Tình hình việc làm và đời sống của người lao động tại một số khu công nghiệp trong nước

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ việc làm và đời sống của người lao động khu công nghiệp khai sơn thuận thành 3, tỉnh bắc ninh (Trang 37 - 44)

2.2. Cơ sở thực tiễn

2.2.1. Tình hình việc làm và đời sống của người lao động tại một số khu công nghiệp trong nước

2.2.1.1. Việc làm và đời sống của người lao động tại các khu công nghiệp ở Quảng Bình

Theo tác giả Phạm Văn Nam (2014) trong bài viết “Cải thiện đời sống công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” thì:

Sự phát triển của KKT, KCN ở Quảng Bình đã đem đến nhiều mặt tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thực tiễn cho thấy, việc hình thành và phát triển các KCN đã và đang tạo động lực cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang phát triển công nghiệp và dịch vụ, cơ cấu lao động cũng được thay đổi phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Đời sống vật chất và tinh thần của người lao động cũng chịu tác động mạnh mẽ của sự phát triển này.

Các KCN, KKT tại Quảng Bình thành lập muộn hơn so với một số địa phương khác trong cả nước. Tuy nhiên, trong thời gian 12 năm xây dựng và phát triển (2002-2014); các KCN, KKT của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như của khu vực, trong đó phải kể đến vấn đề giải quyết việc làm cho công nhân lao động tại địa phương.

Tạo việc làm và đào tạo nghề:

Tại Quảng Bình, người lao động làm việc trong các KCN phần lớn là lực lượng lao động trẻ, độ tuổi trung bình từ 18-45 tuổi, chủ yếu là lao động từ các huyện trong tỉnh và trước đó hầu như không có nghề hoặc làm các nghề lao động giản đơn, theo vụ mùa ở nông thôn. Chính vì thế, sự hình thành, phát triển các KCN với các nhà máy, xí nghiệp đã tạo nhiều cơ hội tìm việc làm cho người lao động, giải quyết được tình trạng thất nghiệp. Bên cạnh đó, người lao động còn được đào tạo nhiều ngành nghề khác nhau như: may mặc, mộc, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng... và dần dần nâng cao trình độ tay nghề. Có thể coi quá trình đào tạo tại doanh nghiệp là quá trình đào tạo nghề nhanh nhất, hiệu quả nhất vì người lao động được thực hành và ứng dụng ngay các trang thiết bị máy móc bên cạnh việc chỉ dẫn các thao tác và lý thuyết từ chính cán bộ quản lý, chuyên gia tại doanh nghiệp.

Tạo thu nhập và nâng cao đời sống:

Có nhiều cơ hội tìm việc làm và thu nhập chính là động lực thúc đẩy người lao động tập trung đến các khu vực có KCN, KKT. Nhìn chung, chế độ tiền lương tại các KCN, KKT Quảng Bình được áp dụng tương đương với các doanh nghiệp ở các khu vực kinh tế khác. Thu nhập cao hơn khu vực nông thôn, các chính sách thưởng của các doanh nghiệp cũng là yếu tố để thu hút người lao động. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn áp dụng nhiều chính sách phúc lợi cho người lao động như:

trợ cấp đi lại, nhà ở, bữa ăn giữa ca... phần nào giúp người lao động trang trải được các chi phí đáp ứng nhu cầu của bản thân, nâng cao đời sống vật chất và có khả năng phụ giúp gia đình. Thu nhập bình quân của người lao động làm việc trong các doanh nghiệp KCN, KKT tại Quảng Bình năm 2013 là khoảng 3,2 triệu đồng/người/tháng, trong đó, mức lương chính chiếm 85% thu nhập hàng tháng, còn lại là thu nhập làm thêm giờ, phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng. Ngoài ra, khi làm việc tại các KCN, KKT, người lao động được tiếp cận với các máy móc, trang thiết bị hiện đại, công nghệ cao, phương thức quản lý tiên tiến, từ đó có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ tay nghề, đồng

thời còn rèn luyện được tác phong công nghiệp, đáp ứng được các yêu cầu của người sử dụng lao động và công việc đặt ra.

