CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.2 Cơ sở thực tiễn
1.2.1. Vấn đề sinh kế hộ nông dân và thay đổi sinh kế hộ nông dân ở một số nước trên thế giới
1.2.1.1. Kinh nghiệm của Trung Quốc
Trung Quốc là một quốc gia có điều kiện tự nhiên và phong tục tập quán tương đối giống Việt Nam. Là nước đông dân nhất thế giới, với trên 1.3 tỷ người nhưng cũng giống như Việt Nam, gần 70% dân số Trung Quốc vẫn sống ở khu vực nông thôn, hàng năm có tới hơn 10 triệu lao động đến tuổi tham gia vào lực lượng lao động. Vì thế nhu cầu giải quyết việc làm càng trở nên gay gắt. Sau cải cách và mở cửa nền kinh tế năm 1978, Trung Quốc thực hiện phương châm “Ly nông bất ly hương” thông qua chính sách khuyến khích phát triển mạnh mẽ công nghiệp Hương Trấn nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lao động xã hội ở nông thôn, từ đó rút ngắn khoảng cách nông thôn và thành thị. Trung Quốc coi việc phát triển công nghiệp nông thôn là con đường giải quyết vấn đề việc làm và sinh kế của người dân. Quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá đã thu hút lực lượng lao động dôi dư ở nông thôn. Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích đầu tư của nhà nước cùng với sự đầu tư của kinh tế tư nhân vào khu vực phi nông nghiệp đã thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp địa phương. Trong những năm đầu đã có đến 20% thậm chí có nơi 50% tổng thu nhập của người dân nông thôn là từ các doanh nghiệp địa phương.
Cùng với việc đưa ra các chính sách phát triển thì nhà nước cũng đẩy mạnh xây dựng CSHT nông thôn, tạo điều kiện cho các hộ nông dân sản xuất hàng hoá, thu mua bảo trợ hàng hoá nông nghiệp, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thị trường tín dụng.
Chỉ trong vòng hơn 10 năm (từ 1978 đến 1991) Trung Quốc đã thu hút được 96 triệu lao động vào các xí nghiệp Hương Trấn (bằng 13.8% lực lượng lao động ở nông thôn), tạo ra được 1162 tỷ nhân dân tệ (chiếm đến 60% giá trị sản phẩm khu vực nông thôn, 1/3 giá trị sản lượng công nghiệp và 1/4 GDP cả nước). Đây là một thành công lớn, nó đã làm cho tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm từ trên 70% (năm 1978) xuống còn dưới 50% (năm 1991).
Trong những năm gần đây, vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân (vấn đề tam nông) vẫn được chú trọng phát triển ở Trung Quốc. Những chính sách nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân luôn được coi trọng. Trong đó đặc biệt chú trọng việc nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người nghèo bằng việc mở mang các ngành nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, chính sách vốn, tín dụng...
Từ thực tiễn phát triển công nghiệp và giải quyết vấn đề sinh kế cho người dân nông thôn Trung Quốc trong thời gian qua có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
- Thứ nhất: Chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đa dạng hoá ngành nghề, khuyến khích nông dân đầu tư dài hạn để phát triển sản xuất, mở mang hoạt động phi nông nghiệp... đã góp phần lớn tạo nên tốc độ phát triển kinh tế và làm đa dạng mô hình sinh kế cho người dân nông thôn, thu hút nhiều lao động vào các hoạt động phi nông nghiệp ở nông thôn.
- Thứ hai: Trong một giai đoạn nhất định, nhà nước bảo hộ sản xuất trong nước.
Điều này giải quyết vấn đề lao động, việc làm ở nông thôn. Từ đó sinh kế của người dân cũng được cải thiện hơn.
- Thứ ba: Việc hạn chế lao động di chuyển giữa các vùng, miền làm hạn chế sinh kế của người dân nông thôn. Do các doanh nghiệp sẽ gây khó dễ trong việc trả lương hoặc hạn chế trong việc sử dụng tay nghề của người dân [10].
1.2.1.2. Kinh nghiệm của Hàn Quốc
Hàn Quốc là một quốc gia có nhiều sự tương đồng với sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Trước những năm 70, Hàn Quốc cũng là một nước nông nghiệp, nông nghiệp chiếm 50% GDP Hàn Quốc. Nông dân Hàn Quốc cũng là người Châu Á, mang ý thức hệ của người Á Đông: mặc cảm, tự ti. Trước năm 1970, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc tương tự nước ta vào năm 1991, 1992, khoảng 300 – 350 USD/người/năm.
