Nội dung cơ bản của Luật quốc tịch Việt Nam

Một phần của tài liệu Bài giảng luật hiến pháp đh DUY tân p2 (Trang 63 - 68)

BÀI 9 QUỐC TỊCH VIỆT NAM

3. Những vấn đề cơ bản trong pháp luật quốc tịch Việt Nam

3.2 Nội dung cơ bản của Luật quốc tịch Việt Nam

Quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân đối với nhà nước và quyền, trách nhiệm của nhà nước đối với công dân. Để đề cao vinh dự và ý thức trách nhiệm được nêu thì vấn đề quan trọng là phải xác định được trường hợp nào có quốc tịch Việt Nam, trường hợp nào họ không có hoặc không còn quốc tịch Việt Nam.

Theo quy định của pháp luật hiện hành (Luật Quốc tịch 2008) nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.1 Như vậy người được xác định là có quốc tịch Việt Nam, nếu có một trong các trường hợp sau đây:

3.2.1 Xác định quốc tịch của trẻ em

Quốc tịch của trẻ em ( Điều 15,16,17,18 Luật quốc tịch 2008)

- Trẻ em khi sinh ra có cha là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam, không kể trẻ em đó sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam.

- Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là người không quốc tịch, hoặc có mẹ là công dân Việt Nam, còn cha không rõ là ai, thì có quốc tịch Việt Nam, không kể trẻ em đó sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam.

- Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là công dân nước ngoài, thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam.

- Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh có cha mẹ đều là người không có quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam, thì có quốc tịch Việt Nam.

---

- Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh có mẹ là người không có quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam, còn cha không rõ là ai, thì có quốc tịch Việt Nam.

- Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai, thì có quốc tịch Việt Nam.

- Trong trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam chưa đủ 15 tuổi mà tìm thấy cha mẹ đều có quốc tịch nước ngoài, chỉ tìm thấy cha hoặc mẹ có quốc tịch nước ngoài, người giám hộ có quốc tịch nước ngoài, thì người đó không còn quốc tịch Việt Nam; đối với người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đó.

Quốc tịch của con chưa thành niên khi có sự thay đổi quốc tịch của cha mẹ (Điều 35)

- Khi cha mẹ có sự thay đổi về quốc tịch do nhập, thôi hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam, thì quốc tịch của con chưa thành niên sinh sống cùng với cha mẹ được thay đổi theo quốc tịch của họ.

- Khi chỉ có cha hoặc mẹ có sự thay đổi quốc tịch do nhập, thôi hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam, thì quốc tịch của con chưa thành niên được xác định theo sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ.

Cả hai trường hợp nêu trên, nếu như người chưa thành niên đã đạt độ tuổi từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi mà muốn thay đổi quốc tịch thì phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của họ.

Quốc tịch của con chưa thành niên khi cha mẹ bị tước quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam (Điều 36) Khi cha mẹ hoặc một trong hai người bị tước hoặc hủy bỏ quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật, thì quốc tịch của con chưa thành niên không thay đổi.

Quốc tịch của con nuôi chưa thành niên (Điều 37)

- Trẻ em là công dân Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.

- Trẻ em là người nước ngoài được công dân Việt Nam nhận làm con nuôi thì có quốc tịch Việt Nam, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam công nhận việc nuôi con nuôi.

- Trẻ em là người nước ngoài được cha mẹ mà một người là công dân Việt Nam, còn người kia là người nước ngoài nhận làm con nuôi, thì được nhập quốc tịch Việt Nam theo đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam của cha mẹ nuôi và được miễn một số điều kiện tại khoản 1 Điều 20.

Trong các trường hợp này, nếu có sự thay đổi quốc tịch của con nuôi từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đó.

---

3.2.2 Nhập quốc tịch Việt Nam

Công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang cư trú ở Việt Nam có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam, thì có thể được chấp nhận quốc tịch Việt Nam, nếu có đủ các điều kiện sau đây : Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam; tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam; biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng xã hội Việt Nam ( giấy chứng nhận trình độ tiếng Việt cả về hiểu biết văn hóa, lịch sử và pháp luật của Việt Nam theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tư pháp); đã thường trú ở Việt Nam từ năm năm trở lên; có khả năng đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam.

Những điều kiện cơ bản là buộc phải có để nhập quốc tịch Việt Nam, tuy nhiên trong trường hợp có lý do chính đáng như : Có công đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam; nhập quốc tịch có lợi cho nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là vợ, chồng,con, cha hoặc mẹ của công dân Việt Nam thì người nước ngoài nhập quốc quốc tịch Việt Nam không cần có đủ điều kiện đã nêu, họ có thể được miễn giảm về thời gian cư trú tại Việt Nam, điều kiện về tiếng Việt... và họ phải tuân theo những trình tự,û thủ tục mà pháp luật quy định, cũng như những lệ phí nhất định phải đóng góp để nhập quốc tịch Việt Nam.

3.2.3 Mất quốc tịch Việt Nam

Nếu như việc có quốc tịch là xác định mối quan hệ pháp lý bền vững, lâu dài, ổn định giữa một cá nhân với một nhà nước thì mất quốc tịch chính là cơ sở chấm dứt mối quan hệ đó. Đối với pháp luật nước ta việc mất quốc tịch được qui định như sau :

Công dân Việt Nam mất quốc tịch Việt Nam trong các trường hợp sau:2 1. Được thôi quốc tịch Việt Nam.

