2.4.1. Ưu điểm và nguyên nhân
Kết quả khảo sát cho thấy, trong thời điểm chính sách BHYT học sinh có sự thay đổi lớn, các cơ quan báo chí tác giả khảo sát đều có sự quan tâm nhất định với mức độ, dung lượng khác nhau, phụ thuộc vào tôn chỉ, mục đích của mình. Nội dung thông tin tập trung vào việc chuyển tải những chính sách, quy định mới về BHYT học sinh, sinh viên; phản ánh tình hình tổ chức thực hiện ở cơ sở, thông tin quyền lợi của đối tượng tham gia và lên tiếng đấu tranh, phản biện kịp thời trước những vấn đề khó khăn, bất cập…
Những nội dung thông tin chung quanh việc đổi mới thực hiện chính sách BHYT học sinh, sinh viên cho thấy báo chí nói chung, báo in và báo điện tử nói riêng luôn là lực lượng xung kích, đi đầu trong việc chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống; đồng thời kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc khi chính sách tiếp cận với thực tiễn cuộc sống. Sự nhạy bén, thẳng thắng, quyết liệt trong thông tin,
góp phần giúp cho chủ chính sách, pháp luật sớm đi vào cuộc sống và ngày càng hoàn thiện.
Hình thức chuyển tải thông tin về BHYT học sinh, sinh viên, biểu hiện qua việc xây dựng chuyên mục, sử dụng linh hoạt các thể loại báo chí mũi nhọn, đặt tít, sa pô, sử dụng ngôn ngữ phù hợp… góp phần tăng thêm hiệu quả truyền thông về những đổi mới trong thực hiện chính sách này.
Nguyên nhân của những ưu điểm trên, qua khảo sát và qua phỏng vấn sâu các đối tượng liên quan cho thấy là do có sự lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực thi chính sách; sự chủ động, tích cực, nhạy bén của cơ quan báo chí đã thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác truyền thông trước những chủ trương, chính sách mới.
2.4.2. Hạn chế và nguyên nhân
- Qua khảo sát, cho thấy, mặc dù nội dung phản ánh về những đổi mới chính sách BHYT học sinh, sinh viên được quan tâm chuyển tải, nhưng chưa hài hòa, không thường xuyên và chỉ tập trung vào những thời điểm nhất định (nhất là đầu năm học mới), trong khi những quy định này đã được Quốc hội thông qua Luật BHYT từ trong năm 2014, hiệu lực thi hành từ 01/01/2015.
Những nội dung báo chí có trách nhiệm chuyển tải về chính sách BHYT học sinh, sinh viên - một chính sách nhân văn, ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, theo tôn chỉ mục đích và nhiệm vụ của báo chí cách mạng, nhưng việc phản ánh còn thụ động, tản mạn, chưa xứng tầm. Số lượng các tin, bài về BHYT học sinh, sinh viên còn quá ít so với các vấn đề khác. Đây là những hạn chế đáng suy nghĩ, nhất là với những tờ báo phát hành hàng ngày như báo Lao động, hàng giờ, hàng phút như Dân trí và báo VnExpress với lượng truy cập khá lớn hiện nay.
- Bên cạnh đó, có thể thấy, báo chí của chúng ta hiện nay vẫn chỉ thuần tuý mang tính mô tả chạy theo các sự kiện vụ việc nhỏ lẻ. Tính khái quát, bao quát trong phản ánh vấn đề chưa được thể hiện trong các bài viết, ít có sự
phân tích mổ xẻ, lý giải sâu nguyên nhân của thực trạng. Các thông tin nhằm hướng đến việc tháo gỡ, giải quyết vấn đề một cách thuyết phục cũng không có nhiều.
