5.1. Phương pháp thu thập dữ liệu 5.1.1. Phương pháp nghiên cứu tài liệu
Tài liệu là các sách chuyên khảo về QHLĐ; Đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành về QHLĐ ở trong và ngoài nước;
Luận văn, Luận án tiến sĩ (LATS) về QHLĐ và ĐTXH trong QHLĐ; Kỷ yếu các hội thảo chuyên đề về QHLĐ; Các văn bản pháp luật liên quan đến QHLĐ và ĐTXH trong QHLĐ. Nghiên cứu sử dụng kết hợp dữ liệu thứ cấp được thu thập, tổng hợp từ các tài liệu, báo cáo của các cơ quan, tổ chức như: ILO, MOLISA, GSO, VCCI, CIRD, CDI, FES, OXFAM, ILSSA, VGCL, IWTU, CĐDMVN, các doanh nghiệp may khảo sát...; Bản tin thị trường lao động của ILSSA; Bản tin QHLĐ của CIRD;
Bản tin Công đoàn đổi mới vì quyền và lợi ích NLĐ của IWTU và nhiều ấn phẩm khác đến năm 2020.
5.1.2. Phương pháp phỏng vấn
Giai đoạn 1 - Phỏng vấn chuyên gia hiệu chỉnh thang đo, thiết kế Phiếu điều tra:
Mục đích: Mục đích của giai đoạn này nhằm khám phá, điều chỉnh, sàng lọc các biến quan sát đưa vào mô hình nghiên cứu, kiểm tra các thang đo sử dụng và thiết lập bảng câu hỏi.
Cách thức thức triển khai như sau: Chuẩn bị các câu hỏi phỏng vấn tập trung vào hình thức trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến, TLTT và các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả thực hiện ĐTXH tại doanh nghiệp; Lên lịch phỏng vấn; Gặp gỡ phỏng vấn sâu và thảo luận trực tiếp nhằm đánh giá và kiểm tra mức độ phù hợp về mặt thuật ngữ, cú pháp được sử dụng trong câu hỏi để đảm bảo tính rõ ràng, nhất quán cho đáp viên; Tiến hành hiệu chỉnh bảng câu hỏi trong phiếu điều tra.
Đối tượng phỏng vấn bao gồm 22 chuyên gia đến từ: Cục QHLĐ - tiền lương, CIRD, Sở LĐTB&XH TP.Hồ Chí Minh, văn phòng ILO tại Việt Nam, VITAS, VCA, CĐDMVN, VGCL, các tổ chức phi chính phủ (NGOs): FES, OXFAM, CDI... và các chuyên gia độc lập về lĩnh vực lao động (Chi tiết tại Phụ lục 3.2). Từ kết quả nghiên cứu này, NCS đã phát hiện ra hai thang đo mới của yếu tố "Năng lực cơ quan QLNN
về lao động" là: qlnn5 vàqlnn6; Hiệu chỉnh thuật ngữ các tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện ĐTXH và thang đo các yếu tố ảnh hưởng đến ĐTXH tại doanh nghiệp.
Thông qua phỏng vấn chuyên gia, NCS cũng phát hiện yếu tố "TƯLĐTT ngành Dệt may Việt Nam" có kiểm soát đến kết quả thực hiện ĐTXH trong QHLĐ tại các doanh nghiệp may. Vì vậy, NCS đề xuất yếu tố này vào mô hình nghiên cứu. Xem Bảng tổng hợp kết quả phỏng vấn chuyên gia ở Phụ lục 3.3.
