Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của thành phố Quảng Ngãi
3.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội
Theo Báo cáo của UBND thành phố Quảng Ngãi về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, nhiệm vụ phát triển phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 thì tình hình kinh tế của thành phố phát triển ổn định, tổng giá trị sản xuất (giá SS 2010) ước đạt 30.770 tỷ đồng, đạt 52,8% so với KH dự kiến điều chỉnh năm 2014 (10 xã, phường trước thời điểm sát nhập đạt 16.9695 tỷ đồng, bằng 51% KH, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2013) [22].
- Thực trạng phát triển các ngành và lĩnh vực + Khu vực kinh tế nông nghiệp
Do quá trình đô thị hóa nên diện tích đất nông nghiệp của thành phố giảm đáng kể nhất là ở xã Nghĩa Dõng, phường Nghĩa Chánh, Chánh Lộ, Quảng Phú. Tuy diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng qua các năm, từ 116,60 tỷ đồng năm 2006 đã tăng lên 155 tỷ đồng vào năm 2014 bằng 90% so với cùng kỳ năm 2013.
Trong sản xuất nông nghiệp, thành phố Quảng Ngãi đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, từng bước ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các lĩnh vực chọn giống, làm đất, cải tạo đất… nhờ đó năng suất chất lượng một số cây trồng, vật nuôi không ngừng được nâng lên. Bước đầu đã hình thành vùng chuyên canh sản xuất rau, đậu đặc biệt là mô hình rau, quả an toàn ở xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Dõng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Tuy nhiên quy mô sản xuất các vùng chuyên canh còn nhỏ hẹp, khả năng đầu tư thâm canh còn hạn chế nên năng suất chưa cao.
Trong chăn nuôi, thành phố đã tập trung đầu tư phát triển đàn bò lai, bước đầu đã hình thành một số mô hình trang trại chăn nuôi có hiệu quả, số lượng không ngừng tăng qua các năm, từ 7.498 con năm 2008 tăng lên 7.710 con năm 2012. Đàn trâu có xu hướng giảm từ 354 con năm 2008 còn 251 con năm 2012. Đàn lợn từ 20.007 con năm 2008 tăng lên 20.600 con năm 2012 . Đàn gia cầm tăng nhanh từ 118.349 con vào năm 2008 giảm xuống còn 99.100 con vào năm 2012. Ngành chăn nuôi của thành phố tập trung chủ yếu ở khu vực tư nhân, khu vực quốc doanh chiếm tỷ lệ thấp khoảng 1%.
+ Khu vực kinh tế công nghiệp - xây dựng
- Công nghiệp - xây dựng ước thực hiện 10.042 tỷ đồng, đạt 49,9% so với KH dự kiến điều chỉnh năm 2014 (10 xã, phường trước thời diểm sát nhập đạt 8.940 tỷ đồng, bằng 49% KH, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2013).
Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tăng nhanh, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh, đổi mới công nghệ. Hiện có 8 doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh thu hút trên 6.000 lao động ở các lĩnh vực: Công nghiệp thực phẩm (mía đường, bánh kẹo, bia, nước khoáng, nước uống trái cây và chế biến thực phẩm), công
nghiệp cơ khí, vật liệu xây dựng, giấy, bao bì, dệt may, gỗ dân dụng và xuất khẩu. Bên cạnh đó, trên địa bàn có 1.696 cơ sở sản xuất (trong đó có 362 doanh nghiệp), thu hút 18.843 lao động, tăng 4.037 lao động so với năm 2005, đã góp phần tạo sự đa dạng về sản phẩm và xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm truyền thống của địa phương như đường phèn, cá bống, bò khô...
Trên địa bàn thành phố hiện có khu công nghiệp Quảng Phú, có quy mô diện tích quy hoạch 120,41 ha, giai đoạn I xây dựng cơ sở hạ tầng trên diện tích khoảng 85,29 ha. Đến nay tỷ lệ lấp đầy của khu công nghiệp đạt khoảng 70%. Nhiều xí nghiệp đi vào hoạt động và phát huy được hiệu quả, thu hút hàng chục nghìn lao động trên địa bàn thành phố và các huyện trong tỉnh.
