CHÍNH SÁCH VĂN HÓA - XÃ HỘI, GIÁO DỤC, KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
1. Cơ sở xã hội của Nhà nước và chính sách văn hóa xã hội
Các giai cấp và các tầng lớp xã hội mà Nhà nước đại diện cho lợi ích của họ, dựa vào họ để thực hiện nhiệm vụ và chức năng của mình lập thành cơ sở xã hội của Nhà nước.
Cơ sở xã hội của Nhà nước được quyết định bởi cơ cấu giai cấp trong xã hội, địa vị của các giai cấp và các tầng lớp xã hội. Nói cách khác cơ sở xã hội của Nhà nước phụ thuộc vào cơ cấu xã hội.
Cơ cấu xã hội được liên quan chặt chẽ với chế độ chính trị, chế độ kinh tế của Nhà nước.
Cơ sở xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là liên minh của các lực lượng xã hội chủ yếu. Liên minh này thay đổi theo quá trình phát triển của xã hội và Nhà nước.
Hiến pháp 1992ghi nhận “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức” (Điều 2).
Giai cấp công nhân ở nước ta tuy chiếm tỉ lệ rất nhỏ (khoảng 15%) song do tính tổ chức kỷ luật cao, tính cách mạng triệt để, tính tập thể cao nên chiếm được địa vị chủ chốt trong xã hội là giai cấp lãnh đạo xã hội. Các giai cấp khác ủng hộ và đi theo lập trường của giai cấp công nhân ( Điều này đã được chứng tỏ trong hai cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc ta). Với nền công nghiệp ngày càng phát triển thì số lượng công nhân ngày càng tăng, vị trí lãnh đạo của nó ngày càng được củng cố. Nó còn được củng cố bởi sự phát triển văn hóa, trình độ giáo dục và tính tích cực chính trị trong giai cấp công nhân ngày càng được tăng cường.
Giai cấp nông dân chiếm hơn 80% dân số. Do kết quả của công cuộc hợp tác hóa nên hầu hết nông dân đã đi vào con đường làm ăn tập thể. Liên minh công nông được thắt chặt. Giai cấp nông dân ngày càng gần gũi giai cấp công nhân.
Sự phát triển sức sản xuất trong nông nghiệp đặc biệt là quá trình điện khí hóa, công nghiệp hóa đang được triển khai mạnh mẽ, đang làm thay đổi rõ rệt hình ảnh xã hội của nông thôn. Điều này giúp củng cố mối liên minh công nông thêm bền vững.
Tầng lớp trí thức có vai trò ngày càng quan trọng. Trong xã hội ta tầng lớp trí thức được sinh ra từ nhân dân lao động, hoàn toàn đứng trên lập trường của giai cấp công nhân. Trong các cuộc cách mạng trước đây vai trò của giới trí thức được khẳng định và ngày càng được tăng cường trong giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa hiện nay. Giai cấp
---
công nhân nếu không có đội ngũ trí thức của mình và nếu bản thân công nông không được nâng cao kiến thức và không dần dần được trí thức thức hóa thì không thể xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, tầng lớp trí thức được xác định là bộ phận cấu thành quan trọng trong cơ sở của xã hội Nhà nước ta.
Mục tiêu của chính sách xã hội thống nhất với mục tiêu phát triển kinh tế, nhằm phát huy sức mạnh của nhân tố con người và vì con người, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với tiến bộ xã hội, giữa đời sống vật chất với đời sống tinh thần của nhân dân, phát triển kinh tế được coi là cơ sở, là tiền đề để thực hiện chính sách xã hội, thực hiện tốt chính sách xã hội là động lực phát triển kinh tế.
2. Nội dung chính sách văn hóa - xã hội, giáo dục, khoa học và công nghệ của nước ta
Để đạt được mục tiêu nêu trên, Nhà nước đã quy định những chính sách cụ thể như sau:
Chính sách phát triển văn hóa
Hiến pháp 1992 quy định: “Nhà nước và xã hội bảo tồn, phát triển nền văn hóa Việt Nam: dân tộc, hiện đại, nhân văn, kế thừa và phát huy những giá trị của nền văn hiến Việt Nam, tư tưởng đạo đức Hồ Chủ Minh; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, phát huy mọi tài năng sáng tạo trong nhân dân” (Điều 30).
Nhà nước thống nhất quản lý sự nghiệp văn hóa. Nghiêm cấm truyền bá tư tưởng và văn hóa phản động, đồi truỵ, bài trừ mê tín, hủ tục. Khẳng định và biểu dương những giá trị chân chính, bồi dưỡng cái chân, cái thiện, cái mỹ theo quan điểm tiến bộ, phê phán những cái lỗi thời.
Nhà nước tạo điều kiện để công dân phát triển toàn diện, giáo dục ý thức công dân, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, giữ gìn thuần phong mỹ tục, xây dựng gia đình văn hóa...
