CHƯƠNG 2 CƠ SỞ LÝ LUẬN
2.2 Chất lượng thông tin BCTC công bố
2.2.1 Theo quan điểm của hội đồng chuẩn mực Kế toán quốc tế IASB (2008) Đánh giá chất lượng của TTBCTC dựa vào tiêu chí: Có thể hiểu được, thích hợp, đáng tin cậy và có thể so sánh được.
- Có thể hiểu được: Người đọc được giả thuyết là có một kiến thức nhất định về kinh tế, kinh doanh, kế toán và có thiện chí, nổ lực để đọc BCTC. Tuy nhiên, thông tin về một vấn đề phức tạp nhưng cần thiết cho việc ra quyết định không được loại trừ khỏi BCTC chỉ vì nó khó hiểu đối với một số đối tượng sử dụng.
- Thích hợp: Thông tin hữu ích khi nó thích hợp với nhu cầu đưa ra quyết định của người sử dụng. Thông tin thích hợp khi nó có thể giúp người đọc đánh giá quá khứ, hiện tại hoặc tương lai, xác nhận, điều chỉnh các đánh giá trước đó. Tính thích hợp bao gồm tính dự đoán và tính xác nhận, hai đặc điểm này quan trọng với nhau. Tính thích hợp của thông tin phụ thuộc vào nội dung và tính trọng yếu.
Thông tin được coi là trọng yếu khi sự sai lệch hay bỏ sót nó có thể gây ảnh hưởng đến các quyết định của người sử dụng BCTC. Tính trọng yếu phụ thuộc vào số tiền và thông tin hoặc sai sót hay tự đánh giá trong hoàn cảnh cụ thể. Trọng yếu không phải là một tiêu chuẩn chất lượng mà là một ngưỡng phân biệt.
- Đáng tin cậy: Đáng tin cậy nghĩa là không có sai sót trọng yếu và không bị thiên lệch, đồng thời phản ánh trung thực vấn đề cần trình bày. Thông tin có thể
thích hợp nhưng không đáng tin cậy. Đáng tin cậy bao gồm các yêu cầu: Trình bày trung thực, nội dung quan trọng hơn hình thức, không thiên lệch, thận trọng và đầy đủ.
- Có thể so sánh được: BCTC chỉ hữu ích khi có thể so sánh với năm trước, với doanh nghiệp khác. Để có thể so sánh được, BCTC phải: Áp dụng nguyên tắc kế toán nhất quán, khai báo về chính sách kế toán sử dụng trên BCTC.
Tuy nhiên, từ tháng 09/2010, cùng với xu hướng hội tụ kế toán của các tổ chức kế toán quốc tế, quan điểm của IASB về chất lượng thông tin BCTC có thay đổi hơn trước, cụ thể: Đặc điểm cơ bản của thông tin BCTC hữu ích là các thông tin thích hợp và được trình bày trung thưc. Ngoài ra, các đặc điểm nâng cao của thông tin tài chính hữu ích là có thể so sánh được, kiểm chứng được, kịp thời và dễ hiểu.
Trong đó, các đặc điểm cơ bản về chất lượng TTBCTC hữu ích được diễn giải như sau:
- So sánh: Người sử dụng thông tin có thể so sánh các thông tin tương tự với đơn vị khác hoặc các thông tin tương tự của đơn vị giữa các kỳ và các ngày khác nhau. Khả năng so sánh không liên quan đến một khoản mục đơn lẻ mà yêu cầu ít nhất là hai khoản mục.
- Kiểm chứng: Là khả năng mà những người sử dụng BCTC có kiến thức và độc lập khác nhau có thể nhất trí rằng một mô tả cụ thể đáng tin cậy. Thông tin định lượng không nhất thiết chỉ là một mô tả cụ thể mà là một loạt giá trị và khả năng liên quan có thể được kiểm chứng. Kiểm chứng giúp đảm bảo cho những người sử dụng BCTC là thông tin về giao dịch kinh tế được trình bày trung thực và đúng mục đích.
