2.2 Cơ sở thực tiễn
2.2.1 Kinh nghiệm quản lý nhà nước về đất nông nghiệp ở các nước trên thế giới
Hiện nay, trên thế giới, tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 148 triệu km2. Những loại đất tốt thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 12,6%. Những
loại đất quá xấu chiếm tới 40,5%. Diện tích đất trồng trọt chỉ chiếm khoảng 10% tổng diện tích tự nhiên. Đất đai thế giới phân bố không đều giữa các châu lục và các nước (châu Mỹ chiếm 35%, châu Á chiếm 26%, châu Âu chiếm 13%, châu Phi chiếm 20%, Châu Đại Dương chiếm 6%). Bước vào thế kỷ XXI với những thách thức về an ninh lương thực, dân số, môi trường sinh thái thì nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng đối với loài người. Nhu cầu của con người ngày càng tăng đã gây sức ép nặng nề lên đất, đặc biệt là đất nông nghiệp. Đất nông nghiệp bị suy thoái, biến chất và ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng nông sản (Hội khoa học đất Việt Nam, 2000).
Với mục đích nâng cao hiệu quả của ngành nông nghiệp thì cần có các chính sách sử dụng, quy hoạch đất hợp lý. Ta có thể tham khảo kinh nghiệm thực tế của một số quốc gia đã làm tốt công tác quản lý và mang lại nhiều thành tựu đáng kể sau:
* Kinh nghiệm của Trung Quốc:
Ở Trung Quốc quan điểm phân vùng nông nghiệp rất rộng. Họ đưa ra nội dung phân vùng nông nghiệp bao gồm 5 loại: Phân vùng điều kiện tự nhiên nông nghiệp, bao gồm các điều kiện tự nhiên có quan hệ tới phát triển sản xuất nông nghiệp như: khí hậu, địa mạo, thổ nhưỡng, thủy văn, địa chất,… đánh giá ảnh hưởng của chúng đối với sản xuất nông nghiệp: mặt có lợi, bất lợi và vạch ra những bước để tiến hành cải tạo và sử dụng. Phân vùng điều kiện trang thiết bị nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông phẩm, lưu thông tiêu thụ sản phẩm, thu nhập kinh tế nông nghiệp và đầu tư cho nông nghiệp… Phân vùng điều kiện kinh tế nông nghiệp bao gồm lao động, nhân khẩu, điều kiện trang thiết bị nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông phẩm, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm, thu nhập kinh tế nông nghiệp. Tức là nghiên cứu mối quan hệ giữa trồng trọt, chăn nuôi, nghề phụ và phân bố sản xuất các loại cây trồng chủ yếu đối với điều kiện tự nhiên. Trên cơ sở phân bố hiện trạng từng khu vực, mức sản lượng những vấn đề tồn tại và con đường tăng sản lượng của từng ngành và các loại cây trồng, phạm vi thích ứng rộng của các loại giống tốt và tính khả thi phát triển các vùng sản xuất mới… Phân vùng biện pháp kỹ thuật: cải tạo đất, bảo vệ thực vật, thay đổi chế độ canh tác, khả năng áp dụng thâm canh về giống cây trồng, thủy lợi, phân bón, hiệu quả kinh tế và các biện pháp cải cách kỹ thuật… Phân vùng nông nghiệp tổng hợp dựa trên cơ sở phân tích tổng hợp của vùng tự nhiên nông nghiệp- vùng điều kiện kinh tế nông nghiệp- vùng ngành hang nông nghiệp-
vùng biện pháp kỹ thuật nông nghiệp để xây dựng một cơ cấu sản xuất nông nghiệp hợp lý từ khái quát đến chi tiết ở cả 3 cấp toàn quốc, tỉnh, huyện. Tất cả các vấn đề này đều thuộc quyền quản lý của Nhà nước Trung Quốc.
* Kinh nghiệm của Thái Lan:
Năm 1945, Thái Lan đã ban hành Luật ruộng đất và Chính phủ Thái Lan đã đưa ra một số chính sách kinh tế dân tộc cho đất nước. Nội dung của chính sách là toàn bộ đất nông nghiệp (trừ đất khu dân cư) đều có thể mua, tại từ cá thể. Các chủ đất đều có quyền tự do bán, chuyển nhượng, cầm cố ruộng đất hợp pháp. Với Chính sách này Chính phủ có được toàn bộ số đất trống (có khả năng trồng trọt được) và nhân dân trở thành người làm công.
Cùng với quá trình phát triển và sự phân hóa giàu nghèo ở nông thôn cộng thêm dân số tăng nhanh đã xảy ra tình trạng nhiều nông dân không có đất. Năm 1973, Chính phủ Thái Lan đã sửa đổi chính sách thành việc thuê đất lúa (1974) và quy định rõ việc bảo vệ người làm thuê, thành lập các tổ chức ở địa phương làm theo sự điều hành của trại thuê mướn.
