Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.5. Một số giải pháp nhằm khắc phục tác động tiêu cực của phát triển Khu kinh tế
3.5.1. Giải pháp từ phía chính quyền - Giải pháp về qui hoạch:
Các cấp chính quyền của địa phương cần nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Công tác quy hoạch cần bám sát theo hiện trạng sử dụng đất cũng như nhu cầu của người dân. Vì tính thực tiễn của công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là rất quan trọng. Hiện nay công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương còn nhiều bất cập, vướng mắc khi triển khai vì chưa cập nhật biến động đất đai giữa bản đồ địa chính và hiện trạng sử dụng đất.
Để giải quyết vấn đề này cần cả về nguồn nhân lực và kinh phí để phục vụ cho công tác đo đạc lại bản đồ địa chính và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai bằng cách cập nhật các biến động về đất đai một cách thường xuyên. Hoặc trước khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cán bộ lập quy hoạch phối hợp với cán bộ địa chính xã, phường cần rà soát biến động về đất đai để chỉnh lý, cập nhật vào bản đồ những sai khác giữa thực địa và bản đồ.
- Giải pháp về lao động, việc làm:
Thường xuyên chỉ đạo để từng bước cụ thể hoá các chính sách hỗ trợ kinh tế hộ nông dân mất đất nông nghiệp nói riêng và các thành viên của hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, éo le mà chưa có việc làm. Tạo mọi điều kiện cho hộ nông dân chuyển đổi nghề nghiệp bằng việc làm tại địa phương hoặc bằng tiền tùy vào từng trường hợp, từng hoàn cảnh của mỗi hộ gia đình sao cho phù hợp.
Thường xuyên sửa chữa, bổ sung các chính sách sao cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương…
- Giải pháp về bố trí tái định cư:
Việc chuẩn bị quỹ đất và bố trí tái định cư luôn phải đi trước một bước, để người dân mất đất thực sự thấy yên tâm khi biết mình sẽ được di chuyển đến đâu, điều kiện sinh sống ra sao, có phù hợp với hoàn cảnh gia đình hay không khi trao lại quyền sử dụng đất của mình cho Nhà nước. Nhiều gia đình sau khi ra chỗ mới không biết mình làm việc gì để sinh sống.
Trên thực tế việc bố trí các quĩ đất tái định cư và đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ hoàn chỉnh là một việc làm khá khó khăn của các cấp chính quyền do phải ứng một lượng kinh phí không nhỏ ra trước, đến khi có dự án thì chủ đầu tư có trách nhiệm thanh toán vào ngân sách. Điều này cần phải có những chính sách dài hơi về đầu tư tài chính; chính sách tiết kiệm từ nguồn tiền sử dụng đất thu được để dành kinh phí đầu tư; chính sách huy động mọi nguồn lực từ người dân và các doanh nghiệp để tổ chức thực hiện. Ngoài ra cũng cần phải nói tới chính sách quy hoạch sử dụng đất đã nêu ở trên, luôn phải tính trước các vị trí tái định cư trong các đồ án qui hoạch khi phê duyệt. Có như vậy thì công tác quy hoạch và bố trí tái định cư mới giảm bớt phần nào khó khăn khi thực hiện.
- Giải pháp về tuyên truyền:
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật thành một cuộc vận động mang tính toàn xã hội, bằng cách huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị; nâng cao nhận thức về pháp luật nói chung trong đó có luật Đất đai nói riêng, biến những quy định của pháp luật thành nhận thức của từng thành viên trong xã hội, từ đó có tác động tới ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong toàn thể nhân dân.
- Giải pháp bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho người dân:
Địa phương cần có biện pháp tuyên truyền sâu rộng Luật Đất đai và các bộ luật có liên quan, các văn bản hướng dẫn luật đến điều chỉnh quan hệ đất đai trong xã hội, để người sử dụng đất nhận thức đúng đắn quyền và nghĩa vụ của họ. Người sử dụng đất cần nhận thức đúng đắn đất đai là tài sản vô giá của quốc gia, đặc biệt là đất nông nghiệp để cùng với các cấp chính quyền thực hiện việc tốt công tác quản lý, sử dụng đúng mục đích, đặc biệt là trách nhiệm bảo vệ nguồn tài nguyên đất.
- Giải pháp đối với ô nhiễm môi trường:
Cần nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ môi trường sống.
Đồng thời chính quyền địa phương cũng cần nâng cấp và làm mới hệ thống cống cũng như xây dựng nhà máy xử lí nước thải của các khu công nghiệp, đô thị và của người dân trên địa bàn để giảm thiểu tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng không những ở hiện tại mà còn lâu dài về sau. Đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện quy ước, cam kết về bảo vệ môi trường và xử lí nghiêm đối với các trường
hợp vi phạm. Cần tăng mức xử phạt để tăng tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm.
3.5.2. Giải pháp cho các hộ nông dân
- Các hộ dân nói chung và những hộ dân bị mất đất nói riêng cần tăng cường, tập trung đầu tư phát triển những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Luôn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng cũng như giá thành nông sản phẩm từ đó nâng cao thu nhập và đời sống.
- Trong quá trình đầu tư sản xuất các hộ phải xác định phương án sản xuất kinh doanh, tính toán sơ bộ các khoản chi phí đầu tư để xác định lượng vốn cần đầu tư, từ đó xác định vốn vay cho phù hợp. Tích cực học hỏi kinh nghiệm của các hộ dân sản xuất giỏi. Luôn đổi mới và mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất đã lạc hậu để nâng cao số lượng cũng như chất lượng sản phẩm.
KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