Tình hình quản lý sử dụng đất trong nước

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ đánh giá tình hình sử dụng đất của các tổ chức đã được giao và thuê đất tại thành phố quảng ngãi (Trang 30 - 33)

Chương 1. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.2. Cơ sở thực tiễn của các vấn đề nghiên cứu

1.2.2. Tình hình quản lý sử dụng đất trong nước

Trước thế kỷ XV ở Việt Nam chưa có hệ thống địa chính theo đúng nghĩa. Tính chất hành chính của quản lý đất đai thể hiện qua việc chính quyền thu các loại thuế bằng hình thức cống nạp. Hệ thống địa chính sơ khai thời phong kiến chỉ được thiết lập vào đầu thế kỷ XV (Nhà Hậu Lê) và được hoàn chỉnh vào đầu thế kỷ XIX (Nhà Nguyễn).

Các hệ thống địa chính hiện đại được hình thành dần trong nhiều giai đoạn, bị xáo trộn phức tạp qua nhiều cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

* Hệ thống địa chính sơ khai

Trong thời kỳ Nhà Trần, Nhà nước phong kiến đã có tư tưởng thành lập hệ thống địa bạ để quản lý đất đai. Vào cuối Nhà trần và đầu thời kỳ Nhà Hồ (1398 – 1402) nhà nước đã có những cải cách táo bạo của Hồ Quý Ly về “hạn danh điền”, “hạn nô” và đo đạc lập sổ ruộng đất. Hệ thống địa chính đầu tiên được thiết lập chính thức có quy mô toàn quốc do vua Lê Thái Tổ khởi xướng (năm 1428) và được hoàn chỉnh dưới thời Lê Thánh Tông (1460 – 1491) cùng với việc ban hành luật Hồng Đức. Hệ thống này bao gồm một số nội dung chủ yếu như sau:

- Đo đạc các thửa đất, làm sổ ruộng đất toàn quốc vào năm 1428 - Ban hành “Quốc triều hình luật” hay còn gọi là Luật Hồng Đức năm 1483 gồm 722 điều, trong đó 59 điều quy định về ruộng đất.

- Thực hiện phép “Quân điền” (bắt đầu từ năm 1429) theo đó các làng xã phải thực hiện việc chia cấp ruộng công cho các dân đinh sử dụng theo thời gian, nhân khẩu và quy chế của Nhà nước.

- Có chính sách cụ thể về xác định quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai.

Hệ thống địa chính thời Hậu Lê đã góp phần tăng cường quyền lực cho nhà nước phong kiến, tăng cường quyền lực cho bộ máy hành chính, điều chỉnh được mối quan hệ giữa đất đai của nhà vua và đất đai tập thể của làng xã và đất đai tư nhân của giai cấp địa chủ, gia tăng thuế cho quốc gia, phát triển kinh tế và sức sản xuất phong kiến.

* Hệ thống địa chính của Nhà Nguyễn

Bắt đầu từ Gia Long (1802-1820) và hoàn chỉnh vào thời Minh Mạng (1820- 1840) là sự tiếp nối và nâng cao hệ thống thời Hậu Lê, nội dung chính bao gồm:

Ban hành “Hoàng Việt luật lệ” hay còn gọi là “Luật Gia Long” vào năm 1815 gồm 398 điều trong đó có 14 điều về ruộng đất

- Thực hiện phép “Quân điền” mới vào năm 1804, trong đó có chính sách thu hẹp quỹ đất công, quan lại từ nhất phẩm trở xuống cũng được phân cấp đất công theo định kỳ và nhân khẩu do nhà nước quy định.

- Thực hiện cải cách ruộng đất vào thời Minh Mạng với nội dung xác lập quyền sở hữu tuyệt đối của Nhà vua về đất đai, thiết lập chế độ hạn điền, giảm bớt quyền lực kinh tế của địa chủ (nhưng chỉ được thực hiện ở thành phố Bình Định, không triển khai được ra quy mô rộng do trở ngại ở tầng lớp địa chủ, quan lại).

- Phát triển mạnh mẽ quỹ đất đai toàn quốc thông qua khai khẩn đất hoang, tổ chức dồn điền và dinh điền [26].

* Thời thực dân Pháp

Người Pháp điều chỉnh mối quan hệ đất đai ở Việt Nam theo 3 chế độ cai trị cho Bắc, Trung và Nam Kỳ.

Ở Nam Kỳ, dưới chế độ thuộc địa trực trị (colonie), Thực dân pháp điều chỉnh trực tiếp các mối quan hệ đất đai theo Luật Napoleon công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tư nhân tuyệt đối về đất đai, khuyến khích sở hữu tư bản tư nhân trong sản xuất nông nghiệp. Người Pháp đánh thuế thổ canh rất cao song thổ cư lại rất thấp.

Ở Bắc Kỳ, Pháp áp dụng chế độ bảo hộ (Protectorat).

Từ năm 1925 cả Nam Kỳ và Bắc Kỳ đều thành lập hệ thống địa chính theo sắc lệnh năm 1925 với chế độ điền thổ và bảo thủ điền thổ mà theo đó các chủ sở hữu đất sau khi đăng ký được cấp bằng khoán điền thổ.