Sản xuất công nghiệp - TTCN trên địa bàn thành phố đang tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế. Giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm đều tăng, quy mô sản xuất được mở rộng, chất lượng sản phẩm được nâng lên. Cơ cấu các ngành công nghiệp có bước chuyển dịch đáng kể, các ngành nghề, làng nghề được khuyến khích phát triển. Công nghiệp đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên sản xuất công nghiệp thành phố Quảng Ngãi chưa phát triển mạnh, chưa thật vững chắc, quy mô nhỏ bé, phân tán; nhiều cơ sở công nghiệp chậm đổi mới về công nghệ; chất lượng sản phẩm còn hạn chế; mẫu mã, kiểu dáng còn đơn điệu, sức cạnh tranh chưa cao, chưa khai thác hết tiềm năng trên địa bàn thành phố. Liên doanh, liên kết thu hút đầu tư bên ngoài còn hạn chế. Trình độ kỹ thuật tay nghề của lao động công nghiệp còn thấp…
+ Khu vực kinh tế thương mại - dịch vụ và du lịch
Giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ và du lịch trên địa bàn thành phố năm 2012 đạt 4429 tỷ đồng, tăng 3255 tỷ đồng so với năm 2006 và tăng bình quân hàng năm 24,79%/năm. Đến nay, có 9.266 cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ (trong đó có 676 doanh nghiệp), thu hút 21.918 lao động; tăng 1.809 cơ sở (433 doanh nghiệp) và 5.497 lao động so với năm 2005.
Trên địa bàn thành phố đã hình thành một số tuyến đường mới tạo điều kiện cho dịch vụ phát triển nhanh. Các siêu thị, văn phòng đại diện, chi nhánh, cửa hàng, cửa hiệu, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vận tải, viễn thông, bảo hiểm, ngân hàng... tăng nhanh về số lượng và quy mô.
Lĩnh vực dịch vụ tín dụng - ngân hàng: Các hệ thống ngân hàng nhà nước; Các chi nhánh ngân hàng TMCP cùng các HTX tín tụng trên địa bàn thành phố phát triển khá mạnh với các hoạt động kinh doanh tài chính đã góp phần đáng kể trong GTSX của ngành thương mại - dịch vụ.
Kinh doanh vận tải (không kể vận tải đường sắt): Năm 2013 , khối lượng hàng hóa vận chuyển 1.210 ngàn tấn; khối lượng hàng hóa luân chuyển 416.280 ngàn tấn.km. Khối lượng vận tải hành khách 570.500 ngàn người.km. Doanh thu vận tải và các hoạt động dịch vụ vận tải trong năm 2012 đạt 283.000 triệu đồng. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có 3 HTX vận tải (HTX vận tải Thống Nhất; HTX GTVT Quảng Ngãi và HTX GTVT số 1). Các mô hình hợp tác xã vận tải trên địa bàn thành phố hoạt động kinh doanh rất có hiệu quả, góp phần tăng giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ của thành phố.
Cơ sở vật chất kỹ thuật ngành thương mại - dịch vụ, du lịch phát triển khá: Hiện có 10 chợ, trong đó có: 01 chợ loại I, 01 chợ loại II và 5 chợ loại III. Toàn thành phố có 5 siêu thị: Siêu thị Thành Nghĩa (hạng II), siêu thị Coopmart (hạng II), siêu thị sách văn hóa (hạng III), siêu thị nội thất Thanh Thủy (hạng III) và Siêu thị Inox Phước An (hạng III). Hệ thống khách sạn có 18 khách sạn, nhà nghỉ, một số nhà nghỉ, khách sạn đã được cải tạo, nâng cấp xây dựng theo mô hình tiên tiến hiện đại đáp ứng được nhu cầu nghỉ ngơi của khách du lịch và cán bộ từ các tỉnh bạn về Quảng Ngãi làm việc, công tác. Dịch vụ nhà hàng, tiệm ăn, giải khát có chiều hướng phát triển nhanh, đặc biệt là khu vực dọc tuyến Đê bao Sông Trà, đường Phạm Văn Đồng, đường Phan Bội Châu… Sự phát triển của thương mại - dịch vụ và du lịch đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và tăng nguồn thu ngân sách.
