CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.3. Các công trình nghiên cứu có liên quan
1.3.1. Các luận văn thạc sĩ
- Đề tài: “Đánh giá việc thực hiện chính sách bồi thường thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất trên một số dự án thuộc địa bàn huyện Nghi Xuân, Tỉnh Hà Tĩnh”, luận văn thạc sỹ của tác giả Lê Việt Anh đã có những kết luận:
- Về thực hiện và áp dụng giá đền bù: Việc áp dụng thống nhất trong toàn tỉnh về giá dất nông nghiệp theo Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ và Thông tư số 116/2004/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 197 của Bộ Tài chính trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trong triển khai các dự án về cơ bản đã phù hợp và phản ánh được giá trị thực tiễn của đất, giá trị tài sản trên đất. Trong quá trình bồi thường đất nông nghiệp được tính theo hạng đất, giá bồi thường và hỗ trợ cho tài sản và hoa màu trên đất là đồng nhất trên toàn tỉnh, phần lớn được người dân ủng hộ. Tuy nhiên, nếu so sánh với giá đất tăng lên sau khi chuyển mục đích sử dụng đất đất thì mức giá bồi thường hiện nay là rất thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu tái tạo lại tư liệu sản xuất mới của người nông dân phải chuyển sang lĩnh vực sản xuất mới.
- Các chính sách hỗ trợ và tái định cư: Sau khi Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra Quyết định số 33/2006/QĐ-UBND ngày 18/7/2006 về việc ban hành quy định đơn giá bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, một số chính sách hỗ trợ bắt buột của Nhà nước mới chỉ quan tâm đến những hộ gia đình chính sách, chưa quan tâm đến những hộ có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt như hộ nghèo, người tàn tật,…hoặc áp dụng mức hỗ trợ thấp. Chính sách tái định cư chưa đề cập đến quyền lợi và trách nhiệm của người bị thu hồi đất có nhu cầu vào ở khu tái định cư [1].
- Đề tài: “Đánh giá công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của một số dự án trên địa bàn thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình” luận văn thạc sỹ của tác giả Nguyễn Hải Nguyên. Đề tài nghiên cứu và đi đến một số kết luận sau:
Chính sách bồi thường về đất của 02 dự án chủ yếu là bồi thường bằng tiền do địa phương không có quỹ đất để thực hiện bồi thường bằng đất. Qua điều tra thực tế thì giá đất bồi thường của các dự án đa số thấp hơn giá đất thị trường cho nên quá trình thực hiện công tác bồi thường, GPMB còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở dự án cầu
Nhật Lệ II có 71,4 % không đồng ý với giá bồi thường đất ở và 55,6% không đồng ý với giá bồi thường đất nông nghiệp. Đây là một thực trạng chung trong công tác bồi thường, GPMB của nhiều địa phương trên cả nước và cần phải được khắc phục trong thời gian tới.
Chính sách hỗ trợ của 02 dự án cơ bản đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất, đặc biệt ở dự án Khu neo đậu do thực hiện theo chính sách bồi thường của Ngân hàng thế giới với mục tiêu giảm thiểu những tác động của dự án đến người bị thu hồi đất, chú trọng khôi phục sinh kế cho người dân sau khi bị thu hồi đất. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ chủ yếu bằng tiền làm cho đối tượng bị thu hồi đất nông nghiệp không có việc làm hoặc phải thay đổi nghề nghiệp do nhiều nguyên nhân khác nhau ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập, đời sống của các hộ dân sau khi bị thu hồi đất.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã cho thấy tác động của quá trình đô thị hóa gắn liền với thu hồi đất nông nghiệp đến đời sống, việc làm và thu nhập của các hộ nông dân là rất lớn. Người dân và chính quyền địa phương đã cố gắng trong việc chuyển đổi ngành nghề, đảm bảo thu nhập ổn định cuộc sống. Tuy vậy, vẫn còn nhiều bất cập và thiếu sót trong việc giải quyết việc làm cho một số hộ dân cũng như một bộ phận lao động gặp bế tắc trong việc tìm kiếm việc làm mới. Quá trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh nói chung, và địa bàn nghiên cứu nói riêng vẫn đang tiếp diễn và sẽ càng mạnh mẽ trong thời gian tới đòi hỏi chính quyền các cấp phải có chính sách và giải pháp cụ thể, thích đáng giải quyết việc làm cho các đối tượng bị ảnh hưởng. Nếu có những chính sách hợp lý, và được chuẩn bị kỹ thì việc giải quyết việc làm cho các lao động bị mất việc làm hiện tại và tương lai sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn [14].
