Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu

Một phần của tài liệu Đặc điểm và một số yếu tố liên quan đến mức độ xuất huyết ở trẻ em từ 2 tháng đến 15 tuổi mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch tại bệnh viện trung ương thái nguyên (Trang 69 - 73)

- Tuổi

Trong 42 trẻ mắc bệnh XHGTC MD trong nghiên cứu, tuổi trung bình của trẻ khi nhập viện là 3,48 ± 3,062 tuổi, trong đó nhỏ nhất là 3 tháng tuổi và lớn nhất là 11 tuổi, lứa tuổi hay gặp nhất là từ 2 tháng đến 5 tuổi, chiếm 73,8% (bảng 1).

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với nghiên cứu của tác giả Nguyễn Văn Long (2020), trên 165 bệnh nhân tại Bệnh viện Xanh Pôn có tuổi trung bình là 2,2 ± 2,9 tuổi và thường gặp nhất ở lứa tuổi dưới 1 tuổi và từ 1 tuổi đến 5 tuổi, lần lượt là 55,8% và 29,7% [17]. Tương tự, theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Thúy Hạnh (2012) tại Thanh Hóa, tuổi trung bình mắc bệnh là 3,2 ± 3,9 tuổi, trong đó độ tuổi 1 tháng đến 5 tuổi chiếm 74,4% [11].

Cũng theo tác giả Trần Ngọc Huy Hoàng (2022), nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 1, cho thấy lứa tuổi hay gặp nhất là 1 - 12 tháng tuổi (59%), sau đó là 1 – 5 tuổi (29%), ít nhất là lứa tuổi trên 5 tuổi (12%) [12].

Trong nghiên cứu của Nazari (2012) trên 172 bệnh nhân, tuổi trung bình là 3,46 tuổi, trong đó nhóm trẻ có độ tuổi từ 1 tháng đến 5 tuổi chiếm >

50% [45]. Tương tự theo Khalid W Alwadi và cộng sự (2020) cho thấy trong số 95 bệnh nhi mắc ITP, độ tuổi trung bình mắc bệnh là 4,00 ± 3,977 tuổi. Trong đó, 60 trẻ (63,2%) từ 1 đến 5 tuổi, 16 trẻ (16,8%) từ 6 đến 10 tuổi và 19 trẻ (20%) từ 11 đến 14 tuổi [27].Do đó kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với các nghiên cứu trong và ngoài nước về độ tuổi mắc bệnh.

- Giới

Về phân phối theo giới, trong số 42 trẻ mắc bệnh có 22 trẻ nam và 20 trẻ nữ. Tỷ lệ nam/nữ = 1,1:1.

Kết quả này phù hợp với các nghiên cứu khác có tỷ lệ nam chiếm ưu thế hơn nữ. Các nghiên cứu trong nước như nghiên cứu của tác giả Nguyễn Ngọc Sáng và cộng sự tại Hải Phòng (2016) cho thấy giới nam chiếm 63,04%, giới nữ chiếm 36,96%, tỷ lệ nam/nữ là 1,7:1 [21]. Theo tác giả Trần Ngọc Huy Hoàng (2022), trong 100 bệnh nhân nghiên cứu có tỷ lệ nam nhiều hơn nữ (61% so với 39%) [12]. Tương tự, tỷ lệ nam/nữ theo nghiên cứu của Lê Thị Mai Linh (2019) là 1,72/1 [16], của Nguyễn Văn Long (2020) là 1,58/1 [17], của Mai Lan và cộng sự (2022) là 1,1/1 [15].

Kết quả cũng tương đồng với các nghiên cứu ở nước ngoài như của nhóm nghiên cứu liên lục địa về XHGTC MD ở trẻ em (ICIS) bao gồm hơn 2.000 trẻ, tỷ lệ nam/nữ là 1,7:1. Theo nghiên cứu của Thomas Kuhne và cộng sự (2012) tại 31 quốc gia với 1.784 trẻ em, tỷ lệ nam (54%) chiếm ưu thế hơn nữ (46%) [39]. Tương tự, theo Khalid W Alwadi và cộng sự (2020) cho thấy trong số 95 bệnh nhi mắc ITP có 51 trẻ (chiếm 53,7%) là nam và 44 trẻ (chiếm 46,3%) là nữ [27].

