CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của khu vực nghiên cứu
3.1.1. Điều kiện tự nhiên
Quảng Trạch là huyện nằm ở phía Bắc của tỉnh Quảng Bình. Với địa thế trải dài từ 17042' đến 17059' vĩ độ Bắc và 106015' đến 106059' kinh độ Đông. Diện tích khoảng 450 km2, tổng dân số gần 106.000 người, mật độ dân số bình quân 234 người/km2.
Quảng Trạch có ranh giới phía Bắc giáp tỉnh Hà Tĩnh qua Đèo Ngang, phía Nam giáp thị xã Ba Đồn, phía Tây giáp với huyện Tuyên Hóa và phía Đông giáp với biển đông có chiều dài bờ biển khoảng 35 km với môi trường sạch đẹp dọc theo các xã Quảng Đông, Quảng Phú, Cảnh Dương, Quảng Hưng, Quảng Xuân. Đường Quốc lộ 1A chạy từ Đèo Ngang đến giáp Ba Đồn dài 30 km.
Nằm trên địa bàn huyện có các trục giao thông huyết mạch xuyên Việt chạy qua (quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc - Nam), có khu kinh tế Hòn La, tiếp giáp biển..., đây là điều kiện rất thuận lợi để huyện Quảng Trạch mở rộng giao lưu văn hóa, chính trị và phát triển kinh tế.
Hình 3.1. Bản đồ hành chính huyện Quảng Trạch
3.1.1.2. Đặc điểm địa hình, địa chất a. Địa hình
Quảng Trạch là huyện có đồi núi, đồng bằng và ven biển, bị chia cắt bởi những đụn cát khu vực ven biển và sông ngòi; xen kẽ khu vực đồi núi là khu vực đồng bằng nhỏ, hẹp. Địa hình của huyện chia thành các dạng sau:
- Vùng đồi, núi thấp
+ Địa hình núi thấp: Kiểu địa hình này chiếm phần nhiều diện tích đất của huyện, có độ cao dưới 900 m. Khu vực này bị chia cắt mạnh, sông suối có tiềm năng thủy điện nhỏ khá phong phú và đất đai có thể phát triển trồng rừng, trồng cây lâu năm, chăn nuôi đại gia súc.
+ Thung lũng kiến tạo - xâm thực: Độ cao trung bình dưới 50 m, bao gồm các thung lũng sông Gianh, sông Roòn theo hướng chính từ Tây sang Đông, cấu tạo chủ yếu bởi các trầm tích bở vụn, dễ bị xâm thực. Chiều ngang các thung lũng này tương đối rộng, địa hình thoải, lượn sóng nhẹ. Khu vực này thích hợp cho trồng cây công nghiệp như cao su, hồ tiêu, cây ăn quả lâu năm.
- Địa hình đồng bằng
Vùng đồng bằng huyện Quảng Trạch nằm ở hạ lưu sông Gianh, sông Roòn. Địa hình này tương đối bằng phẳng, nhất là các xã hình thành bởi phù sa của sông Gianh.
Đây là vùng sản xuất nông nghiệp chính của huyện, hàng năm cung cấp một lượng lớn lương thực, thực phẩm cho nhân dân. Địa hình này rất thuận lợi cho giao thông đi lại cũng như sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.
- Địa hình ven biển
Chủ yếu là các cồn cát và dải cát trắng vàng, độ cao từ 2 m hoặc 3 m đến 30 m, độ dốc nhiều khi đạt 30o với dạng lưỡi liềm, dải quạt. Đất đai thích hợp cho phát triển cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày và trồng rừng.
b. Địa chất
+ Đá mẹ và mẫu chất: Đá mẹ, mẫu chất hình thành đất ở Quảng Trạch phân bố thành vùng tương đối rõ. Vùng phía Bắc - Tây Bắc đồi núi cao thuộc xã Quảng Hợp, Quảng Đông, Quảng Kim chủ yếu là đá macma axit, vùng đồi núi thấp phía Tây thuộc các xã Quảng Thạch, Quảng Liên, Quảng Trường, Quảng Phương, Quảng Lưu, Quảng Châu, chủ yếu là các đá trầm tích. Núi đá vôi có diện tích nhỏ chủ yếu ở các xã Quảng Tiến và Cảnh Hoá.