Du lịch có chiều hướng phát triển tốt, các dịch vụ và cơ sở lưu trú tăng nhanh.
Một số công ty lữ hành du lịch, xe buýt công cộng, các tuyến du lịch kết nối từ thành phố đến các khu, điểm du lịch trong tỉnh đã được hình thành. Các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn được trùng tu, nâng cấp cũng góp phần cho việc phát triển du lịch, thu hút khách tham quan.
Tuy nhiên, phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng của của thành phố - trung tâm tỉnh lỵ. Các cơ sở kinh doanh còn phân tán, quy mô nhỏ, chưa tạo được thương hiệu sản phẩm. Kim ngạch xuất nhập khẩu còn thấp, chủ yếu xuất thô, xuất ủy thác, xuất khẩu trực tiếp còn ít. Một số chợ đang trong tình trạng xuống cấp, quá tải; chưa có nhiều siêu thị, chưa hình thành điểm trung tâm thương mại, trung tâm hội chợ triển lãm. Ngành du lịch phát triển còn chậm, chưa có các điểm vui chơi giải trí hấp dẫn phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân trong tỉnh và thu hút khách du lịch.
- Dân số và lao động + Dân số
Dân số trung bình năm 2013 của thành phố là 115.482 người với tổng số 28.038 hộ, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,85%. Mật độ dân số toàn thành phố là 3.048 người/km2
(gấp 13 lần mật độ dân số của tỉnh) và được phân bố không đều giữa các xã, phường.
Phường có mật độ dân số lớn nhất là phường Trần Hưng Đạo (15.232 người/km2) và phường Nguyễn Nghiêm (14.165 người /km2) và gấp hơn 13 lần so với mật độ dân ở xã Nghĩa Dũng (1.296 người/km2) và Nghĩa Dõng (1.369 người/km2), các phường còn lại có mật độ dân số dao động từ 2.300 - 6.180 người/km2.
Các chính sách về dân số - kế hoạch hóa gia đình được tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 0,85% (chỉ tiêu dưới 0,9%). Việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em được quan tâm đúng mức, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đã cấp trên 10 ngàn thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, đến nay tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 6,4% (chỉ tiêu 10%).
+ Lao động, việc làm và thu nhập
Đến năm 2013 toàn thành phố có tổng số khoảng 67.278 người trong độ tuổi lao động chiếm 59,36% dân số toàn thành phố. Xây dựng và triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu giảm nghèo - việc làm giai đoạn 2006 -2012 . Thông qua các chương trình vay vốn ưu đãi, chương trình phát triển kinh tế, … đã thu hút và giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động. Bình quân mỗi năm tạo việc làm mới và tăng thêm việc làm cho 3.200 lao động (chỉ tiêu 2.500 - 3.000), trong đó tạo việc làm mới cho 1.500 lao động, góp phần giảm hộ nghèo từ 2.535 hộ xuống còn 694 hộ, chiếm tỷ lệ 2,47% trong tổng số hộ (chỉ tiêu 2,5%).
Lực lượng lao động tham gia trong nền kinh tế quốc dân toàn thành phố có khoảng 56.600 người. Trong cơ cấu lao động xã hội, ngành công nghiệp - xây dựng thu hút khoảng 32,7%; lao động dịch vụ 53%; lao động nông nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ khoảng 14,3% (Hình 3.2). Tỷ trọng đào tạo qua chuyên môn và đào tạo nghề đạt khoảng 47,5% so với tổng số lao động xã hội, trong đó trình độ đại học và trên đại học 10,6%, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp 13,2%; lao động được đào tạo nghề 23,7%. Nhìn chung dân số và nguồn nhân lực của thành phố dồi dào, cơ cấu trẻ. Tuy nhiên, lực lượng lao động khoa học kỹ thuật còn thiếu, chất lượng, trình độ lao động còn hạn chế.
Qua các thời kỳ thu nhập bình quân giá trị sản xuất/người trên địa bàn thành phố không ngừng tăng, năm 2006 đạt 536 USD, năm 2013 thu nhập bình quân đầu người đạt 1.273 USD, tăng 737 USD so với năm 2006.