2. Bị tước quốc tịch Việt Nam.

3. Không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này.

4. Theo quy định tại khoản 2 Điều 18 và Điều 35 của Luật này.

5. Theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3.2.4 Thôi quốc tịch Việt Nam

Thôi quốc tịch chính là việc cá nhân thực hiện nguyện vọng của mình nhằm chấm dứt mối quan hệ pháp lý bền vững, lâu dài, ổn định của họ đốì nhà nước.

Công dân Việt Nam có đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, thì có thể được thôi quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, có những trường hợp họ chưa được thôi quốc tịch Việt Nam, như : Đang nợ thuế đối với nhà nước hoặc một nghĩa vụ tài sản đối với cơ quan, tổ chức hoặc công dân Việt Nam; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; chưa chấp hành xong bản án, quyết định của Toà án Việt Nam. Người xin thôi quốc tịch cũng không được thôi nếu như việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia và trường

---

hợp quan trọng nữa là cán bộ, công chức, những người đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang không được thôi quốc tịch Việt Nam.

3.2.5 Tước quốc tịch Việt Nam

Tước quốc tịch là biện pháp trừng phạt do nhà nước thi hành đối với công dân nước mình khi họ không còn xứng đáng với danh hiệu công dân của nước mình. Với nội dung của Luật Quốc tịch hiện hành thì những ai rơi vào trường hợp sau thì bị tước quốc tịch Việt Nam : Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành động gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định Điều 20 Luật Quốc tịch 1998, dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng có thể bị tước quốc tịch Việt Nam nếu có hành động như trên.

3.2.6 Hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam

Người đã nhập quốc tịch Việt Nam dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà cố ý khai báo không đúng sự thật hoặc giả mạo giấy tờ khi xin nhập quốc tịch, thì quyết định nhập quốc tịch có thể bị hủy bỏ, nếu quyết định đó được cấp chưa tịchqúa năm năm; việc hủy quyết định cho nhập quốc tịch của vợ hoặc chồng không làm thay đổi quốc tịch Việt Nam của người kia.

3.2.7 Trở lại quốc tịch Việt Nam

Những người thôi quốc tịch Việt Nam nếu có một trong những lý do chính đáng sau có thể trở lại quốc tịch Việt Nam: xin hồi hương về Việt Nam; có vợ, chồng, con, cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam; có công đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam; trở lại quốc tịch có lợi cho tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên, người xin trở lại quốc tịch Việt Nam không được trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam và họ phải theo những thủ tục, trình tự và khoản lệ phí mà pháp luật quy định.

3.2.8 Vấn đề quốc tịch của người bỏ trốn ra nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Đối với người bỏ trốn ra nước ngoài nhà nước tỏ thái độ khoan hồng, tạo điều kiệnû cho họ làm ăn sinh sống,vẫn coi họ là người có quốc tịch Việt Nam và vẫn còn quyền công dân. Theo thỏa thuận của Nhà nước ta với Cap ủy Liên hiệp quốc phụ về người tị nạn (UNHCR) thì tất cả những người hồi hương trở về Việt Nam sẽ quên đi quá khứ của họ đã trốn khỏi Việt Nam một cách bất hợp pháp. Nhà nước sẵn sàng đón tiếp và tạo điều kiện cho họ tự nguyện trở về, mặc dù sự ra đi của họ là vi phạm về mặt hình sự.

Họ được khoan hồng, không bị trừng phạt, không bị tước quyền công dân và quốc tịch.

---

Người Việt Nam di chuyển và cư trú ở nước ngoài là một hiện tượng bình thường và đã diễn ra từ rất lâu. Cho đến nay, số người Việt Nam ở nước ngoài đã lên tới khoảng 2,6 triệu và cư trú ở gần 100 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trên thế giới. Người Việt Nam ở nước ngoài là một vấn đề tồn tại lâu dài và đó là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Hiện nay, rất nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã vào quốc tịch nước sở tại mà chưa có hủy bỏ quốc tịch của nước mình. Theo Luật Quốc tịch Việt Nam thì công dân Việt Nam chỉ được công nhận có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, xu hướng thế giới có nhiều nước không bó buộc một người xin nhập quốc tịch mới phải từ bỏ quốc tịch của cũ mình như Pháp, Mỹ và các nước khác... từ đó người Việt Nam ở các nước hầu hết mang hai quốc tịch.

Thêm nữa, theo Luật quốc tịch Việt Nam, những người không xin từ bỏ quốc tịch Việt Nam mà vào quốc tịch nước ngoài khi về nước họ vẫn được đối xử như công dân Việt Nam. Trên lý thuyết là như vậy, nhưng trên thực tế một số kiều bào ở hải ngoại rất do dự, vì hiện nay các hoạt động kinh doanh của họ tại Việt Nam cũng không thể như một công dân bình thường được vì còn phải tuân theo các qui định riêng. Nhưng nếu có vấn đề pháp lý nào phát sinh thì họ sẽ bị xử sự như một công dân Việt Nam vi phạm, không phải qua các thủ tục lãnh sự và ngoại giao giữa hai nước, đó là chưa kể đến các tranh chấp khác mà yếu tố quốc tịch sẽ làm rắc rối thêm vấn đề.

3.2.9 Về thẩm quyền và thủ tục giải quyết các vấn đề quốc tịch

Được tiến hành theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc giải quyết thôi quốc tịch, nhập quốc tịch, trở lại quốc tịch... thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước; các cơ quan liên quan có thẩm quyền trong phạm vi chức năng của mình thực hiện tốt theo đúng pháp luật quy định.

---

Một phần của tài liệu Bài giảng luật hiến pháp đh DUY tân p2 (Trang 63 - 68)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(84 trang)
w