác vào đầu những năm 1990). Từ đó một số cơ quan phát triển đã tiếp nhận khái niệm sinh kế và cố gắng đưa vào thực hiện. Phương pháp tiếp cận sinh kế đã được phát triển và hoàn thiện ở các nước phát triển trên thế giới, dựa trên khuôn khổ cam kết hỗ trợ của Bộ phát triển quốc tế Anh (DFDI) về “Những chính sách và hành động cho việc xúc tiến các loại hình sinh kế bền vững”. Đây là một trong ba mục tiêu mà DFDI đã đặt ra trong Sách Trắng năm 1997 nhằm đạt được những mục đích chung về xoá đói giảm nghèo.
Theo khái niệm của DFID đưa ra thì: “Một sinh kế có thể được miêu tả như là sự tập hợp các nguồn lực và khả năng con người có được kết hợp với những quyết định và hoạt động mà họ thực thi nhằm để kiếm sống cũng như để đạt được các mục tiêu và ước nguyện của họ”.
Theo khái niệm nêu trên thì chúng ta thấy sinh kế bao gồm toàn bộ những hoạt động của con người để đạt được mục tiêu dựa trên những nguồn lực sẵn có của con người như các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các nguồn vốn, lao động, trình độ phát triển của khoa học công nghệ.
Tiếp cận sinh kế là cách tư duy về mục tiêu, phạm vi và những ưu tiên cho phát triển nhằm đẩy nhanh tiến độ xoá nghèo. Đây là phương pháp tiếp cận sâu rộng với mục đích nắm giữ và cung cấp các phương tiện để tìm hiểu nguyên nhân và các mặt trọng của đói nghèo với trọng tâm tập trung vào một số yếu tố (như các vấn đề kinh tế, an ninh lương thực). Nó cũng cố gắng phác hoạ những mối quan hệ giữa các khía cạnh khác nhau của nghèo đói, giúp xác lập ưu tiên tốt hơn cho những hoạt động xoá nghèo.
Phương pháp tiếp cận sinh kế có mục đích giúp người dân đạt được thành quả lâu dài trong sinh kế mà những kết quả đó được đo bằng các chỉ số do bản thân họ tự xác lập và vì thế họ sẽ không bị đặt ra bên ngoài. Điều đó thể hiện tính chất lấy người dân làm trung tâm. Phương pháp này thừa nhận người dân có những quyền nhất định, cũng như trách nhiệm giữa họ với nhau và xã hội nói chung.
Phương pháp tiếp cận sinh kế được sử dụng để xác định, thiết kế và đánh giá các chương trình, dự án mới, sử dụng cho đánh giá lại các hoạt động hiên có, sử dụng để cung cấp thông tin cho việc hoạch định chiến lược và sử dụng cho nghiên cứu. Một trong những điểm nổi trội của tiếp cận sinh kế là khả năng linh hoạt và khả năng áp dụng của chúng đối với nhiều tình huống.
Chiến lược sinh kế là quá trình ra quyết định về các vấn đề cấp hộ, bao gồm những vấn đề như thành phần của hộ, tính gắn bó giữa các thành viên, phân bổ các nguồn lực vật chất và phi vật chất của hộ (Seppala, 1996). Để duy trì hộ, hộ gia đình thường có các chiến lược sinh kế khác nhau, theo (Seppala, 1996) chiến lược sinh kế có thể chia làm 3 loại:
Chiến lược tích luỹ: là chiến lược dài hạn nhằm hướng tới tăng trưởng và có thể là kết hợp của nhiều hoạt động hướng tới tích luỹ và giàu có.
Chiến lược tái sản xuất: là chiến lược trung hạn gồm nhiều hoạt động tạo thu nhập, những ưu tiên có thể nhắm tới hoạt động của cộng đồng và an sinh xã hội.
Chiến lược tồn tại: là chiến lược ngắn hạn, gồm cả các hoạt động tạo thu nhập chỉ để tồn tại mà không tích luỹ.
1.1.2.2 Khung sinh kế bền vững
Theo UNDP: Khung sinh kế là một cách để “hệ thống” những vấn đề phức tạp xung quanh nghèo đói. Nó là một công cụ hữu ích trợ giúp cho công tác phát triển và giảm đói nghèo. Tuy nhiên nó không phải duy nhất mà có rất nhiều khung phân tích
khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh nghiên cứu và đối tượng tác động cụ thể mà đưa ra một khung phân tích sinh kế phù hợp.
