NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUÁ TRÌNH GDHN QUA THAM VẤN NGHỀ

Một phần của tài liệu GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG KV HÀ NỘI QUA THAM VẤN NGHỀ LUẬN ÁN TIẾN SĨ KHOA HỌC GIÁO DỤC (Trang 56 - 61)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN CỦA GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP QUA

1.4. NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUÁ TRÌNH GDHN QUA THAM VẤN NGHỀ

Trong quá trình tham vấn nghề có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng, những yếu tố này có ảnh hưởng tích cực và tiêu cực làm tăng lên hoặc giảm đi hiệu quả của quá trình tham vấn. Việc xác định được các yếu tố ảnh hưởng sẽ giúp chúng ta biết lựa chọn và vận dụng những yếu tố đó vào trong quá trình tham vấn một cách linh hoạt để từ đó nâng cao hiệu quả của GDHN qua tham vấn nghề ở THPT.

1.4.1. Yếu tố thuộc về nhà tham vấn (GV)

* Hiểu biết về lĩnh vực tham vấn nghề: Ngoài hiểu biết về lĩnh vực tham vấn tâm lí như tác giả Y. Anthony (1993) cho rằng những người thực hiện tham vấn cần được trang bị kiến thức tham vấn một cách bài bản và có hệ thống [76], đó là những kiến thức đặc điểm, bản chất, cách thức tham vấn giúp cho nhà tham vấn (GV) thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng của mình. Mặt khác nhà tham vấn nhất thiết phải hiểu biết về lĩnh vực tham vấn nghề. Đó là những hiểu biết về những đặc trưng của tham vấn nghề, những khó khăn mà HS thường gặp phải trong việc xác định nghề cho bản thân. Đồng thời nhà tham vấn (GV) biết thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và những giới hạn của tham vấn nghề.

* Kiến thức và kĩ năng tham vấn: Samuel H. Osipow (1987) [trích theo 111, tr.

56]; Jennifer M Kidd [91, tr.95]; Lynda Ali and Barbara Graham [93, tr. 18], Norman C. Gysbers, Mary J. Heppner, Joseph A. Johnston [102, tr.284]; Trần Thị Minh Đức [28] thì nhà tham vấn nghề cần phải có những kiến thức và kĩ năng của một nhà tham vấn, đó là: Kĩ năng thiết lập mối quan hệ; Kĩ năng lắng nghe; Kĩ năng thấu hiểu; Kĩ năng chia sẻ; Kĩ năng quan sát; Kĩ năng phản hồi; Kĩ năng khai thác thông tin; Kĩ năng phân tích, đánh giá thông tin; Kĩ năng sử dụng các trắc nghiệm tâm lí; Kĩ năng quản lí thời gian; Kĩ năng tìm hiểu đặc điểm tâm sinh lí HS. Bởi vậy nếu nhà tham vấn không có những kĩ năng trên sẽ không đem lại hiệu quả cao trong hoạt động tham vấn nghề.

* Hiểu biết về hệ thống ngành nghề đào tạo trong xã hội, xu thế phát triển xã hội và nhu cầu thị trường lao động: Hiểu biết về hệ thống ngành nghề đào tạo, các nghề truyền thống ở Việt Nam. Hiểu biết về đặc điểm, yêu cầu của ngành nghề đào tạo và xu thế phát triển của các ngành nghề trong xã hội. Nhà tham vấn ngoài những

hiểu biết nêu trên thì cần phải có hiểu biết về các vấn đề xã hội như kinh tế, văn hóa,… đây chính là những thông tin quan trọng trong việc định hướng nghề cho HS.

* Nhà tham vấn yêu thích, nhiệt tình và trách nhiệm với công việc tham vấn:

Tham vấn nghề đòi hỏi có thời gian, dành sự tâm huyết đối với nghề mới đem lại hiệu quả cao. Bởi vì theo Pope, Mark (2003) [94]; [98], trong nghiên cứu của mình tác giả đã chỉ ra rằng tham vấn nghề là một nghề bình thường và nhàm chán. E.D.

Neukrug (1999) cũng đã đề cập đến vai trò của sự nhiệt tình hay yêu thích công việc như một khía cạnh của đặc điểm nhân cách mà người trợ giúp cần có để thực hiện công việc này có kết quả. Như vậy, hiệu quả của tham vấn nghề luôn gắn với sự say mê, yêu thích công việc trong việc tham vấn nghề cho HS [103].

1.4.2. Yếu tố thuộc về HS

* Ý thức được sự cần thiết phải đánh giá bản thân: Trình độ, năng lực, tính cách, sở thích nhu cầu, nguyện vọng, động cơ, giá trị của bản thân là yếu tố cơ bản, làm cơ sở để xác định nghề phù hợp. HS luôn cần phải đánh giá về mình trong bất kì hoàn cảnh và hoạt động nào để tự nhận ra mình có những năng lực, tính cách, sở thích, nguyện vọng ra sao. Dựa trên sự nhận thức đúng về bản thân, HS sẽ dễ dàng đối chiếu, so sánh để lựa chọn cho mình một nghề phù hợp trong hệ thống nghề của xã hội. Do vậy, HS càng nhận thức rõ mình bao nhiêu thì việc lựa chọn nghề càng dễ dàng bấy nhiêu.