Khó khăn của công nhân lao động và giải pháp

Vấn đề nhà ở là thách thức lớn đối với người lao động cũng như chính quyền địa phương tại Quảng Bình, đây cũng là tình hình chung của các địa phương trên cả nước. Tại các KCN, KKT Quảng Bình, với 3 ngàn lao động, trong đó lao động phần lớn là từ các huyện, nên nhu cầu có chỗ ở để sinh sống và làm việc hiện nay là rất lớn, trong khi khả năng đáp ứng của địa phương thì có hạn, các doanh nghiệp lại ít quan tâm đến việc xây dựng ký túc xá cho người lao động ở. Thực tế hiện nay, khi làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN, với nhu cầu muốn được sinh sống gần chỗ làm việc, thuận lợi trong sinh hoạt, tiết kiệm các khoản chi phí... nên lao động thường tập trung thành một nhóm nhỏ và thuê nhà tại các hộ liền kề xung quanh KCN để ở. Tuy nhiên, các nhà trọ này hầu như không đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật trong thiết kế xây dựng như: diện tích nhỏ, chật hẹp, ẩm thấp vào mùa mưa và nóng bức vào mùa nắng.

Đời sống văn hóa, tinh thần của người lao động tại các KCN cũng là một vấn đề thách thức. Tại hầu hết các KCN không có nơi vui chơi giải trí công cộng (công viên, sân thể thao, nhà hát, rạp chiếu phim...). Do thời gian làm việc kéo dài, cường độ lao động cao, ngoài giờ làm việc công nhân lao động phải dành thời gian nghỉ ngơi để lấy lại sức khỏe nên họ thường không có thói quen đọc sách báo, nghe đài, xem tivi... vì thế cơ hội tiếp cận thông tin của người lao động bị hạn chế, thu hẹp, dẫn đến nhu cầu về giải trí văn hóa tinh thần cũng dần giảm sút.

Để có thể giải quyết những khó khăn mà công nhân lao động tại các KCN, KKT Quảng Bình đang gặp phải, Ban Quản lý KKT Quảng Bình có một số kiến nghị, đề xuất như sau:

- Cần chú trọng việc ban hành chính sách theo hướng quan tâm hơn đến lợi ích của người lao động tại các KCN, KKT, sớm giải quyết những khó khăn về tiền lương, nhà ở, y tế, nhà trẻ, trường học và các dịch vụ hạ tầng xã hội khác. Khuyến khích các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tạo lập môi trường lao động tốt trong KCN.

- Cần có đề án đào tạo nguồn nhân lực và sử dụng nguồn nhân lực từ lao động phổ thông ở địa phương trở thành lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu công việc.

- Thực hiện chương trình an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đối với lao động KCN, KKT. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến tổ chức quản lý hành chính khu dân cư ngoài hàng rào KCN; thực hiện xã hội hóa vấn đề cung cấp dịch vụ nhà ở cho người lao động, khuyến khích người dân xây dựng nhà cho thuê theo tiêu chuẩn tối thiểu được Nhà nước quy định thống nhất.

- Sớm nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách về xây dựng nhà ở đối với công nhân trong KCN; ban hành hệ thống tiêu chuẩn nhà ở tối thiểu cho người lao động trong KCN, KKT, đồng thời điển hình hóa các thiết kế nhà ở nhằm thống nhất và đảm bảo phù hợp với nhu cầu và khả năng của người lao động trong KCN, KKT. Đồng thời, khi quy hoạch nhà ở KCN cần tính toán nhu cầu, khả năng nhà ở của người lao động, từ đó định hướng việc xây dựng các loại hình nhà ở với quy mô, mức độ hiện đại và giá thành hợp lý.

2.2.1.2. Việc làm và đời sống của người lao động tại khu kinh tế Vũng Áng Theo bài viết của tác giả Ngô Đình Vân (2014): KKT Vũng Áng tỉnh Hà Tĩnh là KKT đa ngành, đa lĩnh vực, được xác định đầu tư phát triển trở thành KKT trọng điểm ở miền Trung, là cửa ngõ hướng ra biển và theo hướng hợp tác phát triển hành lang kinh tế Đông Tây và Bắc Nam. Hiện nay, KKT Vũng Áng là một trong 5 nhóm KKT trọng điểm của cả nước được Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép tập trung nguồn lực đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2015.

Tính đến hết tháng 4/2015 tại KKT Vũng Áng có hơn 420 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó có 93 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 17 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện đạt 178.938,5 tỷ đồng (gần 9 tỷ USD).

