Kết quả khảo sát các mô hình trồng cây dược liệu tại huyện Quảng Trạch

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hiện trạng và đánh giá các mô hình trồng cây dược liệu tại huyện Quảng Trạch - tỉnh Quảng Bình (Trang 76 - 96)

CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.5. Khảo sát, đánh giá các mô hình trồng cây dược liệu tại địa bàn nghiên cứu

3.5.4. Kết quả khảo sát các mô hình trồng cây dược liệu tại huyện Quảng Trạch

3.5.4.1. Kết quả khảo sát, đánh giá mô hình trồng Kim tiền thảo a. Quá trình hình thành và phát triển mô hình

Quảng Trạch là một huyện của tỉnh Quảng Bình, có điều kiện lập địa phù hợp để trồng loài cây dược liệu có giá trị như Kim tiền thảo. Qua quá trình điều tra tại địa bàn nghiên cứu mô hình trồng cây dược liệu ở đây còn rất ít, chỉ mới diễn ra ở một số xã.

Xã Quảng Hợp là một trong những xã miền núi của huyện Quảng Trạch, đa số người dân ở đây sống chủ yếu dựa vào việc khai thác các nguồn tài nguyên trong rừng, và tham gia chăn nuôi, trồng trọt một số loài cây trồng, vật nuôi quen thuộc như: trâu, bò, gà, vịt, lợn, ngô, khoai, sắn... Những công việc này chỉ góp phần ổn định đời sống của người dân ở đây.

Để góp phần nâng cao đời sống của người dân, tăng thu nhập cải thiện đời sống kinh tế cho người dân ở đây thì trồng cây dược liệu đó là một hướng đi mới. Gia đình anh Đàm Chi Viện được sự tư vấn, giúp đỡ kỹ thuật của một lương y có kinh nghiệm trong nghề thuốc đã quyết định đầu tư trồng cây Kim tiền thảo, với diện tích 1ha, trồng trong vườn nhà, bước đầu đã mang lại hiệu quả đáng kể. Sau 2 năm trồng, gia đình anh cũng đã có ý tưởng thuê đất để mở rộng thêm diện tích.

b. Đối tượng tham gia trồng và khai thác Kim tiền thảo

Thành phần các đối tượng tham gia vào trồng, chăm sóc loài cây Kim tiền thảo này rất đa dạng, có thể là người già hoặc trẻ em, nam giới hay nữ giới. Họ cũng là đối tượng chính khai thác, vận chuyển và buôn bán các sản phẩm từ loài cây này. Đối tượng khai thác được chia làm 2 nhóm:

+ Đối tượng độ tuổi lao động: đối tượng này chiếm phần lớn và đóng góp nhiều công sức hơn trong việc gieo trồng, thu hái, chế biến và buôn bán các sản phẩm từ Kim tiền thảo.

Theo kết quả điều tra phỏng vấn hộ gia đình tại thôn Hợp Phú thì đối tượng chủ yếu có sự tác động tích cực đến các mô hình trồng cây Kim tiền thảo trên địa bàn là những người phụ nữ. Phụ nữ có vai trò quan trọng trong sự phát triển của các mô hình, là người thường xuyên tác động đến cây Kim tiền thảo thể hiện ở các mặt: (i) - Phụ nữ là người thường xuyên lao động trên các diện tích đất của gia đình, chăm sóc, làm cỏ, và cũng là người có khả năng mở rộng diện tích của loài cây này. (ii) - Phụ nữ là đối tượng chủ yếu tham gia vào quá trình thu hoạch, chế biến, bảo quản sản phẩm. (iii) - Hầu hết người phụ nữ cũng là người trực tiếp thương lượng giá cả, cân đong sản phẩm và thu tiền từ khách hàng. Sau đó họ cũng là người giữ tiền và chi tiêu cho gia đình. Những điều này đã góp phần làm tăng vị thế của người phụ nữ trong gia đình và cộng đồng.

+ Đối tượng ngoài độ tuổi lao động: thường bao gồm các già làng và trẻ em trong thôn. Đối tượng này góp ít công sức vào gieo trồng và thu hái, chủ yếu là chăm sóc trong mùa vụ trồng như làm cỏ, chế biến sản phẩm để bán…

c. Kỹ thuật nhân giống, gây trồng, thu hái và chế biến Kim tiền thảo - Kỹ thuật nhân giống

Giống kim tiền thảo đưa vào sản xuất cần được sàng sạch, không lẫn tạp chất và hạt cỏ dại, có độ mẩy cao, khối lượng 1000 hạt khoảng 1,3g hạt già, màu vàng sáng, tỷ lệ mọc mầm 70%.

