1.3. Các vấn đề về phát triển khu kinh tế trên Thế giới và Việt nam
1.3.2. Các nghiên cứu và phát triển khu kinh tế ở Việt Nam
Vận dụng kinh nghiệm của các nước trong việc đầu tư có trọng điểm nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, phát huy tiềm năng trong nước tạo nên động lực trong phát triển kinh tế, Việt Nam đã triển khai xây dựng và phát triển các Khu kinh tế.
Từ 1 Khu kinh tế đầu tiên được thành lập cách đây 16 năm (Khu kinh tế Chu Lai:
2003), đến năm 2010, Việt Nam đã có 15 Khu kinh tế trải dọc theo chiều dài ven biển đất nước (Báo điện tử Kinh tế và dự báo, 2010) (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 7/2006).
- Việc xây dựng và phát triển các KKT ở Việt Nam bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng. Số dự án và vốn đầu tư nước ngoài tăng khá nhanh. Đến nay, các KKT đã thu hút được trên 320 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn đầu tư đăng ký trên 30,5 tỉ USD. Trong đó, có trên 90 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 19,5 tỉ USD (Bảng 1.1).
Riêng đầu năm 2010, các khu kinh tế ven biển đã thu hút được 33 dự án đầu tư nước ngoài, kể cả các dự án tăng vốn, mở rộng sản xuất với tổng vốn đầu tư đạt
hơn 500 triệu USD và 38 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đạt gần 66.000 tỷ đồng (Báo điện tử Kinh tế và dự báo, 2010). Đáng chú ý, giai đoạn đó có một số dự án đầu tư nước ngoài lớn, quan trọng đang được triển khai tại KKT Nghi Sơn, Vũng Áng, Dung Quất như: Nhà máy lọc dầu số 1 và số 2, Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương, Nhà máy cơ khí Doosan, các Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn, Vũng Áng, Nhà máy xi măng Nghi Sơn… Kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội phục vụ chung cho KKT được đầu tư và đang dần hoàn thiện. Các KKT cũng đã giải quyết việc làm cho trên 3 vạn lao động cải thiện đáng kể đời sống của người dân.
Bảng 1.1. Các khu kinh tế được thành lập tại Việt Nam giai đoạn 2003 – 2010
TT Khu kinh tế Địa điểm Thời gian
thành lập
Diện tích (nghìn ha)
1 Chu Lai Quảng Nam 5/6/2003 27,0
2 Dung Quất Quảng Ngãi 21/3/2005 10,3
3 Nhơn Hội Bình Định 14/6/2005 12,0
4 Chân Mây - Lăng Cô Thừa Thiên Huế 5/1/2005 27,1 5 Phú Quốc - An Thới Kiên Giang 14/2/2006 56,1
6 Vũng Áng Hà Tĩnh 3/4/2006 22,8
7 Vân Phong Khánh Hòa 25/4/2006 70,0
8 Nghi Sơn Thanh Hóa 15/5/2006 18,6
9 Vân Đồn Quảng Ninh 31/5/2006 55,1
10 Đông Nam Nghệ An Nghệ An 11/6/2007 18,8
11 Đình Vũ - Cát Hải Hải Phòng 10/1/2008 12,9
12 Nam Phú Yên Phú Yên 29/4/2008 20,7
13 Hòn La Quảng Bình 10/6/2008 10,0
14 Định An Trà Vinh 27/4/2009 39,0
15 Năm Căn Cà Mau 27/10/2010 11
Ghi chú: * Thời điểm thành lập tính theo ngày mà Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt thành lập. ** Diện tích không bao gồm mặt nước
- Về xây dựng kết cấu hạ tầng: các KKT được hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách TW để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật – xã hội, các công trình dịch
vụ và tiện ích công cộng quan trọng; để đầu tư hạ tầng các khu chức năng, đền bù GPMB các khu chức năng, xây dựng công trình xử lý nước thải, chất thải rắn. Các KKT cũng huy động được nguồn vốn khá lớn từ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp FDI để phát triển hệ thống hạ tầng như cấp điện, cấp nước, bưu chính – viễn thông, cảng biển và các công trình hạ tầng, tiện ích phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đến năm 2011, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KKT trên cả nước là 250.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trong nước khoảng 30%, còn đầu tư nước ngoaì chiếm 70%.
- Tính đến 2019, cả nước đã có 17 KKT ven biển được thành lập, thu hút hơn 390 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 45,5 tỷ USD và 1.240 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 805,2 nghìn tỷ đô la (USD). Ngoài ra, còn có 1 KKT (KKT Ninh Cơ, tỉnh Nam Định) có trong quy hoạch, nhưng chưa được thành lập. Trải qua hơn 10 năm phát triển, các KKT ven biển đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Các dự án sản xuất kinh doanh trong KKT đã lấp đầy 40% tổng diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ trong KKT ven biển. Nhiều dự án lớn quan trọng tại các KKT Nghi Sơn, Vũng Áng, Dung Quất, Chu Lai, Hải Phòng (nhà máy lọc dầu số 2), khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương, nhà máy cơ khí nặng Dossan, nhà máy sản xuất động cơ ô tô Huyndai Trường Hải…
đã hoàn thành và đi vào hoạt động, mang nhiều ý nghĩa đối với kinh tế, chiến lược phát triển của quốc gia (Đặng Tiến Sĩ, 2016).