- Đề tài: “Nghiên cứu việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong các dự án tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam”, luận văn thạc sỹ của tác giả Nguyễn Ngọc Hiếu. Đề tài nghiên cứu và đi đến một số kết luận sau:
Các phương pháp xác định giá đất theo Nghị định của Chính phủ, các Quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam để xác định bảng giá các loại đất hằng năm đã được áp dụng trên địa bàn thành phố. Việc lập hồ sơ địa chính để làm cơ sở thu hồi đất được lập đúng trình tự thủ tục, chính xác và đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên phương pháp xác định giá đất được áp dụng vẫn còn mang năng tính hành chính, chưa phản ánh đúng thực chất giá trị chuyển quyền sử dụng đất. Công tác chỉnh lý biến
động đất đai chưa được cập nhật thường xuyên, việc thu hồi giấy CNQSD đất đối với diện tích đất đã thu hồi của các hộ gia đình, cá nhân tại các dự án đã hoàn thành việc GPMB chưa được kịp thời, còn tồn đọng. Nhu cầu đòi hỏi bồi thường cho thỏa đáng của các hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi tại thành phố Tam Kỳ và quỹ đất tái định cư hạn chế là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất và có tác động trực tiếp đến tiến độ và hiệu quả của công tác bồi thường, hỗ trợ và TĐC trong giải phóng mặt bằng tại thành phố Tam Kỳ [12].
- Đề tài “Hoàn thiện chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn thị xã Bảo Lộc” luận văn thạc sỹ của tác giả Nguyễn Văn Phấn. Đề tài nghiên cứu và đi đến một số kết luận sau:
Đơn giá bồi thường về đất chưa sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường, việc xây dựng giá đất còn thiếu tính khác quan và không thực tế.
Các chính sách hỗ trợ chưa được phát huy, việc áp dụng còn mang tính trước mắt, thiếu tính bền vững, lâu dài.
Đơn giá bồi thường tài sản: Nhà, vật kiến trúc, cây trồng chưa phù hợp, chưa kịp thời điều chỉnh đặc biệt khi có biến động tăng giá các loại nguyên, vật liệu trong thời gian dài từ năm 2015 đến nay và giá nông sản phẩm cũng có thay đổi lớn.
Địa điểm bố trí tái định cư cách xa, không thiết thực đối với mục đích của người dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp dẫn đến áp luật giá đất trong đô thị có chiều hướng tăng cao[16].
- Đề tài “Ảnh hưởng của công trình thủy điện Sông Bung 4 đến tài nguyên đất và sinh kế của người dân tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam”, luận văn thạc sỹ của tác giả Nguyễn Công Bình. Đề tài nghiên cứu và đi đến một số kết luận sau:
Trong quá trình xây dựng thủy điện Chủ đầu tư đã thực hiện tốt chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, ngoài việc bồi thường, hỗ trợ theo chính sách của Việt Nam, dự án còn thực hiện các chính sách hỗ trợ theo ADB, nên đã giải quyết được rất nhiều khó khăn cho người dân trong vùng ảnh hưởng dự án. Khi tiến hành xây dựng, công trình thủy điện Sông Bung 4 đã thu hồi 2.252,43 ha đất trên địa bàn 03 xã, làm ảnh hưởng 248 hộ phải di dời tái định cư, nhiều diện tích đất nông nghiệp màu mỡ bị ngập trong vùng lòng hồ. Diện tích đất nông nghiệp giao lại cho các hộ tái định cư là 1,56 ha giảm từ 50 đến 68% so với trước khi xây dựng dự án. Diện tích đất nông
nghiệp còn lại của người dân vùng trên ngập không được bồi thường, sau khi chuyển về khu tái định cư cách xa khoảng 5,8km đến 8km nên cũng khó khăn để quay lại sản xuất, nhất là những người già yếu.
