Phần 3. Phương pháp nghiên cứu
3.1. Đặc điểm địa bàn nghiên cứu
3.1.3. Điều kiện kinh tế - xã hội
Theo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, huyện Mai Châu có diện tích 57.128ha trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm 86,97% (bao gồm cả đất rừng phòng hộ), đất phi nông nghiệp 6,14%, đất khác 6,89% (Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, 2016).
3.1.3.2. Dân số và lao động
Theo số liệu thống kê của Ủy ban nhân dân huyện Mai Châu năm 2015, huyện Mai Châu có 54.537 người. Trong đó, dân tộc Thái chiếm đa số gần 60%, dân tộc Mường chiếm 14,05%, dân tộc Kinh chiếm 14,01%, dân tộc Mông chiếm 9,6%, dân tộc Dao 2,02%, còn lại các đồng bào dân tộc khác chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm 54,34% dân số, trong đó số lao động nông nghiệp chiếm tới 95,28% lực lượng lao động (Ủy ban nhân dân huyện Mai Châu, 2018).
3.1.3.3. Cơ sở hạ tầng a. Giao thông đường bộ
Quốc lộ 6: Tuyến đường nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh vùng Tây Bắc của Việt Nam. Chiều dài toàn tuyến đường là 504km đi qua 4 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hoà Bình, Sơn La và Điện Biên). Đoạn đi qua tỉnh Hòa Bình dài 119km, qua huyện Mai Châu dài khoảng 50km; đường đạt tiêu chuẩn cấp III miền núi. Là tuyến đường đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh, huyện giúp kết nối với các địa phương phía Đông và phía Tây huyện. Trong thời gian qua nhiều đoạn đường đã được nâng cấp, sửa chữa đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và khách du lịch.
Quốc lộ 15: Đi từ huyện Mai Châu nối Quốc lộ 6 với các huyện vùng cao tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Toàn tuyến có chiều dài 710km.
Đoạn đi qua huyện Mai Châu dài 20km, đường nhựa, đã xuống cấp. Là tuyến đường kết nối với các địa phương lận cận phía Nam huyện.
Đường tỉnh Đồng Bảng - Tân Dân (ĐT 432): Tuyến có điểm đầu từ QL 6, đi qua 3 xã phía Bắc huyện Mai Châu (Phúc Sạn, Tân Mai, Tân Dân), tiếp giáp Hồ Hòa Bình, toàn tuyến dài khoảng 65km), đường cấp phối, đã xuống cấp.
Đường tỉnh Thung Khe - Pù Pin (ĐT432B): Tuyến ngắn nội huyện Mai Châu, kết nối từ quốc lộ 6 đi qua các xã Thung Khe, Noong Luông, kết thúc tại xã Pù Pin, toàn tuyến dài 17km, đường nhựa, chất lượng trung bình.
Đường tỉnh Nghẹ - Bao La (ĐT 439): Tuyến đường chạy trong nội huyện Mai Châu nối từ QL15 đến xã Cun Pheo, đi qua các xã Mai Hịch, Xăm Khòe, Bao La, Piềng Vế, Cun Pheo. Tuyến dài 25km, mặt đường rải nhựa, chất lượng trung bình.
Hệ thống các đường giao thông nông thôn: Các tuyến đường đường liên xã, đường vào các bản, làng,.. hiện đã cứng hóa khoảng 80%, một số tuyến đường vẫn là đường đá cấp phối, đường đất, mặt đường nhỏ; nhiều tuyến đường vào các bản, làng vùng sâu chỉ là đường mòn nhỏ, dốc cao, việc đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Trong đó, có tuyến đường kết nối trực tiếp ra khu vực Hồ Hòa Bình, hiện đã được cứng hóa nhưng mặt đường còn nhỏ, hẹp, đã xuống cấp: Đường Đồng Bảng - Bãi Sang (Phúc Sạn) (Ủy ban nhân dân huyện Mai Châu, 2018).
b. Giao thông đường thủy
Hiện trên địa bàn huyện có bến cảng Phúc Sạn nằm trên Hồ Hòa Bình đã được cấp phép hoạt động, bến cảng vừa phục vụ phương tiện vận tải hàng hóa, vừa phục vụ khách du lịch đi tham quan Hồ Hòa Bình, đền Thác Bờ.
