Mô tả quy trình tham vấn cho nhóm HS

Một phần của tài liệu GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG KV HÀ NỘI QUA THAM VẤN NGHỀ LUẬN ÁN TIẾN SĨ KHOA HỌC GIÁO DỤC (Trang 123 - 129)

CHƯƠNG 3: QUY TRÌNH HOẠT ĐỘNG THAM VẤN NGHỀ TRONG GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP Ở TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

3.4. THỰC HIỆN MẪU QUY TRÌNH THAM VẤN NGHỀ

3.4.1. Mô tả quy trình tham vấn cho nhóm HS

Trường hợp nhóm ở đây là gặp phải vấn đề đó là các em HS nhận thức và đánh giá chưa đầy đủ về bản thân như: tính cách, sở thích, năng lực; thiếu hiểu biết biết về ngành nghề và trường dự định thi. Do vậy các em này chưa chọn được nghề phù hợp.

Buổi 1:

Thiết lập mối quan hệ

GV: Chào các em, hôm nay cô trò mình cùng tiếp tục thực hiện công việc chọn nghề của các em nhé! Em nào cho cô biết là nhóm chúng ta hôm nay cần giải quyết vấn đề gì?

HS: Chọn nghề ạ

GV: Đúng rồi, chúng ta phải chọn nghề và chọn nghề phù hợp. Vậy khi các em chọn nghề phù hợp thì cần phải căn cứ vào tiêu chí nào để chọn?

HS: Căn cứ vào năng lực, sở thích ạ!

GV: Ngoài năng lực và sở thích, chúng ta còn phải căn cứ vào tính cách cũng như nhu cầu của xã hội và các đặc điểm khác của bản thân và của gia đình.

Tất cả các em ở đây đều mong muốn tìm và lựa chọn cho mình được ngành nghề phù hợp nhất đúng không? Vì vậy để quá trình làm việc của cô trò mình đạt hiệu quả thì chúng ta cần có những nguyên tắc làm việc như sau:

- Thứ nhất, các em cần cởi mở, chia sẻ với bạn, với cô về tất cả những suy nghĩ của bản thân, không e ngại, không giấu diếm, các em có nhất trí không?

- Thứ hai, khi một thành viên khác đang nói, các thành viên còn lại cần phải lắng nghe, và đóng góp ý kiến cho bạn

- Thứ ba, các em sẽ làm chủ trong quá trình này và cô giáo chỉ là người trợ giúp khi thấy cần thiết do vậy các em cần phải tích cực, chủ động trong quá trình thảo luận

- Thứ tư, về cách làm việc: trước mỗi một vấn đề, từng em làm việc cá nhân trước, các em sẽ phân tích, chia sẻ những thông tin về vấn đề của bản thân, sau đó các thành viên khác sẽ chia sẻ, đóng góp ý kiến bổ sung cho bạn khi cần thiết

Bây giờ còn em nào có ý kiến gì không? Nếu không thì chúng ta cùng nhau tiến hành thực hiện nhiệm vụ của mình.

Trợ giúp HS nhận thức vấn đề

* Trợ giúp HS nhận thức và đánh giá bản thân

GV: Các em có biết vì sao các em chưa chọn được nghề cho mình không?

HS: + HS1: Chưa hiểu biết về ngành nghề ạ

+ HS2: Chưa biết mình phù hợp với ngành nghề nào ạ

GV: Tại sao các em lại không biết mình phù hợp với ngành nghề nào?

HS: Vì chưa hiểu rõ bản thân mình ạ!

GV: Vậy hiểu rõ bản thân mình là hiểu cái gì về bản thân?

HS: Hiểu về năng lực, tính cách, sở thích của mình ạ

GV: Vậy khi các em đã hiểu bản thân mình rồi, nhưng vẫn lúng túng khi lựa chọn ngành nghề, vậy còn nguyên nhân nào nữa không?