Giai đoạn 2 - Phỏng vấn bổ sung thông tin cụ thể về thực trạng ĐTXH tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam. Nội dung phỏng vấn về thực trạng trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến, thực trạng TLTT và các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả thực hiện ĐTXH tại doanh nghiệp may. Nghiên cứu sinh tiến hành mở rộng phỏng vấn (trực tiếp và qua điện thoại) bằng kỹ thuật phỏng vấn bán cấu trúc đối với 61 người là: đại diện doanh nghiệp, NLĐ và cán bộ công đoàn (CBCĐ) tại các doanh nghiệp may trên địa bàn tại Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Bắc Ninh, Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai vào khoảng thời gian từ 15/10/2018 đến 03/12/2018 trong khuôn khổ thực hiện Báo cáo về thực tiễn QHLĐ tại Việt Nam do ILO tài trợ và vào khoảng thời gian từ 15/07/2019 đến 15/10/2019 trong khuôn khổ thực hiện đề tài luận án của NCS (Xem Phụ lục 3.5).
5.1.3. Phương pháp điều tra
Phương pháp điều tra được sử dụng nhằm thu thập dữ liệu sơ cấp phục vụ cho phân tích thực trạng ĐTXH và kiểm định mô hình, giả thuyết nghiên cứu mức độ tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến ĐTXH tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam.
Thiết kế phiếu điều tra: Sau khi nghiên cứu tổng quan và phỏng vấn sâu các chuyên gia về QHLĐ, NCS lựa chọn các chỉ báo phù hợp với từng nội dung nghiên cứu và bối cảnh nghiên cứu để xây dựng phiếu điều tra. Phiếu điều tra được thiết kế theo thang đo Likert 5 điểm thể hiện mức độ đồng ý theo thang điểm từ 1 đến 5 với 1 là: Hoàn toàn không đồng ý và 5 là: Hoàn toàn đồng ý. Các câu hỏi được xây dựng rõ ràng, sử dụng từ ngữ dễ hiểu, phổ thông. Phiếu điều tra được thiết kế bao gồm 02 phần: Phần 1 là thực trạng ĐTXH trong QHLĐ tại doanh nghiệp; Phần 2 là thông tin chung về người trả lời phiếu (Xem chi tiết ở Phụ lục 2.1).
Đối tượng điều tra: 03 đối tượng được lựa chọn điều tra là các chủ thể ĐTXH tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam. Cụ thể là: NLĐ, NSDLĐ và CBCĐCS.
Nội dung điều tra: Nội dung điều tra thể hiện mức độ đồng ý cho những phát biểu về: Nội dung, kênh và kết quả trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến; Nội dung, quy trình và kết quả TLTT; Ảnh hưởng của các yếu tố đến kết quả thực hiện ĐTXH tại doanh nghiệp.
Thời gian điều tra: Thực hiện khảo sát tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam từ 15/07/2019 đến 15/10/2019.
Kích cỡ mẫu nghiên cứu
Nghiên cứu sinh lựa chọn phương pháp chọn mẫu phân tầng. Theo đó, các doanh nghiệp may khảo sát được chia theo 02 nhóm là doanh nghiệp may đã tham gia và chưa tham gia TƯLĐTT ngành Dệt may Việt Nam.
Để đảm bảo kích thước mẫu điều tra, NCS sử dụng cách tính của Bollen (1998) và dựa theo nghiên cứu của Hair và các cộng sự (1998) về kích thước mẫu dự kiến phải lớn hơn hoặc bằng 100 và mẫu nhỏ nhất phải có tỷ lệ mong muốn và n = 5*k (k là số thang đo trong nghiên cứu). Đây là cỡ mẫu phù hợp cho nghiên cứu có sử dụng phân tích nhân tố (Comrey, 1973; Roger, 2006). Trong nghiên cứu này có 29 thang đo, do đó mẫu tối thiểu là 29*5 = 145. Dưới sự hỗ trợ của MOLISA, VCCI, VGCL, VITAS, VINATEX, CĐDMVN phiếu điều tra được gửi tới 169 doanh nghiệp may và nhận được phản hồi của 158 doanh nghiệp (Xem Phụ lục 4). Chi tiết quy mô mẫu điều tra cụ thể như sau (Xem Mục 1 - Phụ lục 2.2):
Theo đối tượng điều tra: Ở mỗi doanh nghiệp may, NCS gửi 3 - 6 phiếu đến đại diện doanh nghiệp, NLĐ và CBCĐ. Số lượng phiếu điều tra phát ra là 914 phiếu, số phiếu thu về là 807 phiếu trong đó có 775 phiếu hợp lệ.
