Cơ sở lý luận

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ định tội danh tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác từ thực tiễn thành phố hà nội (Trang 25 - 29)

CHƯƠNG 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ ĐỊNH TỘI DANH TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH HOẶC GÂY TỔN HẠI CHO SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI KHÁC

1.3. Cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn về định tội danh tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1.3.1. Cơ sở lý luận

Định tội danh tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là một hoạt động nhận thức đòi hỏi tính logic cao. Vì vậy, bên cạnh các quy định của BLHS thì người định tội danh còn phải dựa trên cơ sở lý luận khoa học về mô hình pháp lý cụ thể của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác để thực hiện hoạt động này. Mô hình pháp lý về một tội phạm cụ thể mà chủ thể thực hiện định tội danh dưa vào được gọi là cơ sở lý luận của việc định tội danh.

Cơ sở lý luận hay cơ sở khoa học của định tội danh tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cùa người khác chính là cấu thành tội phạm của tội

phạm này, bởi nếu thiếu đi một trong các yếu tố của cấu thành tội phạm thì không thể đủ căn cứ một người đang thực hiện tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được.

Tại Việt Nam, hầu như các nhà khoa học luật hình sự đều thừa nhận rằng cấu thành tội phạm là sự mô tả khái quát loại tội phạm cụ thể được pháp luật hình sự quy định.

GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng: “Cấu thành tội phạm là tổng hợp những dấu hiệu đặc trưng cho loại tội phạm cụ thể được quy định trong pháp luật hình sự”.11 GS.TS. Lê Cảm cũng nhận định rằng: “Cấu thành tội phạm là tổng hợp các dấu hiệu pháp lý (khách quan và chủ quan) do luật hình sự quy định thể hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể là tội phạm.”12

Qua đó ta có thể mối quan hệ biện chứng giữa tội phạm và cấu thành tội phạm, trong đó tội phạm là một hiện tượng xã hội cụ thể, tồn tại khách quan, nhưng để tội phạm phản ánh vào trong các quy định của pháp luật thì phải cần đến cấu thành tội phạm. Cấu thành tội phạm là hình thức thể hiện pháp lý của tội phạm trong các quy phạm pháp luật hình sự.

Như vậy, cấu thành tối phạm của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là cơ sở lý luận để định tội danh đối với loại tội phạm này. Các dấu hiệu pháp lý trong cấu thành tội phạm của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác giống như các tội phạm khác đều chỉ được ghi nhận trong các BLHS hiện hành, trong cả phần chung và phần các tội phạm của BLHS.

Theo khoa học luật hình sự thì cấu thành tội phạm của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác bao gồm các yếu tố sau:

Thứ nhất, khách thể của tội phạm. Làm rõ khách thể của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là đi trả lời cho câu hỏi quan hệ pháp luật nào được Luật hình sự bảo vệ bị xâm hại hoặc đe dọa xâm hại. Theo

11 Nguyễn Ngọc Hòa, Tội phạm và cấu thành tội phạm, Nhà xuất bản công an nhân dân, Hà Nội, 2008, tr33.

12 Lê Cảm, Trịnh Quốc Toản, Định tội danh: Lý luận, lời giải mẫu và 500 bài tập thực hành, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2011, tr. 67.

20

khoa học luật hình sự, khách thể của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là quan hệ nhân thân của con người (cụ thể là quyền được tôn trọng và bảo vệ về tính mạng, sức khỏe) được Luật hình sự bảo vệ và đã bị tội phạm xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến. Đối tượng tác động của tội phạm này phải là con người và con người đó phải còn sống khi hành vi xâm phạm đến sức khỏe diễn ra.

Thứ hai, về mặt khách quan của tội phạm. Đó là những biểu hiện của tội phạm ra bên ngoài thế giới khách quan bao gồm hành vi khách quan, hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mối quan hệ nhân quả và những yếu tố bên ngoài khác của tội phạm. Trong đó:

- Hành vi khách quan của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chỉ được thực hiện thông qua hình thức thể hiện là hành

động (tác động một cách trực tiếp đến thân thể của người khác), hình thức thể hiện không hành động không xảy ra với tội phạm này. Hành vi tác động trực tiếp đến thân thể người khác là những hành vi mà pháp luật cấm như trực tiếp dùng tay, chân hoặc cũng có thể thực hiện thông qua công cụ, phương tiện (dao, kiếm, súng, gạch, thuốc độc, axit,…) hoặc động vật (chó, trâu,…) để tác động đến cơ thể người khác.

- Hậu quả nguy hiểm cho xã hội là thiệt hại do tội phạm gây ra. Do là có hai tội phạm trong cùng một điều luật, nên có thể hiểu hậu quả của tội cố ý gây thương tích là tỷ lệ thương tích bên ngoài của cơ thể người (vết trầy xước, vết bầm, gãy tay, gãy chân…) còn hậu quả của tội cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là những tổn thương bên trong của cơ thể người (rối loạn hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn…). Là một tội cấu thành vật chất, hậu quả của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác đòi hỏi một mức độ nhất định thể hiện tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Các tình tiết phản ánh tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có thể là:

+ Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

+ Dùng axit nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

+ Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

+ Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

+ Có tổ chức;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

+ Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

+ Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

+ Có tính chất côn đồ;

+ Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. - Quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này, đòi hỏi khi xác định hành vi phạm tội thì hậu quả thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe phải do chính hành vi gây ra.

Ngoài ra dấu hiệu pháp lý trên, mặt khách quan của tội phạm còn có một số dấu hiệu khác tuy không phải là dấu hiệu bắt buộc nhưng có ý nghĩa lớn trong việc định tội danh tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như công cụ, phương tiện, thủ đoạn….

Thứ ba, mặt chủ quan của tội phạm. Là toàn bộ hoạt động tâm lý bên trong của người phạm tội nhận thức về hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả do hành vi nguy hiểm cho xã hội gây ra bao gồm lỗi, động cơ, mục đích. Ngay từ tên của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác cũng đã nhận thấy rằng, người thực hiện hành vi phạm tội này phải thực hiện hành vi

của mình một cách cố ý (có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp). Tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi xủa mình chắc chắn hoặc có thể gây ra thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra. Hành vi mà người phạm tội thực hiện là do sự lựa chọn từ ý chí chủ quan của họ, dù lý trí của họ đã nhận thức được rằng việc gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác là một hành vi bị ngăn cấm nhưng đến cùng họ vẫn lựa chọn thực hiện hành

vi này. Trong mặt chủ quan của tội phạm còn có động cơ, mục đích, tuy nhiên, đối với tội phạm này động cơ và mục đích không phải dấu hiệu pháp lý bắt buộc.

Thứ tư, chủ thể của tội phạm. Chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Hiện nay, đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì người từ đủ

16 tuổi trở lên và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi mà phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tóm lại, để xác định đầy đủ cấu thành tội phạm của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác phải căn cứ cụ thể vào cơ sở pháp lý duy nhất là Bộ luật hình sự bên cạnh điều luật cụ thể về tội này thì cũng phải xem xét các quy phạm pháp luật ở phần chung của BLHS.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ định tội danh tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác từ thực tiễn thành phố hà nội (Trang 25 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(96 trang)
w