HS: - Nhiều ngành nghề quá mà không biết lựa chọn ngành nghề nào ạ - Không hiểu hết về ngành nghề mà mình lựa chọn ạ

Như vậy, HS đã nhận thức được vì sao các em chưa lựa chọn được ngành nghề, lí do ở đây là HS chưa nhận thức rõ về bản thân, chưa hiểu hết ngành nghề mà mình lựa chọn

Trợ giúp HS giải quyết vấn đề

GV: Các em nói rất đúng, khi chưa biết mình phù hợp với ngành nghề nào có nghĩa là các em chưa hiểu rõ mình là ai, mình có khả năng gì và mình thực sự thích làm gì? Bên cạnh đó, thiếu hiểu biết về ngành, nghề, trường thi cũng làm cho chúng ta lúng túng trong sự lựa chọn nghề. Vậy ở những buổi trao đổi này, chúng ta cùng nhau đi tìm hiểu bản thân mình, tìm hiểu về ngành nghề và trường thi để chúng ta có sự lựa chọn phù hợp nhất.

* Trợ giúp HS tìm hiểu về bản thân

Bây giờ, vấn đề đầu tiên mà cô muốn các em tìm hiểu đó là tìm hiểu về bản thân mình, khi các em đã hiểu rõ bản thân mình thì các em sẽ có thể tìm hiểu được ngành nghề cho mình. Các em hãy:

- Từng em phân tích về bản thân mình: khả năng, năng lực, sở thích, hứng thú.

Nếu HS nào chưa có khả năng đưa ra được những đặc điểm về bản thân thì GV hỗ trợ bằng các câu hỏi: Em đạt điểm cao ở những môn học nào nhất? em thích

tham gia những hoạt động nào? Những hoạt động đó em thường có vai trò gì? Lúc rỗi rãi em thường thích làm gì?....

- Các thành viên trong nhóm lắng nghe, nhận xét và bổ sung về những đặc điểm còn thiếu của các bạn mà các bạn chưa nhận ra

- So sánh, đối chiếu với kết quả trắc nghiệm, với kết quả học tập, với kết quả tự đánh giá trong phiếu điều tra

Sau khi HS phân tích, tự đánh giá bản thân, cùng với kết quả của trắc nghiệm, kết quả học tập và thông qua trao đổi, đóng góp của bạn bè, hướng dẫn của GV, mỗi HS sẽ đánh giá bản thân mình một cách sâu sắc và toàn diện hơn.

GV: Như vậy là các em đã biết rõ về bản thân mình rồi, để hiểu rõ hơn nữa về bản thân các em cần tìm hiểu thông qua bố mẹ, thầy cô giáo đặc biệt là GV chủ nhiệm. Từ những đặc điểm về bản thân các em hãy đánh giá việc lựa chọn ngành, nghề và trường thi của mình đã phù hợp chưa?

* Trợ giúp HS lựa chọn ngành, nghề phù hợp

GV: Mỗi em hãy tự nhận định về sự lựa chọn ngành, nghề trường thi của bản thân, bằng cách:

- Dựa trên kết quả trắc nghiệm, dựa trên kết quả nhận thức và đánh giá về bản thân: năng lực, tính cách, sở thích mà các em vừa xác định xong, các em hãy liên hệ đến những ngành nghề mà yêu cầu của những ngành nghề đó tương ứng với những năng lực, tính cách, sở thích của bản thân. Mỗi em tìm cho cô tối đa 5 ngành nghề phù hợp với những đặc điểm của bản thân, và cần phân tích tại sao các em lại lựa chọn 5 ngành, nghề đó?

HS: Mỗi em sẽ tự lựa chọn cho mình 5 ngành nghề tương ứng với những đặc điểm của tính cách, năng lực, sở thích. Và các em đã phân tích với các bạn trong nhóm về lí do mình lựa chọn các ngành nghề đó. Các HS trong nhóm đã bổ sung và đóng góp cho bạn để hiểu rõ hơn việc lựa chọn ngành nghề.

Tuy nhiên, khi thảo luận đến đây, nhà tham vấn (GV) không nên tiếp tục buổi thảo luận vì như vậy buổi thảo luận sẽ bị kéo dài và sẽ không hiệu quả do vậy nên dừng lại buổi tham vấn ở đây. Và nhất thiết phải giao nhiệm vụ về nhà cho các em.

GV: Bây giờ cô giao nhiệm vụ về nhà cho các em:

- Thứ nhất: Suy nghĩ thêm về bản thân và sự việc lựa chọn ngành, nghề - Thứ hai: Tìm thông tin về ngành, nghề mà các em đã lựa chọn

- Thứ ba: Tìm những trường đào tạo những ngành, nghề mà các em đã lựa chọn.

