Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của thành phố Quảng Ngãi
3.1.1 Điều kiện tự nhiên
3.1.1.1 Vị trí địa lý
Hình 3.1. Sơ đồ vị trí địa lý thành phố Quảng Ngãi
Thành phố Quảng Ngãi là trung tâm của tỉnh Quảng Ngãi, được giới hạn trong tọa độ địa lý từ 15003'18" đến 15014'07" vĩ độ Bắc và 108033'39" đến 108046'04" kinh độ Đông, cách Khu kinh tế và cảng nước sâu Dung Quất khoảng 20 km. Thành phố Quảng Ngãi có ranh giới hành chính được xác định như sau:
- Phía Đông giáp - Phía Tây giáp - Phía Nam giáp - Phía Bắc giáp
Nguyên diện tích tự nhiên thành phố Quảng Ngãi là 3.717,44 ha, chiếm 0,72%
diện tích tự nhiên của tỉnh Quảng Ngãi, có 10 đơn vị hành chính bao gồm 8
phường và 2 xã. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam chạy qua là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh, liên kết thành phố với các huyện trong tỉnh và thành phố khác trong cả nước.
Ngày 12/12/2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 123/NQ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Sơn Tịnh, huyện Tư Nghĩa để mở rộng địa giới hành chính thành phố Quảng Ngãi và thành lập phường Trương Quang Trọng thuộc thành phố Quảng Ngãi, cụ thể:
Điều chỉnh 10.054,42 ha diện tích tự nhiên, 99.701 nhân khẩu của huyện Sơn Tịnh (bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của thị trấn Sơn Tịnh và 9 xã Tịnh Ấn Tây, Tịnh Ấn Đông, Tịnh An, Tịnh Long, Tịnh Châu, Tịnh Thiện, Tịnh Khê, Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ) và 2.243,48 ha diện tích tự nhiên, 46.165 nhân khẩu của huyện Tư Nghĩa (bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của 03 xã Nghĩa Hà, Nghĩa Phú, Nghĩa An) để thành phố Quảng Ngãi quản lý.
Thành lập phường Trương Quang Trọng thuộc thành phố Quảng Ngãi trên cơ sở toàn bộ 926,40 ha diện tích tự nhiên và 14.148 nhân khẩu của thị trấn Sơn Tịnh, với địa giới hành chính phía Đông giáp xã Tịnh An và xã Tịnh Ấn Đông, phía Tây giáp xã Tịnh Ấn Tây, phía Nam giáp phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi và phía Bắc giáp xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh.
Sau khi mở rộng, nay thành phố có 23 đơn vị hành chính cấp xã, phường; Trong đó có 9 phường (Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Nguyễn Nghiêm, Lê Hồng Phong, Chánh Lộ, Nghĩa Lộ, Nghĩa Chánh, Quảng Phú; Trương Quang Trọng) và 14 xã (Nghĩa Dõng, Nghĩa Dũng, Nghĩa An, Nghĩa Hà, Nghĩa Phú, Tịnh Ấn Tây, Tịnh Ấn Đông, Tịnh An, Tịnh Châu, Tịnh Long, Tịnh Thiện, Tịnh Hòa, Tịnh Khê, Tịnh Kỳ). Với tổng diện tích tự nhiên toàn thành phố 15.503,97 ha, chiếm 3,09% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh.
3.1.1.2. Ðịa hình, địa mạo
Địa hình: Do nằm trong vùng đồng bằng sông Trà Khúc nên thành phố Quảng Ngãi có địa hình khá bằng phẳng, ít phức tạp hơn so với các huyện đồng bằng trong tỉnh. Nhìn chung địa hình của thành phố Quảng Ngãi có dạng mai rùa dốc theo 3 phía:
Đông, Bắc và Nam nhưng chủ yếu dốc dần về phía Đông (địa hình tương đối cao tập trung ở các phường Quảng Phú, Nghĩa Lộ và thấp dần đến xã Nghĩa Dõng).
Cao độ địa hình trung bình từ 4 - 9 m; thấp nhất là 3,5 m và cao nhất là 12m so với mặt nước biển. Những khu vực có cốt địa hình dưới 6,5 m hàng năm thường bị ngập lụt trong mùa mưa, ảnh hưởng lớn đến dân sinh, kinh tế và môi trường của thành phố.
Địa mạo: Theo tài liệu khảo sát của một số công trình cho thấy địa tầng trong khu vực thành phố Quảng Ngãi chủ yếu gồm các lớp: sét pha, cát pha, cát hạt trung, cát hạt to lẫn cuội sỏi, cát hạt to, cường độ chịu lực có thể xây dựng được nhà cao tầng.