Hình 3.2. Cơ cấu dân số thành phố Quảng Ngãi năm 2013 theo ngành nghề.
(Nguồn: Niên giám thống kê thành phố Quảng Ngãi, 2014 ) - Thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng
+ Cơ sở văn hóa
Sự nghiệp văn hóa được phát triển sâu rộng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Trên địa bàn đã xây dựng được các thiết chế văn hóa cơ bản, bao gồm: Công trình cấp tỉnh quản lý như Nhà văn hóa lao động; Nhà thiếu nhi;
Trung tâm văn hóa; Nhà bảo tàng; Quảng trường; Thư viện tỉnh; Đài phát thanh truyền hình tỉnh. Công trình do thành phố quản lý như: Thư viện thành phố; 01 rạp chiếu bóng; 3 siêu thị sách; 02 nhà văn hóa và 52 điểm sinh hoạt văn hóa cho 66 thôn, tổ dân phố; 1 vườn hoa; 2 công viên và nhiều câu lạc bộ văn hóa... với tổng diện tích đất cơ sở văn hóa toàn thành phố là 35,19 ha.
Tiếp tục triển khai Đề án Xây dựng thiết chế văn hóa thông tin - thể thao của thành phố và các xã, phường, thôn, tổ dân phố giai đoạn 2010 -2015 . Xây dựng 49 điểm sinh hoạt văn hóa phục vụ cho 71/166 thôn, tổ dân phố (đạt 61% chỉ tiêu).
Tuy nhiên hoạt động văn hóa của thành phố vẫn còn gặp một số khó khăn:
Chưa đầu tư xây dựng các khu sinh hoạt vui chơi công cộng, cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa còn nhiều lạc hậu so với yêu cầu phát triển của đô thị.
+ Cơ sở y tế
Tuyến tỉnh có: Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện lao, Bệnh viện tâm thần, Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm mắt, Trung tâm phòng chống phong và da liễu, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm truyền thông Giáo dục sức khỏe ...
với diện tích 13,48 ha.
Tuyến thành phố có: Bệnh viện đa khoa thành phố, Trung tâm y tế dự phòng thành phố, nhà hộ sinh, đội vệ sinh phòng dịch và có 10 trạm y tế xã, phường với diện tích 1,34 ha.
Trong thời gian qua ngành y tế thành phố có bước phát triển khá cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như công tác khám chữa bệnh. Đến nay hệ thống cơ sở y tế của thành phố đã phát triển rộng khắp ở tất cả các xã, phường. Mạng lưới y tế các cấp được củng cố, kiện toàn. Bệnh viện đa khoa thành phố được xây dựng và hoạt động có hiệu quả; 100% trạm y tế xã, phường có bác sĩ, 10/10 xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Hoạt động của Hội đông y, Phòng khám từ thiện được duy trì tốt.
Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân có tiến bộ. Hoạt động y tế dự phòng được đẩy mạnh, chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân được nâng lên.
Thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia; chủ động phòng chống dịch bệnh;
thường xuyên thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường;
khống chế, ngăn ngừa kịp thời dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
+ Cơ sở giáo dục - đào tạo
Với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, ngành giáo dục - đào tạo của thành phố trong thời gian qua đã có sự phát triển vượt bậc cả về cơ sở vật chất cũng như chất lượng dạy và học. Đến nay, 100% cán bộ, giáo viên bậc mầm non, tiểu học, 99,5%
trung học cơ sở và 99,6% trung học phổ thông đạt chuẩn và trên chuẩn.
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu học tập của xã hội. Toàn thành phố có: 17 trường mầm non, mẫu giáo với 128 lớp học; 11 trường tiểu học với 258 lớp học; 1 trường giáo dục trẻ khuyết tật; 10 trường trung học cơ sở với 193 lớp học; 6 trường phổ thông trung học với 150 lớp học; 1 Trung tâm GDTX - HN tỉnh; 1 trường Trung học (trường Trung học Y tế Quảng Ngãi); 02 trường đại học:
Trường Đại học Phạm Văn Đồng và trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cơ sở miền Trung, 01 trường cao đẳng: Trường cao đẳng Công Thương và 02 trường dạy nghề: Trường dạy nghề Việt-Hàn và Trường trung cấp nghề Quảng Ngãi Tổng diện tích đất cơ sở giáo dục - đào tạo toàn thành phố là 86,96 ha.
