Cơ sở lí luận của dạy học theo nhóm

Một phần của tài liệu Tổ chức dạy học theo nhóm chương Hạt nhân nguyên tử Vật lý 12 (Trang 44 - 49)

CHƯƠNG 1.CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ TỔ CHỨC DẠY HỌC NHÓM

1.3.3. Cơ sở lí luận của dạy học theo nhóm

Theo quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, các quan hệ xã hội tạo nên bản chất con người. Bản chất của con người không phải là cái gì trừu tượng, tồn tại đối với từng cá nhân riêng biệt, trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là sự tổng hoà các mối quan hệ xã hội. Hoạt động của con người chịu sự tác động của quy luật xã hội, trong đó giáo dục giữ vai trò chủ động và quan trọng nhất.

Theo quan điểm của triết học Mác - Lênin, xã hội suy cho cùng là sản phẩm của sự tác động qua lại giữa những con người với nhau. Con người tạo ra xã hội và là thành viên của xã hội. Do đó mỗi con người luôn tồn tại trong mối liên hệ chặt chẽ với những người khác, mỗi cá nhân là một đơn vị cấu thành nên tập thể, liên kết với tập thể thông qua lợi ích của chính cá nhân và lợi ích của tập thể. Trong quá trình vận động, phát triển của cá nhân và tập thể tất nhiên sẽ có mâu thuẫn giữa cá nhân với cá nhân giữa cá nhân với tập thể, mâu thuẫn chính là động lực thúc đẩy sự phát triển. Cơ sở để giải quyết mâu thuẫn là sự kết hợp hài hoà giữa cá nhân với tập thể, ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân trước tập thể [12, tr.18].

1.3.3.2. Cơ sở tâm lí học

a. Theo tâm lý học đại cương

Thứ nhất, vai trò của giao tiếp đối với sự hình thành ý thức. Hoạt động lao động là hoạt động tập thể, mang tính xã hội. Trong lao động nhờ ngôn ngữ và giao tiếp mà con người thông báo trao đổi thông tin với nhau. Nhờ có ngôn ngữ và giao tiếp mà con người có ý thức về bản thân mình, ý thức về người khác. Ý thức của cá nhân được hình thành trong mối quan hệ giao tiếp của cá nhân với người khác, với xã hội. C.Mác và F.Anghen đã viết: “sự phát triển của một cá thể phụ thuộc vào sự phát triển của nhiều cá thể khác mà nó đã giao tiếp trực tiếp hay gián tiếp” [29, tr.49].

Thứ hai, giao tiếp chi phối sự hình thành nhân cách. Nhà tâm lý học Xô Viết nổi tiếng B.F.Lômôv cho rằng: “Khi chúng ta nghiên cứu lối sống của một cá nhân cụ thể, chúng ta không thể chỉ giới hạn ở sự phân tích xem nó làm cái gì và như

thế nào, mà còn phải nghiên cứu xem nó giao tiếp với ai và như thế nào”. Giao tiếp là điều kiện tồn tại của cá nhân và xã hội loài người. Nhu cầu giao tiếp là một trong những nhu cầu xã hội cơ bản, xuất hiện sớm nhất ở con người. Trong giao tiếp con người không chỉ nhận thức được người khác mà còn nhận thức được chính bản thân, tự đối chiếu so sánh mình với người khác, tự đánh giá bản thân mình như là một nhân cách. Vì thế cùng với hoạt động có đối tượng, giao tiếp có một vai trò cơ bản trong việc hình thành và phát triển nhân cách [29, tr.150].

Thứ ba, tập thể chi phối sự hình thành nhân cách. Nhân cách con người được hình thành và phát triển trong môi trường xã hội. Song không phải là môi trường xã hội trừu tượng mà là môi trường xã hội cụ thể như: gia đình, làng xóm, là các nhóm, cộng đồng và tập thể mà nó là thành viên. Các nhóm nhỏ như gia đình, nhóm bạn thân, lớp học…, trong nhóm và tập thể diễn ra các hình thức hoạt động như: vui chơi, học tập, lao động, hoạt động xã hội, và các mối quan hệ giao tiếp giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với nhóm, nhóm với nhóm. Vì thế nhóm và tập thể có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển nhân cách [29, tr.151].

b. Theo L.X.Vưgotxky

L.X.Vưgotxky, nhà tâm lý học người Liên Xô, đã xây dựng được lý thuyết tâm lý học mang tên thuyết lịch sử - văn hoá về sự phát triển các chức năng tâm lý cấp cao của người. Trong đó có những luận điểm chính như sau: [21, tr.67]