- Kịp thời: Thông tin luôn sẳn có để giúp những người sử dụng BCTC kịp đưa ra các quyết định. Thông thường, những thông tin cũ thường kém hữu ích hơn, tuy nhiên một số thông tin vẫn có tính kịp thời sau khi kết thúc kỳ báo cáo một thời gian. Ví dụ người sử dụng BCTC có thể sử dụng thông tin trong quá khứ để xác định và đánh giá các định hướng.
- Dể hiểu: Thông tin được phân loại và trình bày đặc trưng một cách rõ ràng và chính xác.
2.2.2 Theo quan điểm của Hội đồng chuẩn mực Kế toán tài chính Mỹ (FASB) Chất lượng của TTBCTC được đánh giá qua các đặc điểm: Tính phù hợp, tính đáng tin cậy và khả năng so sánh được.
- Tính phù hợp (tính thích hợp): Thông tin kế toán là thích hợp khi nó có khả năng thay đổi quyết định của người sử dụng. Để đảm bảo tính thích hợp, thông tin phải: Có giá trị dự đoán hay đánh giá và tính kịp thời.
- Tính đáng tin cậy: Thông tin kế toán đáng tin cậy trong phạm vi nó có thể kiểm chứng, khi được trình bày trung thực và không có sai sót hoặc thiên lệch.
Thông tin kế toán đáng tin cậy khi:
- Có thể kiểm chứng: Thông tin có thể kiểm chứng khi một người khác (có đủ năng lực và tính độc lập) kiểm tra trên cùng một bằng chứng, tài liệu hoặc dữ liệu sẽ đưa ra kết luận hoặc kết quả tương tự nhau. Chú ý rằng có thể kiểm chứng chỉ có nghĩa khi kết quả được phản ánh chính xác chứ không có ý nghĩa là phương pháp thích hợp.
- Khả năng so sánh được: Thông tin kế toán phải được đo lường và báo cáo theo cùng một phương thức để có thể so sánh được giữa các doanh nghiệp. Cùng với xu hướng hội tụ kế toán thì từ tháng 09/2010, quan điểm đánh giá chất lượng thông tin BCTC của FASB cũng tương tự như IASB.
2.2.3 Quan điểm hội tụ IASB – FASB
Dự án hội tụ IASB và FASB được tiến hành năm 2004 đã xác định hai đặc tính chất lượng cơ bản, bốn đặc tính chất lượng bổ xung và hai hạn chế.
Đặc điểm chất lượng cơ bản
- Thích hợp: Thông tin thích hợp là thông tin giúp người sử dụng có thể thay đổi quyết định thông qua việc giúp họ: Cung cấp đầu vào cho quá trình dự đoán triển vọng tương lai, xác nhận hoặc điều chỉnh các đánh giá trước đó.
- Trình bày trung thực: Thông tin trên báo cáo tài chính phải trung thực về các hiện tượng kinh tế muốn trình bày. Cụ thể:
- Đầy đủ: Nghĩa là phải bao gồm mọi thông tin cần thiết để trình bày trung thực mọi hiện tượng kinh tế muốn trình bày
- Trung lập: Nghĩa là không bị sai lệch một cách có chủ đích để đạt một kết quả dự định trước hoặc ảnh hưởng lên quyết định theo một hướng đặc biệt nào đó.
