2.3. Một số bài học kinh nghiệm trên thế giới và trong nước
2.3.2. Bài học trong nước
a. Chương trình thí điểm NTM cấp xã giai đoạn 2001 - 2005:
Thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 10/11/1998 của Bộ Chính trị,
Ban Kinh tế Trung ương cùng với Bộ NN&PTNT, các Bộ, ngành và địa phương bắt đầu triển khai xây dựng mô hình điểm “Phát triển nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hợp tác hoá, dân chủ hoá” từ năm 2001. Chương trình được triển khai tại 14 xã điểm của Bộ NN&PTNT (sau tăng lên thành 18 xã điểm vào năm 2004) và khoảng 200 xã điểm của các địa phương. Chương trình này được gọi là chương trình phát triển NTM cấp xã.
Triển khai chương trình, Bộ NN&PTNT đã cùng Ban Kinh tế Trung ương soạn thảo và ban hành Đề cương số 185/KTTW-BNN ngày 7/5/2001 về việc xây dựng mô hình PTNT theo hướng CNH-HĐH hợp tác hoá, dân chủ hoá.
Một số kết quả chương trình đã thực hiện được là đào tạo cho cán bộ các xã điểm; triển khai quy hoạch cho 18 xã điểm; lồng ghép các chương trình, dự án về khuyến nông, nước sạch và vệ sinh môi trường. Nhờ vậy, cơ sở hạ tầng và bộ mặt nông thôn của các xã điểm đã có sự thay đổi đáng kể, nhiều hệ thống nước sạch, xử lý nước thải đã hình thành và đi vào hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, mô hình phát triển nông thôn cấp xã đã bộc lộ một số tồn tại:
Kế hoạch xây dựng mô hình đòi hỏi nhu cầu vốn rất lớn lại không có nguồn lực đảm bảo nên hầu hết các mô hình cấp xã đều không có tính khả thi.
Mặt khác mô hình được xây dựng theo dạng dự án đầu tư phát triển nên cán bộ và người dân ở "điểm" có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào nhà nước mà chưa huy động được nguồn lực của người dân và cộng đồng nên chưa mang tính xã hội sâu sắc và vì vậy thiếu tính bền vững trong xây dựng NTM.
b. Chương trình thí điểm XD NTM cấp thôn, bản giai đoạn 2007 - 2009:
Đánh giá những vấn đề còn tồn tại và hạn chế từ chương trình phát triển nông thôn cấp xã cũng như một số chương trình phát triển nông thôn khác, đồng thời rút kinh nghiệm từ những bài học phát triển nông thôn của một số nước trên thế giới, từ năm 2007, Bộ NN&PTNT triển khai chương trình thí điểm xây dựng mô hình NTM cấp thôn, bản (theo Quyết định số 2614/2006/QĐ/BNN-HTX của
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT). Chương trình được triển khai tại 10 thôn, bản từ năm 2007; tăng lên thành 15 thôn, bản từ năm 2008; bổ sung thêm 2 thôn, bản vào năm 2009. Chương trình xác định rõ các tồn tại chính trong phát triển nông thôn tại thời điểm triển khai, gồm: Phát triển tự phát dẫn đến phá vỡ cảnh quan và mất cân bằng sinh thái dẫn đến cản trở sự phát triển bền vững của nông thôn; vai trò chủ đạo của người dân và cộng đồng trong phát triển nông thôn chưa được phát huy đúng mức; thu nhập thấp, thiếu việc làm, sản xuất kém đa dạng dẫn đến người dân nông thôn dễ bị tổn thương trước những biến động kinh tế xã hội.
Qua 2 năm thực hiện, Chương trình thí điểm xây dựng mô hình NTM đã đạt được 6 nội dung: Đã hình thành được 15 mô hình thực tiễn về xây dựng NTM theo phương pháp tiếp cận mới từ cộng đồng và do cộng đồng làm chủ; bước đầu thay đổi được nhận thức của cán bộ cơ sở và người dân trong việc xác định nội dung xây dựng NTM, các bước công việc phải làm và trình tự tiến hành, cách thức huy động nội lực tại chỗ cho xây dựng NTM; đã hình thành được tổ chức của người dân (Ban phát triển thôn bản), là đại diện của cộng đồng dân cư thôn, bản để tự chủ trong việc bàn bạc, lựa chọn, quyết định các nội dung xây dựng NTM và cuộc sống trên địa bàn của họ; đã khơi dậy ý thức tự chủ, sáng tạo của người dân trong phát huy nội lực xây dựng nông thôn mới, không ỷ lại vào trợ giúp bên ngoài; đã xác định rõ hơn nội dung, phương pháp, cách làm, mối quan hệ phối hợp giữa các cấp trong xây dựng mô hình NTM theo phương pháp tiếp cận từ cộng đồng thôn, bản; tuy mô hình chưa hoàn thiện, nhưng đã thu hút sự quan tâm của nhiều địa phương tổ chức xây dựng thêm mô hình NTM ở địa phương.
Tuy vậy, còn một số tồn tại như: Nhận thức về xây dựng NTM còn chưa đầy đủ, chưa đúng với chủ trương của Đề án; do chưa có tiêu chí thôn, bản đạt chuẩn NTM nên việc xác định mục tiêu nhằm xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn, ngắn hạn còn gặp nhiều khó khăn; thiếu lực lượng cán bộ xây dựng NTM theo phương pháp tiếp cận mới nên khi thực hiện chất lượng không cao; chưa có
cơ chế đặc thù, do vậy việc triển khai xây dựng mô hình NTM rất lúng túng nhất là cơ chế quản lý đầu tư, tài chính.
Nhìn chung, 2 chương trình thí điểm xây dựng NTM đã đạt được những kết quả đúng với mục tiêu thử nghiệm nhằm rút ra kinh nghiệm, đề xuất cơ chế chính sách xây dựng NTM. Sự tham gia của cộng đồng còn hạn chế cũng chính là bài học kinh nghiệm để tìm ra các phương thức huy động nguồn lực hiệu quả hơn. Rút kinh nghiệm từ các chương trình này, Chương trình thí điểm xây dựng NTM do Ban bí thư chỉ đạo đã đưa ra những cơ chế cụ thể hơn về phát huy sự tham gia của cộng đồng.
Những bài học kinh nghiệm rút ra từ chương trình được đưa vào trong luận văn này sẽ là cơ sở để đề xuất những cơ chế chính sách mới phù hợp hơn trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. [2] [11]
PHẦN III