Chương 3 THỰC TRẠNG ĐỐI THOẠI XÃ HỘI TRONG QUAN HỆ LAO ĐỘNG
3.1. Khái quát về quan hệ lao động và đặc điểm đối thoại xã hội tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam
3.1.1. Tổng quan về các doanh nghiệp may ở Việt Nam
Ngành may có truyền thống lâu đời tại Việt Nam, kể từ khi thành lập khu liên hợp dệt Nam Định năm 1889 (Hill, 1998). Sau khi thống nhất đất nước năm 1975 ngành may Việt Nam đã được Đảng và Chính phủ quan tâm tạo điều kiện đầu tư phát triển. Một loạt các nhà máy may có công suất lớn ra đời như May 10, May Thăng Long, May Việt Tiến, May Nhà Bè, May Hữu Nghị … Đồng thời, nhiều hợp tác xã được thành lập nhằm cung cấp thêm sản phẩm cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Đến năm 1995, xuất khẩu hàng may sẵn chiếm 29,5% sản lượng Dệt may của ngành (UNIDO, 1998). Sau sự sụp đổ của khối Xô Viết, ngành may rơi vào khủng hoảng. Nhờ Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại vào năm 1995, các doanh nghiệp còn lại bắt đầu tìm thị trường mới cho xuất khẩu và lần đầu tiên đón nhận nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Tháng 11 năm 1998, Việt Nam được kết nạp vào APEC, Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ có hiệu lực vào năm 2001 và gia nhập WTO năm 2006 đánh dấu mốc tăng trưởng vượt bậc trong xuất khẩu hàng may sẵn của Việt Nam. Số lượng và quy mô các doanh nghiệp ngày càng tăng, tạo nhiều việc làm cho NLĐ. Từ năm 2002 đến 2008, giá trị xuất khẩu hàng may của Việt Nam tăng ở mức 22% hằng năm. Kể từ năm 2008, suy thoái kinh tế toàn cầu và những khó khăn kinh tế nội bộ đã làm chậm sự tăng trưởng của ngành nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình là 12% (GSO, 2017).
Từ năm 2010 cho đến nay, kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới. Việt Nam tham gia vào các FTA như: AEC, CPTPP, EVFTA,… Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì Dệt may là ngành được hưởng lợi nhiều nhất khi các Hiệp định này được thực thi. Nếu năm 2001, chỉ có 1031 công ty Dệt may (FPTS, 2016) thì tới cuối năm 2018, con số này là 8770, trong đó gần 6000 là nhà sản xuất hàng may mặc, phần còn lại là nhà sản xuất sợi và dệt (VITAS, 2018) cho thấy một sự phát triển nhanh chóng của ngành may trong những năm qua.
Ngành may là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai với giá trị xuất khẩu đóng góp từ 10-15% vào GDP. Trong những năm gần đây, ngành Dệt may Việt Nam liên tục phát triển với tốc độ bình quân 17% một năm (VITAS, 2019). Việt Nam là một trong 10 nước xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới. Các doanh nghiệp nước ngoài tuy chỉ
chiếm 25% về số lượng nhưng đóng góp đến trên 60% vào kim ngạch xuất khẩu Theo VITAS, năm 2019 kim ngạch xuất
khẩu hàng may mặc của Việt Nam là 30850 triệu USD, tăng 7,19% so với năm 2018 (Xem Biểu đồ 3.1). Trong đó, thị phần hàng Việt Nam tại Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc xếp thứ 2, xếp thứ 6 tại EU và đứng thứ 9 tại các nước ASEAN. Cùng với Bangladesh, Việt Nam là một trong những địa điểm được nhiều công ty may của Mỹ lựa chọn để chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang
Đơn vị: Triệu USD
Biểu đồ 3.1. Kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam
Nguồn: VITAS, 2019
trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Việt Nam chưa cạnh tranh được trên thị trường EU một phần là do các đối thủ như Bangladesh, Campuchia đều được hưởng lợi về thuế quan mà không phải đáp ứng bất kỳ điều kiện về nguồn gốc xuất xứ. Nếu Việt Nam tận dụng lợi thế về thuế quan từ EVFTA thì hàng may mặc của Việt Nam có thể dần chiếm thị phần trên thị trường này.
Các nhãn hàng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình ngành công nghiệp may sẵn của Việt Nam bởi các khách hàng quốc tế chiếm 95% sản lượng mua hàng xuất khẩu. Tuy nhiên hiện nay, ngành may Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi cái bóng của tình trạng gia công, trở thành phân xưởng của các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới. Trong nhiều tên tuổi có nguồn hàng cung ứng từ Việt Nam, nổi lên các nhãn hàng thời trang lớn là Nike, Adidas, Levis và Inditex (Zara). Một số doanh nghiệp Việt như Việt Tiến, May 10 là những nhà cung cấp và xuất khẩu đạt kim ngạch cao, song sản phẩm còn đơn giản, tính thời trang chưa được chú trọng. Các doanh nghiệp may nước ta đa phần áp dụng phương thức CMT (cắt - ráp - hoàn thiện sản phẩm). Lợi nhuận từ phương thức CMT chỉ chiếm từ 4 đến 5% giá thành sản phẩm (FWF, 2019). Đây là một con số vô cùng khiêm tốn chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn tạo bứt phá để phát triển chuỗi sản xuất và phân phối hàng may mặc nhằm tối đa hóa doanh thu. Với xu hướng phát triển của công nghệ và cuộc CMCN lần thứ tư, phương thức sản xuất chủ yếu dựa trên gia công với nguồn nhân công giá rẻ sẽ bị mất lợi thế. Vì vậy, các doanh nghiệp may Việt Nam cần phải thay đổi về chất lượng sản phẩm, đầu tư công nghệ và nâng cao năng lực đội ngũ nhân công để vươn tầm cao hơn tham gia vào chuỗi giá trị may mặc. Có như vậy mới giúp ngành công nghiệp này tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, hạn chế các tác động đến từ những chính sách và yêu cầu thay đổi liên tục để đáp ứng các tiêu chuẩn thương mại hiện nay.
