Chương 1: TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
1.1. CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.1.3. Hội chứng hô hấp trên gà
- Căn bệnh: Bệnh hô hấp mãn tính (Chronic respiratory Disease: CRD) ở gia cầm với biểu hiện đặc trưng là gà thở khò khè, sưng mặt. Đây là một bệnh rất phổ biến ở cầm trong giai đoạn chuyển mùa, thường xảy ra trên mọi lứa tuổi, nhưng gà 3-6 tuần tuổi và gà mái sắp đẻ mẫn cảm hơn các nhóm gà khác.
- Nguyên nhân: Do vi khuẩn Mycoplasma gallisepticum gây ra. Mycoplasma sống chủ yếu trong cơ thể của gia cầm và gây bệnh, khi ra khỏi cơ thể chúng chỉ sống được từ 1-3 ngày ở trong phân, dụng cụ chăn nuôi hoặc tồn tại được 4-5 ngày ở trong dịch nhày.
- Đường truyền lây: Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp giữa gà bệnh và gà khỏe, do thức ăn nước uống, do dụng cụ chăn nuôi hoặc do không khí có chứa mầm bệnh. Bệnh còn lây qua trứng nếu đàn gà giống bị bệnh CRD, mầm bệnh truyền qua trứng, khi ấp nở gà con sẽ bị bệnh CRD. Bệnh rất dễ nổ ra khi thời tiết thay đổi, nhất là vào mùa mưa, khi ẩm độ không khí tăng cao hoặc do tiêm phòng, cắt mỏ, chuyển chuồng...
- Triệu chứng:
+ Trên gà thịt: Bệnh hay xảy ra lúc đàn gà được 4-8 tuần, triệu chứng thường nặng hơn so với các loại gà khác do sự phụ nhiễm các loại vi trùng khác mà thông thường nhất là E.coli, vì vậy trên gà thịt người ta còn gọi là thể kết hợp E.coli – CRD (C-CRD) với các triệu chứng giảm ăn, chảy nước mũi, xuất hiện âm rale khí quản, ho, viêm kết mạc mắt, chảy nước mắt, sưng đầu, gà ủ rũ và chết sau khi mắc bệnh 3-4 ngày, tử số có thể lên đến 30%, số còn lại chậm lớn.
+ Trên gà trưởng thành - gà đẻ: Bệnh phát ra khi thay đổi thời tiết, tiêm phòng, chuyển chuồng, cắt mỏ… các triệu chứng chính vẫn là chảy nước mũi, thở khò khè, ăn ít, gà trở nên gầy ốm, gà đẻ giảm sản lượng trứng, trứng ấp nở cho ra các gà con yếu ớt. Ở một số đàn gà đẻ đôi khi chỉ thấy xuất hiện sự giảm sản lượng trứng, gà con yếu, tỷ lệ ấp nở kém, còn các triệu chứng khác không thấy xuất hiện.
- Bệnh tích:
+ Dịch viêm xuất hiện ở xoang mũi, hai lỗ mũi và cả ở túi khí. Dịch tiết lúc đầu trong, có nhiều bọt, về sau trở nên vàng và đục hơn.
+ Túi khí dày lên hoặc trở nên đục, có nhiều bọt khí hoặc phủ những hạt fibrin nhỏ.
+ Viêm màng bao quanh gan.
+ Viêm màng bao tim.
+ Viêm xoang mũi.
+ Viêm kết mạc mắt.
+ Viêm ống dẫn trứng (gà giống).
+ Lách sưng to.
+ Viêm phổi (nếu có sự kết hợp với các loại vi trùng khác).
- Phòng bệnh:
CRD là bệnh xuất hiện khá phổ biến, nhất là lúc giao mùa, lúc đàn gà bị các stress do tiêm phòng, chuyển chuồng… để phòng bệnh cần thực hiện tốt các bước sau:
+ Vệ sinh chuồng trại, vệ sinh máy ấp thật tốt và bằng các loại thuốc sát trùng.
