BÀI 10 QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN
2. Các nguyên tắc cơ bản của chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân64
Những nguyên tắc này thể hiện một cách rõ nét nhất, cụ thể nhất và cô đọng nhất bản chất của một chế độ nhà nước và chế độ xã hội. Theo Hiến pháp năm 1992 của nhà nước ta,
---
chế độ quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được xây dựng theo các nguyên tắc cơ bản sau:
2.1 Nguyên tắc tôn trọng quyền con người
Nhà nước ta từ lúc thành lập luôn luôn lấy quyền con người làm mục tiêu đấu tranh và phấn đấu.
Quyền con người luôn luôn được coi là nguyên tắc trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp của Nhà nước ta.
Tuy nhiên, quyền con người không phải lúc nào cũng được ghi nhận công khai thành một nguyên tắc trong luật cơ bản của Nhà nước. Phải khẳng định rằng, với Hiến pháp 1992, lần đầu tiên quyền con người được chính thức ghi nhận là một nguyên tắc Hiến pháp. Việc chính thức ghi nhận quyền con người thành một nguyên tắc Hiến pháp là một bước phát triển đáng ghi nhận trong lịch sử lập hiến Việt Nam, thể hiện một cách rõ nét bản chất Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
2.2 Nguyên tắc nhân đạo
Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Mục tiêu hoạt động của Nhà nước ta là mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người. Vì vậy, các qui định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân phải bảo đảm và nhằm thực hiện nội dung nhân đạo trong các chính sách của Nhà nước ta. Điều đó thể hiện ở những nội dung cụ thể sau:
+ Xã hội mới phải là xã hội mà trong đó mọi người sống với nhau trong tình đoàn kết, bình đẳng, tương thân, tương ái và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Sự công bằng xã hội không phải là chia đều của cải vật chất và tinh thần cho mọi công dân. Những quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân phải nhằm mục đích tạo cơ sở điều kiện và môi trường pháp lý để mọi công dân có thể phát triển cá nhân mình một cách toàn diện về tài năng, sức khoẻ và đức hạnh.
+ Con người là trọng tâm của mọi sự cố gắng và hoạt động của Nhà nước và xã hội. Trong xã hội ta, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân là người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Các qui định Hiến pháp về quyền và nghĩa vụ phải thể hiện tư tưởng trên, phải bảo đảm để tư tưởng trên được thực hiện trong cuộc sống thực tế.
+ Nhằm thực hiện sự công bằng xã hội,mục đích hành động của Nhà nước ta là mang lại và bảo đảm hạnh phúc cho tất cả mọi người. Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người.
Bởi lẽ đó, các qui định Hiến pháp về quyền và nghĩa vụ công dân luôn luôn chú ý đến đặc điểm riêng của mỗi người về sức khoẻ, tuổi tác, hoàn cảnh v.v. Điều 67 Hiến pháp năm 1992 nêu rõ: Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước. Thương binh được tạo điều kiện phục hồi chức năng lao động, có việc làm phù hợp với sức khoẻ và có đời sống ổn định.
---
Người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa được Nhà nước và xã hội giúp đỡ.
Các qui định Hiến pháp về quyền và nghĩa vụ công dân vừa nhằm mục đích thực hiện sự công bằng xã hội, vừa phục vụ sự tiến bộ xã hội nói chung. Vì vậy, nó không chỉ nhằm vào việc đấu tranh giải phóng con người ở đất nước ta mà còn nhằm vào việc đấu tranh giải phóng con người trên phạm vi thế giới. Với mục đích ấy, Nhà nước ta sẵn sàng xem xét việc cho người nước ngoài cư trú, trong trường hợp họ bị bức hại do tham gia đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc, vì dân chủ và hòa bình, vì sự tiến bộ xã hội nói chung (Điều 82 Hiến pháp 1992).
2.3 Nguyên tắc quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ công dân
Trên cơ sở quy định của Điều 51 Hiến pháp 1992, mọi công dân Việt Nam, không phân biệt dân tộc, nam nữ, tôn giáo, địa vị xã hội, đều bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ. Đó là bản chất riêng, không trộn lẫn của Nhà nước ta với chế độ nhà nước khác.
Theo quan niệm của chúng ta, sự bình đẳng của công dân luôn luôn thể hiện ở hai mặt: Quyền và nghĩa vụ. Trong chế độ xã hội ta, không thể chấp nhận tình trạng người được hưởng quyền mà không thực hiện nghĩa vụ và ngược lại. Thực tế cho thấy các quyền công dân chỉ có thể được đảm bảo trên cơ sở công dân thực hiện nghĩa vụ của mình. Việc công dân thực hiện nghĩa vụ chính là điều kiện tiên quyết để tạo ra tiền đề vật chất bảo đảm cho việc thực hiện các quyền công dân.
Hiến pháp năm 1992 quy định việc Nhà nước bảo đảm cho cho các quyền công dân được thực hiện đầy đủ và nghiêm chỉnh các nghĩa vụ của mình. Mối quan hệ qua lại cùng có trách nhiệm giữa Nhà nước với công dân, giữa công dân với công dân chỉ tồn tại và bảo đảm khi mỗi người, cùng với việc hưởng quyền thực hiện đầy đủ và trách nhiệm các nghĩa vụ công dân của mình.
