Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.4. Đánh giá chung về phát triển Khu kinh tế tác động đến sử dụng đất và cuộc sống người dân giai doạn 2017 - 2019
3.4.1. Mặt tích cực
- Sự phát triển Khu kinh tế đã thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Do sự phát triển Khu kinh tế đã chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực I sang khu vực II, III, từ đó hình thành và phát triển các khu công nghiệp, dịch vụ, thương mại… Sự phát triển đó làm tăng tổng sản phẩm xã hội.
- Phát triển Khu kinh tế kéo theo sự phát triển về cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm. Sự phát triển cũng như chất lượng của cơ sở hạ tầng sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu về thông thương, về nâng cao trình độ dân trí cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân.
- Phát triển Khu kinh tế sẽ thúc đẩy quá trình phát triển khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, giảm thiểu sức lao động chân tay cho người dân. Và cũng do nhu cầu của sự phát triển thì trình độ dân trí của người dân sẽ được nâng lên để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
- Phát triển Khu kinh tế kéo theo các dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí, du lịch... sẽ gia tăng về cả số lượng cũng như chất lượng. Vì vậy đời sống tinh thần của người dân sẽ được đáp ứng tốt hơn.
- Phát triển Khu kinh tế sẽ thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng. Các khu vực ven đô, ngoại thành, các khu vực khác đều trở thành nơi cũng cấp lao động, cung cấp lương thực, thực phẩm, nguyên liệu cho khu vực đô thị. Nhờ vậy mà sản xuất cộng đồng phát triển.
- Phát triển Khu kinh tế sẽ thu hút nguồn đầu tư, các nhà đầu tư, đặc biệt là sự gia tăng của các nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp. Điều này giúp người dân có cơ hội tìm kiếm việc làm cũng như nâng cao nguồn thu nhập, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
- Phát triển Khu kinh tế làm phát triển sản xuất, đặc biệt là sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, phổ biến lối sống công nghiệp và nếp sống văn minh đô thị.
- Phát triển Khu kinh tế trong nền kinh tế thị trường tăng cường sự cạnh tranh phát triển của các ngành sản xuất.
3.4.2. Mặt tiêu cực và nguyên nhân 3.4.2.1. Mặt tiêu cực
Bên cạnh những tác động tích cực đã nêu trên, quá trình thu hồi đất để phát triển Khu kinh tế Vân Đồn hiện nay cũng làm nảy sinh những vấn đề kinh tế xã hội tác động trực tiếp tới sinh kế người dân nhất là người dân bị thu hồi đất sản xuất cần quan tâm giải quyết như:
- Phát triển Khu kinh tế ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của một bộ phận người dân. Khi sự phát triển cơ sở hạ tầng cũng như sự gia tăng của các nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp lớn, các khu dịch vụ cũng chính là lúc diện tích đất nông nghiệp đang có xu thế giảm khá nhanh, đặc biệt là đất trồng lúa và đất rừng.
Vì giá trị bồi thường của đất nông nghiệp thường thấp hơn so với những loại đất khác nên các dự án đầu tư chủ yếu lấy đất nông nghiệp để xây dựng là chính. Do đó, một bộ phận người dân phát triển đi lên nhờ tận dụng được khoản tiền bồi thường giá trị đất và may mắn trong cơ hội tìm kiếm việc làm mới. Tuy nhiên, cũng không ít người dân thất nghiệp và trở thành gánh nặng của xã hội sau khi sử dụng hết số tiền bồi thường giá trị về đất và không tìm kiếm cho mình được một công việc phù hợp. Đây là một trong những vấn đề đáng quan tâm, một thách thức không nhỏ đặt ra trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
- Phát triển Khu kinh tế làm tốc độ gia tăng dân số nhanh tại các đô thị lớn kéo theo đó là sự phức tạp về quản lý con người và quan trọng hơn nữa là việc giữ gìn trật tự, an ninh tại khu vực này sẽ gặp nhiều khó khăn bởi nguy cơ gia tăng về số lượng cũng như mức độ phức tạp của các tệ nạn xã hội, cờ bạc, mại dâm, ma túy... là điều tất yếu sẽ xảy ra. Hiện tượng di dân tới các đô thị đã gây ra nhiều vấn đề phải giải quyết
như nhà ở, dịch vụ, thông tin, giáo dục, chăm sóc y tế, cơ sở hạ tầng, việc làm, ô nhiễm môi trường,... Trong điều kiện nền kinh tế chưa phát triển như hiện nay ở nước ta, vấn đề việc làm ở các vùng đô thị nổi lên khá gay gắt. Hiện tượng thất nghiệp, thu nhập thấp tất yếu sẽ làm nảy sinh các hiện tượng xã hội tiêu cực khác. Vấn đề dân số đô thị ở nước ta hiện nay và trong những năm tới sẽ vẫn còn là một thực trạng nan giải nếu như chương trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển nông thôn không được thực hiện một cách tích cực và có hiệu quả hơn nữa.