+ Nuôi gà với mật độ vừa phải, cần lưu ý đến tiểu khí hậu chuồng nuôi, trong đó thông thoáng và mát là hai yếu tố quan trọng. Trong các chuồng trại thiếu thông thoáng, nồng độ các loại khí độc như: NH2, H2S, Cl2, CO2 cao, các khí này gây các tổn hại nhất định ở xoang mũi, thanh khí quản… sẽ tạo điều kiện cho sự bùng nổ CRD và các bệnh hô hấp khác.
+ Trên đàn gà giống, thường xuyên tiến hành kiểm tra máu để loại thải các gà dương tính với CRD.
+ Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đúng mức đối với sức sản xuất của đàn gà, cần chú ý cung cấp đầy đủ các loại vitamin nhất là vitamin A, vitamin C, các chất điện giải nhằm tăng cường sức đề kháng của đàn gà.
- Phòng bệnh bằng kháng sinh hoặc vaccin.
+ Về vaccin, hiện nay có 2 loại:
Vaccin sống chủng F: chủng cho gà con, nhằm ngăn chặn sự lan truyền mầm bệnh qua trứng. Vaccin này chưa thật sự an toàn nên ít được sử dụng.
Vaccin chết nhũ dầu, dùng chích cho gà sắp đẻ. Vaccin được đánh giá rất tốt, kháng thể thụ động truyền qua trứng sẽ bảo vệ gà con khỏi CRD.
Việc tiêm phòng CRD không đơn giản do phải xác định tình trạng đàn gà trước khi lập kế hoạch tiêm phòng. Nếu đàn gà đã nhiễm CRD, việc tiêm phòng có thể làm phát bệnh.
Do yếu tố phức tạp nêu trên, nhiều nhà chăn nuôi cho đến nay vẫn thích sử dụng kháng sinh để phòng bệnh. Cần lưu ý hai vấn đề sau đây:
+ Trong số các kháng sinh và sulfamids chỉ có 3 nhóm kháng sinh sau đây có hiệu lực với Mycoplasma:
Nhóm Tetracycline gồm: Oxytetracycline, Chlorte tracycline, Doxycycline.
Nhóm Macrolides gồm: Erythromycin, Tylosine, Lincomycin, Spiramycin, Tiamuline.
Nhóm Quinolones (Fluoroquinolones) gồm: Norfloxacin, Enrofloxacin.
Các kháng sinh khác và các loại Sulfonamides có hiệu quả rất thấp hoặc không có hiệu quả.
- Sau một thời gian sử dụng khá lâu, nhiều kháng sinh trước đây nhạy cảm với Mycoplasma nay đã bị đề kháng như Tylosin, Erythromycine, Spiramycin, Oxytetracycline…
Để việc phòng CRD bằng kháng sinh có hiệu quả, nhất thiết phải lựa chọn kháng sinh phù hợp và nhạy cảm, đồng thời thực hiện tốt các vấn đề vệ sinh chuồng trại, quản lý tốt tiểu khí hậu, dinh dưỡng hợp lý và loại thải các gà nhiễm bệnh thường xuyên…
- Điều trị:
+ Sử dụng kháng sinh nhạy cảm với CRD. Đặc biệt cần quan sát kỹ bệnh tích để đánh giá đúng mức thể CRD hoặc CRD kết hợp E. coli. Ở thể kết hợp CRD – E.
coli, bệnh tích viêm màng ngoài tim, viêm màng bao quanh gan, xoang bụng phủ nhiều Fibrin, xuất huyết ở ruột non thể hiện rất rõ và thường xuyên. Ở thể bệnh này
cần chọn lựa các chế phẩm kháng sinh kết hợp vừa có tác dụng với Mycoplasma vừa có tác dụng trên vi trùng E. coli.
+ Sử dụng chất điện giải: Vita-Electrolytes, Aminotrolytes hoặc Electrolytes và các loại Vitamin nhằm tăng sức kháng bệnh cho đàn gà.
+ Nếu có điều kiện nên tăng độ thông thoáng và giảm bớt mật độ nuôi nhốt, hạn chế tất cả các yếu tố có thể gây stress cho đàn gà.