Đến nay các dự án lớn tại KKT Vũng Áng đã bắt đầu đi vào triển khai, hoạt động, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh (doanh thu, giá trị xuất nhập khẩu...) có bước tăng trưởng khá. Giai đoạn 2011-2014, KKT Vũng Áng nộp ngân sách 12.571 tỷ đồng. Đặc biệt trong năm 2014 đóng góp cho ngân sách 8.027 tỷ đồng, chiếm 63,8% tổng nộp ngân sách của KKT cả giai đoạn 2011-2014. Theo lộ trình phát triển, thu ngân sách từ KKT Vũng Áng chiếm tỷ trọng ngày càng cao, dự kiến năm 2015 thu đạt 10.000 tỷ đồng, chiếm 70% tổng thu ngân sách địa phương. Giá trị xuất khẩu giai đoạn 2011-2014 đạt 745 triệu USD, trong đó năm 2014 đạt 516 triệu USD, chiếm 69,3% cả giai đoạn 2011-2014.

Công tác quản lý lao động:

Đến hết tháng 4/2014 tổng số lao động trong KKT Vũng Áng là 40.600 người, bao gồm: lao động Việt Nam 34.006 người đến từ 34 tỉnh, thành phố trong cả nước; lao động nước ngoài 6.594 người đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó dự án lớn nhất của KKT Vũng Áng là Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương do Công ty TNHH gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, có số lao động là 34.050 người, bao gồm:

lao động Việt Nam 27.655 người; lao động nước ngoài là 6.395 người. Dự kiến đến năm 2020, KKT Vũng Áng cần hơn 70 nghìn lao động.

Nhìn chung, các doanh nghiệp trong địa bàn KKT đã thực hiện các quy định của pháp luật về lao động khá nghiêm túc. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện việc ký kết Hợp đồng lao động, thành lập Công đoàn để đảm bảo lợi ích hợp pháp cho công nhân. Đời sống của người lao động làm việc trong KKT Vũng Áng được nâng lên rõ rệt, điều này thể hiện ở thu nhập bình quân của lao động có mức tăng khá, các chính sách liên quan đến người lao động như: BHXH, BHYT, tiền lương, tiền thưởng... đã có nhiều cải thiện. Nhiều đơn vị đã thực hiện tốt việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động, tổ chức tuyển dụng, đào tạo lại theo đúng chuyên ngành làm việc tại đơn vị sử dụng lao động. Việc cấp phát trang thiết bị bảo hộ lao động, tổ chức huấn luyện an toàn lao động trong các doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư đã được thực hiện khá nghiêm túc.

Mức lương trung bình của các doanh nghiệp trả cho người lao động trong KKT Vũng Áng đạt khoảng 6 triệu đồng/người/tháng, có nhiều đơn vị có lương bình quân đạt mức khá (10 triệu đồng/người/tháng). Đa số các doanh nghiệp đều tự xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương, lao động trong các doanh nghiệp đều được nâng bậc lương, tỷ lệ lao động được tăng lương trong các doanh nghiệp thấp nhất là 20%, cao nhất là 100% số lao động.

Một số giải pháp, kinh nghiệm bước đầu trong công tác quản lý lao động tại KKT Vũng Áng

- Công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện

UBND tỉnh, Ban Quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên có các văn bản hướng dẫn đôn đốc các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà thầu thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý lao động. Đồng thời cử cán bộ thường xuyên bám sát từng doanh nghiệp, nhà thầu nắm tình hình về lao động.

Ban Quản lý thực hiện việc yêu cầu báo cáo tình hình sử dụng lao động định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng và hàng năm đối với các doanh nghiệp, nhà thầu trong KKT phù hợp với từng đối tượng (doanh nghiệp đang, đã sản xuất ổn định thì báo cáo định kỳ hàng quý, doanh nghiệp đang xây dựng, các nhà thầu thi công báo cáo theo định kỳ hàng tháng...).