- Không có sai lệch trọng yếu Các đặc điểm chất lượng bổ sung
- Có thể so sánh: Là yêu cầu thông tin phải giúp người sử dụng có thể nhận thấy sự khác biệt và tương tự giữa hai hiện tượng kinh tế. Muốn vậy, phải sử dụng nhất quán phương pháp và thủ tục kế toán qua các kỳ và trong cùng kỳ
- Có thể kiểm chứng: Là thông tin đạt được mức đồng thuận giữa các người sử dụng có kiến thức và độc lập về các mặt: Thông tin trình bày trung thực về hiện tượng kinh tế muốn trình bày mà không có sai sót hay thiện lệch trọng yếu, các phương pháp ghi nhận hay đánh giá đã chọn không có sai sót hay thiên lệch một cách trọng yếu
- Tính kịp thời: Thông tin có được cho người ra quyết định trước khi nó mất khả năng ảnh hưởng tới quyết định
- Có thể hiểu được: Liên quan tới việc phân loại, diễn giải và trình bày một cách rõ ràng, xúc tích
Các hạn chế giới hạn của chất lượng thông tin
- Trọng yếu: Thông tin nếu có sai sót hoặc trình bày sai nếu ảnh hưởng tới quyết định của người ra quyết định thì sẽ được coi là thông tin trọng yếu. Trọng yếu được xem là giới hạn vì nó ảnh hưởng tới tất cả các đặc điểm chất lượng thông tin
- Chi phí: Lợi ích của báo cáo tài chính phải biện minh được cho các chi phí của việc lập báo cáo tài chính trên cả hai phương diện định lượng và định tính
2.2.4 Quan điểm của Chuẩn mực kế toán Việt Nam – VAS
- Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam, đặc tính chất lượng thông tin được trình bày ở nội dung “Các yêu cầu cơ bản đối với kế toán” bao gồm: (Bộ tài chính, 2002) - Trung thực: Các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo trên cơ sở các bằng chứng đầy đủ, khách quan và đúng với thực tế về hiện trạng, bản chất nội dung và giá trị của nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
- Khách quan: Các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo đúng với thực tế, không bị xuyên tạc, không bị bóp méo.
- Đầy đủ: Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan tới kỳ kế toán phải được ghi chép và báo cáo đầy đủ, không bị bỏ sót.
- Kịp thời: Các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo kịp thời, đúng hoặc trước thời hạn quy định, không được trậm trễ.
- Dễ hiểu: Các thông tin và số liệu kế toán trình bày trong báo cáo tài chính phải rõ ràng , dễ hiểu đối với người sử dụng. Thông tin về những vấn đề phức tạp trong báo cáo tài chính phải được giải trình trong phần thuyết minh.
- Có thể so sánh: Các thông tin và số liệu kế toán cần được tính toán và trình bày nhất quán. Trường hợp không nhất quán thì phải giải trình trong phần thuyết minh để người sử dụng báo cáo tài chính có thể so sánh và đánh giá.
2.2.5 Tổng hợp đặc tính chất lượng TTKT từ các quan điểm trên
Mặc dù có một số khác biệt và tranh luận nhất định về các đặc tính chất lượng TTKT trình bày trên BCTC nhưng tất cả các quan điểm đó đều nhằm hướng đến một mục đích là thúc đẩy và nâng cao chất lượng TTKT. Do đó, luận văn đã tổng hợp lại các đặc tính chất lượng TTKT theo các quan điểm và lựa chọn đặc tính chất lượng kế toán của IASB để làm cơ sở nghiên cứu như sau:
So sánh: Người sử dụng thông tin có thể so sánh các thông tin tương tự với đơn vị khác hoặc các thông tin tương tự của đơn vị giữa các kỳ và các ngày khác nhau.
Khả năng so sánh không liên quan đến một khoản mục đơn lẻ mà yêu cầu ít nhất là hai khoản mục.
Kiểm chứng: Là khả năng mà những người sử dụng BCTC có kiến thức và độc lập khác nhau có thể nhất trí rằng một mô tả cụ thể đáng tin cậy. Thông tin định lượng không nhất thiết chỉ là một mô tả cụ thể mà là một loạt giá trị và khả năng liên quan có thể được kiểm chứng. Kiểm chứng giúp đảm bảo cho những người sử dụng BCTC là thông tin về giao dịch kinh tế được trình bày trung thực và đúng mục đích.
Kịp thời: Thông tin luôn sẳn có để giúp những người sử dụng BCTC kịp đưa ra các quyết định. Thông thường, những thông tin cũ thường kém hữu ích hơn, tuy nhiên một số thông tin vẫn có tính kịp thời sau khi kết thúc kỳ báo cáo một thời gian. Ví dụ người sử dụng BCTC có thể sử dụng thông tin trong quá khứ để xác định và đánh giá các định hướng.
Dể hiểu: Thông tin được phân loại và trình bày đặc trưng một cách rõ ràng và chính xác.