Các quy luật phát triển của trẻ em

- Thứ nhất, sự hình thành các chức năng tâm lý cấp cao (CNTLCC) thực chất là quá trình cải tổ các chức năng tâm lý cấp thấp (CNTLCT) nhờ các công cụ kí hiệu. Sự hình thành các CNTLCT theo con đường tiến hoá, từ dưới lên, còn CNTLCC theo con đường lĩnh hội, từ trên xuống, từ ngoài vào, trên cơ sở cải tổ các CNTLCT, nhờ sử dụng các công cụ kí hiệu. Qúa trình hình thành các CNTLCC ở trẻ em thực chất là quá trình trẻ em lĩnh hội kinh nghiệm xã hội - lịch sử được kết tinh trong các công cụ kí hiệu do loài người sáng tạo ra, là quá trình trẻ học cách sử dụng các công cụ kí hiệu đó, biến chúng từ chỗ là phương tiện của giao tiếp xã hội ở bên ngoài thành phương tiện tâm lý của cá nhân ở bên trong.

- Thứ hai, quy luật về sự tương tác giữa các cá nhân trong quá trình hình thành các CNTLCC. Quy luật này phản ánh quan hệ đặc trưng của cá nhân với xã hội.

Quan hệ giữa các CNTLCC không bao giờ là quan hệ trực tiếp vật chất giữa cá thể người với người, chúng là các hình thức hợp tác xã hội mang tính chất tập thể, trong quá trình phát triển đã trở thành phương tiện thích ứng của cá nhân, các dạng hành vi và tư duy cá nhân. Nói cách khác, các CNTLCC xuất hiện từ các hình thức hành vi xã hội mang tính tập thể (sự suy nghĩ không phải được nảy sinh trước cuộc tranh luận mà được nảy sinh trong cuộc tranh luận, ngôn ngữ bên trong được nảy sinh từ ngôn ngữ bên ngoài qua giao tiếp xã hội).

- Thứ ba, quy luật về sự phát sinh xã hội của các dạng hành vi cấp cao. Bất kỳ CNTLCC của trẻ em trong quá trình phát triển đều được thể hiện hai lần: lần đầu là hoạt động tập thể, hoạt động xã hội, tức là chức năng tâm lý bên ngoài, lần thứ hai là hoạt động cá nhân, là chức năng tâm lý bên trong.

Tóm lại, sự hình thành và phát triển các CNTLCC là các quan hệ của trật tự xã hội được đưa vào nhân cách, tạo ra cơ sở cấu trúc xã hội của nhân cách con người. Chúng là các quy luật chuyển chức năng tâm lý bên ngoài vào bên trong trong sự phát triển của trẻ em. L.X.Vưgotxky đặc biệt nhấn mạnh vai trò quyết định của hoạt động hợp tác.

Trình độ hiện tại và vùng phát triển gần nhất trong quá trình phát triển của trẻ em. Quan hệ của chúng với dạy học.

Theo ông, “vùng phát triển gần nhất" là khoảng cách giữa trình độ phát triển hiện tại của HS và trình độ gần nhất mà các em có thể đạt được với sự giúp đỡ của người lớn (thầy giáo, cha mẹ) hay bạn bè khi giải quyết vấn đề. Sau mỗi lần giải quyết được nhiệm vụ học tập ở mức cao hơn trình độ phát triển hiện tại, thì HS sẽ đạt được trình độ mới cao hơn. Lý thuyết này xuất phát từ một quan niệm mới về dạy học:

dạy học phải đi trước sự phát triển và kéo theo sự phát triển. Dạy học theo quan điểm này sẽ đem đến sự phát triển tốt nhất cho HS.

c. Theo Jean Piaget

Jean Piaget, nhà tâm lý học người Pháp, người đã xây dựng lý thuyết kiến tạo nhận thức. Lý thuyết này đã được dùng để làm cơ sở tâm lý học của nhiều hệ thống dạy học. Trong đó có những luận điểm chính như sau: [21, tr.57]

- Thứ nhất, học tập là quá trình cá nhân hình thành các tri thức cho mình.

Tri thức về thuộc tính Vật lí, thu được bằng cách hành động trực tiếp với các sự vật và tri thức về tư duy, thu được qua sự tương tác với người khác trong các quan hệ xã hội.

- Thứ hai, cấu trúc nhận thức có chức năng tạo ra sự thích ứng của cá thể với các kích thích của môi trường. Các cấu trúc nhận thức được hình thành theo cơ chế đồng hoá và điều ứng.

- Thứ ba, quá trình phát triển nhận thức phụ thuộc trước hết vào sự trưởng thành và chín muồi các chức năng sinh lý thần kinh của trẻ em, vào sự tập luyện và kinh nghiệm thu được thông qua hành động với đối tượng, vào tương tác của các yếu tố xã hội, vào tính chủ thể và sự phối hợp chung của hành động.