Kỹ thuật xử lý hạt giống và gieo hạt: có thể xử lý hạt giống bằng nước nóng 40 - 45OC trong 10 - 12 giờ, cứ 2 - 3h thay nước nóng 1 lần, sau đó đem rửa sạch, ủ trong cát, đảo hạt và phun nước giữa ẩm hàng ngày đến khi hạt nứt nanh thì đem gieo ra vườn ươm.

Sau khi gieo cần phủ rơm rạ và tưới ẩm thường xuyên. Khi hạt bắt đầu mọc mầm dỡ bỏ rơm rạ để cây sinh trưởng thuận lợi. Đất vườn ươm cần được xử lý chống côn trùng phá hại hạt và cây con bằng Basudin, liều lượng khoảng 25 - 27 kg/ha.

Vườn ươm cần được làm sạch cỏ dại và tưới nước đủ ẩm. Sau khi cây ra được 2 lá thật có thể tưới thúc phân đạm với lượng 50 - 60 kg urê/ha. Khi cây ra được 5 - 6 lá thật có thể đánh cây đi trồng. Trong giai đoạn này, nếu thấy cây sinh trưởng chậm, có biểu hiện thiếu đạm cần bón bổ sung với lượng 30 - 40 kg urê/ha, không nên bón đạm trước khi trồng 13 - 15 ngày.

- Kỹ thuật gây trồng

Phương thức trồng thuần loài. Cây giống đem trồng phải đạt 5 - 6 lá thật, cao 10 - 12 cm, cứng cây, khỏe mạnh, không bị sâu bệnh.

Tiến hành phát dọn sạch cỏ trên diện tích trồng, cuốc đất để ải, đập nhỏ lên luông, kích thước luống dài từ 10 - 15 m, chiều rộng 80 cm, chiều cao 20 cm, mặt luống san phẳng tạo gờ xung quanh luống cao 5 cm.

Kim tiền thảo thường được trồng từ cuối tháng 10 đến tháng 1.

Trước khi trồng bón lót phân chuồng ủ hoai trồng vào ngày mưa, thời tiết râm mát đủ ẩm nhổ cây con đem trồng, trước khi đánh cây đi trồng cần tưới ẩm và đánh bầu cây con để tránh đứt rễ, làm như vậy đảm bảo tỷ lệ cây sống cao. Khi bón lót phân lấp đất rồi trồng cây tránh cong rễ lên phía trên, ấn chặt gốc lấp kín cổ rễ sâu 2 cm.

Trồng theo luống bổ hố cự ly trồng cây cách cây 30 x 30 cm, hàng cách hàng 40 cm.

Khi trồng cây lên được khoảng 10 lá thì tiến hành chăm sóc xới cỏ, vun gốc, bón thúc bằng phân đạm 1,5 – 2 kg/sào/lượt hoặc NPK 5kg/sào/lượt, nếu khô hạn cần tưới nước đủ ẩm cho cây phát triển tốt. Nên bón phân sau khi mưa là tốt nhất tránh phân dính làm chết lá. Bón thúc bằng đạm trước khi thu hoạch 15 ngày.

Phòng trừ sâu bệnh: Kim tiền thảo ít bị sâu bệnh phá hại, nếu gặp sâu bọ ăn lá dùng Padan để phun, hoặc gặp bệnh khô lá theo đám dùng Kazumin để phun.

- Thu hoạch, chế biến

Kim tiền thảo trồng 1 lần có thể thu hoạch nhiều lần. Thu hái 1 - 2 lần/năm vào vụ hè thu và vụ thu. Cắt toàn bộ phần cành lá trên mặt đất, chừa lại phần thân sát gốc dài 4 - 5 cm để tái sinh chồi cho lần sau.

Rửa sạch, chặt nhỏ từ 3 – 5 cm, rồi phơi thật khô sản phẩm đã thu hoạch cho vào bao tải hoặc bao nilông giữ nơi khô ráo thoáng mát để bán cho cơ sở thu mua dược liệu.

d. Đặc trưng thị trường tiêu thụ sản phẩm

Hiện nay thị trường tiêu thụ sản phẩm của Kim tiền thảo đang phát triển mạnh. Qua số liệu điều tra phỏng vấn tại các hộ gia đình trồng và buôn bán Kim tiền thảo có thể thấy giá bán của Kim tiền thảo có sự khác nhau tùy sản phẩm thu mua.

