Nghiên cứu về phục hồi

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm cấu trúc rừng tự nhiên phục hồi làm cơ sở đề xuất biện pháp kỹ thuật lâm sinh phục hồi rừng tại huyện vân canh, tỉnh bình định (Trang 21 - 24)

CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.1.5. Nghiên cứu về phục hồi

1.1.5.1. Quan điểm nhận thức về phục hồi rừng

Trước khi tìm hiểu thế nào là phục hồi rừng cần hiểu rõ về quá trình suy thoái rừng. Sự suy thoái rừng được hiểu một cách khái quát: Là quá trình dẫn đến phá vỡ cấu trúc rừng, mất sự đa dạng của loài cây bản địa, các quá trình sinh thái đặc trưng nên hiện trạng rừng tự nhiên và năng suất của chúng. Sự suy thoái rừng có thể xảy ra ở nhiều hình thức và được biểu hiện ở nhiều quy mô khác nhau. Sự suy thoái xảy ra khi các sự kiện phi tự nhiên gây ra những xáo trộn trong các quá trình tự nhiên làm tổn hại đến sự cân bằng sinh thái. Một số khác quan niệm suy thoái rừng bao gồm cả sự chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và sử dụng rừng theo kiểu bóc lột, dù cho nó thỏa mãn các lợi ích kinh tế và xã hội (Wil de Jong, Đỗ Đình Sâm, Triệu Văn Hùng, 2006).

Grainger (1988) đã đưa ra khái niệm suy thoái thảm thực vật bằng cách định nghĩa đó là một sự giảm sút tạm thời hoặc vĩnh viễn về mật độ, cấu trúc, tổ thành loài hoặc năng suất của thảm thực vật. Dù cho có sự khác nhau về quan điểm trong việc định nghĩa về suy thoái rừng nhưng các tác giả đều công nhận kết quả của qúa trình suy thoái rừng là rừng thứ sinh nghèo (Degraded secondary forests).

Phục hồi rừng có thể được hiểu một cách khái quát là quá trình ngược lại của sự suy thoái. Để phục hồi lại các hệ sinh thái rừng đã bị thoái hoá, có rất nhiều lựa chọn tùy thuộc vào từng đối tượng và mục đích cụ thể.

Lamb và Gilmour (2003) đã đưa ra ba nhóm hành động nhằm làm đảo ngược quá trình suy thoái rừng là cải tạo, khôi phục và phục hồi rừng. Các khái niệm này được hiểu như sau:

Cải tạo hay là thay thế (Reclamation or replacement): Khái niệm này được hiểu là sự tái tạo lại năng suất và độ ổn định của một lập địa bằng cách thiết lập một thảm thực vật hoàn toàn mới để thay thế cho thảm thực vật gốc đã bị thoái hoá mạnh.

Khôi phục (Restoration): Hiểu một cách chính xác về mặt lý thuyết thì khôi phục lại một khu rừng bị suy thoái là đưa khu rừng đó trở về nguyên trạng ban đầu của nó. Đưa về nguyên trạng bao gồm cả các thành phần thực vật, động vật và toàn bộ các quá trình sinh thái dẫn đến sự khôi phục lại hoàn toàn tính tổng thể của hệ sinh thái.

Phục hồi (Rehabilitation): Khái niệm phục hồi rừng được định nghĩa như là gạch nối (trung gian) giữa cải tạo và khôi phục. Trong trường hợp này, một vài cố gắng có thể được thực hiện để thay thế thành phần dễ thấy nhất của thảm rừng gốc, đó thường là tầng cây cao bao gồm cả các loài bản địa được thay thế bằng các loài có giá trị kinh tế và sinh trưởng nhanh hơn.

Ngoài ba nhóm hành động này, việc phục hồi rừng còn bao gồm:

Trồng rừng (Afforestation): Trồng rừng được hiểu là sự chuyển đổi từ đất không có rừng thành rừng thông qua trồng cây, gieo hạt thẳng hoặc xúc tiến tái sinh tự nhiên (Smith, 2002).

Trồng lại rừng (Reforestation): Là hoạt động trồng rừng trên đất không có rừng do bị mất rừng trong một thời gian nhất định. Sự khác nhau giữa trồng lại rừng và trồng rừng nằm ở thời gian không có rừng của đối tượng (đất trồng rừng), hoạt động trồng rừng ở đối tượng có thời gian rất lâu không phải là rừng thì gọi là trồng rừng còn hoạt động đó trên đối tượng mới không có rừng trong thời gian ngắn thì gọi là trồng lại rừng. Trong nhiều trường hợp, trồng rừng, trồng lại rừng được hiểu đồng nghĩa với sự cải tạo hay là sự thay thế.