Cũng là nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, năm 1954 thực hiện cải cách ruộng đất. Nhà nước mua lại đất của chủ có trên 3ha để bán lại cho nông hộ thiếu đất
với phương thức trả dần để tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển. Từ năm 1965 đến năm 1971 tốc độ phát triển nông nghiệp tăng 2.5%. Năm 1971 đến năm 1978 tăng 6.9%, 3/5 đất hoang được nông hộ khai thác sử dụng có hiệu quả kinh tế cao. Năm 1975 tự túc được nhiều lương thực và nhiều nông sản khác, chăn nuôi tăng 8 – 10%/năm. Cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng hàng hóa với hệ thống cây, con, ngành nghề có giá trị kinh tế cao. Thu nhập phi nông nghiệp chiếm 35% tổng số [18].
Trước năm 1970 Hàn Quốc lấy CNH – HĐH làm trọng điểm, công nghiệp tăng trưởng rất nóng nhưng lại ko có cơ hội vì không có thị trường. Trong khi đó nông nghiệp tăng chậm. Khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa giàu – nghèo lớn.
Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra 1 con đường giải phóng đó là phong trào
“Sumomidon” (phong trào xây dựng nông thôn mới). Học tập phương châm “Lấy nông nghiệp nuôi công nghiệp, lấy công nghiệp phát triển nông nghiệp”. Một mặt vẫn phát triển công nghiệp, mặt khác đầu tư vào nông nghiệp, phát huy nội lực của người nông dân trên mảnh đất của họ để phát triển kinh tế. Chính phủ đầu tư, hỗ trợ vào nông nghiệp bằng vật chất để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Với tư tưởng là chỉ đầu tư tài chính một phần mà chủ yếu là vật chất bằng cách đưa sản phẩm công nghiệp không thể ra thị trường tiêu thụ về nông thôn như sắt, thép... xây dựng cơ sở vật chất như: đường giao thông, các công trình công cộng (trường học, bệnh viện ...)
Mặt khác chuyển giao một số khoa học công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực nông thôn. Xây dựng các phương án, dự án phát triển theo từng cấp:
Cấp 1: Nâng cao điều kiện sống cho người dân Cấp 2: Nâng cao cơ sở hạ tầng
Cấp 3: Tăng thu nhập cho nông dân
Làm từ thấp đến cao, chỉ khi nào hoàn thành cấp 1 mới được làm tiếp cấp 2.
Từ thực tiễn của Hàn Quốc rút ra kinh nghiệm : Phát triển công nghiệp song song với đầu từ phát triển nông nghiệp. Như vậy vừa thực hiện được CNH – HĐH đất nước vừa đảm bảo được an ninh lương thực. Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo từng bước không nóng vội, hoàn thành cấp này mới làm tiếp cấp kia.
1.2.2. Tình hình thu hồi đất, sinh kế của nông hộ tại Việt Nam
Việt Nam là một nước nông nghiệp có tới hơn 70% số dân là nông dân. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn đang là nền tảng đối với sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, sự ra đời của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị khang trang… thì đồng nghĩa với đó là diện tích đất dùng cho sản xuất nông nghiệp cũng bị mất đi và một điều tất yếu là hàng vạn người nông dân lâm vào tình cảnh mất đất, mất nghề…
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2001- 2005, tổng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi trên cả nước lên tới trên 366 nghìn ha (chiếm gần 3,9% quỹ đất nông nghiệp), tính bình quân mỗi năm có gần 73,3 nghìn ha đất bị thu hồi.
Đặc biệt, các khu vực kinh tế trọng điểm là khu vực có diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi lớn, chiếm trên 50% tổng diện tích thu hồi. Trong đó, có 2 vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và phía Bắc là nơi bị thu hồi đất nhiều nhất. Phần lớn, diện tích đất bị thu hồi tập trung ở các khu vực có mật độ dân số cao. Đồng bằng sông Hồng là nơi có tỷ lệ bị thu hồi nhiều nhất với 4,4%, tiếp đến là Đông Nam Bộ 2,1%...
Đáng chú ý, việc thu hồi đất đã tác động hưởng tới đời sống của 627.495 hộ dân với khoảng 950.000 lao động và 2,5 triệu người bị ảnh hưởng. Trong đó, đồng bằng sông Hồng là nơi có nhiều hộ bị ảnh hưởng với trên 300.000 hộ, tiếp đến là Đông Nam Bộ 108.000 hộ… Một số địa phương có số hộ nông dân bị thu hồi lớn như: Hà Nội có số hộ bị thu hồi lớn nhất với 138.291 hộ, tiếp đến là TP.HCM 52.094 hộ, Bắc Ninh 40.944 hộ, Hưng Yên 31.033 hộ, Đà Nẵng 29.147 hộ ...