Việc hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề được quan tâm, tuy nhiên do trình độ dân trí thấp, ý thức tổ chức kỹ luật chưa cao do vậy rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm ở các công ty, xí nghiệp hoặc tổ chức sản xuất kinh doanh. Trong 98 hộ điều tra chỉ có 06 hộ chuyển sang sản xuất phi nông nghiệp chiếm 6,12%. Sau khi thu hồi đất có 59,18% số hộ có thu nhập tăng lên, 33,68% số hộ có thu nhập không đổi và 7,14% số hộ có thu nhập giảm so với trước khi thu hồi đất. Đây là vấn đề thành công lớn của dự án trong việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Về nguồn vốn vật chất của từng hộ và vật chất dùng chung cả cộng đồng như hệ thống giao thông, trường học và cơ sở khám chữa bệnh có sự chuyển biến đáng kể. Nhưng chỉ dừng lại ở chỗ sử dụng nguồn kinh phí bồi thường, hỗ trợ để mua sắm tài sản và sử dụng hàng ngày, chứ chưa có một hướng phát triển bền vững, lâu dài cho người dân.
Đời sống của người dân khi chuyển về các khu tái định cư tốt hơn về cơ sở hạ tầng đồng bộ (điện, nước, giao thông thuận tiện), nhà ở được xây dựng kiên cố, không còn nhà tạm. Người dân đầu tư đồ dùng sinh hoạt tốt hơn như xe máy, ti vi, máy vi tính, tủ, bàn ghế… như vậy đã có sự luân chuyển từ nguồn vốn tài chính sang nguồn vốn vật chất, tuy nhiên, nguồn vốn vật chất này đa số là phương tiện sinh hoạt mà không phải là phương tiện sản xuất. Về nguồn vốn vật chất dùng chung như hệ thống trường học và cơ sở khám chữa bệnh có sự chuyển biến đáng kể. Nhìn chung thủy điện sông Bung 4 đã có tác động lớn theo chiều hướng xấu đến nguồn vốn tự nhiên và vật chất của cộng đồng như diện tích đất của hộ giảm và một số diện tích đất không sử dụng được (do xa khu tái định cư, khó đi lại..). Trong khi đó nguồn vốn con người (hộ gia đình) và xã hội có cải thiện nhưng khó bền vững. Để quản lý có hiệu quả hoạt động của nhà máy thủy điện và nguồn tài nguyên vùng dự án, cần phát huy tốt vai trò các bên liên quan của Nhóm quản lý và hỗ trợ đầu tư cho cộng đồng (gồm Ban quản lý thủy điện sông Bung 4 và UBND huyện Nam Giang và 2) và Nhóm tổ chức thực hiện bảo vệ tốt nguồn tài nguyên và tích cực tự nâng cao đời sống (gồm UBND các xã và người dân sống trong vùng dự án) [4].
- Đề tài “Ảnh hưởng của việc thu hồi đất đến sinh kế người dân ở một số dự án tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình”, luận văn thạc sỹ của tác giả Trần Xuân Thành. Đề tài nghiên cứu và đã đi đến những kết luận sau:
Nhà nước đã có nhiều đổi mới về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hướng ngày càng có lợi cho người bị thu hồi đất, nhưng thực tế vẫn có nhiều vấn đề vướng mắc cần giải quyết. Sau thu hồi đất, lao động có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động tự do cũng tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ thất nghiệp, lao động là công nhân được tuyển dụng làm việc trong các dự án chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân như chủ đầu tư cam kết.