3.1.1.3. Khí hậu
Khí hậu của thành phố Quảng Ngãi mang đặc tính chung của khí hậu cả tỉnh và khu vực Duyên hải Nam Trung bộ là nhiệt đới, gió mùa, nên nhiệt độ trong năm cao và ít biến động.
+ Nhiệt độ: Trung bình cả năm là 270C, nhiệt độ cao tuyệt đối là 40,50C và thấp tuyệt đối là 12,60C. Thời gian nóng nhất trong năm là từ tháng 6 đến tháng 8, và lạnh nhất trong năm là từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau.
+ Lượng mưa: Do điều kiện hoàn lưu gió mùa và ảnh hưởng của địa hình nên thành phố có chế độ mưa trái mùa với quy luật chung của cả nước. Lượng mưa trung bình cả năm trên 2.809 mm, nhưng lại phân bố không đều trong năm. Mùa mưa chỉ kéo dài 4 - 5 tháng (từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau) nhưng lượng mưa tập trung chiếm tới 70 - 75% lượng mưa cả năm. Mùa khô kéo dài 7 - 8 tháng (từ tháng 1 đến tháng 8) lượng mưa chiếm khoảng 20 - 25% lượng mưa cả năm. Trong mùa khô khả năng bốc hơi rất lớn, do vậy thường bị khô hạn cho một số vùng sản xuất nông nghiệp.
+ Nắng: Tổng số giờ nắng trong năm vào khoảng 2000 - 2200 giờ, từ tháng 3 đến tháng 9 là thời kỳ nắng nhiều, trung bình tháng khoảng 250 giờ nắng. Từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau là thời kỳ ít nắng, trung bình tháng khoảng 100 - 180 giờ nắng.
+ Độ ẩm không khí: Độ ẩm không khí tương đối trung bình năm vào khoảng 82%, những tháng có độ ẩm cao nhất trong năm là từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau.
+ Gió: Thành phố Quảng Ngãi nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Trong thời kỳ mùa lạnh hướng gió thịnh hành từ Bắc đến Đông Bắc kèm theo không khí lạnh, vào mùa hè chịu sự ảnh hưởng của gió Đông và Đông Nam.
Từ tháng 4 đến tháng 7 hướng gió chủ đạo là hướng Đông và Đông Nam; từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau hướng gió chủ đạo trong khu vực là hướng Bắc và Tây Bắc; vào tháng 3 hướng gió Bắc - Tây Bắc sang Nam - Đông Nam và tháng 8 thì ngược lại hướng gió chuyển từ Nam - Đông Nam sang Tây - Tây Bắc loại gió này khô, nóng ảnh hưởng lớn đến cây trồng nông nghiệp.
Thời kỳ xuất hiện các giá trị lớn của vận tốc gió thường là vào các tháng mùa mưa (khoảng tháng 9 đến tháng 12), đây là thời kỳ hoạt động của các cơn bão ở biển Đông gây ảnh hưởng đến các vùng ven biển.
Xác định được hướng gió và tốc độ gió của các tháng, chúng ta có thể xác định khả năng ô nhiễm không khí và hướng lan truyền khi ô nhiễm để xác định vùng ảnh hưởng.
3.1.1.4. Thủy văn
Thành phố Quảng Ngãi nằm giữa 2 con sông chính:
+ Sông Trà Khúc ở phía Bắc thành phố (là ranh giới giữa thành phố và huyện Sơn Tịnh). Đây là con sông lớn của tỉnh, lưu lượng nước bình quân 800m3/s, là nguồn cung cấp nước ngọt chủ yếu cho thành phố. Tuy nhiên vào mùa mưa nước sông dâng cao thường gây ra ngập lụt ở xã Nghĩa Dõng và Nghĩa Dũng.
+ Sông Bàu Giang ở phía Nam thành phố (là ranh giới giữa thành phố và huyện Tư Nghĩa). Tuy là con sông nhỏ nhưng cũng góp phần quan trọng cung cấp nguồn nước mặt dồi dào cho thành phố.
3.1.1.5. Các nguồn tài nguyên + Tài nguyên đất
Theo báo cáo kết quả thực hiện Dự án điều tra xây dựng bản đồ đất tỉnh Quảng Ngãi (hệ thống phân loại FAO-UNESCO), đất của thành phố Quảng Ngãi được chia làm 2 nhóm đất chính với 3 đơn vị đất và 4 đơn vị đất phụ, cụ thể như sau:
Nhóm đất cát biển
Diện tích 242,40 ha, chiếm 6,52% tổng diện tích tự nhiên của thành phố, phân bố dọc ven sông Trà Khúc, chủ yếu ở xã Nghĩa Dũng, phường Trần Phú và phường Lê Hồng Phong …. Nhóm đất cát biển được phân thành 1 đơn vị đất (đất cát mới biến đổi) và 1 đơn vị đất phụ (đất cát mới biến đổi chua).
