2.1. Cơ sở lý luận
2.1.2. Quá trình triển khai thực hiện luật đất đai và các quy định của nhà nước về đất đai
Từ đầu những năm 80, Nhà nước ta đã ban hành hàng loạt các văn bản pháp luật để tăng cường công tác quản lý sử dụng đất và đã thu được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, cùng với sự nghiệp đổi mới của nền kinh tế đất nước, hệ thống văn bản pháp luật đất đai cần được cụ thể hóa cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng đất trong tình hình mới. Luật đất đai 1993 ra đời, tiếp theo là Luật sửa đổi 1998, Luật sửa đổi 2001 và đến nay là Luật đất đai 2003 được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 26/11/2003, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2004.
Song song với việc từng bước hoàn thiện pháp luật đất đai, các nội dung quản lý Nhà nước về đất đai cũng được triển khai đồng bộ, từng bước đưa công tác quản lý nhà nước về đất đai vào nề nếp, nhằm khai thác sử dụng đất có hiệu quả và bền vững. Đến nay, công tác quản lý đất đai trên toàn quốc đã đạt được những kết quả sau:
Thứ nhất, về công tác ban hành các văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng đất và tổ chức thực hiện các văn bản đó: Trong những năm qua, các văn bản pháp luật của Nhà nước liên quan đến đất đai đã được ban hành và ngày càng được củng cố, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình mới để công tác quản lý và sử dụng đất đạt hiệu quả cao. Các Luật, Nghị định, Thông tư đã tạo ra một hành lang pháp lý cho công tác quản lý và sử dụng đất. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật về đất đai vẫn còn nhiều điều, khoản chồng chéo nhau gây cản trở trong việc thực hiện, giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai. Trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần có những biện pháp chỉ đạo, quan tâm hơn nữa để hoàn thiện thống nhất hệ thống văn bản pháp luật liên quan đất đai.
Thứ hai, về công tác đo đạc bản đồ: Bộ Tài nguyên và môi trường đã hướng dẫn chỉ đạo công tác đo đạc bản đồ ở các địa phương. Hoàn thiện hệ thống lưới khống chế trắc địa đưa vào xử lý, tính toán trong toán học. Từ năm 1993 đến nay, đã chụp được một khối lượng lớn ảnh hàng không ở một số khu vực để sử dụng vào mục đích địa hình, địa chính. Hệ thống bản đồ địa hình tỷ lệ 1/50000 phủ trùm cả nước bao gồm 900 mảnh. Đến nay có khoảng 60% số mảnh bản đồ của bộ bản đồ hiện trạng phủ trùm được xuất bản, còn lại vẫn đang tiếp tục làm.
Hệ thống địa giới Quốc gia đã được hoàn thiện theo Chỉ thị 364 vào cuối năm 1996 trên hệ thống bản đồ ở tỷ lệ lớn nhất có được tên từng địa phương, đang tiến hành bổ sung hồ sơ cho các địa phương mới tách, và chính xác hóa tọa độ địa giới trong chương trình đo vẽ bản đồ địa chính.
Thứ ba, về công tác quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất: Vấn đề quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất trong điều kiện hồ sơ đăng ký đất đai chưa được hoàn chỉnh là một trong những khó khăn lớn của ngành Địa chính. Mặc dù vậy, Tổng cục Địa chính (nay là Bộ Tài nguyên và môi trường) đã chỉ đạo xây dựng xong và trình Chính phủ quy hoạch sử dụng đất của cả nước đến năm 2010 và kế hoạch chuyển dịch đất nông nghiệp, lâm nghiệp có rừng để sử dụng vào mục đích khác. Việc xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã căn bản đi vào nề nếp (năm 1996 có 35 tỉnh, thành phố; năm 1997 có 57 tỉnh, thành phố; đến nay đã có 64/64 tỉnh, thành đã xây dựng xong kế hoạch sử dụng đất và có 58 tỉnh được Chính phủ phê duyệt). Hiện nay có thêm các tỉnh mới tách: Điện Biên, Đắk Nông và Hậu Giang cũng đã lập kế hoạch sử dụng đất để trình Chính phủ phê duyệt. Các tỉnh, thành phố đã xây dựng xong bảng giá đất theo Nghị định 87/CP, một số tỉnh đã điều chỉnh giá đất mới phù hợp với giá của thị trường tại địa phương.
Thứ tư, về công tác giao đất, cấp GCN quyền sử dụng đất và tổng kiểm kê đất đai: Trên cơ sở Luật đất đai 1993, Luật sửa đổi 1998, Luật sửa đổi 2001 và Luật đất đai 2003, Tổng cục Địa chính nay là Bộ Tài nguyên và môi trường đã xây dựng nhiều văn bản pháp lý về đăng ký đất đai lập hồ sơ địa chính và cấp GCN quyền sử dụng đất. Đến nay đã có 7.987 dự án được giao đất, thuê đất với diện tích hơn 184.179 ha, trong đó có 89.654 ha đất được giao không thu tiền sử dụng đất, 8.306 ha đất được giao có thu tiền, có 1.781 dự án chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích 1.061 ha. Thu hồi được 7.289 ha do vi phạm pháp luật về đất đai, trong đó có 7.056 ha thu hồi do vi phạm quy định tại Khoản 12 Điều 38 của Luật Đất đai 2003 chiếm 65% diện tích phải thu hồi.