+ Sản phẩm bồi tụ phù sa: Sản phẩm bồi tụ phù sa cổ, phù sa cũ và phù sa mới được hình thành và phân bố chủ yếu ở ven và hạ lưu các con sông lớn trong huyện.
Vật liệu của phù sa cổ có màu nâu vàng ở các tầng dưới, lên tầng mặt vì có sản phẩm
hữu cơ nên đất có màu xám. Ở đất phù sa cũ, sản phẩm phù sa biến đổi hình thành tầng loang lổ đỏ vàng, tầng glây, không còn đặc tính phân lớp của phù sa mới.
+ Trầm tích biển: Cát biển ở huyện Quảng Trạch có tuổi Halocen và được chia thành các đơn vị sau:
- Cồn cát: Đây là đơn vị có vật liệu thô hơn hết do sóng biển để lại bên bờ biển có dạng dải cao hơn mặt biển 2m hoặc 3m đến 30m.
- Đất cát giữa cồn: Giữa 2 cồn cát hoặc sau cồn cát là bãi cát hoặc đất cát khá bằng phẳng mà vật liệu trầm tích gồm có phần của cồn cát và phần đầm mặn. Loại nằm giữa hai cồn cát thì có tỷ lệ cát cao, còn phần nằm sát với đầm mặn thì tỷ lệ cát thấp hơn.
+ Trầm tích đầm lầy biển: Đơn vị này bị ngập mặn với mạng lưới lạch triều khá dày. Phần lớn diện tích ngập triều ở mức trung bình và có một số nơi nhô ra khỏi mặt nước lúc triều thấp. Đặc trưng của trầm tích này là sự có mặt của sulfidic, hình thành bởi điều kiện yếm khí, sự ngập lụt đều đặn theo chu kỳ của nước mặn lợ.
3.1.1.3. Đặc điểm khí hậu, thời tiết
Huyện Quảng Trạch nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có nền nhiệt cao, chế độ ánh sáng và mưa, ẩm dồi dào,... Là những thuận lợi cơ bản cho phát triển đa dạng các loại cây trồng. Tuy nhiên, Quảng Trạch được coi là vùng có khí hậu khá khắc nghiệt: Từ tháng 4 đến tháng 7 chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam khô nóng thổi mạnh thường gây nên hạn hán; từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc kèm theo mưa lớn nên thường xảy ra lũ lụt.
a. Nhiệt độ không khí
Nhiệt độ trung bình năm từ 24 - 250C. Mùa lạnh có 3 tháng (tháng 12 và 1, 2 năm sau), nhiệt độ xuống thấp, tháng thấp nhất khoảng 180C (tháng 12 và tháng 1), có khi xuống tới 8 - 90C. Mùa nóng từ tháng 5 đến tháng 8 nhiệt độ cao (trung bình 28 - 300C), tháng nóng nhất là tháng 6, 7, nhiệt độ tối cao có thể lên tới 40 - 420C. Biên độ nhiệt trung bình giữa các tháng trong năm chênh lệch 7 - 90C.
b. Chế độ mưa
Quảng Trạch có lượng mưa bình quân khá cao khoảng từ 1.900 - 2.100 mm.
Mùa mưa kéo dài từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau, lượng mưa tập trung chủ yếu vào các tháng 9, 10, 11 (chiếm 70% lượng mưa cả năm). Từ tháng 3 đến tháng 8 lượng mưa chỉ chiếm 30% lượng mưa cả năm. Mùa mưa, lượng mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn thường gây nên lũ lụt; mùa hè, thời gian mưa ít kéo dài thường gây nên thiếu nước, khô hạn...
c. Độ ẩm không khí
Quảng Trạch có độ ẩm tương đối, trung bình năm khoảng 83 - 84%. Mùa khô kéo dài 5 tháng (từ tháng 3 đến tháng 8) với độ ẩm trung bình từ 70 - 80% và đạt cực đại vào tháng 7 xuống 65 - 70%. Trong những tháng mùa mưa, độ ẩm trung bình thường trên 85%, có khi lên đến 90%.
