Chương 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ NGHIÊN CỨU ĐỊA CHẤT, ĐỊA HÌNH PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NÔNG, LÂM NGHIỆP Ở TỈNH THÁI NGUYÊN
1.2. Cơ sở thực tiễn
1.2.1. Hiện trạng phát triển nông, lâm nghiệp ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
Trung du và miền núi Bắc Bộ có thế mạnh về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên để phát triển nông nghiệp với các cây trồng cận nhiệt đới, ôn đới và lâm nghiệp.
Về trồng trọt, Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn ở nước ta, cơ cấu khá đa dạng, trong đó có cây trồng cận nhiệt đới, ôn đới và cây dược liệu. Đây là vùng có diện tích chè lớn nhất cả nước với sản lượng là 853,4 nghìn tấn, chiếm 78,2% sản lượng chè cả nước (năm 2021).
Chè được trồng ở nhiều tỉnh trong vùng, trong đó nhiều nhất là ở Sơn La, Thái Nguyên. Cây dược liệu cũng rất phát triển như hồi, quế, tam thất,... được trồng nhiều ở Cao Bằng, Lạng Sơn và vùng núi cao Hoàng Liên Sơn. Hiện nay, cà phê cũng được trồng ở nhiều tỉnh trong vùng như Sơn La, Điện Biên,... Ngoài ra, cây ăn quả, rau vụ đông cũng được phát triển mạnh ở nhiều tỉnh trong vùng.
Về chăn nuôi, Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng có thế mạnh về chăn nuôi gia súc. Số lượng đàn trâu lớn nhất cả nước (chiếm 55% cả nước) tập trung ở Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình,..., đàn bò chiếm 19% cả nước.
Tổng đàn lợn của vùng đạt 5,5 triệu con, được nuôi nhiều ở Bắc Giang, Phú Thọ, Sơn La,... (năm 2021).
Lâm nghiệp là ngành thế mạnh của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Tổng diện tích rừng khoảng 5,4 triệu ha (chiếm hơn 36% diện tích rừng cả nước). Khai thác, chế biến gỗ và lâm sản trong vùng ngày càng phát triển. Năm 2021 sản lượng gỗ khai thác từ rừng sản xuất đạt gần 5,4 triệu m3 (chiếm 28,4% cả nước). Ngành khai thác và chế biến gỗ phát triển ở các tỉnh như Tuyên Quang, Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên,... Công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng được chú trọng, đặc biệt là ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên như Hoàng Liên Sơn, Xuân Sơn, Tam Đảo,...
Trung du và miền núi Bắc Bộ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông, lâm nghiệp, trong đó điều kiện địa chất, địa hình là một trong những nhân tố quan trọng để phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, trồng rừng và phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa.
1.2.2. Khái quát khu vực nghiên cứu
Tỉnh Thái Nguyên thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Tỉnh Thái Nguyên có diện tích là 3.541,67 km2, với hệ tọa độ địa lý như sau: điểm cực Bắc ở vĩ độ 21019’B, điểm cực Nam có vĩ độ 22003’B và điểm cực Đông có kinh độ 105029’Đ, điểm cực Tây có kinh độ 106015’Đ.
Tỉnh Thái Nguyên giáp tỉnh Bắc Cạn ở phía Bắc, giáp thủ đô Hà Nội ở phía Nam, giáp với tỉnh Vĩnh Phúc - Tuyên Quang ở phía Tây, giáp với tỉnh Lạng Sơn - Bắc Giang ở phía Đông. Thành phố Thái Nguyên cách thủ đô Hà Nội 78 km về phía Nam theo quốc lộ 3, là cửa ngõ phía Nam nối Thủ đô Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng với các tỉnh miền núi phía Bắc. Với vị trí địa lý này, Thái Nguyên đã và đang trở thành trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc trao đổi, buôn bán các sản phẩm của ngành nông nghiệp.
Về cấu trúc địa chất, tỉnh Thái Nguyên nằm trong miền uốn nếp Bắc Bộ.
Địa hình tỉnh Thái Nguyên có đồi núi chiếm ưu thế. Khí hậu tỉnh Thái Nguyên mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa với một mùa đông lạnh. Đặc điểm như trên đã có tác động rất lớn đến sự phát triển và phân bố ngành nông, lâm nghiệp của tỉnh Thái Nguyên.
Trong thời gian qua, những thành tựu của ngành nông nghiệp Thái Nguyên đã có vai trò không nhỏ trong việc PTBV ngành nông nghiệp của vùng và của cả nước, góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ của ngành nông nghiệp đối với nền kinh tế và nhiệm vụ bảo vệ môi trường sinh thái.
Trước hết, việc PTBV ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho nhân dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận, mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định và phát triển nông thôn miền núi.
Sự PTBV của ngành nông nghiệp Thái Nguyên đã góp phần tạo nên thế chuyển mình cho vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước, xóa bỏ nền nông nghiệp lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào tự nhiên và mang tính tự cấp tự túc, hướng tới ngành nông nghiệp hàng hóa - nông nghiệp - dịch vụ có giá trị, lợi nhuận cao và được áp dụng rộng rãi tiến bộ kỹ thuật. Trong xu hướng hội nhập nền kinh tế, việc xuất khẩu những mặt hàng nông sản ưu thế ở Thái Nguyên đã làm phong phú thêm mặt hàng xuất khẩu và giá trị kinh tế cho toàn vùng và cả nước. Từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, giải quyết việc làm, cải thiện bộ mặt nông thôn.
Hình 1.1. Bản đồ hành chính tỉnh Thái Nguyên
Chương 2