Theo kết quả thống kê của Bộ Tài nguyên và môi trường, đến nay kết quả cấp GCN quyền sử dụng đất trong phạm vi cả nước đạt kết quả như sau:
Một là, đất nông nghiệp: Cấp được 13.392.895 giấy với diện tích gần 427 nghìn ha, đạt 81.3 %, trong đó có 29 tỉnh đã hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận cho đất nông nghiệp.
Hai là, đất lâm nghiệp: Cấp được hơn 1.000.000 giấy với diện tích hơn 7.7 triệu ha đạt 59.20 %.
Ba là, đất ở tại nông thôn: Cả nước cấp được gần 10 triệu giấy với diện tích trên 376 nghìn ha, đạt 75 %, trong đó có 13 tỉnh cơ bản hoàn thành.
Bốn là, đất ở tại đô thị: Cả nước cấp được khoảng 2.7 triệu giấy với diện tích gần 60 nghìn ha, đạt 56.9 %, trong đó có 07 tỉnh cơ bản hoàn thành. Tiến độ cấp GCN quyền sử dụng đất còn chậm chưa đạt yêu cầu đề ra, đặc biệt là khu vực đô thị. Năm 2009, thực hiện công tác “một cửa”
trong việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết các thủ tục hành chính ở cấp quận, huyện, thị xã đã góp phần giải quyết nhanh gọn, tạo sự yên tâm cho người dân khi cần giải quyết những vấn đề liên quan đến đất đai.
Thứ năm, về công tác giao đất cho hộ gia đình cá nhân theo Nghị định 64/CP và Chỉ thị số 10/1998 – CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay đã tiến hành giao đất nông nghiệp ổn định, lâu dài cho người dân, cụ thể đã giao đất cho 50 đơn vị quốc doanh, 102 đơn vị tập thể và hơn 10.000 hộ gia đình. Việc giao đất làm nhà ở thuộc khu vực đô thị được thực hiện theo các Nghị định 60/CP, 61/CP, 88/CP, 45/CP, bước đầu tạo cơ sở pháp lý giải quyết vấn đề nhà ở, quy hoạch lại đô thị và phát triển thị trường bất động sản.
Thứ sáu, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai:
Giữa các địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ để xử lý đơn thư, vụ việc. Việc thanh tra trách nhiệm của các cấp lãnh đạo ở địa phương đã mở ra hướng mới đẩy mạnh công tác hòa giải và xử lý tranh chấp, khiếu nại ngay tại cơ sở.
Cùng với sự phát triển chung của toàn ngành, các cơ quan thanh tra ngày càng được củng cố hoàn thiện về lực lượng và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Trong những năm qua, thanh tra địa chính đã tiến hành hơn 11.300 cuộc thanh tra ở tất cả các tỉnh, thành phố. Phát hiện hơn 46.000 trường hợp vi phạm Luật đất đai, đã xử lý 25.780 vụ, đã giải quyết 75% số đơn khiếu nại, tố cáo của nhân dân về đất đai. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vi phạm trong quản lý và sử dụng đất chưa được xử lý kịp thời và triệt để. Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, trong 30 ngày kiểm tra thi hành Luật đất đai tại các địa phương (1/8-30/8/2009), Đoàn kiểm tra Bộ tài nguyên và môi trường đã tiếp nhận 17.480 đơn tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai.. Các nội dung khiếu kiện bao gồm: 70.6% là khiếu
nại về bồi thường, giải phóng mặt bằng; 10.0% là tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; 8.6% là tranh chấp đất đai; 6.8% là đòi lại đất cũ; 4.0% là những trường hợp khác.
Thứ bảy, về công tác quản lý tài chính về đất đai, quản lý việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất: Hàng năm, công tác này được thực hiện thường xuyên theo đúng pháp Luật đất đai. Nguồn tài chính thu được từ đất đai được chi một khoản đáng kể cho công tác đền bù đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất, phần còn lại được nộp vào ngân sách Nhà nước.
Thứ tám, về quản lý và phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản; quản lý các hoạt động dịch vụ công về đất đai: Là những nội dung mới có từ khi Luật Đất đai 2003 ra đời, tuy nhiên thị trường này lại phát triển nhanh chóng trên phạm vi cả nước. Các quyền của người sử dụng đất được giao dịch thông qua thị trường bất động sản. Dịch vụ công về đất đai cũng bước đầu được thực hiện cùng với sự ra đời của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ở các cấp huyện và tỉnh.
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác quản lý sử dụng đất vẫn còn những bất cập và hạn chế. Công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính và cấp GCN quyền sử dụng đất chưa đồng bộ. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và công tác phân hạng đất chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu của Luật quy định. Các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất chưa được xử lý kịp thời, trong khi đó, các địa phương lại giải quyết không triệt để, dứt điểm khiến người dân bức xúc kéo về trung ương khiếu nại, làm hạn chế công tác quản lý sử dụng đất đi vào nề nếp.