Chính sách giáo dục
Hiến pháp tuyên bố: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Nhà nước phát triển giáo dục nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Mục tiêu của giáo dục là hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân; Đào tạo những người lao động có nghề, năng động và sáng tạo, có niềm tự hào dân tộc, có đạo đức, có ý chí vươn lên góp phần làm cho dân giàu nước mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” ( Điều 35).
Nền giáo dục Việt Nam phát triển theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội.
---
Sự nghiệp giáo dục thống nhất do Nhà nước quản lý. Nhà nước quản lý hệ thống giáo dục quốc dân về mục tiêu, chương trình nội dung, kế hoạch giáo dục, tiêu chuẩn giáo viên, quy chế thi cử, hệ thống văn bằng quốc gia.
Nhà nước chăm lo phát triển cân đối hệ thống giáo dục: giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và giáo dục sau đại học, phổ cập giáo dục tiểu học, xoá nạn mù chữ, phát triển các hình thức trường quốc lập, dân lập và các hình thức giáo dục khác.
Nhà nước khuyến khích vận dụng nhiều loại hình tổ chức giáo dục (quốc lập, dân lập) và nhiều hình thức đào tạo (chính quy, mở rộng, chuyên tu, tại chức).
Nhà nước thực hiện chính sách ưu tiên bảo đảm phát triển giáo dục miền núi, các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn.
Nhà nước khuyến khích các nguồn đầu tư khác ngoài ngân sách nhà nước cho giáo dục, để phát huy vai trò của các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, các tổ chức kinh tế, gia đình cùng nhà trường vì sự nghiệp giáo dục thanh, thiếu niên và thiếu nhi.
Chính sách khoa học và công nghệ
Khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhà nước xây dựng và thực hiện chính sách khoa học công nghệ quốc gia, xây dựng nền khoa học, công nghệ tiên tiến; Phát triển đồng bộ các ngành khoa học nhằm xây dựng luận cứ khoa học cho việc định ra đường lối, chính sách vá pháp luật, đổi mới công nghệ, phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao trình độ quản lý, bảo đảm chất lượng và tốc độ phát triển của nền kinh tế, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia (Điều 37).
Nhà nước tổ chức áp dụng kết quả khoa học vào việc xây dựng dự thảo kế hoạch phát triển nền kinh tế quốc dân, hoạch định chủ trương, chính sách pháp luật.
Nhà nước đầu tư và khuyến khích tài trợ cho khoa học từ nhiều nguồn vốn khác nhau, ưu tiên cho những hướng khoa học, công nghệ mũi nhọn; chăm lo đào tạo và sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ khoa học sáng tạo và cống hiến, phát triển nhiều hình thức tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu khoa học với phát triển kinh tế - xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học, đào tạo với sản xuất, kinh doanh.
Chính sách phát triển văn học, nghệ thuật
Văn học nghệ thuật có vai trò to lớn trong việc bồi dưỡng nhân cách của con người, đáp ứng nhu cầu tinh thần ngày càng cao của nhân dân.
Chính sách của Nhà nước về vấn đề này là: các hoạt động văn nghệ chuyê nghiệp hay không chuyên nghiệp đều được khuyến khích phát triển, các tài năng văn học nghệ thuật được chăm sóc và tạo điều kiện để phát triển.
Để bảo đảm cho nhân dân được hưởng đầy đủ các quyền nghiên cứu khoa học kỹ thuật sáng tạo văn học, nghệ thuật Nhà nước đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền
---
báo chí xuất bản, thư viện, phát thanh, truyền hình, điện ảnh và các phương tiện thông tin đại chúng khác, giữ gìn, tu bổ và bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, các công trình mỹ thuật công cộng, danh lam, thắng cảnh, nghiêm cấm những hoạt động văn hóa, thông tin làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam. Nghiêm cấm các hành động xâm phạm đến các di tích lịch sử, cách mạng, các công trình nghệ thuật và danh lam, thắng cảnh.
Chính sách chăm sóc sức khoẻ nhân dân
Nhà nước chăm lo và thống nhất quản lý sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ của nhân dân, huy động và tổ chức mọi lực lượng xã hội xây dựng và phát triển hệ thống chăm sóc sức khoẻ theo hướng dự phòng; tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khoẻ một cách thuận lợi với chất lượng ngày càng cao.
Nhà nước và xã hội bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, vận động sinh đẻ có kế hoạch.
Gắn liền với bảo vệ sức khoẻ, Nhà nước đầy mạnh phát triển thể dục, thể thao, du lịch nhằm góp phần nâng cao sức khoẻ của mọi người và hơn nữa là để bồi dưỡng, phát triển tài năng thể thao cho nước nhà.
---