Chương 4. GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÔNG TÁC KIỂM SOÁT NỘI BỘ TẠI PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
4.2. Giải pháp hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ với việc tăng cường quản lý tài chính tại Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Nguyên
4.2.1. Hoàn thiện môi trường kiểm soát
Thực tế cho thấy lãnh đạo Phòng, Hiệu trưởng các Trường trực thuộc Phòng GD&ĐT cơ bản là từ giáo viên chuyển sang làm công tác quản lý tài chính vì vậy có một số đơn vị lãnh đạo chưa nhận thức rõ, đầy đủ về vị trí và tầm quan trọng của công tác Tài chính. Do vậy yếu tố quan trọng đầu tiên là cần làm cho ban lãnh đạo các đơn vị nhận thức được tầm quan trọng của năng lực tài chính, coi công tác tài chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác lãnh đạo. Cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo phòng GD&ĐT đối với nhiệm vụ kiểm tra tài chính các đơn vị trực thuộc thông qua việc xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra tài chính ngay từ đầu năm. Việc nâng cao nhận thức của những người làm công tác lãnh đạo các đơn vị sẽ là nhân tố tác động mạnh mẽ đến tính hữu hiệu của hệ thống KSNB. Qua đó sẽ đưa ra các quyết định về tổ chức một bộ máy hợp lý, ban hành các văn bản, quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị đảm bảo tính khoa học, tính pháp lý cao.
Cần xây dựng bộ phận KSNB riêng biệt trong cơ cấu tổ chức để hoạt động kiểm soát được thực hiện thường xuyên, liên tục, đáp ứng yêu cầu của quản lý tài chính, tăng hiệu quả hoạt động của Phòng, hạn chế và ngăn ngừa những rủi ro giảm tỷ lệ sai sót, gia tăng tính chính xác của dữ liệu. Mọi đơn vị trực thuộc phòng sẽ thực hiện tuân thủ nội quy, quy chế, quy trình hoạt động theo sự thống nhất chung . Điều này tạo nên văn hóa chung của toàn Phòng GD&ĐT là tất cả đều cùng hướng tới mục tiêu chung của đơn vị, hướng tới phong cách làm việc: chuyên nghiệp, kỷ luật, hợp tác và chịu trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện trong sự nghiệp GD&ĐT. Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ làm công tác quản lý tại Phòng và các Trường trực thuộc cần nâng cao nhận thức, quan điểm về KSNB. Nhà quản lý cần phải nhận thức đầy đủ mục tiêu, các yếu tố cấu thành của hệ thống KSNB đối với sự tồn tại và phát triển của đơn vị
Bên cạnh nâng cao nhận thức về công tác tài chính còn cần nâng cao tính liêm chính, đạo đức nghề nghiệp.
Đối với sự liêm chính và giá trị đạo đức nghề nghiệp
- Cần phát huy truyền thống và sự liêm khiết và giá trị đạo đức của cán bộ lãnh đạo và cán bộ giáo viên qua các thế hệ. Giữ vững môi trường giáo dục trong sạch và lành mạnh. Tuyên truyền và nêu gương trong các ngày hội truyền thống (ngày nhà giáo Việt Nam 20/11; ngày khai giảng và tổng kết năm học...) để cán bộ giáo viên cảm thấy tự hào về truyền thống tôt đẹp, giữ gìn và phát huy giá trị đạo đức của ngành, của nghề.
- Phát động phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
- Phát động các chương trình hành động về công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn thể cán bộ giáo viên.
Đối với năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ, giáo viên.
- Thực hiện bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về tài chính kế toán đối với một số đối tượng (Cán bộ đang làm công tác quản lý, cán bộ trong danh sách quy hoạch lãnh đạo các đơn vị...).
- Tiếp tục tổ chức các cuộc thi về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ giáo viên nhằm khuyến khích cán bộ, giáo viên nâng cao sự sáng tạo, tìm tòi học hỏi trau dồi và nâng cao kiến thức chuyên môn, nâng cao phương pháp sự phạm để truyền đạt được kiến thức tốt nhất cho học sinh, tạo môi trường học thân thiện, học sinh tích cực.
Đối với kỹ năng và phong cách lãnh đạo
Kỹ năng và phong cách lãnh đạo chính là yếu tố có tác động trực tiếp đến hiệu quả quản lý của người quản trị, đến việc tập hợp và thu hút những người thừa hành trong quá trình thực hiện các mục tiêu quan trọng của tổ chức. Do vậy lãnh đạo Phòng phải luôn phát huy cách lãnh đạo dân chủ, có sự đối thoại với cán bộ, giáo viên nhằm nhận được các ý kiến đóng góp đầy đủ và chân thành qua đó có sự điều chỉnh phù hợp trong kỹ năng và phong cách lãnh đạo.
- Cần tăng cường áp dụng phương pháp quản lý phân quyền, cán bộ quản lý, cán bộ, giáo viên được quyết định các công việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.
- Lãnh đạo Phòng cần đảm nhận chức năng giám sát việc thiết kế và vận hành hệ thống KSNB, cần nhận thức rõ và nêu cao vai trò của hệ thống KSNB. Cần công khai tăng cường công tác tài chính, phổ biến chế độ chính sách đối với cán bộ giáo viên.
- Lãnh đạo Phòng cần sát sao hơn nữa đến công việc chuyên môn cũng như quan tâm đến đời sống hàng ngày của cán bộ, giáo viên có như vậy người lao động mới có niềm tin, phấn đấu và cống hiến hết mình cho sự nghiệp GD&ĐT.
Đối với chính sách nhân sự
- Phòng cần tiếp tục và phát huy, tạo điều kiện cho cán bộ giáo viên đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Cử giáo viên tham gia các chương trình Bồi dưỡng thường xuyên nâng cao năng lực và phương pháp giảng dạy.
- Thực hiện kế hoạch luân chuyển, điều động cán bộ nhất là cán bộ làm công tác tài chính kế toán nhằm đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ hiện có; tạo điều kiện cho cán bộ có triển vọng, trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn; tạo nguồn cán bộ có chất lượng cao. Đồng thời điều động cán bộ cho các lĩnh vực, các đơn vị cần thiết khắc phục tình trạng cục bộ trong công tác cán bộ, khép kín trong từng đơn vị.
- Cần thực hiện chính sách đãi ngộ hợp lý cho đội ngũ cán bộ làm công tác kế toán để họ yên tâm công tác, luôn có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có thể vận dụng các chế độ hoặc cử đi học để chuyển ngạch, nâng ngạch lương.
- Trong công tác khen thưởng và kỷ luật: Cần thường xuyên xem xét kết quả thực hiện công việc của cán bộ giáo viên để có những khen thưởng kịp thời khích lệ tinh thần đổi mới, sáng tạo trong phương pháp dạy học, nhằm có cơ sở để tăng lương, đề bạt quy hoạch nguồn nhân lực các cá nhân có thành tích xuất sắc. Bên cạnh đó cần có các chế tài xử lý nghiêm minh các cán bộ giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ được giao, vi phạm các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, vi phạm các nội quy quy chế của đơn vị nhằm tạo sự răn đe, tạo sự nghiêm túc khi làm việc trong mỗi cán bộ giáo viên.