Ngoài việc đã huy động được lượng vốn FDI lớn trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thì các KTT ven biển còn góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, đào tạo nguồn nhân lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Mặt khác, đầu tư phát triển hạ tầng KKT ven biển trong đó có đầu tư nước ngoài đã tạo nên một mạng lưới các công trình kết cấu hạ tầng có giá trị lâu dài, góp phần hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng trên cả nước, mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển của khu vực. Bên cạnh đó, vị trí của các KKT cũng có vai trò khá quan trọng do trung tâm kinh tế của vùng, địa phương thường gắn liền với cảng biển, sân bay, đó sẽ là điều kiện tốt cho giao lưu kinh tế,
thương mại, dịch vụ, phát triển nguồn nhân lực. Từ đó sẽ tạo ra sức hút đối với các nhà đầu tư và thúc đẩy các hoạt động đầu tư vào khu vực này.
Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 1453/QĐ-TTg ngày 24/9/2020 điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020 trong đó quyết định bổ sung 04 khu kinh tế ven biển gồm:
khu kinh tế ven biển Quảng Yên (Quảng Ninh), khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị (Quảng Trị), khu kinh tế ven biển Thái Bình (Thái Bình) và khu kinh tế Ninh Cơ (Nam Định) vào Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020.
1.3.2.2. Định hướng phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam
Qua 10 năm thực hiện Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ Quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế, nhất là Quyết định 1353/QĐ-TTg, ngày 23/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án
“Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020”, đến nay, cả nước đã có 18 khu kinh tế ven biển, bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các KKT của Việt Nam vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, như: công tác quy hoạch thiếu tính tổng thể; đầu tư còn dàn trải, chưa trọng tâm, trọng điểm; cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, triển khai thực hiện chậm, còn nhiều dự án treo, thiếu tính khả thi; hiệu quả của các khu kinh tế ven biển chưa đồng đều, thậm chí có khu vực còn thấp, mang tính cục bộ, thiếu sự liên kết vùng; lao động có chuyên môn kỹ thuật thiếu trầm trọng; cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa đáp ứng được với yêu cầu của các nhà đầu tư; chất lượng dự án đầu tư chưa được quan tâm đúng mức; còn lúng túng trong khi triển khai do mô hình quản lý, cơ chế hoạt động; chính sách đối với các KKT chưa thống nhất, chưa đồng bộ với các quyết định thành lập KKT...
Để phát triển, nâng cao hiệu quả các khu kinh tế ven biển, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị liên quan đến vấn đề này. Đáng chú ý là: Nghị định 82/2018/NĐ-CP, ngày 22/5/2018 của Chính phủ Quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế;
Nghị quyết 36/NQ-TW, ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030,
tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, định hướng tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình khu kinh tế ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh; đảm bảo các khu kinh tế ven biển phải đóng vai trò chủ đạo trong phát triển vùng và gắn kết liên vùng. Mục tiêu đến năm 2020, các khu kinh tế ven biển đóng góp 15% - 20% tổng GDP của cả nước, tạo ra việc làm phi nông nghiệp cho khoảng 1,3 - 1,5 triệu người, đảm bảo đến năm 2030, kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65% - 70% GDP cả nước (Đặng Tiến Sĩ, 2016).
Kết hợp những bài học từ việc xây dựng và phát triển các KKT của các quốc gia đi trước, rút kinh nghiệm trong chính quá trình hoạt động của mình, để khắc phục được khó khăn, tồn tại và đạt hiệu quả cao hơn nữa, xứng với mục tiêu đặt ra, phát triển các KKT ở Việt Nam trong thời gian tiếp theo đã rút ra một số kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, phải có sự kết hợp giữa nguồn lực bên trong trong và nguồn lực bên ngoài, thu hút đầu tư nước ngoài để khơi dậy tiềm năng trong nước, khai thác và sử dụng chúng một cách hợp lý và hiệu quả.
Thứ hai, phải có cơ chế ưu đãi đặc biệt, thủ tục hành chính gọn nhẹ (chú trọng đến việc xây dựng những cơ chế chính sách riêng mà các nơi khác không có) mới có thể thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài tạo ra sự phát triển nhảy vọt.
Thứ ba, ba yếu tố mang tính chất quyết định đến thành công của việc xây dựng và phát triển các KKT là: thời điểm (thời cơ), địa điểm và con người. Chỉ khi có thể kết hợp được ba yếu tố này thì việc xây dựng các KKT mới có thể thành công được.
Thứ tư, phải lựa chọn đúng mô hình KKT phù hợp với điều kiện thực tiễn của quốc gia, lựa chọn chính xác mục tiêu và đối tác phát triển.
Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện, thống nhất cơ chế hoạt động và chính sách phù hợp với thực tiễn phát triển của các KKT.
* Qua các kết quả nghiên cứu trên có thể đánh giá: Xây dựng và phát triển các Khu kinh tế là một thực tiễn khách quan và hướng đi đúng đắn đối với các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Việc xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh và quản lý, cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực phù hợp để thu hút được đầu tư, tạo ra được sự đột phá trong phát triển kinh tế quốc gia
là bài toán khó cần lời giải từ sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học, các chuyên gia cũng như các cơ quan quản lý các cấp và chính người dân.