- Phát triển Khu kinh tế ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân: Quá trình phát triển đô thị ở nước ta diễn ra tương đối nhanh đã có những ảnh hưởng đáng kể đến môi trường sống và tài nguyên thiên nhiên, đến sự cân bằng sinh thái:
tài nguyên đất bị khai thác triệt để để xây dựng đô thị, làm giảm diện tích cây xanh và mặt nước, gây ra úng ngập, cùng với nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt, dịch vụ, sản xuất ngày càng tăng làm suy thoái nguồn tài nguyên nước; nhiều xí nghiệp, nhà máy gây ô nhiễm môi trường lớn trước đây nằm ở ngoại thành, nay đã lọt vào giữa các khu dân cư đông đúc; mở rộng không gian đô thị dẫn đến chiếm dụng đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến vấn đề an toàn lương thực quốc gia và đến đời sống của nhân dân ngoại thành; sản xuất công nghiệp phát triển mạnh làm phát sinh một lượng lớn chất thải, trong đó chất thải nguy hại ngày càng gia tăng; bùng nổ giao thông cơ giới gây ô nhiễm môi trường không khí và tiếng ồn nghiêm trọng.
- Ngoài ra, quá trình phát triển Khu kinh tế, thu hồi đất sản xuất của người dân trên địa bàn đang tạo ra sự phân hoá thu nhập chênh lệch giàu nghèo trong đời sống trong nội bộ dân cư nhất là ở khu vực ven đô và khu vực nông thôn. Điều này được lý giải do mất đất, di chuyển nơi ở, chưa quen với ngành nghề mới phi nông nghiệp, đời sống một bộ phận nông dân gặp khó khăn, lao động dư thừa, việc làm thiếu, tệ nạn phát sinh. Từ đây xuất hiện các điểm nóng về xã hội, các tranh chấp về đất đai, giải phóng mặt bằng, trước hết là tại các khu vực phát triển trọng điểm.
3.4.2.2. Nguyên nhân
- Về phía Nhà nước:
+ Công tác quy hoạch cũng như chỉ đạo thực hiện chưa theo kịp tình hình, nhiều đề án quy hoạch từng lĩnh vực lạc hậu ngay trên giấy khi thực thi trở thành quy hoạch treo đặc biệt nhiều dự án thu hồi đất nông nghiệp. Khi đề tài tiến hành phỏng vấn các chuyên gia nhiều ý kiến đưa vấn đề quy hoạch - đền bù - giải toả - tái định cư với các dự án thu hồi đất nông nghiệp của Khu kinh tế còn tồn tại quá nhiều bất cập.Tệ quan liêu, tiêu cực, lãng phí, thủ tục hành chính rườm rà vẫn đã và đang tiếp tục gây phiền hà cho người dân bị ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa mất đất sản xuất ở nhiều khâu, nhiều góc độ.
+ Mức độ phối hợp giữa chính quyền địa phương với chủ đầu tư các dự án trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, đào tạo lại nghề cho người nông dân bị thu hồi đất để có thể thu hút họ vào làm việc trong các dự án còn lỏng lẻo.