Một lượng lớn diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích chủ yếu phục vụ xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp vừa và nhỏ hoặc phát triển các khu đô thị tập trung, xây dựng sân gôn…. Nếu như trong nhiều năm trước, việc cấp phép xây dựng sân gôn còn hạn chế, thì trong mấy năm trở lại đây, đặc biệt là trong 2 năm từ 2006-2008, đã có hơn 100 dự án sân gôn được cấp phép trên cả nước, đồng nghĩa với đó là một phần lớn diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt là diện tích đất lúa thuộc diện "bờ xôi ruộng mật” đã bị thu hồi.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, trung bình cứ mỗi 1ha đất thu hồi, sẽ làm 10 lao động mất việc. Do mất đất, mất nghề đã làm ảnh hưởng lớn tới đời sống hàng ngày của người nông dân. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, không ít người đã phải tha phương để kiếm sống và họ phải đổ về các đô thị tìm kế mưu sinh. Tuy nhiên, do không có nghề, phải làm thuê theo thời vụ nên cuộc sống rất bấp bênh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc thu hồi đất thường bị kéo dài và dẫn đến nhiều trường hợp khiếu kiện trong thời gian qua.
Để khắc phục tình trạng này, trong quá trình thu hồi đất, các địa phương đã ban hành nhiều chính sách cụ thể đối với người nông dân như: Bồi thường, hỗ trợ giải quyết việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề, hỗ trợ tái định cư... Tuy nhiên, trên thực tế, những biện pháp tạo việc làm cho nông dân vẫn chưa mang lại hiệu quả, bởi hầu hết nông dân trong hoàn cảnh này đều có trình độ thấp và không muốn chuyển đổi nghề.
Theo khảo sát do TS. Lưu Song Hà, Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương, đã tiến hành trên 1.257 người ở độ tuổi lao động, trong các hộ nông dân bị thu hồi đất cho thấy, chỉ một số ít có trình độ THPT, đa phần có trình độ THCS (63,8%). Học vấn
thấp, không có tay nghề nên hầu hết nông dân khó kiếm việc làm. Do đó, đã có tới 67% số lao động nông nghiệp vẫn giữ nguyên nghề cũ sau khi bị thu hồi đất, 13%
chuyển sang nghề mới và có tới 25 đến 30% số lao động không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định.
Có thể nói, quá trình công nghiệp hóa diễn ra nhanh, khiến người nông dân không kịp thích ứng. Các giải pháp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ… đã được triển khai nhiều, song người nông dân vẫn không thực sự mặn mà, bởi họ không thấy được lợi ích quan trọng mà việc học nghề mang lại. Có không ít người mất nhiều thời gian để học nghề nhưng không sử dụng đến, gây lãng phí và mất thời gian. Bản thân các trung tâm dạy nghề ở các huyện, nhiều lúc cũng không nắm được có bao nhiêu học viên đã qua học nghề. Điều này cho thấy, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, đoàn thể địa phương trong việc đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất còn hạn chế.
Muốn khắc phục tình trạng này và để người nông dân mất đất có thể ổn định cuộc sống, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó, một trong những giải pháp quan trọng, đó là việc quy hoạch các khu công nghiệp phải cân nhắc xây dựng ở những nơi xa vùng đất sản xuất nông nghiệp, xa khu dân cư, đặc biệt là phải xây dựng hạ tầng đồng bộ phù hợp với quy hoạch của địa phương. Đây được coi là cách làm cần thiết cho sự phát triển bền vững. Có như vậy mới hạn chế được việc thu hồi đất sản xuất của người dân, bảo đảm đời sống lâu bền cho họ.
Bên cạnh đó, đối với những khu đất bị thu hồi, nên chăng, Nhà nước cần đẩy mạnh khuyến khích nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đất thuộc quy hoạch dự án. Khi đã có một phần cổ phần nhất định trong dự án đó, họ sẽ được hưởng lợi ích lâu dài để đảm bảo cuộc sống. Tuy nhiên, đây là vấn đề còn mới nên cần phải có cơ chế cho phép nông dân góp vốn.