Cơ cấu doanh nghiệp theo nhóm: Tổng hợp kết quả điều tra cho thấy có 112 doanh nghiệp chưa tham gia TƯLĐTT ngành Dệt may Việt Nam (chiếm 70,9%) và 46 doanh nghiệp đã tham gia TƯLĐTT ngành (chiếm 29,1%).
Cơ cấu theo loại hình doanh nghiệp: Phần lớn doanh nghiệp may được điều tra là doanh nghiệp trong nước (chiếm 85,8%) trong đó chủ yếu là DNTN và doanh nghiệp cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước. Tỷ lệ doanh nghiệp nước ngoài chiếm 14,2%. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với thực tế về loại hình các doanh nghiệp may hiện nay theo phản ánh của VITAS (2019).
Cơ cấu doanh nghiệp theo địa phương, nghiên cứu tiến hành điều tra các doanh nghiệp may được phân bố ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam trong đó chú trọng đến các tỉnh, TP tập trung số lượng lớn các doanh nghiệp may là Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương.
Với quy mô, kích cỡ, cơ cấu mẫu điều tra đối sánh với với tỷ lệ trên quy mô tổng thể thì có thể khẳng định mẫu điều tra có ý nghĩa tống kê và có tính đại diện.
5.1.4. Phương pháp nghiên cứu tình huống
Nghiên cứu tình huống được thực hiện tại 02 doanh nghiệp may với mục đích minh họa, so sánh tình hình thực hiện ĐTXH tại doanh nghiệp đã tham gia và chưa tham gia TƯLĐTT ngành Dệt may Việt Nam (Xem Phụ lục 7). Cụ thể là:
(i) Công ty Cổ phần Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (TCM) chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm may phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu tại số 36 Tây Thạnh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh. Đây là đại diện của nhóm doanh nghiệp đã tham gia TƯLĐTT ngành Dệt may Việt Nam.
(ii) Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Ivory Việt Nam là doanh nghiệp 100%
vốn Hàn Quốc chuyên gia công xuất khẩu hàng may mặc, quần áo cho các nhãn hàng nước ngoài tại Khu 1, thị trấn Hậu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. Đây là đại diện của nhóm doanh nghiệp chưa tham gia TƯLĐTT ngành Dệt may Việt Nam.
5.2. Phương pháp xử lý dữ liệu 5.2.1. Phương pháp thống kê mô tả
Phương pháp này được sử dụng để mô tả những đặc tính cơ bản của dữ liệu thu thập được thông qua điều tra. Thống kê mô tả %, điểm trung bình của mẫu nghiên cứu được biểu thị bằng hình vẽ, bảng biểu để phân tích thực trạng ĐTXH và tạo nền tảng cho phân tích định lượng mức độ tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả thực hiện ĐTXH tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam.
5.2.2. Phương pháp định lượng
Phương pháp định lượng sơ bộ
Thực hiện nghiên cứu định lượng sơ bộ bằng bảng hỏi chi tiết theo phương pháp lấy mẫu thuận tiện tại 02 doanh nghiệp. Trong đó: 01 doanh nghiệp may ở Hà Nội là công ty may Fanvico (tại Khu công nghiệp Duyên Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) - chưa tham gia TƯLĐTT ngành Dệt may Việt Nam và tại 01 doanh nghiệp may ở Hưng Yên là công ty Cổ phần may Hưng Yên (địa chỉ: số 8 đường Bạch Đằng, phường Minh Khai, TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) - đã tham gia TƯLĐTT ngành. Số phiếu điều tra là 150 phiếu. Số phiếu hợp lệ thu về là 126 phiếu, đạt 84%, 24 phiếu không sử dụng được do thiếu thông tin. Mục đích của nghiên cứu định lượng sơ bộ là nhằm kiểm tra độ tin cậy của các thang đo. Tổng hợp kết quả phân tích dữ liệu sơ bộ về thang đo (Bảng 1 - Phụ lục 2.2) cho thấy hệ số Cronbach’s Alpha của các thang đo đảm bảo > 0,6 đủ độ tin cậy. Như vậy, phiếu điều tra được chấp nhận. Tuy nhiên, cần phải thay đổi trật tự một số câu hỏi để thuận tiện hơn cho người trả lời.