Việc xây dựng các khu đô thị đã tạo cho bộ mặt nông thôn được cải thiện đáng kể, nhiều hộ dân sau thu hồi đất đã có thu nhập cao hơn trước khi thu hồi đất, nhà cửa được sửa sang, xây dựng khang trang hơn, tài sản của các hộ gia đình cũng được mua sắm nhiều hơn, người dân cũng được hưởng lợi nhiều hơn từ các công trình cơ sở hạ tấng mới được đầu tư xây dựng.
Một số hộ dân giảm thu nhập khi bị thu hồi đất, do lao động chưa tìm kiếm được việc làm ổn định, nhiều người dân lo lắng về cuộc sống lâu dài vì thu nhập bấp bênh.
Cần có những giải pháp để triển khai thực hiện một cách đồng bộ, nhằm phát huy những ảnh hưởng tích cực và hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân có đất bị thu hồi [22].
- Đề tài “Đánh giá ảnh hưởng của việc thực hiện chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng đến cuộc sống của người dân bị thu hồi đất tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình”, luận văn thạc sỹ của tác giả Đỗ Mạnh Tài. Đề tài đi đến kết luận sau:
UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành kịp thời các văn bản quy định, hướng dẫn về bồi thường, hỗ trợ và TĐC trên địa bàn. Nội dung văn bản cơ bản phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và có sự điều chỉnh phù hợp với từng thời điểm và tình hình thực tế của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số bất cập như chưa có quy định về chính sách bồi thường do hạn chế khả năng sử dụng đối với đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng sản xuất nằm trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Giá đất do UBND tỉnh ban hành thấp so với giá chuyển nhượng thực tế tại huyện Bố Trạch, tạo ra mức chênh lệch làm cho người dân cảm thấy bị thiệt thòi, đòi tăng tiền bồi thường, không bàn giao mặt bằng theo kế hoạch, làm ảnh hưởng đến tiến độ
thực hiện dự án. Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất chủ yếu là bằng tiền và chi trả trực tiếp cho người dân. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, chính sách bồi thường, GPMB còn chưa thường xuyên, đồng bộ, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm chưa được quan tâm đúng mức [21].
- Đề tài: “Đánh giá việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất tại một số dự án trên địa bàn huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi”. Luận văn thạc sỹ của tác giả Trương Đình Tựu. Đề tài đi đến kết luận sau:
UBND huyện Sơn Tịnh phê duyệt các phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với dự án đầu tư xây dựng khu dân cư Sơn Tịnh và dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, đoạn Mỹ Khê - Trà Khúc đúng trình tự, thủ tục quy định của Nghị định số 69/2009/NĐ-CP của Chính Phủ, Quyết định số 66/2009/QĐ-UBND, Quyết định số 35/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số tồn tại sau:
Một là dự án khu dân cư Sơn Tịnh: Các hộ gia đình, cá nhân có đất ở bị thu hồi chưa thống nhất chiếm tỷ lệ 33,4 % (đến nay vẫn chưa giải phóng mặt bằng), với nguyên nhân chủ yếu là: Giá đất bồi thường tính theo đơn giá quy định của UBND tỉnh chưa phù hợp với giá đất thị trường; đồng thời có một số hộ gia đình, cá nhân cho rằng việc Công ty cổ phần đầu tư Năm Bảy Bảy thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu dân cư cần phải thoả thuận với người sử dụng đất không nhất thiết Nhà nước phải thu hồi đất;
việc bố trí đất tái định cư chủ đầu tư chưa xây dựng trước khi thu hồi đất theo đúng quy định của Chính Phủ và quy định của UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Hai là dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, đoạn Mỹ Khê-Trà Khúc:
Việc thu hồi đất để phát triển cho mục đích công cộng đa số người có đất bị thu hồi đồng tình ủng hộ nhất trí cao và bàn giao mặt bằng sớm cho nhà đầu tư triển khai thực hiện, nhưng đến nay dự án này vẫn chưa hoàn thành thủ tục thu hồi đất đúng theo quy định của Chính Phủ và quy định của UBND tỉnh Quảng Ngãi [23].