Jean Piaget luôn coi trọng vai trò hoạt động của học sinh. Ông cho rằng:

"Trẻ em được phú cho tính hoạt động thực sự, và giáo dục không thể thành công nếu không sử dụng và không biết kéo dài tính hoạt động đó". Khác với các dạng hoạt động khác, hoạt động dạy học có một điểm đặc thù mà các dạng hoạt động khác không có:

học sinh vừa là đối tượng vừa là chủ thể của quá trình dạy học. Do vậy, hiệu quả dạy học phụ thuộc rất nhiều vào việc khuyến khích nhằm phát huy vai trò chủ thể của HS trong quá trình dạy học. Vai trò chủ thể được thể hiện ở tính tích cực, tự giác, chủ động và sáng tạo của HS trong việc tìm kiếm kiến thức và vận dụng kiến thức một cách sáng tạo vào thực tiễn. HS càng tích cực, chủ động và sáng tạo, thì việc dạy học sẽ càng thuận lợi và càng có hiệu quả hơn.

1.3.4. Ưu điểm và hạn chế của dạy học theo nhóm 1.3.4.1. Ưu điểm

Phát huy tính tích cực, tự lực và tính trách nhiệm của HS: trong dạy học nhóm, HS phải tự lực giải quyết nhiệm vụ học tập, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các thành viên, có trách nhiệm với nhiệm vụ và kết quả làm việc của mình.

Phát triển năng lực cộng tác làm việc: trong dạy học nhóm, HS được luyện tập những kỹ năng cộng tác làm việc như tinh thần đồng đội, sự quan tâm đến những người khác và tính khoan dung. HS hình thành thói quen làm việc có sự phân công cũng như sự phụ thuộc lẫn nhau với các thành viên khác trong nhóm. Đây cũng là mục tiêu của giáo dục chuẩn bị cho xã hội những con người dễ thích nghi với cuộc sống thực tế.

Phát triển năng lực giao tiếp và các năng lực xã hội khác: thông qua cộng tác làm việc trong nhóm, giúp HS phát triển năng lực giao tiếp như biết lắng nghe, chấp nhận và phê phán ý kiến người khác, biết trình bày, bảo vệ ý kiến của mình trong nhóm. Ngoài ra khi làm việc trong nhóm, HS có cơ hội phát triển năng lực quản lý, lãnh đạo, đưa ra các quyết định cần thiết.

Tăng cường sự tự tin cho HS: vì HS được liên kết với nhau qua giao tiếp xã hội, các em sẽ mạnh dạn hơn và ít sợ mắc phải sai lầm. Mặt khác, thông qua giao tiếp sẽ giúp khắc phục sự thô bạo, cục cằn.

Tạo được không khí học tập sôi nổi, thi đua giữa các thành viên trong nhóm và giữa các nhóm: Học theo nhóm tạo cơ hội tối đa cho mọi thành viên trong nhóm được bộc lộ hiểu biết và quan điểm của mình, do đó bầu không khí học tập sôi nổi, HS có cảm giác hứng thú, tăng sức chịu đựng, lâu mệt mỏi.

Dạy học nhóm tạo khả năng dạy học phân hoá: lựa chọn nhóm theo đặc điểm chung hay lựa chọn ngẫu nhiên, các đòi hỏi như nhau hay khác nhau về mức độ khó khăn, cách học tập như nhau hay khác nhau, phân công công việc như nhau hoặc khác nhau, nam HS và nữ HS làm bài cùng nhau hay riêng rẽ.

Tăng cường kết quả học tập. Khi học nhóm có sự hợp tác cùng làm việc và thảo luận nên nhóm học sinh có thể giải quyết được nhiệm vụ học tập có tính chất phức hợp, học sinh chia sẻ, học tập lẫn nhau để nâng cao kết quả học tập của bản thân [5].

1.3.4.2. Nhược điểm

Dạy học nhóm đòi hỏi phải có thời gian và không gian thích hợp.

Các nhóm và cá nhân trong nhóm dễ bị chệch hướng với chủ đề ban đầu nếu người chủ trì không kiểm soát được tiến trình thảo luận.

Đòi hỏi giáo viên phải có vốn kiến thức sâu rộng và năng lực giao tiếp tốt.

Hiệu quả học tập của nhóm phụ thuộc rất nhiều vào tinh thần tham gia của các thành viên trong nhóm, nếu trong nhóm có học viên bất hợp tác thì hiệu quả sẽ thấp.

Nếu không tổ chức tốt dễ có tình trạng những thành viên khá giỏi giữ vai trò lấn át, một số khác ỷ lại không chịu làm việc, dựa dẫm ăn theo [5].

Một phần của tài liệu Tổ chức dạy học theo nhóm chương Hạt nhân nguyên tử Vật lý 12 (Trang 44 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(188 trang)