Tỷ lệ nam nữ có sự khác biệt theo nhóm tuổi, cụ thể: Nhóm tuổi từ 2 tháng – <1 tuổi tỷ lệ nam chiếm ưu thế hơn nữ, lần lượt là: 66,7% và 33,3%.

Nhóm tuổi từ 1 tuổi – 5 tuổi tỷ lệ nam nữ tương đương nhau. Nhóm tuổi từ 6 tuổi – 10 tuổi tỷ lệ nữ chiếm ưu thế hơn nam lần lượt là 55,6% và 44,4%.

Nhóm tuổi từ 11 – 15 tuổi tỷ lệ nữ là 100%.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đồng với nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Thúy Hạnh (2012) tại Thanh Hóa, tỷ lệ nam nữ có sự khác biệt theo nhóm tuổi, nhóm trẻ 1 – dưới 12 tháng tỷ lệ nam và nữ lần lượt là 64,1%

và 35,9%, nhóm 1 – 5 tuổi tỷ lệ đó là 40,9% và 59,1% [11].

- Theo địa dư

Bệnh gặp nhiều hơn ở khu vực nông thôn chiếm 69,1%, ít hơn ở khu vực thành thị với tỷ lệ 30,9%. Tỷ lệ nông thôn/thành thị = 2,23:1.

Kết quả của chúng tôi tương đồng với các nghiên cứu trong nước khác.

Cụ thể, theo tác giả Lâm Thị Mỹ (2003) tỷ lệ phân bố bệnh theo địa phương/thành thị là 2,04 [19]. Cũng theo nghiên cứu của tác giả Trần Ngọc Huy Hoàng (2022) cho thấy tỷ lệ bệnh nhân sống ở thành thị thấp hơn nhiều so với ở các địa phương, tại thành phố Hồ Chí Minh là 29%, so với địa phương khác chiếm 71% (chiếm tỷ lệ 2,44) [12]. Kết quả này cho thấy bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch phân bố rải rác, không tập trung, do đó công tác chẩn đoán và theo dõi bệnh cần đặt ra ở các tuyến địa phương.

- Theo dân tộc

Dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ 59,5%, và dân tộc thiểu số chiếm 40,5%. Kết quả này cho thấy bệnh XHGTC MD gặp ở cả dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số, yếu tố dân tộc hầu như không ảnh hưởng đến phân bố bệnh. Tuy nhiên, do nghiên cứu của chúng tôi còn hạn chế, cỡ mẫu nhỏ nên chỉ phản ánh được đặc điểm phân bố của nhóm bệnh nhi nghiên cứu, chưa thể đại diện cho toàn thể người bệnh.

- Phân bố theo mùa

Bệnh phân bố rải rác quanh năm, trong đó gặp nhiều vào mùa thu, đông chiếm 57,2%. Tỷ lệ gặp ở mùa hạ thấp nhất chiếm 19%.

Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của tác giả Nguyễn Văn Thắng (2007), bệnh hay gặp vào thời điểm cuối thu, đầu mùa đông (tháng 9, 10, 11) [22]. Các nghiên cứu khác ở nước ngoài cũng cho kết quả tương tự, như theo Hannah von Lukowicz (2021) tại các bệnh viện Nhi tại Đức cho thấy số lượng bệnh nhân ITP nhập viện vào mùa thu/đông (56,2%) cao hơn so với mùa xuân/hè (43,8%) [42].

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi khác so với tác giả Nguyễn Thị Thúy Hạnh (2012) cho thấy bệnh xảy ra quanh năm nhưng gặp nhiều hơn vào tháng 5 và tháng 8 [11]. Sự khác biệt này có thể do khí hậu vùng miền, cỡ mẫu nghiên cứu chưa đủ lớn.

- Theo tình trạng dinh dưỡng

Thể trạng bình thường chiếm tỷ lệ cao nhất là 81%, thừa cân chiếm 7,1% và béo phì chiếm 11,9%, không có trường hợp nào suy dinh dưỡng.

Trong đó, tỷ lệ thừa cân có xu hướng gặp nhiều hơn ở trẻ nữ với tỷ lệ 66,7%

so với trẻ nam là 33,3%. Ngược lại, béo phì gặp ở trẻ nam nhiều hơn.