Nhóm đất cát biển có thành phần cơ giới cát mịn và cát thô; chất hữu cơ rất nghèo; lân tổng số nghèo; kali tổng số rất nghèo; có khả năng trồng hoa màu, lương thực, cây công nghiệp.
Nhóm đất phù sa
Diện tích 2.924,36 ha, chiếm 78,67% tổng diện tích tự nhiên. Nhóm đất này phân bố chủ yếu ở các phường: Nghĩa Lộ, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Quảng Phú, Nguyễn Nghiêm, Trần Hưng Đạo, Nghĩa Chánh, Chánh Lộ và xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Dõng. Nhóm đất phù sa được chia thành 2 đơn vị đất và 3 đơn vị đất phụ:
Đơn vị đất phù sa trung tính ít chua có 1 đơn vị đất phụ là đất phù sa trung tính ít chua cơ giới nhẹ.
Đơn vị đất phù sa đốm rỉ có 2 đơn vị đất phụ là đất phù sa đốm rỉ cơ giới nhẹ và đất phù sa đốm rỉ glây nông.
Nhóm đất phù sa có thành phần cơ giới đất cát pha, thịt pha cát, thịt pha sét và cát; chất hữu cơ trung bình; lân, kali tổng số rất nghèo; có khả năng trồng lúa thâm canh, hoa màu lương thực, cây công nghiệp hàng năm.
+ Tài nguyên nước
Nguồn nước mặt: Nguồn nước mặt chủ yếu do hai con sông chính là sông Trà Khúc và sông Bàu Giang, cung cấp nguồn nước ngọt dồi dào cho thành phố đáp ứng được nhu cầu cho phát triển sản xuất và phục vụ sinh hoạt dân cư. Ngoài ra lượng nước mưa khá lớn bổ sung đáng kể cho nguồn nước mặt trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, về mùa mưa nước sông dâng cao thường gây ngập lụt ở các xã ven sông.
Nguồn nước ngầm: Cũng nhờ 2 con sông Trà Khúc và sông Bàu Giang chảy qua địa bàn nên mạch nước ngầm của thành phố khá phong phú, có trữ lượng lớn và chất lượng tốt, đảm bảo tốt cho việc phục vụ dân sinh cũng như sản xuất. Hiện nhà máy nước Quảng Ngãi sử dụng mạch nước ngầm nông của sông Trà Khúc để khai thác nước phục vụ công nghiệp và dân sinh với công suất khoảng 16.000 m3/ngày đêm.
+ Tài nguyên khoáng sản và vật liệu xây dựng
Trên địa bàn thành phố không có các loại khoáng sản quý hiếm mà chỉ có cát, sỏi trên sông Trà Khúc làm vật liệu xây dựng với trữ lượng khai thác khoảng 8 triệu m3/năm. Hiện nay nguồn khoáng sản này đang được khai thác cung cấp cho nhu cầu xây dựng của thành phố và các huyện lân cận như Tư Nghĩa và Sơn Tịnh.
+ Tài nguyên nhân văn
Thành phố Quảng Ngãi là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh Quảng Ngãi. Đại bộ phận dân cư của thành phố Quảng Ngãi là người Kinh và một số các dân tộc ít người khác. Là vùng đất có bề dày lịch sử, giàu truyền thống yêu nước, nơi đây còn lưu giữ các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu cho quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta như: Di tích Nhà lao Quảng Ngãi thời Pháp thuộc, di tích 4 dũng sĩ xã Nghĩa Dũng, di tích 68 chiến sỹ giải phóng (phường Nguyễn Nghiêm)...
Trong suốt nhiều thế kỷ định cư trên vùng đất Quảng Ngãi, người Việt ở vùng đất này đã dùng nhiều loại hình dân ca để bày tỏ tình cảm, thái độ của mình trước thiên nhiên, trước sự đổi thay của lịch sử và đời sống xã hội, để tỏ tình, để ru con, để nói về tình cha mẹ, nghĩa xóm giềng... Những năm qua với sự xuất hiện nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật khác nhau thì các loại hình truyền thống ngày mai một dần. Tuy nhiên đến nay vẫn còn duy trì một số loại hình nghệ thuật tiêu biểu như: hò, hát, lý, hát bài chòi…
Phát huy truyền thống cách mạng và niềm tự hào dân tộc, nhân dân thành phố đang chuyển mình hòa nhập vào sự đổi mới chung của đất nước. Thành phố Quảng Ngãi tiếp tục xây dựng văn hóa mới theo hướng dân tộc, hiện đại, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, phấn đấu để thành phố Quảng Ngãi đạt tiêu chuẩn thành phố “Xanh- sạch - đẹp - văn minh - hiện đại”.