KHỐI LƯỢNG GÀ QUA CÁC TUẦN TUỔI

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của một số chế phẩm có nguồn gốc thảo dược đến sức sản xuất của gà nuôi thịt tại Thừa Thiên Huế (Trang 55 - 59)

Khối lượng cơ thể là chỉ tiêu rất quan trọng vì nó phản ánh sức sản suất thịt của gà thí nghiệm. Khả năng tăng trọng nhanh có thể rút ngắn thời gian chăn nuôi, giảm chi phí thức ăn, thời gian chăm sóc nuôi dưỡng, quay vòng nhanh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Kết quả nghiên cứu về khối lượng cơ thể của gà thí nghiệm được thể hiện ở bảng 3.3.

Bảng 3.3. Khối lượng của gà thí nghiệm qua các tuần tuổi (g/con)

Nghiệm thức Số gà (con) 1 tuần tuổi 3 tuần tuổi 6 tuần tuổi 9 tuần tuổi

DC.0 60 89,06 299,7 707,0ab 1062,0ab

DC.1 60 88,47 299,8 706,7ab 1065,0ab

CP3.1 60 88,21 299,2 686,8b 1037,0b

CP3.2 60 88,47 299,1 709,9ab 1040,0ab

CP3.3 60 88,36 295,2 710,0ab 1078,0ab

CP4.1 60 88,96 305,8 740,8a 1080,0ab

CP4.2 60 89,91 298,6 709,3ab 1076,0ab

CP4.3 60 88,87 309,3 710,5ab 1081,0ab

CP5.1 60 88,76 299,3 722,0ab 1082,0ab

CP5.2 60 88,63 301,0 727,5a 1084,0ab

CP5.3 60 88,80 301,5 729,2a 1096,0a

SEM - 0,3392 3,589 7,799 11,56

P - 0,113 0,386 0,007 0,034

Theo cột dọc các giá trị có chữ cái khác nhau là sai khác có ý nghĩa với (p<0,05).

Qua quan sát cho thấy ở cả quá trình thí nghiệm, sự tăng khối lượng của gà ở các nghiệm thức theo tuyến tính, đàn gà thí nghiệm luôn khỏe mạnh và ăn uống tốt, các nghiệm thức có bổ sung chế phẩm gà giảm hiện tượng cắn mổ lẫn nhau, đồng thời gà có bộ lông mượt, nhanh nhạy. Kết quả nghiên cứu cho thấy khối lượng trung bình của gà các lô thí nghiệm không có sự sai khác ở giai đoạn 1-5 tuần tuổi. Gà giai đoạn 3 tuần tuổi có khối lượng khoảng 300g, kết quả này tương đương với kết quả của Phùng Đức Tiến và ctv (2010). Từ 6 tuần tuổi trở đi và khi kết thúc thí nghiệm (9 tuần tuổi) gà có sự sai khác khối lượng ở một số lô ở mức tin cậy (p<0,05). Lúc 6 tuần tuổi khối lượng vượt lên là gà ở nghiệm thức CP5.2, CP5.3 và CP4.1 (728-741 g/con) và khối lượng gà nhỏ nhất là ở lô CP3.1 (687 g/con), gà ở các nghiệm thức còn lại đạt tương đương nhau. Khi kết thúc thí nghiệm, khối lượng gà cao nhất ở lô CP5.3 (1100 g/con), thấp nhất là gà ở lô CP3.1 (1040 g/con), gà các lô còn lại đạt tương đương nhau. Kết quả tương đương các nhóm gà lai lông màu nuôi thịt (Nguyễn Đức Hưng, 1999, 2001, 2014; Lê Thanh Hải, 1999). So sánh khối lượng gà sử dụng chế phẩm với gà không kháng sinh, không chế phẩm (DC.0) và lô gà có sử dụng kháng sinh (DC.1) với các lô sử dụng chế phẩm thì gà sử dụng chế phẩm đều có khối lượng cao hơn, nhưng không nhiều (trừ CP3.1 và CP3.2 là thấp hơn DC.0). Như vậy, có thể nói chế phẩm CP4, CP5 ở cả 3 liều lượng đều có ảnh hưởng dương tính đến khối lượng gà lúc 9 tuần tuổi, còn CP3 chỉ có tác dụng với liều cao (liều 300 g/100 kg thức ăn), liều thấp hơn ở CP3.1 và CP3.2 không có tác dụng. Kết quả này phù hợp với nhận định của Yang và ctv (2009) khi bổ sung chế phẩm thảo dược vào khẩu phần thức ăn cho gia súc hay gia cẩm với tỉ lệ khác nhau thì kết quả đạt được về tăng trọng và khả năng thu nhận thức ăn cũng khác nhau.

Kết quả về khối lượng của gà khi so sánh từng chế phẩm với các lô đối chứng được biểu thị ở biểu đồ 3.1.

Biểu đồ 3.1: Khối lượng của gà ở lô đối chứng và các chế phẩm

Từ biểu đồ ta thấy rằng xuất phát điểm của gà có mức độ đồng đều cao, tăng trọng của gà biến thiên dương, tuân theo quy luật sinh trưởng bình thường ở gà. Giai đoạn 6 đến 9 tuần tuổi có sự khác biệt tương đối rõ giữa các lô thí nghiệm, đặc biệt là lô CP3 và CP5. Đường thẳng biểu thị tăng trọng gà ở lô chế phẩm CP5 là cao nhất, các lô DC0, DC1, CP4 gần như nằm trên cùng một điểm, còn đối với CP3 thì nhận giá trị thấp nhất. Có thể giải thích vấn đề này rằng lượng flavonoid trong chế phẩm CP5 là cao nhất (0,095%) trong khi ở chế phẩm CP3 là (0,061%). Hoạt chất flavonoid đã có tác dụng tăng khả năng tiêu hóa, hấp thu cũng như giảm mẫn cảm với bệnh tật dẫn đến tăng trọng cao hơn.