Nhận xét về nhược điểm, hạn chế của báo chí khi thông tin về BHYT học sinh, sinh viên GS.TS. Đào Văn Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội –Ban Tuyên giáo Trung ương trong trả lời phỏng vấn sâu của tác giả Luận văn cho rằng: “Bên cạnh những đóng góp rất lớn, báo chí cũng có một số nhược điểm, hạn chế trong công tác thông tin, tuyên truyền về BHYT học sinh, sinh viên, nhất là thời điểm có những thay đổi trong chính sách, pháp luật về lĩnh vực này. Thực tế cho thấy, trước thời điểm 01/01/2015 khi Luật BHYT quy định BHYT học sinh là đối tượng bắt buộc tham gia, nhưng rất ít thấy báo chí đề cập. Đến khi bước vào năm học mới 2015 - 2016, sau khi có phản ứng của phụ huynh học sinh về các khoản thu đầu năm, trong đó có những quy định mới về mức đóng, thời gian sử dụng thẻ BHYT…, báo chí đã có những thông tin chưa thật khách quan, làm “nóng” tình hình một cách thiếu thận trọng. Theo tôi, báo chí cần thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của mình theo quy định của pháp luật, thể hiện đúng vị trí, vai trò là cơ quan ngôn luận, diễn đàn của xã hội, thực hiện tốt sứ mệnh là người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể và tổ chức tập thể, đi trước, đón đầu và thực hiện tốt nhiệm vụ định hướng dư luận, giúp cho người dân có cái nhìn đúng đắn và khách quan hơn đối với việc tham gia BHYT học sinh, sinh viên”.
ThS. Dương Ngọc Ánh, là người giúp Tổng Biên tập Tạp chí BHXH phụ trách nội dung của Tạp chí, với cái nhìn của người trong cuộc, bà cho rằng: “Các cơ quan báo chí nói chung, trong đó có Báo Lao động, Báo điện tử Dân trí và Báo điện tử VnExpress, đã làm khá tốt việc truyền thông về những thay đổi của chính sách đến phụ huynh và HSSV cũng như kịp thời phát hiện, phản ánh những bất cập trong tổ chức thực hiện. Để đưa một chính sách mới hoặc một điều chỉnh mới trong chính sách vào cuộc sống,
theo tôi thông tin nhanh nhạy và kịp thời lên tiến đấu tranh phản biện với những vướng mắc, bất cập là hết sức cần thiết, nhưng phải trên tinh thần phản biện xây dựng và cần thận trọng, bình tĩnh thông tin hướng dẫn dư luận hiểu đúng, làm đúng chính sách, pháp luật, không nên làm “nóng” tình hình trong thời điểm nhạy cảm, gây khó khăn cho cơ quan, đơn vị, nhà trường tổ chức thực hiện, tác động bất lợi tới việc thực thi chính sách, pháp luật của xã hội. Tôi còn nhớ, thời điểm đầu tháng 9/2015, báo điện tử VnExpress, đăng bài báo “Ai cần bảo hiểm y tế” của tác giả Thanh Hằng chia sẻ về sự cần thiết, ý nghĩa mục đích phải thực hiện BHYT cho học sinh, sinh viên, nhất là khi các cháu đau ốm nặng, chữa trị tốn kém. Bài báo phản biện lại dư luận phản ứng về việc tăng mức đóng BHYT học sinh, sinh viên, chúng tôi đã sử dụng lại ý kiến này để viết bài tăng thêm sự đồng thuận của xã hội về chính sách này. Đáng tiếc là những bài báo như vậy xuất hiên trên báo rất ít”.
- Các hình thức chuyển tải còn đơn điệu, hầu hết các tờ báo lớn, có đông độc giả như Lao động, điện tử Dân trí và VnExpress chưa bố trí chuyên mục riêng, ngay cả thời điểm trước, trong và sau thời điểm chính sách mới về BHYT học sinh, sinh viên; các tờ báo tập trung chủ yếu sử dụng ở các thể loại thông tấn, các thể loại báo chí hiệu quả khác như phóng sự, điều tra, bình luận hầu như còn vắng bóng…
Nhìn nhận về vấn đề sử dụng thể loại báo chí của các tờ báo được khảo sát, TS. Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam trong trả lời phỏng vấn sâu của tác giả cũng đã đánh giá: “Do BHYT học sinh, sinh viên là vấn đề còn mới, hoạt động mang tính chuyên ngành, hiểu biết của bản thân các nhà báo cũng còn hạn chế, cho nên việc sáng tạo những tác phẩm báo chí viết về lĩnh vực này cũng gặp nhiều khó khăn, chất lượng chưa cao.