Năm 1975, Chính phủ Thái Lan tiến hành cải cách ruộng đất với mục tiêu:
Biến tá điền thành chủ sở hữu ruộng đất, tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển.
Vào thập kỷ 90, Thái Lan tiếp tục cải cách chính sách ruộng đất theo dự án mới. Trên cơ sở xem xét, đánh giá khả năng sản xuất của hộ nông dân nghèo, giải quyết quan hệ cung cầu về ruộng đất theo xu hướng sản xuất hàng hóa và giải quyết việc làm, đời sống cho nông dân nghèo. Nội dung của dự án là sự thỏa thuận giữa Chính phủ, chủ đất, nông dân giới đầu tư nhằm chia sẻ lợi nhuận trong giới kinh doanh và người sử dụng đất.
* Kinh nghiệm của Nhật Bản:
Nhật Bản là nước có nền nông nghiệp phát triển nhất là nông nghiệp sinh thái. Trong nhiều thập kỷ qua Chính phủ Nhật Bản đã đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp. Luật cải cách ruộng đất lần 1 của Nhật Bản được ban hành vào tháng 12 năm 1945 với nội dung: Xác lập quyền sở hữu ruộng đất của nông dân; Buộc địa chủ chuyển nhượng ruộng đất nếu có trên 5 ha;
Địa tô phải thanh toán bằng tiền mặt; Những vấn đề trọng yếu về ruộng đất được giải quyết qua cuộc cải cách ruộng đất lần 2 với nội dung: Việc thực hiện quyền sở hữu ruộng đất thuộc thẩm quyền của Chính phủ; Xác lập quyền sở hữu ruộng đất của nông dân nhằm giảm địa tô; Nhà nước đứng ra mua
và bán đất phát canh của địa chủ nếu vượt quá 1 ha. Kết quả cải cách ruộng đất đã làm thay đổi quan hệ sở hữu, kết cấu sở hữu ruộng đất ở nông thôn Nhật Bản.
Từ năm 1980 Nhật Bản đã có quy định Nhà nước phải quản lý chặt chẽ quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp nhằm ngăn chặn tình trạng đầu tư tích trữ đất, đảm bảo cho người nông dân có đất canh tác và cấp giấy phép đối với họ để tạo ra động lực cho sự phát triển nông nghiệp. Chính phủ Nhật quy định khi chuyển sang sử dụng mục đích khác thì phải có sự giám sát của Hội đồng tư vấn về kỹ thuật đất nông nghiệp của chính quyền địa phương. Các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm trong việc quyết định cho các cá nhân và tổ chức được chuyển đất nông nghiệp sang các mục đích khác. Việc quản lý nhà nước về quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp được tiến hành chặt chẽ theo hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Hàng năm, các cấp chính quyền tổ chức rút kinh nghiệm đồng thời có biện pháp xử lý những trường hợp vi phạm.
* Kinh nghiệm của Mỹ:
Mỹ có một hệ thống pháp luật về đất nông nghiệp phát triển, có khả năng điều chỉnh được các quan hệ xã hội đa dạng và phức tạp nhất. Luật đất nông nghiệp của Mỹ quy định công nhận và khuyến khích quyền SHTN về đất nông nghiệp; các quyền này được pháp luật bảo hộ rất chặt chẽ như là một quyền cơ bản của công dân. Cho đến nay các quy định này đang phát huy rất có hiệu quả giá trị của đất nông nghiệp. Tuy công nhận quyền SHTN, nhưng Luật Đất nông nghiệp của Mỹ vẫn khẳng định vai trò ngày càng lớn và có vị trí quyết định của Nhà nước trong Quản lý nhà nước về ĐNNo. Các quyền định đoạt của nhà nước bao gồm: Quyết định quy hoạch, mục đích sử dụng đất, quyền xử lý các tranh chấp về QSDĐ và quyền ban hành các quy định về tài chính đất, quyền thu hồi đất thuộc SHTN để phục vụ các lợi ích công cộng trên cơ sở đền bù công bằng cho người bị thu hồi.
Như vậy, có thể nói hầu hết các quốc gia đều có xu hướng ngày càng tăng cường vai trò quản lý của nhà nước với đất nông nghiệp. Xu thế này phù hợp với sự phất triển ngày một đa dạng của các quan hệ kinh tế, chính trị theo xu thế toàn cầu hóa. Mục tiêu của mỗi quốc gia là nhằm quản lý có hiệu quả tài nguyên đất nông nghiệp, tạo điều kiện để phát triển giữ được ổn định về an ninh lương thực, an ninh kinh tế và an ninh quốc gia.