d. Nắng
Quảng Trạch có số giờ nắng khá cao, trung bình 5 - 6 giờ/ngày. Các tháng có số giờ nắng cao thường vào tháng 5, 6, 7, 8, đạt trên 200 giờ và tháng 1, tháng 2 có số giờ nắng thấp (chỉ đạt 70 - 80 giờ/tháng). Số giờ nắng trung bình khoảng 2600 giờ/năm.
e. Gió
Quảng Trạch chịu ảnh hưởng của hai hướng gió chính là gió mùa Tây Nam (từ tháng 5 đến tháng 8) và gió mùa Đông Bắc (từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau). Đặc biệt gió Tây Nam khô nóng (khô nóng từ tháng 3 đến tháng 8), trung bình mỗi năm có khoảng 45 ngày.
g. Bão và lũ lụt
Quảng Trạch nằm trong khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của bão. Mùa bão thường từ tháng 7 đến tháng 11 (đặc biệt tập trung các tháng 8 - 10). Bão có cường suất gió mạnh kèm theo mưa lớn tạo ra lũ quét ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống dân cư.
3.1.1.4. Đặc điểm thủy văn, thủy triều
Quảng Trạch có 2 con sông chính là sông Roòn, sông Gianh và các sông, suối nhỏ với diện tích lưu vực là: 3.067 ha. Các sông, suối ở Quảng Trạch có đặc điểm là chiều dài ngắn, dốc nên tốc độ dòng chảy lớn, sự phân bố dòng chảy theo mùa rõ rệt thường gây ra lũ lụt trong mùa mưa. Các con sông chịu ảnh hưởng mạnh mẽ mưa lũ ở thượng nguồn và chế độ thuỷ triều ở hạ lưu.
Vì vậy các vùng đất thấp ở hạ lưu các con sông đều bị nhiễm mặn ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên có thể vận dụng đặc điểm này để quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản mặn, lợ.
Chế độ thuỷ triều của biển Quảng Trạch chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều, hầu hết các ngày trong tháng đều có 2 lần triều lên và 2 lần triều xuống cách khoảng trên dưới 6 giờ. Chênh lệch độ cao giữa 2 lần nước lớn và 2 lần nước ròng khá rõ rệt. Trong thời kỳ nước cường, độ lớn triều có thể đạt trên 0,4 m.
3.1.1.5. Thổ nhưỡng
Theo kết quả điều tra, điều chỉnh bổ sung bản đồ đất (tỷ lệ 1/25.000) cho thấy huyện có 8 nhóm đất. Cụ thể như sau:
- Nhóm đất cát (C - Arenosols): Nhóm đất cát có diện tích 7.035 ha chiếm 11,49% diện tích tự nhiên toàn huyện.
- Nhóm đất mặn (M - Fluvisols): Đất mặn được hình thành từ những sản phẩm phù sa sông, phù sa biển lắng đọng trong môi trường nước mặn, có tổng diện tích 2.529 ha chiếm 4,13% diện tích tự nhiên, phân bố theo các cửa sông của huyện và được chia thành 2 loại như sau: Đất mặn nhiều, đất mặn trung bình và ít.
- Nhóm đất phèn (S - Thionic Fluvisols): Diện tích đất phèn ở Quảng Trạch có 152 ha chiếm 0,25% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở xã Quảng Long và chỉ có 1 loại là đất phèn hoạt động: Sj (Orthi Thionic Fluvisols).
- Nhóm đất phù sa (P - Fluvisols): Nhóm đất phù sa có diện tích 5.735 ha chiếm 9,37% diện tích tự nhiên, phân bố tập trung ở vùng đồng bằng ven biển là sản phẩm phù sa của sông Gianh, sông Roòn và các sông suối khác trong huyện.
- Nhóm đất glây (GL - Gleysols): Nhóm đất glây có diện tích 106 ha chiếm 0,17% diện tích tự nhiên, phân bố ở xã Quảng Phú, Quảng Đông.
- Nhóm đất mới biến đổi (CM - Cambisols): Đất mới biến đổi có diện tích 1.797 ha chiếm 2,94% diện tích tự nhiên, phân bố ở các xã Quảng Kim, Quảng Phú, Quảng Hoà, Quảng Tiến, Quảng Lưu. Loại đất này thích hợp với lúa và các loại cây ngắn ngày.