Thực tế cho thấy, báo chí thường sử dụng các thể loại báo chí thông dụng để chuyển tải, như đưa tin, phỏng vấn, viết bài phản ánh…; các bài viết về
BHYT học sinh, sinh viên ở các thể loại báo chí mũi nhọn, như phóng sự, điều tra... rất hiếm thấy”.
- Thực trạng chung của nền báo chí nước ta đang trong quá trình phát triển, hướng đến một nền báo chí chuyên nghiệp, nhưng còn nhiều bất cập, vì phải phụ thuộc vào hàng loạt điều kiện cần và đủ khác. Hoạt động báo chí chuyên nghiệp phải mang tính hệ thống, đồng bộ, thống nhất và tính chuyên môn hóa cao. Báo chí hoạt động đúng nghĩa của từ chuyên nghiệp đòi hỏi cả dây chuyền hoạt động đều phải đáp ứng được yêu cầu về tính chuyên nghiệp, kể cả các bộ phận mang tính hỗ trợ xuất bản, phát hành, quảng cáo, hành chính, trị sự.
Về vấn đề này, ThS. Dương Ngọc Ánh nhận định: “Tôi cho rằng, vì phạm vi nội dung phản ánh của các tờ báo này khá rộng, do đội ngũ phóng viên chuyên trách lĩnh vực BHYT của các tờ báo này chưa thực sự am hiểu về chính sách, vì thế chưa triển khai được nhiều bài viết chuyên sâu về lĩnh vực BHYT học sinh, sinh viên. Mặt khác do chưa có sự cân nhắc thận trọng khi đăng tải những thông tin phản ứng của người dân, cho nên đã gây ra những bất lợi cho việc triển khai những quy định mới của chính sách BHYT học sinh, sinh viên ở thời điểm 01/01/2015, khi đồng loạt triển khai rất nhiều quy định mới về BHYT học sinh, sinh viên”.
Qua khảo sát thực tế cho thấy các cơ quan báo chí hiện nay chưa chú trọng, quan tâm phản ánh nhiều đến mảng đề tài về BHYT. Đa số các cơ quan báo chí chưa bố trí phóng viên chuyên trách về vấn đề này, trong khi BHYT là một nội dung tương đối khó, đòi hỏi người viết phải có nhận thức sâu, hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, nắm rõ các quy định của Luật BHYT. Cũng vì các cơ quan báo chí chưa bố trí phóng viên chuyên trách này nên các bài viết về BHYT chưa thực sự đạt đến độ sâu thông tin cần thiết.
Khảo sát thực trạng sử dụng thể loại báo chí chuyển tải nội dung về BHYT cũng cho thấy một thực tế là các cơ quan quản lý, chỉ đạo báo chí cũng
chưa thực sự quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng riêng trong hoạt động truyền thông về BHYT, chưa có chiến lược, kế hoạch truyền thông cụ thể cho lĩnh vực quan trọng này. Nguyên nhân của những điểm hạn chế trong sử dụng thể loại báo chí trong phản ánh BHYT theo chúng tôi do đội ngũ cán bộ, phóng viên các báo còn mỏng và chuyên môn nghiệp vụ báo chí còn hạn chế nhất định.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, một trong những nguyên nhân sâu xa, dẫn đến những tồn tại, hạn chế nêu trên là những bất cập trong công tác tổ chức, bộ máy và quản lý hoạt động thông tin, tuyên truyền BHYT hiện nay. Việc tổ chức công tác tuyên truyền về lĩnh vực BHYT chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng và chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng.
Nguồn thông tin, tư liệu cung cấp cho phóng viên không đầy đủ, kịp thời, dẫn đến việc báo chí thiếu thông tin, không nắm bắt kịp thời những thay đổi trong chế độ, chính sách BHYT. Từ chỗ không có thông tin, không nắm chắc tình hình phóng viên báo chí khó có thể triển khai các thể loại báo chí phù hợp để chuyển tải tốt nhất nội dung BHYT đáp ứng nhu cầu của công chúng.