GV: Tuy nhiên, để làm được nhiệm vụ thứ hai, chúng ta cần thảo luận thêm một chút nữa: hãy cho cô biết muốn tìm thông tin về ngành, nghề, trường thi thì cần tìm những thông tin nào? Và tìm ở đâu?

HS: - Tìm hiểu về ngành, nghề đó sau này xin việc có dễ không? Lương có cao không? Và ra trường làm việc ở đâu ạ (Với câu trả lời này, chứng tỏ HS thiếu hiểu biết về ngành nghề, chưa biết được những thông tin cơ bản về ngành, nghề cần tìm là gì)

GV: Tại sao các em lại lựa chọn ngành nghề đó? Ngành nghề đó có liên quan gì đến năng lực, phẩm chất, tính cách của các em không? Ngành nghề đó có những đặc điểm như thế nào? Tại sao ngành nghề đó phù hợp với người này mà không phù hợp với người khác? Ngoài những thông tin đó, thì cần tìm hiểu thêm những thông tin nào nữa?

HS: - Tìm hiểu về những yêu cầu của ngành nghề: ngành nghề đó đòi hỏi con người có những năng lực, phẩm chất nào.

- Theo như chúng em được biết thì cần phải tìm hiểu về ý nghĩa, công cụ, nội dung của ngành nghề đó nữa ạ

- Ngành nghề đó cần đòi hỏi thể lực và sức khỏe phù hợp nữa ạ

GV: Đúng như vậy, các em đã xác định được những thông tin mà mình cần phải tìm hiểu. Vậy các em sẽ tìm những thông tin đó ở đâu?

HS: Chúng em sẽ tìm hiểu qua Internet; cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH và CĐ của Bộ GD&ĐT”; bố mẹ, thầy cô, bạn bè, anh chị sinh viên quen biết đang học trong các trường đó ạ...

Buổi 2:

Trợ giúp HS giải quyết vấn đề

Sau khi HS đã lựa chọn được ngành, nghề, trường đào tạo, tìm được những thông tin về ngành, nghề, về trường đào tạo, GV tiếp tục hướng dẫn các em tìm ra những ngành, nghề phù hợp nhất với khả năng, học lực, tính cách và sở thích của bản thân, GV tiếp tục trợ giúp HS khẳng định những kết quả mà các em đã lựa chọn. Bằng cách:

GV: Mỗi em báo cáo kết quả về ngành, nghề đào tạo đã lựa chọn và giải thích tại sao lại chọn ngành, nghề đó? Và báo cáo kết quả về những thông tin mà các em

đã tìm được về những ngành, nghề đó. Còn các em khác trong nhóm lắng nghe, thảo luận, chia sẻ, bổ sung, góp ý cho các thành viên cho bạn nhé!

HS: Từng HS thực hiện nhiệm vụ của mình, các em đã báo cáo, giải thích được tại sao lại lựa chọn những ngành, nghề đó và đưa ra được nhiều thông tin về các ngành nghề. Các thành viên trong nhóm chia sẻ với nhau, bổ sung cho nhau để các em có được những thông tin đầy đủ nhất.

GV lắng nghe, khẳng định sự lựa chọn của HS, nếu cần thiết thì định hướng lại cho các em

Trợ giúp HS ra quyết định chọn ngành, nghề phù hợp nhất

GV: Như vậy các em đã có đầy đủ thông tin về các ngành, nghề, đã hiểu rõ về bản thân, vậy làm thế nào để có thể lựa chọn được ngành nghề phù hợp nhất trong số những ngành, nghề mà các em đã chọn? Muốn làm được như vậy, các em hãy:

- Liệt kê tất cả những đặc điểm của bản thân về sở thích, tính cách, năng lực - Liệt kê những yêu cầu của từng ngành, nghề

- Sau đó căn cứ vào năng lực, sở thích, tính cách so sánh với những yêu cầu của ngành, nghề để tìm ra những đặc điểm chung nhất giữa ngành, nghề và đặc điểm của bản thân.

- Sắp xếp theo thứ tự ưu tiên: từ ngành, nghề nào có nhiều điểm chung nhất với đặc điểm bản thân thì xếp thứ nhất, cứ dần dần như vậy làm cho đến hết các ngành, nghề mà các em đã lựa chọn.

HS: Mỗi em sẽ tự làm và sau đó chia sẻ với các bạn, các bạn lại bổ sung, đóng góp ý kiến để các em hoàn thành được nhiệm vụ của mình.