* Chủ động tích cực trong việc tìm kiếm thông tin, lựa chọn thông tin và phân tích các thông tin: Chủ động, tích cực trong việc tìm kiếm thông tin thì HS sẽ nhanh chóng tìm được những thông tin về nghề, về trường đào tạo nghề và về thị trường lao động và dần dần sẽ xuất hiện ở các em các kĩ năng tìm kiếm thông tin. Bên cạnh đó đòi hỏi HS cần phải có kĩ năng lựa chọn và phân tích thông tin, tức là các em phải biết thông tin mình tìm được là đúng hay sai, có điểm nào tốt và có điểm nào chưa tốt, thông tin đó giúp ích gì trong việc lựa chọn nghề. Do vậy, HS càng có kĩ năng này bao nhiêu thì việc tìm ra được những ưu điểm của nghề, những yêu cầu của nghề càng dễ dàng bấy nhiêu và điều này góp phần mang lại hiệu quả cho quá trình tham vấn và trong sự lựa chọn nghề của chính các em.

* Chủ động, tích cực xin ý kiến, trao đổi, chia sẻ những băn khoăn thắc mắc với thầy cô, bạn bè, gia đình về các vấn đề liên quan đến lựa chọn ngành nghề cho bản thân: Trong quá trình định hướng nghề, quá trình chọn nghề cho bản thân HS

gặp rất nhiều khó khăn, nếu như bằng kinh nghiệm của bản thân các em thì các em khó có thể giải quyết được những khó khăn đó một cách tốt nhất. HS càng chủ động, tích cực và vượt qua được những e ngại để gặp gỡ nhà tham vấn đồng thời các em sẵn sàng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc đó để cùng nhà tham vấn tìm ra được những cách giải quyết nhanh nhất và hiệu quả nhất.

1.4.3. Yếu tố thuộc về nhà trường

* Điều kiện cơ sở vật chất

Phòng phục vụ cho tham vấn nghề cần có đầy đủ về trang thiết bị, các phương tiện nghe nhìn, công cụ, những nguồn tài liệu, bàn ghế rời phù hợp cho việc làm việc nhóm, làm việc cá nhân.

Tài liệu phục vụ cho tham vấn nghề phải phong phú, và được cập nhật thường xuyên: các công cụ, các trắc nghiệm tâm lí để đánh giá đặc điểm tâm lí của HS; các tài liệu về các ngành nghề trong xã hội, những thông tin về thị trường lao động của địa phương và của xã hội; những trang Web hướng nghiệp, các đĩa CD-ROM để bất kì nhà tham vấn và HS có thể vào đó để tìm kiếm được những thông tin mà mình cần;

các Video ghi lại những buổi tham vấn hướng nghiệp ở các trường học, ở trên đài báo, ti vi, dựa trên đó nhà tham vấn rút ra được những kinh nghiệm cho bản thân.

* Sự quan tâm của các cấp quản lí: Sự quan tâm của các cấp quản lí thể hiện ở sự quan tâm đối với GV thực hiện tham vấn nghề cũng như GDHN thông qua sự động viên, khích lệ GV khi họ thực hiện công việc. Bên cạnh đó còn thể hiện ở sự nhận thức đúng về vai trò, ý nghĩa của GDHN và tham vấn nghề, xây dựng được lực lượng chuyên trách và có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn cho các lực lượng này.

1.4.4. Các yếu tố khác

* Mối quan hệ giữa nhà tham vấn và HS trong quá trình tham vấn: Sự thành công của buổi tham vấn phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ giữa nhà tham vấn và HS. Mối quan hệ thân thiết, cởi mở giữa nhà tham vấn và HS thì HS sẽ dễ dàng giãi bày, thổ lộ những khó khăn vướng mắc của các em trong khi chọn nghề, điều đó tạo điều kiện cho nhà tham vấn thực hiện tốt vai trò của mình.

* Môi trường, không gian tham vấn: môi trường này đòi hỏi sự thuận tiện nhất đối với nhà tham vấn và HS trong quá trình tham vấn. Môi trường không gian này không chỉ là những bài trí trong phòng, mà còn có thể có những không gian mở ở

ngoài phòng tham vấn. Không gian thuận tiện, thoải mái sẽ giúp cho quá trình tham vấn diễn ra hiệu quả hơn.

