Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI
1.4. Năng lực giải bài toán hóa học của học sinh
- Năng lựclà khả năng cá nhân đáp ứng các yêu cầu phức hợp và thực hiện thành công nhiệm vụ trong một bối cảnh cụ thể.
- Năng lực là các khả năng và kĩ năng nhận thức vốn có ở cá nhân hay có thể học được…để giải quyết các vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Năng lực cũng hàm chứa trong nó tính sẵn sàng hành động, động cơ ý chí và trách nhiệm xã hội để có thể sử dụng một cách thành công và có trách nhiệm các giải pháp…trong những tình huống thay đổi [41].
- Năng lực học tập của HS là khả năng làm chủ hệ thống kiến thức, kĩ năng, thái độ và vận hành chúng một cách hợp lý vào thực hiện thành công nhiệm vụ học tập, giải quyết hiệu quả những vấn đề đặt ra cho chính các em trong cuộc sống.
1.4.2. Mối quan hệ giữa năng lực với kiến thức, kĩ năng
Một năng lực là tổ hợp đo lường được các kiến thức, kĩ năng và thái độ mà một người cần vận dụng để thực hiện một nhiệm vụ trong một bối cảnh thực và có nhiều biến động. Để thực hiện một nhiệm vụ, một công việc có thể đòi hỏi nhiều năng lực khác nhau. Vì năng lực được thể hiện thông qua việc thực hiện nhiệm vụ nên người học cần chuyển hóa những kiến thức, kĩ năng, thái độ có được vào giải quyết những tình huống mới và xảy ra trong môi trường mới.
Như vậy, có thể nói kiến thức là cơ sở để hình thành năng lực, là nguồn lực để người học tìm được các giải pháp tối ưu để thực hiện nhiệm vụ hoặc có cách ứng xử phù hợp trong bối cảnh phức tạp. Khả năng đáp ứng phù hợp với bối cảnh là đặc trưng quan trọng của năng lực. Tuy nhiên, khả năng đó có được lại dựa trên sự đồng hóa và sử dụng có cân nhắc những kiến thức, kĩ năng cần thiết trong từng hoàn cảnh cụ thể.
Những kiến thức là cơ sở để hình thành và rèn luyện năng lực là những kiến thức mà người học phải năng động, tự kiến tạo, huy động được. Việc hình thành và rèn luyện năng lực được diễn ra theo hình xoáy tròn ốc, trong đó các năng lực có trước được sử dụng để kiến tạo kiến thức mới, và đến lượt mình, kiến thức mới lại đặt cơ sở để hình thành những năng lực mới.
Kĩ năng theo nghĩa hẹp là những thao tác, những cách thức thực hành, vận dụng kiến thức, kinh nghiệm đã có để thực hiện một hoạt động nào đó trong môi trường quen thuộc. Kĩ năng theo nghĩa rộng, bao hàm những kiến thức, những hiểu biết và trải nghiệm,… giúp cá nhân có thể thích ứng khi hoàn cảnh thay đổi.
Như vậy, kiến thức, kĩ năng là cơ sở cần thiết để hình thành năng lực trong một lĩnh vực hoạt động nào đó. Không thể có năng lực về việc giải bài toán hóa học nếu không có kiến thức và được thực hành, luyện tập trong những dạng bài toán khác nhau. Tuy nhiên, nếu chỉ có kiến thức, kĩ năng trong một lĩnh vực nào đó thì chưa chắc đã được coi là có năng lực, mà còn cần đến việc sử dụng hiệu quả các nguồn kiến thức, kĩ năng cùng thái độ, giá trị, trách nhiệm bản thân để thực hiện thành công nhiệm vụ và giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn khi điều kiện và bối cảnh thay đổi [7].
1.4.3. Năng lực giải bài toán hóa học của học sinh
NLGBTHH của HS là khả năng sử dụng có mục đích, sáng tạo những kiến thức và kĩ năng hóa học để giải các BTHH.
Một HS có NLGBTHH tức là biết phân tích đầu bài, biết vận dụng kiến thức và kĩ năng để từ đó xác định được hướng giải đúng, trình bày lời giải một cách logic, chính xác trong một thời gian nhất định. NLGBTHH có thể chia thành 3 mức độ khác nhau như sau:
- Biết làm: Biết được quy trình giải một loại bài toán cơ bản nào đó tương tự như bài giải mẫu nhưng chưa nhanh.