Tác giả Phan Thị Thu Trang và cộng sự (2011) nghiên cứu trên 52 trẻ tại Bệnh viện Nhi đồng 2 cho thấy tỷ lệ trẻ có thể trạng bình thường chiếm 75%, thừa cân chiếm 8%, suy dinh dưỡng chiếm 17% [26]. Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của chúng tôi về tỷ lệ trẻ XHGTC MD có thể trạng bình thường chiếm ưu thế. Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi có tỷ lệ thừa cân, béo phì cao hơn, và không có trường hợp nào suy dinh dưỡng.

Hơn nữa, kết quả này chỉ đại diện cho nghiên cứu của chúng tôi, chưa khẳng định được chắc chắn tình trạng dinh dưỡng ở tất cả trẻ XHGTC MD do hạn chế về cỡ mẫu và thời gian nghiên cứu.

- Tiền sử

Theo kết quả nghiên cứu, 69% trẻ có tiền sử tiêm chủng, nhiễm trùng trong vòng 6 tuần trước khi khởi phát bệnh. Trong đó, 26,2% trẻ có tiền sử tiêm chủng đơn thuần, khởi phát bệnh sau tiêm chủng vacxin 5in1/6in1 chiếm tỷ lệ cao nhất là 14,3%. Tác giả Mai Lan và cộng sự (2022) cho thấy XHGTC MD sau tiêm chủng trong nhóm nghiên cứu chỉ chiếm 2,3%, chủ yếu là trẻ dưới 6 tháng tuổi, sau tiêm phòng 5in1 và 6in1 [15]. Kết quả của chúng tôi cao hơn nghiên cứu của Mellissa Yong và cộng sự (2010) cho thấy có 8,6% bệnh nhi ITP đã được chủng ngừa trong vòng 6 tuần trước ngày chẩn đoán bệnh. Ở nhóm < 2 tuổi, tỷ lệ trẻ được tiêm chủng trước đó cao hơn so với nhóm khác [63]. Theo Bertuola F. và cộng sự (2010) ước tính nguy cơ phát triển ITP sau khi tiếp xúc với các loại thuốc hoặc vacxin thông thường trong nhi khoa bằng cách sử dụng thiết kế bệnh chứng, nghiên cứu cho thấy tiêm vacxin MMR làm gia tăng tỉ lệ mắc XHGTC MD (với OR = 2,4), các loại

vacxin khác ảnh hưởng không đáng kể đến bệnh. Tác giả cho rằng cần nghiên cứu thêm để nâng cao kiến thức về chủ đề này [29].

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có 35,7% trẻ có tiền sử nhiễm trùng đơn thuần, tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp trước khởi phát bệnh chiếm tỷ lệ cao 26,2%. Kết quả nghiên cứu này cao hơn so với nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Thúy Hạnh (2012) tại Thanh Hóa cho thấy có 17% trẻ mắc bệnh trước đó [11].

Chúng tôi nghiên cứu thấy khởi phát bệnh sau cả nhiễm trùng và tiêm chủng chiếm 7,1%. Không xác định được yếu tố khởi phát chiếm 31%. Theo nghiên cứu của Mellissa Yong và cộng sự (2010) cho thấy có 2,7% bệnh nhân vừa có tiền sử tiêm chủng và nhiễm trùng trước đó [63]. Do đó, kết quả này thấp hơn nghiên cứu của chúng tôi. Theo Grainger, J. D. và cộng sự (2011) cho thấy 47% bệnh nhân nghi ngờ có nhiễm trùng, 7% có tiền sử tiêm chủng trong 6 tuần trước khi khởi phát bệnh [36]. Nghiên cứu này cũng tương đồng với nghiên cứu của chúng tôi, cho thấy tỷ lệ bệnh nhân có tiền sử tiêm chủng và nhiễm trùng trước đó cao, chiếm 54%.

Như vậy, mặc dù XHGTC MD gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên gặp nhiều nhất ở lứa tuổi dưới 5 tuổi, đặc biệt là dưới 12 tháng. Đây là lứa tuổi được tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng Quốc gia, đồng thời hệ miễn dịch chưa thực sự đầy đủ do đó nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cao hơn nhóm trẻ lớn. Vì vậy, đây là vấn đề cần chú ý khi tìm hiểu về các yếu tố liên quan đến khởi phát bệnh.

Một phần của tài liệu Đặc điểm và một số yếu tố liên quan đến mức độ xuất huyết ở trẻ em từ 2 tháng đến 15 tuổi mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch tại bệnh viện trung ương thái nguyên (Trang 69 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)