- Nhóm đất xám (X - Acrisols): Nhóm đất xám có diện tích lớn nhất huyện Quảng Trạch 31.015 ha chiếm 50,66% diện tích tự nhiên phân bố khắp các xã trong huyện; đất được hình thành, phát triển trên các loại đá mẹ khác nhau như:
đá cát, đá phiến sa, đá granit.
- Đất tầng mỏng (E - Leptosols): Diện tích có 7.022 ha chiếm 11,47% diện tích tự nhiên, phân bố tập trung ở vùng gò đồi của huyện, thực vật tự nhiên chủ yếu là cỏ, sim, mua.
Tài nguyên đất Quảng Trạch có sự phong phú về nhóm, loại đất nên quá trình khai thác sử dụng có thể cho phép đa dạng hóa các loại hình sử dụng với nhiều loại cây trồng như cây rừng, cây ăn trái, cây công nghiệp dài ngày và các loại cây công nghiệp ngắn ngày. Tuy nhiên, do điều kiện địa hình và đặc điểm khí hậu nên phần lớn đất nghèo dinh dưỡng, một số nơi bị xói mòn, rửa trôi nghiêm trọng. Vì vậy để góp phần khai thác tốt nguồn tài nguyên đất đai, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường đòi hỏi phải có sự đầu tư thỏa đáng, đặc biệt là các công trình thủy lợi; đồng thời bảo vệ, phát triển rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ nhằm tăng cường khả năng giữ nước.
3.1.1.6. Tài nguyên thiên nhiên
* Đất đai:
Trong tổng diện tích 45.070,22 ha, có 35.240,51 ha diện tích đất nông nghiệp, 7.151,24 ha đất phi nông nghiệp và 2.687,47 ha đất chưa sử dụng.
Bảng 3.1. Tình hình sử dụng đất của các xã năm 2014
TT Loại hình sử dụng đất Diện tích (ha)
I Tổng diện tích đất nông nghiệp 45.070,22 1 Tổng diện tích đất nông nghiệp 35.240,51
1.1 Đất sản xuất nông nghiệp 7.268,64
1.2 Đất trồng cây hàng năm 6.333,91
1.3 Đất trồng lúa 3.731,82
1.4 Đất trồng cây hàng năm khác 2.602,09
1.5 Đất trồng cây lâu năm 934,73
2 Đất lâm nghiệp 27.738,23
2.1 Đất rừng sản xuất 15.330,783
2.2 Đất rừng phòng hộ 12.330,78
3 Đất nuôi trồng thủy sản 139,85
4 Đât làm muối 84,13
5 Đất nông nghiệp khác 9,66
II Đất phi nông nghiệp 7.151,24
III Đất chưa sử dụng 2.678,47
(Nguồn: Niên giám thống kê huyện Quảng Trạch, 2014)
* Nguồn nước: Huyện có hai con sông chính đó là Sông Gianh và Sông Roòn, đồng thời có một hệ thống suối nhỏ chằng chịt, có khả năng nuôi trồng thuỷ sản và xây dựng các đập hồ thuỷ lợi để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, ổn định môi trường trong lành.
* Tài nguyên rừng và khoáng sản: Tài nguyên khoáng sản cũng là một thế mạnh của Quảng Trạch. Theo số liệu khảo sát về các danh mục khoáng sản, trên địa bàn Quảng Trạch có nhiều khoáng sản quý hiếm, đặc biệt là quặng Titan, cát Thạch anh có trữ lượng khoảng 35 triệu m3 với hàm lượng Si02 cao có khả năng lớn trong việc sản xuất các mặt hàng pha lê cao cấp. Bên cạnh đó là trữ lượng lớn Than bùn khoảng 1 triệu m3, có khả năng cung cấp chất đốt và sản xuất phân vi sinh đã và đang được khai thác. Ngoài ra còn có một trữ lượng lớn về Đá vôi và Đất sét có khả năng cung cấp nguồn nguyên liệu cho sản xuất vật liệu xây dựng gạch và xi măng.