Ở Trung Kỳ, Pháp áp dụng chế độ cai trị nửa bảo hộ. từ năm 1930 hoạt động địa chính là công tác ”Bảo tồn điền trạch”

* Quá trình hình thành phát triển Chính sách đất đai từ 1945 – Đến Luật đất đai 2013

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Hiến pháp lần thứ nhất năm 1946 được ban hành. Quyền sở hữu đất đai tư nhân vẫn được thừa nhận và bảo hộ.

Năm 1946, Nhà nước tập trung chủ yếu vào việc ban hành chính sách tận dụng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp cứu đói. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, chính sách đất đai tập trung vào phát triển sản xuất nông nghiệp, giao đất vô chủ cho người có điều kiện sử dụng, tịch thu ruộng đất thuộc quyền sở hữu của người Pháp, khuyến khích đóng thuế nông nghiệp.

Năm 1953, Quốc hội thông qua Luật cải cách ruộng đất nhằm đánh đổ giai cấp địa chủ, thực hiện chính sách “người cày có ruộng” mặc dù có những sai lầm nhất định nhưng cuộc cải cách ruộng đất đã hoàn thành, ruộng đất được chia đến tay nông dân.

Cuối năm 1958, cuộc vận động thành lập tổ đổi công và xây dựng hợp tác xã nông nghiệp bắt đầu. Đất nông nghiệp chủ yếu thuộc sở hữu tập thể của hợp tác xã nông nghiệp. Một số ruộng đất thuộc đồn điền cũ hoặc đất chuyên canh được tổ chức

thành các nông trường quốc doanh thuộc sở hữu nhà nước. Đất rừng sản xuất được tổ chức thành các lâm trường quốc doanh thuộc sở hữu nhà nước.

Năm 1959, Hiến pháp lần thứ hai được ban hành đã xác nhận 3 hình thức sở hữu đất đai: Sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân. Sở hữu nhà nước được ưu tiên, sở hữu tập thể được bảo hộ và khuyến khích, sở hữu tư nhân bị hạn chế.

Đất nước thống nhất năm 1975, Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thành lập, hiến pháp lần thứ 3 được ban hành vào năm 1980, theo hiến pháp này quyền sở hữu tập thể và quyền sở hữu tư nhân về đất đai bị xóa bỏ, toàn bộ đất đai thuộc sở hữu toàn dân.

Đồng thời vào năm 1980, sản xuất nông nghiệp trong quan hệ sản xuất hợp tác xã và nông lâm trường quốc doanh dần không hiệu quả đã thể hiện rõ rệt. Trung ương Đảng đã ban hành chính sách khoán sản phẩm đến nhóm lao động vào người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp (Chỉ thị 100-CT/TW ngày 13/01/1980 của Ban bí thư Trung ương Đảng).

Vào năm 1980, Tổng cục Quản lý ruộng đất được thành lập đã đẩy mạnh việc điều tra lập bản đồ giải thửa để nắm chắc qũy đất đai toàn quốc (Chỉ thị 299/TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Tư duy đổi mới được bắt đầu từ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng khóa VI (1986) đã đưa vấn đề lương thực – thực phẩm trở thành một trong ba chương trình mục tiêu để đổi mới kinh tế.

Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 05/4/1988 của Bộ Chính trị là văn kiện quyết định nhằm đổi mới chế độ sử dụng đất nông nghiệp, khẳng định việc chuyển nền nông nghiệp tự cung tự cấp theo hướng sản xuất hàng hóa.

Năm 1987, Quốc hội thông qua Luật Đất đai lần thứ nhất (gọi là luật đất đai 1987) với nội dung chủ yếu là thực hiện chính sách giao đất của hợp tác xã cho hộ gia đình cá nhân để sử dụng ổn định lâu dài, người không sử dụng đất phải trả lại nhà nước để giao cho người khác sử dụng, các chủ sử dụng đất chưa được chuyển quyền sử dụng đất đai, đất không có giá.

Năm 1992, Hiến pháp lần thứ tư được ban hành trong đó tiếp tục khẳng định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Nhà nước thống nhất quản lý đất đai bằng pháp luật và quy hoạch, Nhà nước giao đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định và lâu dài.

Năm 1993, Quốc hội thông qua Luật Đất đai lần thứ hai (gọi là Luật Đất đai 1993) trong đó người sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp và đất ở được thực hiện 5 quyền chuyển đổi chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp. Đất có giá và giá đất do nhà nước quy định, từ đây như một làn gió mới thổi vào người dân được yên tâm đầu tư trên mảnh đất của mình đồng thời được thực hiện các quyền giao dịch trên mảnh đất của mình đã được nhà nước thừa nhận.

Năm 2003, Luật Đất đai được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003 nhằm đổi mới chính sách đất đai cho phù hợp với thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

Luật Đất đai 2003 định hướng tốt hơn cho quá trình chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất, phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu đầu tư, tạo hiệu quả thực sự trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp dịch vụ.

Năm 2013, Luật đất đai được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2013 ra đời đã thể chế hoá đúng và đầy đủ những quan điểm, định hướng của Nghị quyết số 19/NQ-TƯ tại Hội nghị lần 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng thời khắc phục, giải quyết những tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình thi hành Luật đất đai năm 2003.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ đánh giá tình hình sử dụng đất của các tổ chức đã được giao và thuê đất tại thành phố quảng ngãi (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(123 trang)
w