Theo DFID: Khung phân tích sinh kế bền vững (SLA) là một công cụ trực quan hóa được DFID xây dựng nhằm tìm hiểu các lọa hình sinh kế. Mục đích của nó là giúp người sử dụng nắm được những khía cạnh khác nhau của các loại hình sinh kế, nhất là những yếu tố làm nảy sinh vấn đề hay những yếu tố tạo cơ hội.
Khung sinh kế là một công cụ được xây dựng nhằm xem xét một cách toàn diện tất cả các yếu tố khác nhau ảnh hưởng như thế nào đến sinh kế của con người, đặc biệt là các cơ hội hình thành nên chiến lược sinh kế của con người. Đây là cách tiếp cận toàn diện nhằm xây dựng các lợi thế hay chiến lược đặt con người làm trung tâm trong quá trình phân tích. Mặc dầu có rất nhiều tổ chức khác nhau sử dụng khung phân tích sinh kế và mỗi tổ chức thì có mức độ vận dụng khác nhau nhất định, khung phân tích sinh kế có những thành phần cơ bản giống nhau như sau:
Hình 1.1: Khung sinh kế bền vững
(Nguồn: [20]) Chú thích: N (Natural Capital): Nguồn lực tự nhiên
H (Human Capital): Nguồn lực con người P (Physical Capital): Nguồn lực vật chất F (Financial Capital): Nguồn lực tài chính S (Social Capital): Nguồn lực xã hội
Khung sinh kế giúp ta sắp xếp những nhân tố gây cản trở hoặc tăng cường các cơ hội sinh kế, đồng thời cho ta thấy cách thức chúng liên quan với nhau như thế nào. Nó không phải là mô hình chính xác trong thực tế mà nó chỉ đưa ra một cách tư duy về sinh
kế, nhìn nhận nó trên góc độ phức hợp và sâu rộng nhưng vẫn trong khuôn khổ có thể quản lý được.
Khung sinh kế luôn được đặt trong trạng thái động, nó không có điểm đầu, điểm cuối. Giá trị của một khung sinh kế giúp cho người sử dụng nhìn nhận một cách bao quát và có hệ thống các tác nhân gây ra nghèo khổ và mối quan hệ giữa chúng. Có thể đó là những cú sốc và các xu hướng bất lợi, các chính sách và thể chế hoạt động kém hiệu quả hoặc việc thiếu cơ bản các tài sản sinh kế.
Mục đích sử dụng khung sinh kế là để tìm hiểu những cách thức mà con người đã kết hợp và sử dụng các nguồn lực, khả năng nhằm kiếm sống cũng như để đạt được các mục tiêu và ước nguyện của họ. Mà những mục tiêu và ước nguyện mà con người đạt được nhờ sử dụng và kết hợp các nguồn lực khác nhau có thể gọi là kết quả sinh kế. Đây là những thứ mà con người muốn đạt được trong cuộc sống kể cả trước mắt cũng như lâu dài.
Nghiên cứu kết quả sinh kế sẽ cho chúng ta hiểu được động lực nào dẫn tới các hoạt động mà họ đang thực hiện và những ưu tiên của họ là gì. Đồng thời cũng cho thấy phản ứng của người dân trước những cơ hội và nguy cơ mới. Kết quả sinh kế thể hiện trên chỉ số như cuộc sống hưng thịnh hơn, đời sống được nâng cao, khả năng tổn thương giảm, an ninh lương thực được củng cố và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Do đó cần phải kết hợp và sử dụng khác nhau như đất đai, vốn, khoa học công nghệ.
1.1.2.3. Các thành phần của khung sinh kế bền vững a) Bối cảnh bị tổn thương
Bối cảnh tổn thương đề cập đến phạm vi người dân bị ảnh hưởng và bị lâm vào
“các loại sốc” (mùa màng thất thu, lũ lụt, hạn hán, sâu bệnh, xung đột, bệnh tật...), các
“xu hướng” bao gồm cả xu hướng kinh tế xã hội lẫn môi trường, “tính mùa vụ” ( là sự dao động bao gồm các loại dao động về giá, thị trường, việc làm...)
Một số ví dụ về các nhân tố ảnh hưởng đến tài sản và sinh kế của con người:
- Xu hướng: xu hướng dân số, xu hướng tài nguyên kể cả xung đột, xu hướng kinh tế quốc gia, quốc tế, những xu hướng thể chế chính trị, xu hướng khoa học công nghệ kỹ thuật...
