Các kiểu địa hình

Một phần của tài liệu Nghiên cứu điều kiện địa chất, địa hình phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp bền vững ở tỉnh thái nguyên (Trang 58 - 62)

Chương 2: ĐẶC ĐIỂM ĐỊA CHẤT, ĐỊA HÌNH TỈNH THÁI NGUYÊN

2.3. Đặc điểm địa hình tỉnh Thái Nguyên

2.3.2. Các kiểu địa hình

Trong phạm vi lãnh thổ Thái Nguyên bao gồm 4 nhóm, 15 kiểu địa hình như sau:

* Nhóm kiểu địa hình đồng bằng

Nhóm này được tách ra bởi mức độ phân cắt sâu của địa hình (độ cao tương đối của địa hình) nhỏ hơn 15m/km2.

1. Kiểu đồng bằng aluvi rìa bắc đồng bằng Bắc Bộ, cấu tạo bởi trầm tích aluvi bở rời gồm chủ yếu là sét bột loang lổ bị laterit hoá bề mặt hầu như bằng phẳng, phân bố từ Hà Châu (Phú Bình) đến Thuận Thành (Phổ Yên) với độ cao tuyệt đối từ 10 - 15m.

2. Kiểu đồng bằng đáy các trũng giữa núi, cấu tạo bởi các trầm tích bở rời aluvi, proluvi, deluvi, bề mặt bằng phẳng hơi nghiêng, phân bố ở Trại Cau, Ký Phú, Phú Thịnh, Phú Cường và một số địa phương dọc sông Đu. Độ cao tuyệt đối dao động 40 - 50m.

3. Kiểu đồng bằng đáy thung lũng và cánh đồng karst, phân bố rải rác ở Na Rì, Bắc Sơn, Võ Nhai.

- Phân bố ở rìa khối đá vôi, bề mặt bằng phẳng, cấu tạo bởi vật liệu coluvi, terarosa và aluvi.

- Phân bố ở giữa khối đá vôi bề mặt lởm chởm cấu tạo chủ yếu là terarosa, đôi chỗ lộ đá gốc.

4. Kiểu đồng bằng thung lũng sông xen đồi thoải dạng bậc thềm cổ, cấu tạo bởi aluvi mới và cổ có nơi lộ đá gốc cát kết, sét kết. Bề mặt phân bậc, dộ cao tuyệt đối dao động 20 - 30m. Phân bố dọc sông Cầu và sông Công.

* Nhóm kiểu địa hình đồi

Nhóm cảnh quan hình thái địa hình đồi được tách ra theo mức độ chia cắt sâu (độ cao tương đối từ 15 - 100m/km2), thuộc nhóm này có 3 kiểu:

5. Kiểu đồi thấp, trung bình, dạng bát úp, đỉnh bằng rộng, là di tích của bề mặt san bằng cổ, phân cách nhau bởi các đáy thung lũng rộng hình thành trên các đá cát kết, sét kết, phân bố ở Phú Bình, Phổ Yên. Độ cao tuyệt đối 50 - 70m.

6. Kiểu đồi cao, đỉnh bằng hẹp, là di tích của bề mặt san bằng cổ bị chia cắt bởi hệ thống thung lũng hẹp, hình thành trên các loại đá cát kết, phiến, granit. Phân bố ở phía tây bắc, từ Đại Từ đến Định Hoá và phía tây thành phố Thái Nguyên cùng một số nơi khác. Độ cao phổ biến 100 - 125m.

7. Kiểu dãy đồi cao sườn lồi - thẳng, đỉnh nhọn hẹp kéo dài dạng dãy, phân bố ở phía bắc thành phố Thái Nguyên trong lưu vực sông Cầu từ Đồng Hỷ, Phú Lương đến Định Hoá. Độ cao phổ biến 100 - 125m, đôi nơi tới 150m.

