CHƯƠNG 3 THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CHO BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG THÀNH PHỐ PHỦ LÝ
3.1 Giới thiệu về Ban quản lý dự án ĐTXD thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
3.1.1 Tổng quan về thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
3.1.1.1 Khái quát về lịch sử hình thành:
Dưới thời Lê vào khoảng năm 1624, Thượng thư Nguyễn Khải đã cho chuyển thủ phủ trấn Sơn Nam từ thôn Tường Lân huyện Duy Tiên phủ Lỵ Nhân đến đóng ở thôn Châu Cầu - xã Châu Cầu thuộc tổng Phù Đạm, huyện Kim Bảng, phủ Lỵ Nhân, trấn Sơn Nam Thượng. Đến năm 1832, vua Minh Mạng quyết định bỏ đơn vị trấn thành lập đơn vị hành chính tỉnh, phủ Lỵ Nhân được đổi là phủ Lý Nhân thuộc tỉnh Hà Nội, thôn Châu Cầu lại được chọn làm lỵ sở của phủ Lý Nhân, cái tên Phủ Lý có từ thời đó.
Đến tháng 10 năm 1890 (đời vua Thành Thái năm thứ 2), tỉnh Hà Nam được thành lập và Phủ Lý trở thành tỉnh lỵ của tỉnh.
Tháng 11 năm 1996, tỉnh Hà Nam được tái lập, thị xã Phủ Lý được xác định là trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh.
Ngày 25 tháng 9 năm 2000, thị xã Phủ Lý được mở rộng thêm trên cơ sở sáp nhập 2 xã Phù Vân và Châu Sơn thuộc huyện Kim Bảng, xã Liêm Chung thuộc huyện Thanh Liêm và xã Lam Hạ thuộc huyện Duy Tiên, cũng từ đó thành lập 2 phường Lê Hồng Phong (từ một phần xã Châu Sơn) và Quang Trung (từ một phần xã Lam Hạ, phường Lương Khánh Thiện, phường Minh Khai).
Ngày 10 tháng 10 năm 2006, thị xã Phủ Lý đã được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III và trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Hà Nam theo Nghị định số 72/2008/NĐ- CP ngày 09/6/2008 của Chính phủ.
Ngày 23 tháng 7 năm 2013, thành phố Phủ Lý được mở rộng thêm trên cơ sở sáp nhập cả diện tích và nhân khẩu của 3 xã Tiên Tân, Tiên Hiệp, Tiên Hải thuộc huyện Duy Tiên; 2 xã Đinh Xá, Trịnh Xá thuộc huyện Bình Lục; 3 xã Liêm Tuyền, Liêm Tiết, Thanh Tuyền thuộc huyện Thanh Liêm; xã Kim Bình và một phần của xã Thanh Sơn thuộc huyện Kim Bảng; và thành lập 5 phường: Thanh Châu, Châu Sơn, Liêm Chính, Lam Hạ, Thanh Tuyền. Sau khi điều chỉnh, thành phố Phủ Lý có 21 phường, xã (gồm 11 phường và 10 xã giữ ổn định cho đến nay).
3.1.1.2 Vị trí địa lý và vai trò của thành phố Phủ Lý:
Là đô thị trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế văn hóa và khoa học kỹ thuật của tỉnh Hà Nam.
Là một trong những trung tâm y tế chất lượng cao, đào tạo đa ngành, khoa học công nghệ cao; trung tâm du lịch sinh thái phía Nam vùng Đồng bằng sông Hồng.
Là đô thị cửa ngõ phía Nam của vùng Thủ đô Hà Nội, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ logistic và dịch vụ đô thị chất lượng cao.
Phía Đông giáp huyện Bình Lục;
Phía tây giáp huyện Kim Bảng;
Phía Nam giáp huyện Thanh Liêm;
Phía Bắc giáp huyện Duy Tiên.
Thành phố Phủ Lý nằm trong vành đai của Vùng đô thị Hà Nội và tam giác kinh tế phía Nam Hà Nội (Hưng Yên - Đồng Văn - Phủ Lý), cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 60km, thành phố Nam Định 30km và thành phố Ninh Bình 33km. Vị trí địa lý - kinh tế quan trọng là yếu tố thuận lợi để Phủ Lý phát triển, là điều kiện quan trọng trong việc mở rộng hợp tác, giao lưu kinh tế với các địa phương khác trong tỉnh và cả nước.
3.1.1.3 Địa hình, địa mạo
Thành phố Phủ Lý nằm trên quốc lộ 1A và đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, có tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua; là nơi gặp gỡ của Sông Đáy, Sông Châu Giang và Sông Nhuệ rất thuận tiện về giao thông thủy bộ.
3.1.1.4 Khí hậu
Thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa khu vực Đông Bắc Việt Nam, một năm có bốn mùa rõ rệt. Mùa đông khí hậu khô lạnh, mùa hè khí hậu nóng ẩm, mùa xuân và mùa thu khí hậu ôn hòa.
Chế độ gió cơ bản chịu ảnh hưởng của gió Đông Nam (mùa Hè) và gió Đông Bắc (mùa Đông). Nhiệt độ trung bình 22 - 230C, độ ẩm dao động lớn, từ 73 - 87%.
Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.533 mm, đủ đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất và đời sống.
Nắng trung bình hàng năm từ 1.500 - 1.700 giờ.
3.1.1.5 Tài nguyên đất
Tổng diện tích toàn thành phố Phủ Lý là 8.763,9 ha. Trong đó:
Diện tích khu vực nội thành phố Phủ Lý là 3.436,5 ha
Diện tích khu vực ngoại thành là 5.327,4ha.
3.1.1.6 Dân số, lao động, nguồn nhân lực
Tổng số lao động năm 2017 là 91.158 người, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 72,68%
trên toàn đô thị, riêng khu vực nội thị tỷ lệ chiếm 82,51%.