Bằng cách phân tích, so sánh, đối chiếu, sắp xếp như vậy, HS sẽ lựa chọn được ngành, nghề phù hợp với khả năng, năng lực, sở thích, tính cách của bản thân.

HS tự tin ra quyết định lựa chọn được ngành, nghề phù hợp nhất.

GV: Bây giờ chúng ta làm công việc cuối cùng đó là lựa chọn trường thi. Với ngành, nghề mà các em đã lựa chọn được thì các em xem có những trường nào đào tạo những ngành, nghề đó? Theo các em, khi lựa chọn trường thi thì chúng ta căn cứ vào những yếu tố nào?

HS: Thưa cô, cần căn cứ vào học lực ạ!

GV: Đúng rồi, bên cạnh đó chúng ta cần căn cứ chỉ số thông minh nếu có. Vậy khi tìm hiểu về trường, chúng ta cần tìm hiểu những thông tin nào?

HS: Thưa cô, tìm hiểu về điểm tuyển sinh của trường, tỉ lệ cạnh tranh, chỉ tiêu của trường ạ!

GV: Ngoài những thông tin đó ra, cần tìm hiểu thêm những thông tin nào nữa?

HS:????

GV: Chúng ta cần tìm hiểu chỉ tiêu tuyển sinh của ngành, điểm tuyển sinh của ngành, môi trường học tập của trường đó, học phí của trường, khoảng cách của trường. Vậy từ các ngành, nghề đó các em hãy tìm cho mình những trường đào tạo phù hợp với những ngành, nghề mà các em đã lựa chọn.

HS: Mỗi HS tự tìm hiểu để tìm ra trường đào tạo phù hợp

GV: Sau khi các em tìm được trường đào tạo rồi, hãy phân tích và giải thích cho cô và các bạn biết tại sao lại lựa chọn trường thi đó?

HS: Từng HS trình bày, các thành viên trong nhóm lắng nghe, trao đổi, chia sẻ thông tin, phân tích sự lựa chọn của từng thành viên trong nhóm và đưa ra ý kiến đóng góp cho bạn và nhận xét sự lựa chọn trường của bạn là đúng hay sai

GV: Khi lắng nghe HS trình bày, GV có thể trao đổi, định hướng cho HS thông qua một số câu hỏi:

+ Kết quả học tập của em như thế nào?

+ Điểm tuyển sinh của trường đó hai năm vừa rồi là bao nhiêu?

+ Với kết quả học tập đó, với điểm tuyển sinh của trường đó thì sự lựa chọn của em đã phù hợp chưa?

GV: Mỗi em liệt kê những đặc điểm về trường mà các em đã lựa chọn: điểm tuyển sinh của trường, điểm tuyển sinh của ngành, tỉ lệ cạnh tranh, chỉ tiêu của trường, chỉ tiêu của ngành

- So sánh, đối chiếu với học lực, kết quả học tập, chỉ số thông minh - Căn cứ vào sở thích của bản thân

- Sắp xếp từ trên xuống dưới những trường phù hợp với bản thân nhất

HS: Mỗi HS tự làm và sau đó chia sẻ với các bạn, các bạn sẽ đóng góp ý kiến, bổ sung.

Với sự hướng dẫn của GV, HS sẽ tự lựa chọn được trường thi phù hợp với khả năng, năng lực học tập, sở thích của bản thân, HS sẽ tìm được trường mà các em thấy phù hợp nhất. Từ đó HS tự tin ra quyết định chọn trường phù hợp với bản thân mình.

GV: Như vậy, hôm nay mỗi em đã tìm ra được những ngành, nghề, trường thi phù hợp nhất, nhưng các em cần về nhà tìm hiểu thêm về những ngành, nghề, về những trường đào tạo để bổ sung những thông tin cho đầy đủ nhé!

Kết quả: Tất cả HS trong nhóm đã tìm ra được những ngành nghề, trường dự định thi cho bản thân, và tất cả các em đều hài lòng với kết quả của mình, các em không còn băn khoăn, lo lắng nữa.

Một phần của tài liệu GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG KV HÀ NỘI QUA THAM VẤN NGHỀ LUẬN ÁN TIẾN SĨ KHOA HỌC GIÁO DỤC (Trang 123 - 129)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(216 trang)