Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở trẻ em viêm phổi do nhiễm RSV

Một phần của tài liệu Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và một số yếu tố liên quan đến mức độ nặng của viêm phổi do nhiễm virus hợp bào hô hấp ở trẻ từ 2 tháng đến dưới 5 tuổi tại bệnh viện trung ương thái nguyên (Trang 64 - 69)

Về dấu hiệu nguy hiểm toàn thân kết quả bảng 3.4 cho thấy trong 105 trẻ viêm phổi nhiễm RSV vào viện có 36,2% không bú, uống được, 16,2%.

co giật, 9,5% nôn tất cả mọi thứ, 5,7% li bì khó đánh thức, các triệu chứng nguy hiểm toàn thân gặp trong viêm phổi nặng.

Nhiều nghiên cứu khác ghi nhận các kết quả thấp hơn. Nguyễn Đình Tuyến và cộng sự (2021) ghi nhận 8/74 trẻ bỏ bú hoặc không uống được (chiếm 10,6%), 7/74 trẻ co giật chiếm (9,5%), 3/74 trẻ li bì (chiếm 4,1%) [25]. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Thanh Phương có 4 trẻ bỏ bú hoặc không uống được (chiếm 1,8%), 1 trẻ li bì (chiếm 0,5%), 7 trẻ co giật (3,2%) [29].

Có sự khác biệt này là do Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên là tuyến Trung

ương, là nơi nhiều các bệnh viện khác trong khu vực chuyển tuyến đến bệnh nhân có các triệu chứng nặng trên.

4.2.2. Triệu chứng cơ năng

Các triệu chứng viêm long đường hô hấp ( ho, khò khè, chảy mũi) gặp ở nhóm nghiên cứu với tỷ lệ rất cao: Ho (91,4%); chảy nước mũi (81%); khò khè (79%). Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của một số tác giả: Trần Kiêm Hảo và cộng sự (2016) triệu chứng ho chiếm 100% [15], Vũ Công Thành (2020) ghi nhận 100% ho, 85,2% khò khè, 43,9 chảy mũi [38].

Điều này rất phù hợp với tính chất gây viêm long, xuất tiết đờm dãi nhiều của virus RSV. Ho là triệu chứng thường gặp nhất và xuất hiện sớm nhất của viêm phổi ở trẻ em, về mặt sinh lý phản xạ ho được coi là một cơ chế quan trọng của đường hô hấp. Phản xạ ho giúp tống dị vật và các chất viêm xuất tiết ra khỏi đường thở, giúp làm sạch đờm từ phế quản, phổi.

Thân nhiệt: Trong nghiên cứu của chúng tôi có 89,5% trẻ có sốt trong quá trình điều trị, triệu chứng hạ thân nhiệt hiếm gặp 2 trường hợp ở nhóm viêm phổi nặng chiếm 3,6%. Kết quả này tương đồng với tác giả Trần Kiêm Hảo và cộng sự (2016) triệu chứng sốt 90% [15]. Lê Thị Mai Anh (2022) triệu chứng sốt chiếm 83,6% [21]. Tác giả Đào Minh Tuấn ghi nhận triệu chứng hạ thân nhiệt ở nhóm VPN có 11,2%, nhóm VP là 0,87% và sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05 [8], vì theo nghiên cứu của Williams và cộng sự nhận thấy nhiệt độ > 39°C (OR= 0,5; 95% CI, 0,39 - 0,65) là yếu tố bảo vệ chống lại các kết cục nghiêm trọng, trong khi hạ thân nhiệt (< 35°C) có liên quan đến mức độ nặng của viêm phổi (OR= 2,0; 95% CI, 1,54 – 2,59) [86].

Các triệu chứng ho, sốt, viêm long đường hô hấp đều là những triệu chứng điển hình, hay gặp ở các bệnh nhiễm trùng do virus nói chung và bệnh viêm phổi do virus nói riêng. Đây đều là những triệu chứng biểu hiện của sự đáp ứng viêm hệ thống của cơ thể khi có sự xâm nhập virus vào cơ thể. Các biểu hiện này khá đa dạng ở trẻ em, phụ thuộc vào lứa tuổi cũng như tác nhân

virus gây bệnh.

4.2.3. Triệu chứng thực thể Dấu hiệu khó thở

Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra khuyến cáo để chẩn đoán viêm phổi sớm tại cộng đồng cần dựa vào hai dấu hiệu chính là thở nhanh và rút lõm lồng ngực [85].

Nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận triệu chứng thở nhanh 59%; rút lõm lồng ngực cũng thường gặp với tần suất 39%. Các triệu chứng khó thở nặng như tím tái 29,5%.