Nếu mua sản phẩm tươi giá 20.000 - 40.000 đồng/kg, còn nếu thu mua sản phẩm khô giá 60.000 - 65.000 đồng/kg.

Nhìn chung thị trường tiêu thụ các sản phẩm của Kim tiền thảo chưa đa dạng, nhu cầu còn hạn chế. Kết quả điều tra về tình hình tiêu thụ Kim tiền thảo tại các mô hình cho thấy, người dân ở đây trồng và khai thác mang tính chất tự phát, lúc nào có người hỏi mua thì bán chứ chưa có đầu ra ổn định và lâu dài. Từ đó cũng cho thấy kênh thị trường chỉ mang tính tạm thời chứ chưa có hướng phát triển lâu dài trong tương lai.

Thành phần chính trong thị trường tiêu thụ hiện nay của Kim tiền thảo bao gồm các thành phần tham gia sau:

- Người trồng và khai thác: đem bán cho các đầu mối tiêu thụ.

- Người thu mua tại địa phương: thu mua Kim tiền thảo từ người khai thác, sản xuất và chế biến các sản phẩm rồi bán cho người tiêu thụ.

- Các cửa hàng, chợ Huyện: nơi diễn ra các hoạt động mua bán.

- Người tiêu thụ, cơ sở sản xuất: là nơi sử dụng các sản phẩm theo mục đích cá nhân hoặc làm thuốc.

3.5.4.2. Kết quả khảo sát, đánh giá mô hình trồng Cà gai leo a. Quá trình hình thành và phát triển mô hình

Từ năm 1980 đến nay, các nhà khoa học Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu và chứng minh loài cây cà gai leo có tác dụng rất tốt với bệnh viêm gan, đặc biệt là viêm gan virus B mãn tính thể hoạt động và xơ gan. Kết quả thử nghiệm lâm sàng sản

phẩm chứa Cà gai leo tại các bệnh viện cho thấy bệnh nhân sau khi sử dụng sản phẩm đã cải thiện đáng kể các triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, vàng da, men gan trở về bình thường nhanh sau 2 tháng. Đặc biệt sau 3 tháng sử dụng, hầu hết các bệnh nhân đều giảm nồng độ virus trong máu rõ rệt, thậm chí đã ghi nhận trường hợp âm tính virus.

Xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch là một địa phương nghèo, với đa số diện tích đất là hoang hóa, cằn cỗi, cây cối không mọc nổi. Tuy nhiên, đặc điểm thổ nhưỡng của xã Quảng Hợp lại đặc biệt phù hợp với sự phát triển của Cà gai leo bởi loại dược liệu này không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, rất dễ dàng sinh sôi, phát triển trên đất cằn lại có nhiều công dụng quý.

Từ một loài cây dại, mọc hoang dại, cây Cà gai leo đã mở ra một hướng đi mới cho nông dân ở xã Quảng Hợp - huyện Quảng Trạch, giúp họ có nguồn thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên chính quê hương.

Với sự hướng dẫn tận tình của lương y có kinh nghiệm trong nghề thuốc, gia đình anh Trần Đình Phơn đã tiến hành trồng cây Cà gai leo. Do mới trồng thử nghiệm nên quy mô của gia đình anh vẫn còn nhỏ, sau một thời gian trồng gia đình anh nhận thấy việc trồng Cà gai leo khá đơn giản mà họ lại có thu nhập và giải quyết việc làm lúc nông nhàn nên gia đình cũng đã có ý tưởng mở rộng diện tích và nhân rộng ra các hộ gia đình khác trong vùng.

b. Kỹ thuật nhân giống, gây trồng, thu hái và chế biến Cà gai leo - Kỹ thuật nhân giống

Việc chọn giống là khâu rất quan trọng, nó liên quan đến toàn bộ quá trình phát triển của cây. Chọn những quả già to chín mọng màu đỏ, không nên chọn những quả xanh vì hạt sẽ không đạt chất lượng, phơi khô cả quả cho đến khi da quả nhăn lại và chuyển thành màu đen.

Tách lớp vỏ bên ngoài ra để lấy hạt. Trước khi trồng cho hạt vào nước khoảng 400C ngâm 15 phút, mục đích ngâm nước ấm là để nhanh nảy mầm. Những hạt nổi lên mặt nước thì vớt bỏ đi vì đây là những hạt lép.