Cách thức quản lý lao động cũng được đổi mới để công tác quản lý đạt hiệu quả tốt nhất. Ví dụ như tại dự án Formosa thực hiện việc cấp thẻ từ cho người lao động làm việc trong dự án, theo đó lao động làm việc tại các nhà thầu khi vào công trường làm việc phải được kiểm soát bằng thẻ ra vào, lao động nước ngoài phải được cấp Giấy phép lao động mới đủ điều kiện cấp thẻ vào cổng, vì vậy tình trạng trộm cắp hầu như đã được kiểm soát, an ninh trật tự từng bước được nâng cao.

Công tác phối hợp quản lý

Ban Quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh chủ trì làm việc với các ngành liên quan về tăng cường quản lý người lao động, đặc biệt là lao động nước ngoài; phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện việc tuyên truyền đến từng nhóm lao động nhằm ổn định tình hình và đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất tại KKT;

gắn việc quản lý lao động với việc quản lý an ninh, trật tự.

Bên cạnh đó, Ban đã nghiên cứu, tổ chức làm việc để thống nhất việc ủy quyền công tác quản lý lao động cho Ban Quản lý KKT theo tinh thần UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND huyện sẽ ủy quyền tất các các nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư số 32/2014/TT- BLĐTBXH ngày 01/12/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động trong KCN, KCX, KKT và để Ban Quản lý KKT tổ chức thực hiện.

Việc quản lý lao động còn được thực hiện gắn với quản lý tạm trú, lưu trú của người lao động: Ban Quản lý KKT hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở cho thuê lưu trú thành lập tổ, bộ phận, cán bộ chuyên trách quản lý tạm trú, tạm vắng đối với người nước ngoài; tổ chức ký cam kết đối với các đơn vị có người nước ngoài làm việc, lưu trú, tạm trú chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam về đăng ký khai báo tạm trú, tạm vắng cho người nước ngoài và đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở có người nước ngoài lưu trú, tạm trú.

Công tác tuyền truyền được thực hiện đi đôi với công tác kiểm tra, xử lý

các trường hợp vi phạm: Ban Quản lý KKT tổ chức các đoàn liên ngành thực hiện việc hướng dẫn, chấn chỉnh việc sử dụng lao động của các đơn vị, nhắc nhở và có biện pháp xử lý kiên quyết với những trường hợp cố tình vi phạm.

- Tập trung công tác đào tạo, hỗ trợ tuyển dụng lao động Ban Quản lý KKT phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Việc làm - Dạy nghề trên địa bàn tỉnh, phân công nhiệm vụ cụ thể các sở, ngành, địa phương để tổ chức thực hiện và thường xuyên cập nhật, báo cáo để UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo.

Đồng thời, Ban Quản lý KKT phối hợp, chỉ đạo việc cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp. Năm 2014, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Cung ứng nguồn nhân lực Ban Quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh đã đón tiếp, tư vấn, hướng dẫn cho 5.164 lao động tham gia đăng ký phỏng vấn tìm việc tại các doanh nghiệp, nhà thầu tại KKT Vũng Áng; số lao động trúng tuyển 1.834 người. Trong quý I/2015, các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, các cơ sở dạy nghề đã đón tiếp, tư vấn, hướng dẫn cho 1.500 lao động. Trung tâm đã ký biên bản ghi nhớ đối với tất cả 12 huyện, thị trong tỉnh cung ứng nguồn nhân lực, thường xuyên trao đổi, cập nhật thông tin về cung - cầu lao động.

Ban Quản lý cũng triển khai điều tra khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, nhà thầu tại các KKT để định hướng chuyển đổi, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong KKT.

Đối với công tác hỗ trợ đào tạo, tuyển sinh, Ban phối hợp với các Trung tâm dịch vụ việc làm mở các lớp đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, đào tạo kỹ năng mềm cho lao động có nhu cầu làm việc tại KKT Vũng Áng; phối hợp cùng Trường Đại học Hà Tĩnh tuyển sinh, đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu của KKT Vũng Áng.

- Thực hiện chính sách nhà ở cho người lao động

Ban Quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh đang khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở theo Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển nhàcho công nhân tại các KCN, Quyết định số 67/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Việc triển khai xây dựng nhà ở đáp ứng nhu cầu cho người lao động được Trung ương và tỉnh quan tâm, hỗ trợ tối đa.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ việc làm và đời sống của người lao động khu công nghiệp khai sơn thuận thành 3, tỉnh bắc ninh (Trang 37 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(108 trang)
w