* Thời gian, thời lượng dành cho tham vấn nghề: Điều này muốn đề cập đến thời gian, nội dung cho một buổi tham vấn và thời điểm tham vấn. Thời gian tham vấn ngắn cũng không đem lại hiệu quả, mà thời gian dài cũng làm cho nhà tham vấn và thân chủ mỏi mệt. Nội dung tham vấn quá nhiều cũng không đem lại hiệu quả.

Việc qui định thời gian và xác định thời lượng cho mỗi một buổi tham vấn là rất cần thiết. Khi xác định thời gian tham vấn nhà tham vấn cần căn cứ vào đối tượng tham vấn, nội dung tham vấn cho phù hợp. Bên cạnh đó nhà tham vấn cũng cần lựa chọn những thời điểm tham vấn phù hợp với từng HS như tâm trạng, sức khỏe….

* Yếu tố văn hóa và gia đình HS: Đại đa số các bậc phụ huynh trong các gia đình ở nước ta đều mong muốn con mình thi đỗ vào một các trường đại học. Yếu tố gia đình có thể hỗ trợ, hoặc cũng có thể làm giảm đi mức độ sẵn sàng trong quyết định lựa chọn nghề nghiệp. Nhiều cha mẹ bắt ép con cái theo ý của mình trong việc chọn nghề sẽ gây khó khăn trong quá trình lựa chọn nghề của học sinh. Còn một số phụ huynh khác thì lại tỏ ra không mấy quan tâm đến nghề nghiệp tương lai của con, để mặc con mình tự đăng kí thi vào trường nào cũng được. Do vậy cha mẹ HS nhận thức rõ được tầm quan trọng của tham nghề sẽ sẵn sàng hợp tác với GV quá trình tham vấn sẽ thuận lợi hơn, việc lựa chọn nghề của các em sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn, giúp các em sự tự tin trong việc ra quyết định nghề nghiệp của bản thân.

* Cơ chế chính sách: Mỗi trường THPT cần có chỉ tiêu cho GV chuyên trách thực hiện công tác GDHN nói chung và tham vấn nghề nói riêng. Cơ chế cho những GV là một trong những động lực để giúp cho người GV thực hiện tốt công việc của mình, thúc đẩy GV học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó muốn tổ chức cho HS đi tham quan thực tế những cơ sở sản xuất, các nhà máy xí nghiệp, hoặc mời các chuyên gia, hoặc các doanh nhân thành đạt thì cũng cần phải có kinh phí.

Kết luận chương 1

1. Vấn đề tham vấn nghề trong GDHN ở THPT ở Việt Nam là vấn đề mới, chưa có nhiều công trình nghiên cứu và vấn đề này.

2. GDHN hướng nghiệp có thể được thực hiện qua nhiều con đường: Thông qua hoạt động dạy các môn khoa học cơ bản, môn công nghệ; thông qua hoạt động ngoại khóa; thông qua Hoạt động GDHN chính khóa; thông qua sinh hoạt hướng

nghiệp. Các con đường này có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Có một con đường vừa có thể tương tác, hỗ trợ với các con đường GDHN này, vừa có thể tồn tại một cách độc lập, riêng rẽ và thực hiện được mục tiêu GDHN, đó là tham vấn nghề. Tham vấn nghề được coi là một trong những con đường GDHN cần thiết và có hiệu quả ở nhà trường THPT hiện nay.

3. Tham vấn nghề trong GDHN nhằm: trợ giúp HS khắc phục khó khăn của bản thân khi lựa chọn nghề tương lai; nâng cao hiểu biết về các nghề, về hệ thống các trường đào tạo nghề, trường thi; phát triển năng lực tự nhận thức và đánh giá bản thân; năng lực lựa chọn nghề phù hợp, thông qua việc HS tự phát hiện và giải quyết các vấn đề liên quan đến việc chọn nghề. Đây là những ưu thế của tham vấn nghề mà các con đường GDHN nêu trên không thể có được.

4. Được nghiên cứu với tư cách là một con đường GDHN độc lập, tham vấn nghề có mục tiêu, nội dung riêng và được tiến hành theo một quy trình nhất định, đảm bảo cho hoạt động tham vấn nghề phát huy hết những ưu thế của nó và thực sự mang lại hiệu quả tốt cho GDHN ở THPT.

5. Tham vấn nghề trong GDHN chịu sự tác động của nhiều yếu tố: Yếu tố thuộc về GV, yếu tố thuộc về HS, yếu tố thuộc về nhà trường, gia đình, xã hội....

Trong quá trình tham vấn nghề cho HS THPT, GV cần tính đến mức độ ảnh hưởng của các yếu tố này đến việc lựa chọn nghề của HS thì công tác tham vấn mới mang lại hiệu quả và đạt được mục tiêu GDHN.

CHƯƠNG 2

Một phần của tài liệu GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG KV HÀ NỘI QUA THAM VẤN NGHỀ LUẬN ÁN TIẾN SĨ KHOA HỌC GIÁO DỤC (Trang 56 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(216 trang)