Khâu chọn giống đã xong, tiếp theo là chuẩn bị khu đất để gieo hạt. Xới đất lên cho xốp, sau đó dùng phân lót như vi sinh rải lên mặt đất, trộn đều phân và đất, rạch những lỗ nhỏ cho khoảng 3 - 5 hạt vào rải một ít đất lên trên, lưu ý nếu rải nhiều thì sẽ lâu nảy mầm. Dùng rơm khô đậy lên mặt. Để tránh tình trạng bị kiến tha hạt đi, chúng ta nên vảy một ít thuốc trừ sâu lên. Sau khi đã hoàn thành việc gieo hạt xuống đất, dùng nước tưới nhẹ lên , mỗi ngày nên tưới 2 lần vào buổi sáng và chiều.

Sau khoảng 6 - 7 ngày hạt sẽ nảy mầm thành cây con, lúc này ta giỡ bỏ lớp rơm đậy trên mặt để cây phát triển.

- Kỹ thuật gây trồng

Phương thức trồng thuần loài. Cà gai leo được trồng quanh năm nhưng tốt nhất là vào mùa Xuân hoặc mùa Thu, tránh thời điểm nắng nóng và rét đậm, sau khi trồng phải cung cấp đủ nước tưới cho cây.

Tiến hành đánh cỏ, cuốc hố kích thước hố 30 x 30 x 30 cm, lót phân, phủ đất.

Bón lót 1,5 – 2 kg phân chuồng hoai cho mỗi hố 30 - 50g NPK tổng hợp, dùng cuốc trộn đều phân với đất, lấp một lớp đất mỏng lên trên miệng hố.

Dùng cuốc bới lại các hố đã được bón lót khi làm đất. Đập đất cho nhỏ, trộn đều với phân lót, cắt túi bầu và đặt cây vào hố theo hướng thẳng đứng, mỗi hố trồng một cây, lấp đất cao hơn mặt bầu 4 - 6 cm và nén chặt gốc. Khi trồng nếu gặp trời nắng thì phải tưới thẫm nước ngay để tránh mất nước và rễ tiếp xúc với đất được tốt.

Thời kỳ cây còn nhỏ, cây sinh trưởng mạnh hầu như quanh năm vì vậy, cần cung cấp đủ nước, diệt trừ cỏ dại thường xuyên để tạo điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng là rất cần thiết.

Cần tưới nước quanh năm nhằm cung cấp đủ nước cho các đợt lộc non hình thành và phát triển. Đặc biệt trong thời gian đầu sau khi trồng mới, việc tưới nước cần phải duy trì từ 2 - 3 ngày/lần. Càng về sau số lần tưới càng ít đi nhưng phải duy trì được độ ẩm thường xuyên cho diện tích đất xung quanh gốc.

Cà gai leo là cây phát triển quanh năm, ít sâu bệnh. Hầu như không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu có thì các đối tượng sâu bệnh hại trên cây chủ yếu như: Sâu cuốn lá, sâu xanh, sử dụng các loại thuốc vi sinh Biocin luân phiên với thuốc Sherpa, Sherzol, SecSaigon.

- Thu hoạch, chế biến

Sau khi trồng sau 6 tháng kể từ lúc trồng, cắt thu hoạch toàn bộ, để lại phần gốc 10 - 15 cm để cây phát triển vào vụ tiếp theo. Thu hoạch 2 - 3 vụ/năm (để đạt mức sản lượng cao nhất).

Rửa sạch, chặt nhỏ từ 3 - 5 cm, rồi phơi thật khô sản phẩm đã thu hoạch cho vào bao tải hoặc bao nilông giữ nơi khô ráo thoáng mát để bán cho cơ sở thu mua dược liệu.

c. Đặc trưng thị trường tiêu thụ sản phẩm

Hiện nay thị trường tiêu thụ sản phẩm của Cà gai leo đang phát triển mạnh. Qua số liệu điều tra phỏng vấn tại các hộ gia đình trồng và buôn bán Cà gai leo có thể thấy giá bán của Cà gai leo có sự khác nhau tùy sản phẩm thu mua. Nếu mua sản phẩm tươi giá 30.000 - 50.000 đồng/kg, còn nếu thu mua sản phẩm khô giá 100.000 - 150.000 đồng/kg. Nhưng đa số các chủ thu mua đều chủ yếu thu mua sản phẩm khô.