Nghiên cứu của Lưu Thị Thùy Dương (2019) cũng cho kết quả tương tự thở nhanh gặp trong 73%, rút lõm lồng ngực cũng thường gặp với tần suất 46,6% [14]. Nguyễn Ngọc Văn thấy 100% thở nhanh, 78,6% rút lõm lồng ngực, 26,4% tím [26].

Đào Minh Tuấn nghiên cứu trên nhóm trẻ viêm phổi nặng có thấy thở nhanh, RLLN gặp 100%; tím tái 42,7% [10].

Triệu chứng thực thể tại phổi

Ran ở phổi là một triệu chứng quan trọng để chẩn đoán viêm phổi, tình trạng viêm tiết dịch trong lòng phế nang tạo ra ran ẩm nhỏ hạt. Trong nghiên cứu chúng tôi cho thấy ran ẩm, ran nổ chiếm tần số khá cao 54,3%, ran rít, ngáy ít gặp hơn chiếm 45%.

Kết quả này tương đồng với tác giả Trần Quang Khải và cộng sự cho thấy 86,3% ran ẩm/nổ, 55,8% ran ngáy/rít [40].

Nồng độ SpO2

Số trẻ có SpO2 < 95% chiếm tỷ lệ 55,3%, trong đó tỷ lệ SpO2 < 90%

gặp chủ yếu ở nhóm 2-12 tháng 40%. Tuy nhiên tỷ lệ SpO2 đo được trong giới hạn bình thường ≥ 95% gặp 44,8%, chủ yếu ở nhóm trẻ từ 12 đến 60 tháng với 88,0%. Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Văn 51,6% viêm phổi do RSV có SpO2 < 95%, SpO2 ≥ 95% là 32,8% [26].

Trong viêm phổi nhu mô phổi bị tổn thương, trao đổi oxy kém, SpO2 giảm, tuy nhiên 1 số bệnh nhân chưa có SpO2 giảm nhưng có dấu hiệu nặng như co giật, bỏ bú, li bì, hôn mê vì vậy ngoài khám các triệu chứng tại phổi cần hết sức quan tâm các triệu chứng nguy hiểm toàn thân để tránh bỏ sót bệnh nhân viêm phổi nặng.

4.2.4. Triệu chứng cận lâm sàng Tổn thương trên X-quang phổi

Chụp X-quang tim phổi luôn được coi là một xét nghiệm quan trọng để chẩn đoán VP. Kết quả không những giúp ích rất nhiều cho những trường hợp lâm sàng không rõ ràng, mà X- quang còn giúp định khu được tổn thương và theo dõi điều trị. Trong nghiên cứu chúng tôi tỷ lệ có hình ảnh tổn thương trên X-quang chiếm 68,6%, trong đó tổn thương tập trung rốn phổi, lan tỏa 2 phổi ở nhóm viêm phổi nặng đều cao hơn nhóm viêm phổi ( 57,1% > 42,9% và 60% > 40%). Tổn thương X-quang khác như là: tràn dịch, tràn khí màng phổi, viêm thùy, phân thùy phổi gặp 57,1% ở nhóm viêm phổi nặng và 42,9% ở nhóm viêm phổi. Kết quả trên tương tự như nhiều nghiên cứu khác. Theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thành Nhôm (2015) có 59 trẻ (45,5%) thấy có tổn thương trên X-quang ngực [27]. Lưu Thị Thùy Dương (2019) có 58,0%

viêm phổi có tổn thương phổi trên phim X-quang. Tổn thương X-quang gặp nhiều nhất là lan tỏa 2 phổi chiếm 27,6% [14].

Phân bố số lượng bạch cầu theo mức độ nặng của viêm phổi

Công thức bạch cầu có 52,4% tăng số lượng bach cầu ≥ 12.000/mm3;

1,9% có số lượng bạch cầu < 4.000/mm3.

Số lượng bạch cầu trung bình ở nhóm viêm phổi nặng là 11,7 ± 3,5 (109/l) cao hơn nhóm viêm phổi số lượng bạch cầu trung bình là 11,30± 2,90 (109/l).

Kết quả của chúng tôi tương tự nghiên cứu của Nguyễn Đình Tuyến và cộng sự 58,1% số lượng bạch cầu tăng, 2,7% số lượng bạch cầu giảm [25].

Nghiên cứu của Đào Minh Tuấn (2011) ghi nhận ở nhóm viêm phổi

nặng số lượng bạch cầu trung bình là 11,95 ± 3,90 (109 /l) cao hơn nhóm viêm phổi số lượng bạch cầu trung bình là 10,20 ± 3,10 (109 /l). Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05) [9].

Tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính theo mức độ nặng của viêm phổi Tỷ lệ tăng tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính gặp ở 70,5%.Tỷ lệ % bạch cầu đa nhân trung tính trung bình ở nhóm viêm phổi nặng cao hơn so với nhóm viêm phổi (50,4 ± 22,0 so với 50,5 ± 21,1). Kết quả này cũng được ghi nhận ở nhiều nghiên cứu khác. Đào Minh Tuấn (2011) ghi nhận tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính trung bình ở nhóm viêm phổi nặng là 67,4 ± 20,6%, nhóm viêm phổi là 60,2 ± 10,7% và sự khác biệt không có ý nghĩa với p > 0,05 [9].

Nguyễn Thị Thanh Phương (2016) cũng ghi nhận không có mối liên quan giữa tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính với mức độ nặng của viêm phổi [29].

Nghiên cứu không tìm thấy mối liên quan giữa tăng số lượng bạch cầu, bạch cầu đa nhân trung tính và tình trạng viêm phổi nặng. Đáp ứng của bạch cầu đa nhân trung tính đối với nhiễm RSV thông qua IL-8 là đáp ứng đầu tiên chống lại RSV trong cơ thể, điều này liên quan tới mức độ cấp tính của bệnh.

Các tế bào tua đóng vai trò là các tế bào trình diện kháng nguyên đến phổi và loại bỏ virus bằng đáp ứng của tế bào T CD8 ở phổi kéo theo sự giảm dòng tế bào lympho T hệ thống. Yếu tố thúc đẩy tế bào lympho B hoạt hóa trong biểu mô đường thở là rất quan trọng trong việc sản xuất kháng thể bảo vệ, Gamma interferon (IFN-y) có vai trò bảo vệ [46]. Dó đó tăng bạch cầu đa nhân trung tính có liên quan đến mức độ viêm phổi nặng do RSV. Sự khác biệt này có thể do cỡ mẫu của chúng tôi chưa đủ lớn để thấy sự khác biệt rõ rệt của bạch cầu đa nhân trung tính giữa 2 nhóm.

Nồng độ CRP huyết thanh

CRP bản chất là protein miễn dịch có vai trò quan trọng trong giai đoạn thấp thuộc hệ thấng đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu, hiện nay xét nghiệm CRP vẫn được sử dụng để chẩn đoán quá trình viêm nhiễm, nó góp phần định

hướng khi cần quyết định có sử dụng kháng sinh hay không. CRP rất có giá trị trong chẩn đoán viêm phổi do vi khuẩn. CRP thường tăng cao nhất sau khi nhiễm khuẩn 48h và giảm đi rất nhanh khi điều trị bằng kháng sinh có kết quả.

Kết quả trong bảng 3.11 chúng tôi cho thấy số lượng bệnh nhân có CRP

≥ 6mg/l ở nhóm viêm phổi nặng cao hơn nhóm viêm phổi ( 59,7%> 40,3%).

Kết quả tương đồng với nghiên cứu của Lưu Thị Thùy Dương (2019) cho thấy trung vị CRP ở nhóm viêm phổi nặng cao hơn so với nhóm viêm phổi (25,4mg/l > 22,9 mg/l) sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê với p>0,05 [14].

Theo tác giả JIANJUN WU (2015) khi nghiên cứu 862 trẻ lứa tuổi trung bình là 19,18 ± 9,45 tháng nhập viện vì nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính trong thời gian từ tháng 9/2008-2/2011 cho thấy mức CRP tăng có liên quan đến viêm phổi nặng và nhiễm trùng do vi khuẩn (p<0,05), tuy nhiên mối liên quan này ít có giá trị với (OR: 1,01;95%CI: 0,99-1,02). Tuy nhiên khi phân tích hồi quy đa biến 6 biến gồm CRP, nhiệt độ, khò khè, lượng đờm, tuổi và khó thở đã cải thiện độ chính xác trong chẩn đoán và tiên lượng viêm phổi nặng [83]. Rõ ràng đây cũng là một yếu tố xem xét đến nguy cơ viêm phổi rất nặng do RSV và đặc biệt là có đồng nhiễm vi khuẩn mà chúng tôi đề cập đến ở phần phía dưới về mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa CRP và viêm phổi RSV có đồng nhiễm với vi khuẩn.

Một phần của tài liệu Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và một số yếu tố liên quan đến mức độ nặng của viêm phổi do nhiễm virus hợp bào hô hấp ở trẻ từ 2 tháng đến dưới 5 tuổi tại bệnh viện trung ương thái nguyên (Trang 64 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)