CHƯƠNG 2 QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM VỀ ĐỊNH TỘI DANH TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH HOẶC GÂY TỔN HẠI CHO SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI KHÁC VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
2.1. Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về định tội danh tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác
2.1.2. Định tội danh tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành
Ngày 27/11/2015, Quốc hội khóa XII thông qua BLHS 2015 đánh dấu một cột mốc mới trong lịch sự phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam, tuy nhiên, chưa có hiệu lực thi hành thì BLHS 2015 đã phải thực hiện việc sửa chữa, bổ sung nhằm khắc phục những sai sót của Bộ luật này. Ngày 20/6/2017, Quốc hội một lần nữa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13.
Tiếp tục kế thừa những quy định tại Điều 104 BLHS 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009, Điều 134 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 vẫn giữ nguyên việc chia định mức tỷ lệ thương tật thành 4 mức là dưới 11%, từ 11%
đến 30%, từ 31% đến 60%, trên 61% nhưng khác với chỉ có 4 khoản tại Điều 104, Điều 134 chia ra 6 khoản với một số điểm mới sửa đổi và bổ sung để hoàn thiện hơn những quy định này.
Việc chia định mức tỷ lệ thương tật thành 4 mức như trên nhằm xác định rõ hơn tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Xét về hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì hiện nay ngoài khái niệm tại Thông tư số 03-BTP/TT ngày
20/40/1976 của Bộ Tư pháp Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam về hành vi cố ý gây thương tích thì đến nay ngay cả tại Điều 134 cũng chưa đưa ra được khái niệm cụ thể về hành vi khách quan của tội phạm này cũng như không liệt kê cụ thể hình thức thể hiện.
Khoản 1 Điều 134 với khung hình phạt được quy định cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm là tội phạm ít nghiêm trọng, khoản này cũng là cấu thành tội phạm cơ bản của tội phạm này. Căn cứ vào chia định mức tỷ lệ thương tật trong nội dung khoản này được chia thành 02 định mức.
Với người thực hiện hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội là tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% thì sẽ chịu trách nhiệm hình sự theo khoản này.
Với người thực hiện hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có những tình tiết được quy định trong 10 tình tiết của khoản này:
- Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
- Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
- Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
- Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
- Có tổ chức;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
- Có tính chất côn đồ;
Quy định này nhằm xác định ranh giới giữa trách nhiệm hình sự và trách nhiệm hành chính. Những trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có tỷ lệ thương tật dưới 11% và không thuộc các trường hợp nêu trên thì không cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 mà chỉ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định.
Các khoản 2, 3, 4 ,5 được coi là cấu thành tăng nặng của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác khi có những tình tiết định khung tăng nặng như: chết người, chết nhiều người hoặc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác được sắp xếp theo tính tăng dần về tính chất, mức độ nguy hiểm như sau:
+ Tỷ lệ thương tật từ 31% đến 61% hoặc thương tật từ 11% đến 30% nhưng thuộc trường hợp trong 10 tình tiết vừa nêu trên; gây thương tật cho 02 người trở lên mà của mỗi người từ 11% đến 30%; Phạm tội 02 lần trở lên; Tái phạm nguy hiểm thì có khung hình phạt từ 02 năm đến 06 năm được quy định tại khoản 2 Điều 134 (tội phạm nghiêm trọng);
+ Tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên nhưng không làm biến dạng vùng mặt; gây thương tật cho 02 người trở lên mà tỷ của mỗi người từ 31% đến 60%; thương tật từ 31% đến 60% hoặc thương tật cho 02 người mà tỷ lệ của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc trường hợp trong 10 tình tiết vừa nêu trên hoặc thì có khung hình phạt từ 05 năm đến 10 năm được quy định tại khoản 3 Điều 134 (tội phạm rất nghiêm trọng);
+ Làm chết người; thương tật từ 61% trở lên làm biến dạng vùng mặt của người khác hoặc gây thương tật cho 02 người trở lên mà thương tật của mỗi người 61% trở lên; thương tật từ 61% trở lên hoặc gây thương tật cho 02 người trở lên mà tỷ lệ của mỗi người từ 31% đến 60% và thuộc 1 trong 10 tình tiết nêu trên thì
bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm được quy định tại khoản 4 Điều 134 (tội phạm rất nghiêm trọng);
+ Làm chết 02 người trở lên; gây thương tật cho 02 người trở lên mà mỗi người từ 61% trở lên và thuộc 01 trong 10 tình tiết nêu trên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân được quy định tại khoản 5 Điều 134 (tội phạm đặc biệt nghiêm trọng);
Có một số tình tiết như “dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người”, “đối với thầy giáo, cô giáo của mình” được giải thích cụ thể trong Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/04/2003 và Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong đó hung khí nguy hiểm là trường hợp dùng vũ khí (là các loại vũ khí được Chính phủ quy định cụ thể) hoặc phương tiện nguy hiểm (là công cụ, dụng cụ được chế tạo nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên hoặc vật đó tấn công người khác sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công như búa đinh, dao phay, gạch, đá, thanh sắt,…); nạn nhân là thầy giáo, cô giáo là người đã hoặc đang làm công tác giảng dạy theo biên chế hoặc theo hợp đồng tại cơ quan, tổ chức có chức năng giáo dục, đào tạo, dạy nghề được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép có nhiệm vụ thực hiện việc giáo dục, đào tạo, dạy nghề đối với người phạm tội, không phân biệt nhiệm vụ đó đã được thực hiện hay đang được thực hiện và không kể thời gian dài hay ngắn. 02 tình tiết “dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” là tình tiết mới được thêm vào tại khoản 1 Điều 134.
Thêm vào đó, Điều 134 BLHS đã bổ sung thêm quy định về việc chuẩn bị phạm tội. Theo đó, người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, về nguyên tắc người từ đủ 16 tuổi trở lên chịu trách nhiệm hình sự về tất cả các khoản tại Điều 134 BLHS. Tuy nhiên, khác với Điều 104 BLHS 1999 khi người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự ở tất cả các khoản, thì theo quy định tại Điều 12 BLHS 2015, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo khoản 4,5 của Điều 134 BLHS 2015.
Để đảm bảo việc định tội danh, ngày 27/11/2015 BLTTHS năm 2015 đã được thông qua nhằm tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể xử lý tội phạm nói chung và tội cố ý gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác nói riêng.
BLTTHS năm 2015 đã tiếp tục ghi nhận những tích cực của BLTTHS 2003 đồng thời cũng đã sửa đổi, bổ sung những hạn chế, vướng mắc còn tồn động nhằm tạo ra những quy định ưu việt nhất. BLTTHS 2015 quy định cụ thể quá trình tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự một cách chặt chẽ và logic với nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan trong từng giai đoạn được quy định cụ thể. Là một tội phạm nói chung, việc định tội danh tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác cũng được tiến hành theo thủ tục chung của BLTTHS. Tuy vậy do đặc thù về loại tội phạm này mà có những quy định của BLTTHS quy định có liên quan trực tiếp đến việc định tội danh tội phạm này.
Việc khởi tố theo yêu cầu của người bị hại tại Điều 155 BLTTHS 2015 tiếp tục kế thừa những quy định trước đó của các văn bản quy phạm pháp luật trước, theo đó việc khởi tố vụ án hình sự với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà có hậu quả thương tật từ 11% đến dưới 30% hoặc dưới 11% và có một trong 10 tình tiết đã nêu ở trên chỉ được thực hiện khi có đơn yêu cầu khởi tố của người bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
Bên cạnh đó, một trong những chứng cứ quan trọng nhất trong hoạt động định tội danh tội phạm cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là tỷ lệ tổn thương cơ thể của bị hại được quy định là những vấn đề bắt buộc phải được trưng cầu giám định (Điều 206 của BLLTHS 2015), khi thực hiện việc định tội danh tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì người định tội phải thực hiện trưng cầu bắt buộc đây là quy định bắt buộc nhằm tránh tình trạng thiếu trách nhiệm của người định tội. Ngoài ra, nhằm đảm bảo cho việc giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể BLTTHS cũng quy định về biện pháp cưỡng chế là dẫn giải đối với người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu giám định mà không có lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan. Quy định này đồng thời cũng là điểm mới của BLTTHS 2015 nhằm đảm bảo cho hoạt động định tội danh tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nói riêng và định tội danh tội phạm nói chung được bảo đảm.