Thành phần chính trong thị trường tiêu thụ hiện nay của Cà gai leo bao gồm các thành phần tham gia sau: người trồng và khai thác đem bán cho các đầu mối tiêu thụ, còn người thu mua tại địa phương thì thu mua Cà gai leo từ người khai thác, sản xuất và chế biến các sản phẩm nhập cho các Đại lý thu mua ở Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên, Bắc Ninh.

3.5.4.3. Tình hình sơ chế, bảo quản, chế biến, các điều kiện cơ sở vật chất liên quan đến sản xuất cây dược liệu

Kết quả điều tra tại các mô hình trồng dược liệu được tổng hợp tại bảng 3.16 Bảng 3.16. Tình hình sơ chế, bảo quản, chế biến cây dược liệu trên địa bàn huyện

Quảng Trạch năm 2015

TT Chủng loại

Tình hình sơ chế, bảo quản, chế biến Phương thức sơ chế,

bảo quản

Phương thức chế biến

Cơ sở hạ tầng và tổ chức thực hiện

1

Kim tiền thảo

- Cách thức: thủ công - Hình thức sơ chế, bảo quản:

+ Loại bỏ lá, thân cây bị hỏng

+ Chặt nhỏ, phơi khô đem bán

Chưa có

- Vườn ươm cây giống:

chưa có

- Khu vực tập kết, bảo quản: chưa có

- Tổ chức thực hiện: có mối liên hệ giữa cơ sở thu mua và các hộ gia đình sản xuất

2 Cà gai leo

- Cách thức: thủ công - Hình thức sơ chế, bảo quản:

+ Loại bỏ lá, thân cây bị hỏng,

+ Phơi khô đem bán

Chưa có

- Vườn ươm cây giống:

chưa có

- Khu vực tập kết, bảo quản: chưa có

- Tổ chức thực hiện: có mối liên hệ giữa cơ sở thu mua và các hộ gia đình sản xuất

(Nguồn: Điều tra tại các xã huyện Quảng Trạch tháng 11/2015)

Như vậy tình hình sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm dược liệu trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức đơn giản, thô sơ chủ yếu là sơ chế sản phẩm thô rồi bán ra thị trường.

Trong các loại dược liệu trên, thì việc thu hái Kim tiền thảo tương đối dễ hơn Cà gai leo do cấu tạo trên thân, lá đều có gai nên việc thu hái, chế biến hơi khó khăn.

3.5.4.4. Về hiệu quả kinh tế của các mô hình trồng Kim tiền thảo và Cà gai leo

Trong quá trình điều tra thực địa tại các xã thuộc huyện Quảng Trạch, chúng tôi nhận thấy mô hình trồng cây Kim tiền thảo và Cà gai leo đã mang lại lợi ích kinh tế đối với các hộ gia đình. Việc gieo trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến và buôn bán Kim tiền thảo đã mang lại công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Qua quá trình điều tra tại mô hình trồng Kim tiền thảo và Cà gai leo tại huyện Quảng Trạch, thì các loài cây này thích nghi và sinh trưởng, phát triển tốt với điều kiện của địa phương, có giá trị về kinh tế cao và được thể hiện ở bảng 3.17.

Qua bảng 3.17, có thể thấy:

Cây dược liệu được trồng trong các mô hình là cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn so với các cây trồng truyền thống như Ngô, Lúa và một số cây trồng khác. Với kết quả như vậy có thể khẳng định đây là đối tượng cây trồng cần đẩy mạnh phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước đem lại thu nhập ngày càng cao cho người sản xuất, góp phần giúp các hộ thoát nghèo, nâng cao đời sống, cải thiện điều kiện sinh hoạt của gia đình.

Bảng 3.17. Hiệu quả kinh tế mô hình trồng Kim tiền thảo và Cà gai leo

Chỉ tiêu

Loại cây

Ghi chú Kim tiền thảo Cà gai leo

Sản lượng (kg/ha) 4.000 5.000

Giá bán (đ/kg) 30.000 35.000

Thu nhập (đ/ha/năm) 140.000.000 175.000.000

Chi phí (đ/ha/năm) 40.000.000 55.000.000 giống, phân bón, thuốc BVTV

Lợi nhuận (đ/ha/năm) 100.000.000 120.000.000

(Nguồn: Điều tra tại các xã huyện Quảng Trạch tháng 11/2015)

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hiện trạng và đánh giá các mô hình trồng cây dược liệu tại huyện Quảng Trạch - tỉnh Quảng Bình (Trang 76 - 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)