1.2. Khai thác khoáng sản và những tác động đến môi trường
1.2.1. Khoáng sản và khai thác khoáng sản
1.2.1.1. Khoáng sản
Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ. Khoáng sản là những dạng vật chất rất gần gũi và đóng vai trò to lớn trong đời sống con người như sắt, than đá, kẽm, vàng, dầu khí, nước khoáng thiên nhiên… Giá trị to lớn của khoáng sản cũng như tính phức tạp của các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tất yếu dẫn tới Nhà nước quản lý khoáng sản bằng pháp luật (Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, 2008).
Vậy dưới góc độ pháp luật, Khoáng sản được hiểu bao gồm các tài nguyên trong lòng đất, trên mặt đất dưới dạng những tích tụ tự nhiên khoáng vật, khoáng chất có ích ở thể rắn, thể lỏng, thể khí, hiện tại hoặc sau này có thể khai thác. Khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ mà sau này có thể được khai thác lại, cũng là khoáng sản (khoản 1 Điều 3 Luật Khoáng sản 1996; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khoáng sản 2005).
Luật Khoáng sản 2010 được Quốc hội thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2010 có quy định Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ”.
Theo tính chất của công dụng, khoáng sản được chia ra làm bốn nhóm:
khoáng sản kim loại, khoáng sản phi kim, khoáng sản nhiên liệu và khoáng sản nước như sau (Nguyễn Văn Lâm, 2009):
- Khoáng sản kim loại là những quặng, qua quá trình chế luyện, lấy ra kim loại hoặc hợp chất của chúng, thuộc nhóm này gồm: Nhóm khoáng sản sắt và hợp kim sắt (sắt, Mangan, Crôm…); Nhóm kim loại cơ bản (Thiếc, Đồng, Chì, Kẽm…);
Nhóm kim loại nhẹ (Nhôm, Titan, Magiê…); Nhóm kim loại phóng xạ (Uran, thori, rađi) và nhóm kim loại hiếm và đất hiếm.
- Khoáng sản phi kim là những quặng được sử dụng trực tiếp hoặc qua chế biến để lấy ra đơn chất hoặc hợp chất không kim loại: nhóm khoáng sản hóa chất và phân bón (lưu huỳnh, apatit, phôtphorit…); Nhóm nguyên liệu gốm sứ - chịu lửa (sét, kaolin…) và nhóm nguyên liệu kiến trúc xây dựng (cát, đá vôi, đá hoa…).
- Khoáng sản nhiên liệu gồm các đá có nguồn gốc sinh vật (than bùn, than đá, dầu…). Loại khoáng sản này ngoài việc làm chất đốt, khoáng sản nhiên liệu còn để sản xuất ra hóa phẩm, dược phẩm và các thành phần khác (sợi nhân tạo, vật liệu khuôn đúc.v.v…).
- Khoáng sản nước: Là các loại nước được dùng cho sinh hoạt và công nghiệp như nước khoáng, bùn khoáng sử dụng trong y tế và sinh hoạt.
1.2.1.2. Khai thác khoáng sản
Khai thác khoáng sản là hoạt động xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, sản xuất và các hoạt động có liên quan trực tiếp nhằm thu hồi khoáng sản (khoản điều 3 Luật Khoáng sản 1996). Theo Luật khoáng sản 2010 thì khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm thu hồi khoáng sản, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, làm giàu và các hoạt động có liên quan. Đây là hoạt động được tiến hành sau khi đã có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được tính từ khi mỏ bắt đầu xây dựng cơ bản (hay còn gọi là mở mỏ), khai thác bình thường theo công thức thiết kế, cho đến khi mỏ mỏ kết thúc khai thác (đóng cửa mỏ - phục hồi môi trường).
Trước đây, trong thời kỳ bao cấp hoạt động khai thác khoáng sản chủ yếu do các tổng công ty, công ty nhà nước thực hiện tại các mỏ đã được tìm kiếm, thăm dò bằng nguồn vốn của Nhà nước như apatit, quặng sắt, than, đá vôi, sét làm nguyên liệu xi măng, thiếc… với số lượng rất ít. Sau năm 1996 khi Luật khoáng sản được ban hành, với chính sách đầu tư của Nhà nước, hoạt động khai thác đã phát triển nhanh cả về quy mô và thành phần kinh tế tham gia hoạt động khoáng sản, nhất là trong vài năm trở lại đây.
Khai thác khoáng sản, hay khai thác mỏ là hoạt động khai thác khoáng sản hoặc các vật liệu địa chất từ dưới mặt đất, thường là các thân quặng, mạch
hoặc vỉa than. Các vật liệu được khai thác từ mỏ như kim loại cơ bản, kim loại quý, sắt, urani, than, kim cương, đá vôi, đá phiến dầu, đá muối và kali cacbonat. Khai thác mỏ ở nghĩa rộng hơn bao gồm việc khai thác các nguồn tài nguyên không tái tạo (như dầu mỏ, khí thiên nhiên, hoặc thậm chí là nước (Nguyễn Văn Lâm, 2009).
1.2.1.3. Đất sau khai thác khoáng sản
Trong khai thác khoáng sản, nhất là mỏ lộ thiên, để đến được quặng người ta bắt buộc phải đào lớp đất đá phủ bên trên hoặc giữa các lớp quặng. Lượng đất đá này sẽ được đưa đến các bãi thải. Ngoài ra, với các mỏ đã hết chu kỳ khai thác, đất đá sẽ được chuyển trở lại để lấp các khu vực đã lấy hết quặng. Tất cả các loại đất đá trên chính là đất sau khai thác khoáng sản (Luật Khoáng sản, 1996).
Đất sau khai thác mỏ là đất đã bị thay đổi tính chất lý, hóa, sinh học, thảm thực vật... sau quá trình khai thác tài nguyên trong đất của con người, cụ thể (Đặng Văn Minh và cs., 2011):
- Một diện tích lớn đất nông, lâm nghiệp trước đây bị chiếm dụng cho mục đích khai thác khoáng sản vẫn để hoang hóa sau khi khai thác.
- Tầng đất mặt bị xáo trộn, gây khó khăn cho việc hoàn thổ phục hồi môi trường.
- Cân bằng nước khu vực bị phá vỡ, gia tăng các hiện tượng trượt lở, bồi lấp, tích tụ các chất rắn do sự biến đổi chế độ thủy văn của dòng chảy mặt và dòng chảy ngầm.
- Chất lượng nước ở các vùng khai thác khoáng sản bị ảnh hưởng. Phần lớn nước ở các vùng khai thác khoáng sản đều bị ảnh hưởng bởi độ đục cao do lượng bùn mịn trong nước thải cao. Các loại thuốc tuyển khoáng còn dư lại trong bùn thải cũng có khả năng gây ô nhiễm nguồn tiếp nhận. Ở một số khu vực đất đá thải còn có tiềm năng hình thành dòng axit mỏ, có khả năng hòa tan các kim loại nặng độc hại là nguồn gây ô nhiễm tiềm tàng đối với nước mặt và nước ngầm của khu vực.
- Hệ sinh thái và cảnh quan khu vực bị biến đổi. Biểu hiện rõ nét nhất là suy thoái thảm thực vật, suy giảm diện tích rừng, cạn kiệt trữ lượng gỗ, suy giảm về chủng loại và số lượng các loài động vật hoang dã.
- Các sự cố và rủi ro môi trường tại các vùng khai thác như trượt lở, sập hầm….