- Thành thạo: Biết cách giải nhanh, ngắn gọn, chính xác theo cách giải gần như bài mẫu nhưng có biến đổi chút ít hoặc bằng cách giải khác nhau.
- Mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo: Đưa ra được những cách giải ngắn gọn, độc đáo do biết vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học (không chỉ đối với BTHH gần như bài mẫu mà cả BTHH mới).
1.4.4. Con đường hình thành năng lực giải bài toán hóa học cho học sinh Bất cứ một năng lực nào được hình thành nhanh hay chậm, bền vững hay không đều phụ thuộc vào khát khao, quyết tâm, năng lực tiếp nhận của chủ thể, cách luyện tập, tính phức tạp của chính năng lực đó. Để giúp HS hình thành NLGBTHH, theo chúng tôi cần thực hiện các bước sau đây:
- Bước 1: Xác định những kiến thức và kĩ năng cụ thểtrong hệ thống kĩ năng giải BTHH và mức độ của nó ở mỗi lớp học, cấp học tương ứng. GV phải trả lời được các câu hỏi “Tại sao HS phải có kiến thức, kĩ năng đó?”; “Nếu có kiến thức, kĩ năng đó HS sẽ có lợi gì trong việc giải toán?”…
- Bước 2: Lập kế hoạch để HS có được những kiến thức và kĩ năng đó. GV cần trả lời các câu hỏi “Phải cung cấp những kiến thức và kĩ năng vào lúc nào?”; “Cung cấp như thế nào?”… GV có thể lên kế hoạch thực hiện điều này trong quá trình dạy bài mới, luyện tập, ôn tập hoặc khi dạy một chuyên đề nào đó về BTHH.
- Bước 3: Luyện tập kĩ năng. Đây là bước quan trọng nhất trong việc hình thành và phát triển NLGBTHH cho HS. GV có thể tổ chức cho HS luyện tập cùng thầy, luyện tập giữa các HS với nhau, luyện tập ở nhà. Luyện tập kĩ năng có các giai đoạn sau đây:
+ Giai đoạn 1: Luyện tập theo mẫu
Cho học sinh giải BTHH tương tự bài tập mẫu. Việc luyện tập này có thể tập trung ngay ở một bài học nhưng cũng có thể rải rác ở một số bài hoặc bài tập ở nhà. Để việc luyện tập của HS được tốt, GV cần phải:
• Xây dựng sơ đồ định hướng giải và các thao tác giải mỗi loại bài toán cơ bản điển hình và BTHH cơ sở để hướng dẫn HS giải bài toán.
• Hướng dẫn HS hoạt động tìm kiếm lời giải bài toán mẫu và bài toán tương tự nhằm giúp HS nắm được sơ đồ định hướng giải BTHH nói chung và mỗi loại BTHH cụ thể nói riêng.
+ Giai đoạn 2: Luyện tập không theo mẫu
• HS luyện tập trong tình huống có biến đổi.
• Những điều kiện và yêu cầu của BTHH có thể biến đổi từ đơn giản đến phức tạp cùng với sự phát triển của kiến thức.
+ Giai đoạn 3: Luyện tập thường xuyên, luyện tập theo nhiều hình thức giải các bài toán hóa học khác nhau
• Mỗi kĩ năng được hình thành phải nhuần nhuyễn (thành thạo) do đó cần thường xuyên tạo điều kiện để HS rèn luyện kĩ năng qua tiết học hay quá trình tự học ở nhà.
• GV cần sử dụng đa dạng các loại BTHH để có nhiều hình thức rèn luyện kĩ năng giải như: giải bằng lời, giải dưới dạng sơ đồ, hình vẽ và giải bằng thực nghiệm.
• Xác định hệ thống BTHH tương ứng chủ yếu để HS luyện tập kĩ năng giải bài toán cơ bản, bài toán tổng hợp; xếp từ dễ đến khó giúp cho HS phát triển các kĩ năng bậc cao.
- Bước 4: Kiểm tra, đánh giá
Việc kiểm tra, đánh giá NLGBTHH của HS cần tiến hành thường xuyên nhằm điều chỉnh kịp thời phương pháp, cách thức tổ chức quá trình dạy học theo hướng phù hợp hơn, hiệu quả hơn.
Giải BTHH là một khâu quan trọng của việc học tập hóa học. Năng lực giải BTHH không phải tự nhiên mà có. Nó được hình thành và phát triển qua việc nắm vững kiến thức, kĩ năng và qua việc rèn luyện thường xuyên.