3.4. TỐC ĐỘ SINH TRƯỞNG CỦA GÀ THÍ NGHIỆM

Tốc độ sinh trưởng của gà bao gồm tốc độ sinh trưởng tương đối và tốc độ sinh trưởng tuyệt đối. Từ khối lượng gà ở các giai đoạn tuổi, tính được tốc độ sinh trưởng tuyệt đối qua các giai đoạn, kết quả thể hiện trên bảng 3.4.

Bảng 3.4. Tốc độ sinh trưởng tuyệt đối của gà qua các giai đoạn tuổi (g/con/ngày) Nghiệm thức Tuần 1-3 Tuần 4-6 Tuần 7-9 Bình quân

DC.0 12.60 19.40 16.92 16.31 ab

DC.1 12.61 19.38 17.04 16.34 ab

CP3.1 12.58 18.46 16.68 15.91b

CP3.2 12.57 19.56 15.71 15.95 ab

CP3.3 12.39 19.75 17.50 16.55 ab

CP4.1 12.90 20.71 16.14 16.58 ab

CP4.2 12.55 19.56 17.46 16.52 ab

CP4.3 13.06 19.10 17.64 16.60 ab

CP5.1 12.59 20.13 17.12 16.61 ab

CP5.2 12.66 20.31 16.96 16.65 ab

CP5.3 12.69 20.37 17.46 16.84 a

SEM 0.171 0.448 0.615 0.184

P 0.386 0.074 0.508 0.034

Theo cột dọc các giá trị có chữ cái khác nhau là sai khác có ý nghĩa với (p<0,05).

Số liệu trên bảng 5 cho thấy tốc độ sinh trưởng tuyệt đối cao xuất hiện ở giai đoạn 4-6 và 7-9 tuần tuổi. Gà thí nghiệm ở giai đoạn 1-3 tuần tuổi có tốc độ sinh trưởng tuyệt đối tương đối thấp, thấp nhất là ở lô CP3.3 là 12,39 (g/con/ngày) và cao nhất là ở lô CP4.3 với 13,06 (g/con/ngày). Sự chênh lệch giữa các nghiệm thức cũng không lớn và không có ý nghĩa về mặt thống kê (p>0,05). Sự tăng trưởng của gà ở giai đoạn này cũng tương tự với công bố của Đỗ Võ Anh Khoa (2014)].

Tốc độ sinh trưởng tuyệt đối đạt đỉnh cao ở giai đoạn 4-6 với mức cao nhất ở lô CP4.1 và CP5.3, CP5.2 lần lượt là 20.71, 20.37, 20.31 (g/con/ngày). Kết quả này tương đương với kết quả của Phùng Đức Tiến (2005) về sinh trưởng tuyệt đối của gà thả vườn lấy thịt. Tuy nhiên, giai đoạn 7-9 tốc độ sinh trưởng tuyệt đối của lô CP4.1 giảm xuống chỉ còn 16.14 (g/con/ngày) cao nhất ở giai đoạn này là lô CP4.3 là 17.64 (g/con/ngày). Nguyên nhân là do giai đoạn này thời tiết thay đổi bất thường, nắng nóng kéo dài gà kém ăn ảnh hưởng lớn đến tăng trọng của gà. Một số lô như CP4.1, CP3.1, CP3.2, CP4.2, DC0 xuất hiện các triệu chứng của hội chứng hô hấp như gà ho, ủ rủ, kém ăn, một số con chết. Điều này ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng của gà.

Nhìn chung, cả giai đoạn thí nghiệm (1-9 tuần tuổi), mức tăng trọng của gà giữa các nghiệm thức sai khác không nhiều. Tăng trọng cao nhất là gà ở lô CP5.3 (16,84g/ngày), thấp nhất là ở gà lô CP3.1 (15,91g/ngày), sai khác đáng tin cậy về thống kê (p<0,05). Các lô còn lại không có sự sai khác. So với gà ở lô đối chứng, tăng trọng của gà ở nghiệm thức sử dụng chế phẩm CP3 liều thấp (CP3.1, CP3.2) cho tăng trọng thấp hơn đối chứng (DC.0 và DC.1). Quy luật về sinh trưởng tuyệt đối nhận được hoàn toàn phù hợp với khối lượng cuối kỳ của gà.

Kết quả về tốc độ sinh trưởng của gà khi so sánh từng chế phẩm với các lô đối chứng được biểu thị ở biểu đồ 3.2.

Biểu đồ 3.2. Tốc độ sinh trưởng của gà ở lô đối chứng và các chế phẩm

Như vậy, sự khác biệt giữa tốc độ sinh trưởng của gà khi so sánh giữa các chế phẩm và các lô đối chứng là không lớn. Tuy nhiên, ta có thể nhận thấy rằng tốc độ sinh trưởng cao nhất vẫn là ở CP5 và thấp nhất là CP3.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của một số chế phẩm có nguồn gốc thảo dược đến sức sản xuất của gà nuôi thịt tại Thừa Thiên Huế (Trang 55 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)