- Cú sốc: cú sốc về sức khoẻ con người, thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh cây trồng vật nuôi...
- Tính thời vụ: biến động giá cả, sản xuất, sức khoẻ, những cơ hội làm việc.
Những nhân tố cấu thành hoàn cảnh dễ bị tổn thương quan trọng vì chúng có tác động trực tiếp lên tình trạng tài sản và những lựa chọn của con người mà với chúng sẽ mở ra cơ hội để họ theo đuổi những kết quả sinh kế có lợi.
b) Những tài sản sinh kế
Nguồn vốn hay tài sản sinh kế: Là toàn bộ năng lực vật chất và phi vật chất mà con người có thể sử dụng để duy trì hay phát triển sinh kế của họ. Nguồn vốn hay tài sản sinh kế được chia làm 5 loại vốn cơ chính: vốn nhân lực, vốn tài chính, vốn vật chất, vốn xã hội và vốn tự nhiên (hình 1.2)
Tiếp cận sinh kế cần tập trung trước hết và đầu tiên với con người. Nó cố gắng đạt được sự hiểu biết chính xác và thực tế về sức mạnh của con người (tài sản hoặc tài sản vốn) và cách họ cố gắng biến đổi chúng thành kết quả sinh kế hữu ích.
Hình 1.2: Ngũ giác tài sản sinh kế của người dân
(Nguồn: [20]) Khung sinh kế xác định 5 loại tài sản trung tâm mà dựa vào đó tạo ra những sinh kế: Nguồn vốn con người, nguồn vốn xã hội, nguồn vốn tự nhiên, nguồn vốn vật thể, nguồn vốn tài chính.
• Nguồn vốn con người
Nguồn vốn con người (Human capital) là khả năng, kỹ năng, kiến thức làm việc, sự giáo dục và sức khỏe của từng cá nhân và các thành viên trong gia đình để giúp con người theo đuổi những chiến lược sinh kế khác nhau nhằm đạt được kết quả sinh kế hay mục tiêu sinh kế của họ. Với mỗi hộ gia đình vốn nhân lực biểu hiện ở trên khía cạnh lượng và chất về lực lượng lao động ở trong gia đình đó. Vốn nhân lực là điều kiện cần
để có thể sử dụng và phát huy hiệu quả bốn loại vốn còn lại, nó có thể coi là nguồn vốn khởi đầu để tạo nên các nguồn vốn khác.
Các chỉ tiêu cần xem xét khi đánh giá vốn con người bao gồm:
- Cơ cấu nhân khẩu trong mỗi hộ gia đình;
- Kiến thức và giáo dục của các thành viên trong gia đình;
- Những kỹ năng, năng khiếu và sở thích của từng cá nhân bao gồm cả những kỹ năng chuyên môn;
- Sức khỏe, tâm sinh lý, đời sống tâm linh và tình cảm của từng người;
- Khả năng lãnh đạo;
- Quỹ thời gian và khả năng sử dụng thời gian ;
- Kiểu phân công lao động theo độ tuổi, giới tính trong gia đình [13].
• Nguồn vốn xã hội
Nguồn vốn xã hội (Social capital) là một loại tài sản sinh kế. Nó nằm trong các mối quan hệ xã hội (hoặc các nguồn lực xã hội), các tổ chức xã hội và các nhóm chính thức cũng như phi chính thức mà con người tham gia qua đó người dân có thể tạo ra cơ hội và thu được lợi ích trong quá trình thực thi sinh kế.
Nguồn lực xã hội được xem xét trên các khía cạnh như: quan hệ trong gia đình, tập quán và văn hóa địa phương, các thiết chế cộng đồng, khả năng tiếp cận và cập nhật thông tin của người dân đối với sản xuất và đời sống [17].
Các chỉ tiêu cần xem xét vê vốn xã hội bao gồm:
- Các mạng lưới hỗ trợ từ tổ chức, đơn vị, đồng nghiệp, bạn bè, họ hàng, hàng xóm...;
- Các cơ chế hợp tác trong sản xuất và thị trường;
- Những luật lệ, quy ước của phường xã, thôn bản;
- Các sự kiện, lễ hội và niềm tin xuất phát từ truyền thống, tôn giáo;
- Những cơ hội để tiếp cận thông tin;
- Những cơ hội để tham gia và tạo ảnh hưởng đến các công việc chung của địa phương nhưn tham gia vào các tổ chức đoàn thể, bộ máy chính quyền;
- Những cơ chế họp giải quyết mâu thuẫn tại địa phương [13].