* Nhóm kiểu địa hình núi

Ở Thái Nguyên chủ yếu là kiểu núi thấp và một số ít núi trung bình. Địa hình núi được phân biệt bởi độ chia cắt sâu trên 100m/km2. Trong nhóm này gồm 7 kiểu sau:

8. Kiểu núi thấp cấu tạo bởi đá vôi bị karst hoá mạnh, sườn dốc đứng với vạt tích tụ coluvi ở chân sườn. Phân bố ở đông, đông bắc tỉnh trong các vùng Na Rì, La Hiên, Đình Cả.

9. Kiểu núi thấp cấu tạo bởi đá trầm tích xen lẫn đá vôi, có sườn phức tạp dốc thấp đến dốc trung bình. Bề mặt đỉnh mềm mại ít lộ đá gốc, đất phủ dày 0,5 - 1m. Kiểu này phân bố ở dọc sông ở Na Rì, Mỏ Nhài, Kim Hỷ, ở phần đông của tỉnh.

10. Kiểu núi thấp và trung bình cấu tạo bởi đá vôi xen trầm tích biến chất, có sườn dốc thẳng, bề mặt đỉnh mềm mại xen những đoạn lởm chởm không liên tục. Phân bố hạn chế ở tây bắc tỉnh.

11. Kiểu núi thấp - trung bình: cấu tạo bởi đá biến chất với sườn dài, lồi lõm phức tạp bề mặt đỉnh rộng và mềm mại, bị chia cắt yếu, phân bố rộng rãi ở phía tây bắc tỉnh trong địa hình hiện tại là các dãy núi khá đồ sộ ở phía tây nam thị xã Bắc Kạn, vùng Phú Ngữ thượng lưu sông Đu, sông Đáy; trong kiểu cảnh quan núi thấp này có một vài đỉnh đạt tới độ cao núi trung bình (1500m).

12. Kiểu núi thấp, cấu tạo bởi đá trầm tích phun trào Mezozoi với sườn thẳng - lõm, bề mặt chia nước lởm chởm, phân bố ở tỉnh Thái Nguyên chủ yếu ở dãy núi Tam Đảo.

13. Kiểu núi thấp, cấu tạo bởi đá mafic và siêu mafic, sườn dài dốc thẳng, chia cắt ngang yếu, có tầng phong hoá dày màu đỏ, vàng đỏ, phân bố ở khu vực Núi Chúa ở tây Phú Lương.

14. Kiểu núi thấp, cấu tạo bởi đá xâm nhập axit sườn dài dốc, lồi, bề mặt đỉnh rộng, phân bố rải rác thành các khối riêng biệt như các khối núi Pháo, núi Điệng...

* Nhóm kiểu địa hình nhân tác

Tác động nhân sinh lên địa hình tạo ra một kiểu địa hình sau:

15. Hồ chứa nước nhân tạo: Hồ Núi Cốc, đây là kiểu hình thái địa hình mới phát sinh chuyển từ địa hình thung lũng sang hồ chứa nước, vì vậy chế độ động lực cũng chuyển từ xâm thực bóc mòn sang tích tụ hồ.

Từ kết quả nghiên cứu trên có thể rút ra một vài kết luận sau:

- Kiểu địa hình Thái Nguyên phong phú và đa dạng, trong đó kiểu núi thấp chiếm phần lớn diện tích, thứ đến là kiểu đồi và cuối cùng là kiểu đồng bằng.

- Tính đa dạng của địa hình là tiền đề quan trọng ấn định trạng thái động lực cũng như các tai biến liên quan đến địa hình hiện tại của tỉnh Thái Nguyên .

- Tỉnh Thái Nguyên có sự phân hóa địa hình theo không gian. Đặc điểm địa hình của tỉnh Thái Nguyên rất thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp, đặc biệt là nông lâm kết hợp.

Hình 2.2. Bản đồ địa hình tỉnh Thái Nguyên

Chương 3

Một phần của tài liệu Nghiên cứu điều kiện địa chất, địa hình phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp bền vững ở tỉnh thái nguyên (Trang 58 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)