Hệ thống giáo dục mầm non được củng cố và sửa chữa nâng cấp, đặc biệt đã thành lập mới một số trường mầm non tư thục đáp ứng được yêu cầu các cháu đến trường. Trường lớp được tầng hóa và sửa chữa khang trang đáp ứng được yêu cầu học sinh đến trường, dụng cụ dạy và học đã được chuẩn bị chu đáo phục vụ tốt cho bước vào năm học mới.
Tỷ lệ trẻ em đi nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình và mẫu giáo ngày càng tăng; hiện có 35,5% độ tuổi nhà trẻ, 80% độ tuổi mẫu giáo đến trường, 100% trẻ em 6 tuổi vào lớp một. Cơ sở vật chất các trường được đầu tư nâng cấp; có 15 trường đạt chuẩn quốc gia.
Thực hiện xã hội hóa giáo dục và đào tạo có tiến bộ, đã thành lập mới 5 trường mầm non tư thục.
Kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở được giữ vững. Chất lượng giáo dục toàn diện ở các bậc học phổ thông từng bước được nâng cao. Công tác khuyến học, khuyến tài ngày càng được chú trọng, Hội khuyến học phát triển đều khắp đến các thôn, tổ dân phố. Các xã, phường đều có trung tâm học tập cộng đồng. Trường trung học phổ thông bán công Lê Trung Đình chuyển thành trường công lập cùng với các trường Trần Quốc Tuấn, Lê Khiết đáp ứng được nhu cầu học tập của con em địa phương sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở. Trường đại học Phạm Văn Đồng, Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở miền Trung) được xây dựng trên địa bàn tạo điều kiện tốt cho việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh và khu vực miền Trung, Tây Nguyên và thành phố nói riêng.
Tuy nhiên công tác giáo dục - đào tạo còn có những mặt tồn tại: Quản lý việc dạy thêm, học thêm chưa chặt chẽ, việc xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia còn chậm, ...
+ Cơ sở thể dục - thể thao
Hoạt động thể dục, thể thao luôn được sự quan tâm của các cấp các ngành, sự ủng hộ của nhân dân, các phong trào thể dục - thể thao được phát triển sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, ở các cơ quan công sở, tỷ lệ người dân thường xuyên luyện tập đạt trên 25% dân số. Phong trào thể dục - thể thao quần chúng được duy trì thường xuyên. Các hoạt động thể thao được tổ chức theo định kỳ hàng năm như võ cổ truyền, boxing, bóng đá, bóng chuyền, giải cầu lông, bóng bàn, thể dục dưỡng sinh … Đại hội thể dục - thể thao các cấp được tổ chức chu đáo, chất lượng. Thành phố luôn giữ vững vị trí dẫn đầu của tỉnh về thể dục - thể thao, nhất là các môn võ cổ truyền, boxing; có nhiều vận động viên tham gia đội tuyển tỉnh, quốc gia đạt thành tích xuất sắc ở các giải trong nước và khu vực.
Thành phố là nơi tập trung cơ sở hạ tầng ngành thể dục - thể thao trọng tâm của tỉnh: Sân vận động tỉnh Quảng Ngãi; khu liên hợp thể dục - thể thao Diên Hồng và một số sân vận động mini phục vụ phong trào thể dục - thể thao của thành phố. Tổng diện tích đất cơ sở thể dục - thể thao toàn thành phố là 9,69 ha.
Tuy nhiên hoạt động thể dục - thể thao của thành phố vẫn còn gặp một số khó khăn: Chưa đầu tư xây dựng các công trình thể thao, cơ sở vật chất ngành thể thao còn nhiều lạc hậu so với yêu cầu phát triển của đô thị. Hoạt động thể dục - thể thao chưa có hình thức phù hợp để thúc đẩy phong trào, các đội tuyển không chuyên chưa ổn định về con người, ít được luyện tập, có xu hướng tụt hậu.