Hoạt động vận tải đường thủy trên Hồ Hòa Bình còn nhiều hạn chế: Hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa mới được lắp đặt trên tuyến nội địa Quốc gia, nhiều tàu, thuyền chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, hoạt động ra vào cảng chưa được quản lý dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy (Ủy ban nhân dân huyện Mai Châu, 2018).
c. Hệ thống các bến xe
Huyện Mai Châu hiện có bến xe khách nằm tại xã Chiềng Châu thuận tiện cho việc đưa đón hành khách, là điểm đỗ của nhiều xe du lịch, đưa khách du lịch vào thăm, mua bán hàng hóa cũng như việc bốc dỡ hàng hàng hòa từ khắp nơi chuyển về của các tiểu thương. Trên địa bàn huyện còn có 2 điểm dừng đỗ, đón trả khách là Cun Pheo và Co Lương. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có các điểm dừng đỗ đón trả khách của tuyến xe bus từ thành phố Hòa Bình đi Cun Pheo (Ủy ban nhân dân huyện Mai Châu, 2018).
d. Hệ thống cấp điện
Trên địa bàn huyện hiện có 2 nhà máy thủy điện: Nhà máy thủy điện So Lo 1, công suất 5,2MW; nhà máy thủy điện Vạn Mai, công suất 0,6MW. Hai nhà máy này hầu như chỉ hoạt động trong 3 tháng mùa mưa và cấp điện cho các phụ tải khu vực lân cận.
Nguồn cấp điện chính cho huyện từ trạm 110/10kV tại thị trấn Mai Châu, được cấp điện từ đường điện cao thế 110kV đi qua thị trấn.
Hiện nay 100% các xã đã có điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và tạo điều kiện phát triển du lịch (Ủy ban nhân dân huyện Mai Châu, 2018).
e. Hệ thống cấp nước
Huyện hiện có 2 nhà máy nước: Nhà máy nước xóm Đậu, xã Tòng Đậu và nhà máy nước xã Chiềng Châu, tuy nhiên 2 nhà máy nước này mới chỉ đảm bảo cung cấp nước cho hộ dân thị trấn Mai Châu, xã Tòng Đậu và xã Chiềng Châu, tại các xã khác người dân chủ yếu sử dụng nguồn nước tự chảy từ công trình cấp nước sinh hoạt được hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình 135,… Đến nay, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 60%, một số làng bản vùng sâu, vùng xa người dân chủ yếu sử dụng nguồn nước mưa, nước từ khe suối (Ủy ban nhân dân huyện Mai Châu, 2018).
f. Thoát nước thải và vệ sinh môi trường
Hệ thống cống thoát nước mưa, nước thải đã được đầu tư tại thị trấn Mai Châu, nhưng chưa có trạm xử lý nước thải. Tại các xã khác nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi được thải trực tiếp ra sông suối, gây ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan (Ủy ban nhân dân huyện Mai Châu, 2018).
g. Bưu chính viễn thông
Tại các làng, bản đã được đầu tư hệ thống loa truyền thanh, hệ thống thông tin điện thoại di động thuộc các mạng Viettel, Vinaphone phát triển rộng khắp.
100% các xã được trang bị máy tính phục vụ công tác quản lý, điều hành tại cơ sở;
tỷ lệ hộ gia đình được xem truyền hình ngày càng tăng (Ủy ban nhân dân huyện Mai Châu, 2018).
3.1.3.4. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước và tình hình sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước
Tổng nguồn vốn đầu tư XDCB của huyện bình quân trong 3 năm gần nhất (2015,2016,2017) là 126,5 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư XDCB của huyện chủ yếu
tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật. Tuy thuộc vào mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nguồn vốn đầu tư XDCB được phân bổ cho từng ngành, lĩnh vực với tỷ lệ khác nhau. Bình quân 3 năm gần nhất tỷ lệ vốn đầu tư XDCB được phân bổ cho lĩnh vực giao thông là 34,44%, nông nghiệp - thủy lợi là 13,56%, giáo dục là 32,72%, y tế, văn hóa, xã hội, du lịch.. là 13,35%
(Phòng Tài chính Kế hoạch huyện Mai Châu, 2015a-2017a).
Hiệu quả việc sử dụng vốn đầu tư XDCB cũng chưa cao, tỷ lệ giải ngân bình quân 3 năm gần nhất chỉ đạt 95,03%. Nợ đọng xây dựng cơ bản tính đến hết năm 2017 toàn huyện là 104,697 tỷ đồng (Phòng Tài chính Kế hoạch huyện Mai Châu, 201a5-2017a).