Phương pháp định lượng chính thức
Từ 775 phiếu điều tra hợp lệ thu được, NCS tiến hành làm sạch, mã hóa, nhập liệu bằng phần mềm Excel. Sau đó xử lý bằng phần mềm SPSS 21 và AMOS 21 để kiểm định độ tin cậy của thang đo, phân tích nhân tố khám phá EFA, phân tích nhân tố khẳng định CFA, kiểm định mô hình SEM và kiểm định Bootstrap nhằm đánh giá mức độ tác động của các yếu tố đến kết quả thực hiện ĐTXH tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam với các công việc cụ thể sau:
- Đánh giá độ tin cậy thang đo thông qua hệ số Cronbach’s Alpha phải đảm bảo
≥ 0,6 và các biến có hệ số tương quan biến tổng < 0,3 sẽ bị loại (Hair và cộng sự, 1998);
- Phân tích nhân tố khám phá EFA nhằm loại bỏ các biến có hệ số tải nhân tố lớn nhất của mỗi Item ≥ 0,5 và đảm bảo: tổng phương sai trích ≥ 50% (Anderson &
Gerbing, 1998), KMO ≥ 0,5, kiểm định Bartlett với Sig < 0,05;
- Các biến còn lại (thang đo hoàn chỉnh) sẽ được đưa vào phân tích CFA để kiểm tra vai trò của các biến trong nhân tố nhằm xác định: tính đơn hướng, giá trị hội tụ, giá trị phân biệt của các thang đo. Sau đó đo lường mức độ phù hợp của mô hình với thông tin thực tế. Theo Hair và các cộng sự đề nghị 1< Chi-square/df <3, các chỉ số GFI, TLI, CFI có giá trị ≥ 0,9 được xem là mô hình phù hợp tốt. RMSEA là chỉ tiêu xác định mức độ phù hợp của mô hình so với tổng thể. Giá trị này ≤ 0,08 (Steiger, 1990) mô hình đạt được độ tương thích với dữ liệu thị trường;
- Phân tích mô hình SEM với mô hình phù hợp với dữ liệu thị trường khi các chỉ số Chi-square/df, GFI, TLI, CFI, RMSEA thỏa mãn yêu cầu.
- Tiến hành kiểm định Boostrap: là phương pháp lấy mẫu lặp lại có thể thay thế mẫu ban đầu đóng vai trò đám đông. Các ước lượng trong mô hình SEM có thể tin cậy được khi trị tuyệt đối của CR nhỏ hơn 2.
5.2.3. Phương pháp tổng hợp, so sánh
Nghiên cứu sinh thu thập, tổng hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Các dữ liệu được kiểm tra dựa theo các tiêu chí về tính chính xác, tính phù hợp và tính cập nhật với chủ đề nghiên cứu. Sau đó thực hiện đối chiếu, so sánh để có được sự nhất quán, đảm bảo các dữ liệu phản ánh được nội dung phân tích với độ tin cậy cao và có nguồn trích dẫn rõ ràng.
Tóm lại, bằng việc kết hợp các phương pháp nghiên cứu cho phép NCS có được những thông tin đầy đủ, đa chiều, khách quan về thực trạng ĐTXH tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam và mức độ tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến ĐTXH xác lập cơ sở thực tiễn quan trọng để thực hiện mục tiêu nghiên cứu.