Việc Hiến pháp ghi nhận sự bình đẳng của mọi công dân về quyền và nghĩa vụ không chỉ là sự ghi nhận một nguyên tắc mà nó còn chỉ rõ mục tiêu hoạt động có tính chất chiến lược của Nhà nước ta. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ rõ bình đẳng, hiểu đúng và đầy đủ nghĩa của nó, là sự bình đẳng cả về quyền và nghĩa vụ.
Trong chế độ dân chủ, theo C.Mác, không thể làm nghĩa vụ mà không được hưởng quyền và ngược lại. Điều đó đã làm rõ hơn tư tưởng của ông, khi ông khẳng định rằng cuộc đấu tranh để giải phóng giai cấp công nhân không phải vì sự đấu tranh đặc quyền giai cấp, hay sự độc quyền mà là cuộc đấu tranh vì sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của mọi công dân. Đó cũng là một trong những nội dung cơ bản của cuộc đấu tranh mà nhân ta đang tiến hành.
2.4 Nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật
Quan hệ mật thiết với nguyên tắc quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân là nguyên tắc mọi công dân điều bình đẳng trước pháp luật. Bình đẳng trước pháp
---
luật nghĩa là: Mỗi công dân trong hoạt động thực hiện pháp luật, có quyền đòi hỏi được đối xử giống như những công dân khác trong những hoàn cảnh, điều kiện như nhau.
Bất cứ công dân nào, không phân biệt người đó là ai, thành phần xã hội thế nào, tình trạng tài sản ra sao, nắm giữ chức vụ gì trong bộ máy nhà nước, theo tín ngưỡng , tôn giáo nào... đều có quyền và nghĩa vụ như nhau. Luật pháp Nhà nước ta không thừa nhận bất kỳ một sự đặc quyền, đặc lợi của bất kỳ đối tượng, tầng lớp nào.
Bình đẳng trước pháp luật còn có nghĩa vụ là mọi công dân đều phải tôn trọng và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật. Bất kỳ công dân nào vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo pháp luật, bất luận người đó là ai. Trước pháp luật mọi công dân chỉ có một tư cách giống nhau: Công dân nhà nước. Pháp luật của Nhà nước ta không thừa nhận sự phân biệt công dân thành các loại khác nhau và hưởng sự đối xử khác nhau. Sự bình đẳng trước pháp luật không có nghĩa là mọi công dân đều được đối xử giống nhau một cách máy móc. Trong hoạt động áp dụng pháp luật, các đặc điểm khách quan và chủ quan của mỗi người đều được chú ý, cân nhắc một cách kỹ càng, đầy đủ. Sự áp dụng pháp luật đúng đắn đòi hỏi phải chú ý một cách thích đáng sự khác biệt của mỗi cá nhân về tuổi tác, sức khoẻ, hoàn cảnh xã hội, điều kiện làm việc, kinh nghiệm nghề nghiệp, trình độ học vấn, trách nhiệm được giao, hoàn cảnh gia đình... Bình đẳng trước pháp luật hoàn toàn không phải là sự áp dụng pháp luật giống nhau một cách hình thức đối với mọi công dân mà không chú ý đến các điều kiện xã hội và cá nhân cụ thể.
Bình đẳng trước pháp luật còn bao hàm trong nó nội dung quyền bình đẳng dân tộc (Điều 5 Hiến pháp 1992). Từ ngày thành lập chính quyền dân chủ nhân dân ở nước ta, bình đẳng dân tộc đã trở thành một trong những nguyên tắc tổ chức và hoạt động cơ bản của Nhà nước ta. Bình đẳng dân tộc là nguyên tắc bao trùm và xuyên suốt toàn bộ lịch sử lập hiến Việt Nam được ghi nhận ở tất cả các Hiến pháp.
Quyền bình đẳng trước pháp luật còn bao hàm cả nội dung quyền bình đẳng nam, nữ. Quyền bình đẳng nam nữ đã trở thành một nguyên tắc Hiến pháp từ lúc bắt đầu lịch sử lập hiến nước ta, là nội dung xuyên suốt quá trình lập hiến.
2.5 Nguyên tắc về tính hiện thực của các quyền và nghĩa vụ của công dân
Để đảm bảo cho các quyền và nghĩa vụ của công dân có thể thực hiện trong thực tế, yếu tố đầu tiên và quyết định là khi quy định phải đảm bảo tính khả thi của chúng. Khi các quy phạm pháp luật không mang tính hiện thực thì nó sẽ đánh mất đi tính nghiêm túc vốn có của nó, tạo ra tâm lý nghi ngờ của công dân đối với pháp luật của Nhà nước, dẫn đến thái độ coi thường pháp luật. Khi niềm tin đối với pháp luật không còn thì sự tôn trọng dành cho Nhà nước và pháp luật cũng có cơ sở để tồn tại.
Khắc phục những nhược điểm của Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 xoá bỏ những quy định thiếu tính hiện thực, bổ sung những quy định phù hợp với tình hình thực tế của xã hội. Các qui định về quyền và nghĩa vụ với điều kiện kinh tế- xã hội của đất nước là sự bảo đảm cao nhất, hữu hiệu nhất để chúng có thể thực hiện trong thực tế.
---
Nguyên tắc bảo đảm tính hiện thực của các quyền và nghĩa vụ công dân vừa thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước ta, vừa góp phần to lớn vào việc nâng cao tính hiệu quả của các qui định pháp luật.