Ngoài ra, cần nâng cao tính công khai, minh bạch trong các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Có như vậy mới tạo niềm tin cho người dân, hạn chế những khiếu kiện về đất đai kéo dài. Về trước mắt, để giải quyết số lao động nông thôn mất việc hiện nay, Nhà nước cần hỗ trợ nông dân tận dụng quỹ đất nông nghiệp còn lại chuyển sang phát triển nông nghiệp đạt hiệu quả cao. Trong đó, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp tập trung đem lại năng suất, thu nhập cao cho người nông dân. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuyên tuyền để thay đổi nhận thức của họ về nghề nghiệp, phải có những lớp tập huấn, đào tạo để giúp người nông dân có kiến thức về sản xuất, kinh doanh, giúp họ có thể tạo được công ăn việc làm ổn định sau khi bị thu hồi đất. Đặc biệt, cần thành lập quỹ trợ cấp thất nghiệp, quỹ giải quyết việc làm cho người nông dân bị mất đất nông nghiệp. Có như vậy mới giúp người nông dân yên tâm học nghề để có việc làm ổn định sau khi bị thu hồi đất...[8].
1.2.3. Kinh nghiệm tại một số tỉnh thành trong cả nước 1.2.3.1. Kinh nghiệm của thành phố Hà Nội
Theo thống kê của Bộ Lao động – TBXH trong 5 năm (2001 - 2004) số người mất việc do bị thu hồi đất phục vụ cho các nhu cầu: xây dựng KCN, khu chế xuất, khu đô thị... ở Hà Nội là gần 800.000 người. Trong 8 năm (từ 2001 đến 2007), Hà nội đã triển khai hơn 2800 dự án đầu tư liên quan đến thu hồi đất. Thành phố đã bàn giao cho chủ đầu tư gần 1300 dự án với 6300 ha đất, trong đó trên 80% là đất nông nghiệp, liên quan đến gần 180.000 hộ dân. Bình quân mỗi năm Hà Nội đã GPMB gần 1000ha.
Trong những năm qua, mặc dù Trung Ương và Thành phố đã có những chính sách về hỗ trợ việc làm và học nghề nhưng lại chưa đồng bộ và hiệu quả, dẫn đến nguy cơ thất nghiệp ở người nông dân mất tư liệu sản xuất là đất đai rất lớn. Bởi họ khó học nghề mới, phần lớn lại ở độ tuổi cao, trình độ văn hoá hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu lao động chất lượng cao. Một bộ phận nông dân khi bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp đã trở thành hộ nghèo. Ở 5 quận, huyện bị thu hồi nhiều nhất, có 1223 hộ nghèo với 4389 nhân khẩu. [1]
Hạn chế chủ yếu trong cơ chế chính sách hỗ trợ hiện có được Hà Nội chỉ ra là việc bồi thường, hỗ trợ đều dưới hình thức chi trả trực tiếp tiền cho người dân bị thu hồi (tức là mới chỉ quan tâm đến khía cạnh vật chất) dẫn đến tình trạng người dân dùng tiền để mua sắm chứ ít quan tâm đến học nghề, chuyển đổi nghề để có thể đảm bảo cuộc sống ổn định khi Nhà nước thu hồi đất.
Mới đây Hà Nội đã đưa ra các chủ trương tìm cách hỗ trợ nông dân bị thu hồi đất như sau:
- Một là, UBND thành phố đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ ổn định đời sống, phổ cập giáo dục, học nghề và việc làm cho các hộ nông dân bị mất trên 30% đất sản xuất nông nghiệp được giao theo NĐ64/CP của Chính phủ. Quỹ này sẽ có vốn ban đầu là 40 tỷ đồng từ ngân sách thành phố cấp, tiếp theo sẽ trích nguồn kinh phí của các nhà đầu tư khi được giao đất.
- Hai là, trẻ em của các gia đình bị thu hồi đất sẽ được hỗ trợ học phí phổ thông trong 3 năm. Người lao động có nhu cầu học nghề sẽ được cấp thẻ học nghề có giá trị tối đa 6 triệu đồng, ưu tiên những người này tham gia kinh doanh các hoạt động dịch vụ tại các khu đô thị và KCN. Hỗ trợ 100% kinh phí BHYT cho người trên 60 tuổi đối với nam và trên 55 tuổi đối với nữ.
Ngoài ra các giải pháp khác được UBND Thành phố quan tâm đó là xây dựng, ban hành quy chế ưu tiên đấu thầu kinh doanh dịch vụ tại các khu đô thị, KCN mới hình thành, xã hội hoá các hoạt động dịch vụ tại các khu đô thị, KCN xây dựng trên