1.1.5.2. Lược sử hình thành và phát triển các biện pháp kỹ thuật phục hồi rừng Philip năm 1883 đã xuất bản cuốn phục hồi rừng. Leopold (1935) đã nghiên cứu phục hồi 24 ha đồng cỏ. Ông cho rằng hệ sinh thái phải được bảo vệ một cách hoàn chỉnh, quần thể sinh vật phải ổn định và đẹp. Đến thập kỷ 50 thế kỷ XX nhiều Nhà khoa học Châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc đều chú ý đến vấn đề môi trường, xây dựng một loạt các công trình phục hồi và phòng chống sự thoái hóa khoáng sản, đất và nước bằng cách áp dụng các biện pháp sinh vật. Farnworth (1973) đã nêu ra phương hướng nghiên cứu phục hồi rừng mưa nhiệt đới.

Phục hồi hệ sinh thái rừng đã trở thành vấn đề nóng bỏng từ thập kỷ 80 của thế kỷ XX. Năm 1980, Cairn chủ biên cuốn “Quá trình phục hồi hệ sinh thái bị tổn thất”, 8 Nhà khoa học đã tham gia biên soạn nhiều vấn đề về sự tổn thất hệ sinh thái và các biện pháp khắc phục.

Năm 1985 thành lập một Hiệp hội khoa học phục hồi hệ sinh thái quốc tế.

Lĩnh vực khoa học này đã bắt đầu từ đó. Từ năm 1990 nhiều tác phẩm về phục hồi hệ sinh thái của Peng Weilin đã được xuất bản.

Năm 1944, Tensley đưa ra “Giả thuyết về diễn thế gia tốc”: Ở các khu rừng mưa không phải là đâu đâu cũng có thể áp dụng được những kỹ thuật tái sinh tự nhiên.

Trong lịch sử có một số kiểu trồng rừng được áp dụng để khôi phục rừng ở các nước nhiệt đới như sau:

Trồng rừng kiểu Taungya (Psyllid): Taungya có nguồn gốc từ Miến Điện và là một trong các đóng góp chủ yếu của nhiệt đới cho nền lâm học thế giới. Danh từ

“Taungya” có nghĩa là canh tác trên đồi núi có tính chất tạm thời hay nói cách khác là trồng trọt du canh và cơ sở của trồng rừng kiểu Taungya là lợi dụng những người trồng trọt du canh để trồng nên những quần thể rừng non sau khi những người trồng trọt bỏ lại đất không canh tác nữa. Kiểu Taungya đã được sử dụng chủ yếu ở các khu vực rừng nhiệt đới, có tính chất phân mùa nhưng nó vẫn được áp dụng ở các khu vực rừng mưa với một quy mô không nhỏ. Chẳng hạn như ở Ấn Độ (Krishnaswamy, 1952), Pakixtan (Ghani, 1957), Công gô Kinsaxa (Sở Lâm nghiệp Công gô, 1958) và Nijerya (Redhead, 1960). Ở khu Mayumbe của Công gô, người ta đã sử dụng một phương thức giống với Taungya để trồng chuối đưa ra thị trường bán lấy tiền.

Trồng dặm dưới tán kiểu quảng canh (Extensive Enrichment Planting): Thuật ngữ “trồng dặm dưới tán” bao hàm việc trồng các cây con vào trong rừng và trước khi cây con mọc lên vững vàng thì rừng càng ít phải chịu đựng sự can thiệp càng tốt.

Trồng dặm dưới tán kiểu quảng canh được áp dụng nhiều ở các khu vực nói tiếng Pháp tại Châu Phi.

Năm 1949 điểm lại các kết quả thu được trong trồng rừng kiểu quảng canh, Brasnett đã kết luận rằng cách trồng dặm dưới tán đem lại một phương pháp để tái sinh từng phần hoặc để tăng tỷ lệ có giá trị loài cây ở nơi nào mà: Sự tái sinh tự nhiên bị thiếu hụt và không thể thúc đẩy được một cách thích đáng. Có ít cây có thể bán được đến mức là chăm sóc những đám cây tái sinh tự nhiên nằm rải rác thì tổn phí còn đắt hơn là rừng có thể bù đắp được. Nơi nào mà không thấy có mặt loài cây có giá trị.

Trồng dặm dưới tán kiểu thâm canh (Intensive Enrichment Planting): Khác hẳn với trồng rừng dưới tán kiểu quảng canh, kiểu trồng dặm dưới tán kiểu thâm canh yêu cầu phải chăm sóc cho toàn bộ quần thể sau khi trồng.

Ở New South Wales, phương pháp này đã được dùng để tạo ra một số các rừng trồng cao tuổi nhất và thành công nhất với loài Araucaria cunninghamii, phương pháp này đã được dùng ở Xri Lanca (Holmes, 1956 - 1957), Ấn Độ (Krishnaswamy, 1952), Puectô Ricô và Malaysia.

Hệ thống biện pháp nữa sử dụng phương pháp lâm sinh để xúc tiến tái sinh phục hồi lại rừng mà đã được G. Baur [2] tổng kết khá đầy đủ trong tác phẩm “Cơ sở sinh thái kinh doanh rừng mưa”.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm cấu trúc rừng tự nhiên phục hồi làm cơ sở đề xuất biện pháp kỹ thuật lâm sinh phục hồi rừng tại huyện vân canh, tỉnh bình định (Trang 21 - 24)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)