+ Việc triển khai các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho đối tượng mất đất sản xuất, di dời, giải tỏa vẫn còn gặp khó khăn như: các đối tượng đã lớn tuổi, trình độ văn hoá thấp ... không thể đào tạo, tìm việc làm. Trong khi đó một số nơi, dạy nghề cho người dân còn chạy theo số lượng, chất lượng thấp, chưa phù hợp với nhu cầu của người học và người sử dụng lao động. Tư vấn, hướng nghiệp học nghề cho người dân bị thu hồi đất chưa phù hợp với điều kiện, khả năng của người dân và nhu cầu của xã hội. Công tác tuyên truyền, phổ biến về dạy nghề cho lao động nông thôn chưa sát thực tế, chưa phong phú về hình thức. Mạng lưới cơ sở dạy nghề còn nhiều bất cập, sở vật chất, thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu.
- Về phía người dân:
+ Xét ở góc độ khách quan, quá trình phát triển Khu kinh tế, dự án phát triển đô thị đi đến đâu hầu như nông dân mất đất đến đó trong khi người nông dân từ đời nọ sang đời kia chỉ sống bằng nghề nông nghiệp, đặc biệt nhiều người lớn tuổi càng ít có khả năng chuyển đổi đứng trước quá trình nền kinh tế đang chuyển mạnh sang thương mại dịch vụ và công nghiệp sẽ càng làm cho sự "lạc hậu tương đối" của nông dân trở thành lạc hậu tuyệt đối. Mặt khác nền kinh tế ngày càng cạnh tranh gay gắt bản thân những dự án công nghiệp và dịch vụ của Khu kinh tế cũng phải có giải pháp để tự chống đỡ tồn tại. Nền sản xuất lúc này đòi hỏi người làm việc ngày
càng phải được đào tạo trang bị kiến thức thích hợp và luôn luôn đổi mới. Trong khi đó thực tế người nông dân bị thu hồi đất không có trình độ phù hợp họ buộc phải hướng về đô thị để kiếm sống như phu hồ, thợ xây dựng, chạy chợ "nằm vùng"
lang thang khắp phố phường bán dạo ... Chắc chắn nông dân các xã đi về khu trung tâm của đô thị ngày càng nhiều hơn. Áp lực xã hội lên đời sống đô thị của Khu kinh tế sẽ ngày càng nặng.
+ Dưới góc độ chủ quan, một bộ phận người dân còn ỷ lại, trông chờ vào nhà nước, chưa thực sự tích cực, chủ động sáng tạo trong chuyển đổi nghề nghiệp sau khi bị thu hồi đất, thậm chí vẫn còn tình trạng nhiều nông dân còn trong độ tuổi lao động, còn trẻ, sức khỏe tốt nhưng lười lao động sau khi nhận tiền đền bù thích hưởng thụ tự đưa mình vào tình trạng thiếu việc làm, và không có nhu cầu kiếm việc tạo ra gánh nặng cho gia đình và địa phương. Trình độ văn hóa, dân trí, trình độ tay nghề thấp (hoặc không có) cộng với tính thụ động, ỷ lại của họ đã làm cho nhiều chương trình, dự án tạo việc làm cho số lao động này kém hiệu quả. Các khoản tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ tạo việc làm… của nhà nước vì thế không được sử dụng đúng mục đích. Tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước đã làm giảm đi tính tích cực, chủ động của người lao động trong chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm mới. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho các cấp chính quyền trong việc giải quyết việc làm cho người lao động. Mặc dù, các cấp chính quyền đã có nhiều cố gắng, tích cực, năng động trong giải quyết việc làm cho họ nhưng bản thân người lao động thiếu tích cực, chủ động thì cũng không thể mang lại hiệu quả cao.
- Về phía thị trường lao động:
Phát triển Khu kinh tế tạo ra công ăn việc làm nhưng yêu cầu công việc lại tuân theo theo mệnh lệnh của kinh tế thị trường họ chỉ nhận những người được đào tạo theo tiêu chuẩn của các công ty. Điều này khiến những người nông dân không qua đào tạo, sức khỏe, trình độ không phù hợp hoặc quá tuổi lao động không có cơ hội để tham gia thị trường lao động mới khiến số người không có việc làm từ thu hồi đất nông nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong tìm kiếm thu nhập.