0 5000 10000 15000 20000 25000 30000 35000
2015 2016 2017 2018 2019 21838 22762 24715
28780 30850
3.1.2. Đặc điểm lao động và tình hình quan hệ lao động tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam
3.1.2.1. Đặc điểm lao động tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam
Ngành may là ngành sử dụng lao động chính thức nhiều nhất tại Việt Nam, chiếm 20% lao động trong khu vực công nghiệp và gần 5% tổng lực lượng lao động toàn quốc, cung cấp việc làm cho gần 2,5 triệu lao động (VITAS, 2019). Lao động trong các doanh nghiệp may ở Việt Nam có những đặc điểm sau: (i) Lao động có năng lực, trình độ thấp; (ii) Lao động nữ chiếm tỷ lệ cao; (iii) Lao động không ổn định và (iv) Lao động di cư nội địa cao. Cụ thể là:
a. Lao động có năng lực, trình độ thấp
Theo kết quả điều tra, có tới gần một nửa số lao động (49,6%) trong các doanh nghiệp may có trình độ THPT, 33,1% tốt nghiệp trung cấp, đào tạo nghề và vẫn còn 3,8% mới tốt nghiệp THCS (Xem Biểu đồ 6 - Phụ lục 2.2). Theo VITAS (2019), tính đến hết năm 2018 tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong các doanh nghiệp may mới chỉ khoảng 25%, còn lại 75% lao động trong lĩnh vực này chưa qua đào tạo, chủ yếu mới chỉ tốt nghiệp THCS, THPT hoặc chỉ được đào tạo dưới 3 tháng, thiếu các kỹ năng mềm. Thống kê của CĐDMVN (2019), đội ngũ lao động tại các doanh nghiệp may có tuổi đời trẻ, trình độ học vấn còn thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ trung cấp trở lên đạt 17,7%. Tính chất công việc được chuyên môn hoá lặp đi lặp lại trong các dây chuyền may không đòi hỏi NLĐ có trình độ văn hóa cao, thông thường chỉ cần lao động tốt nghiệp phổ thông, đã trải qua khoá đào tạo nghề trong thời gian ngắn là có thể làm việc ngay. Theo Viện năng suất Việt Nam, năng suất lao động ngành may ở Việt Nam vẫn còn khoảng cách so với một số quốc gia Dệt may hàng đầu trong khu vực. Hàng lỗi hỏng trên công đoạn cao, các nguồn lực không được sử dụng hiệu quả.
Nguyên nhân chủ yếu là do những khác biệt về mức độ tự động, chuyên dùng của thiết bị và đặc biệt là năng lực, trình độ, tay nghề của NLĐ cũng như trình độ quản lý của doanh nghiệp may còn ở mức độ thấp.
b. Lao động nữ chiếm tỷ lệ cao
Ngành may là ngành sử dụng nhiều lao động. Tính chất, yêu cầu công việc đòi hỏi sự tỷ mẩn, kiên trì, khéo léo nên phần lớn lực lượng lao động trong ngành này là nữ (khoảng 80%) (VITAS, 2019). Công đoàn Dệt may Việt Nam hiện đang quản lý trực tiếp 115 CĐCS với tổng số 119119 đoàn viên/127702 NLĐ, trong đó có 81257 là nữ (CĐDMVN, 2019). Các doanh nghiệp may thích tuyển lao động nữ bởi họ mong muốn sự ổn định, cam kết gắn bó với doanh nghiệp lâu hơn lao động nam. Hơn nữa, lao động trong các nhà máy may phải làm việc trong dây chuyền công nghệ đòi hỏi sức ép cao về tính chính xác, cường độ làm việc căng thẳng. Những công việc này cần nhiều thời gian, các thao tác lặp đi lặp lại một cách máy móc nên công việc trong nhà máy may phù hợp với nữ giới hơn nam giới.
c. Lao động không ổn định
Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế Việt Nam có nhiều thay đổi, kéo theo sự dịch chuyển lao động giữa các ngành nghề. Lao động phổ thông ngày một thiếu do làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Hơn nữa, khi các FTA có hiệu lực sẽ thúc đẩy việc xuất khẩu tăng mạnh. Nhiều doanh nghiệp may mở rộng quy mô sản xuất nên nhu cầu tuyển dụng tăng cao đặc biệt là các vị trí cần lao động có kinh nghiệm như: chuyền trưởng, chuyên viên thiết kế, nhân viên may mẫu, quản lý đơn hàng.... Hiện nay toàn ngành may đang phải đối mặt với tình trạng biến động lao động khá cao với tỷ lệ biến động lao động hàng năm khoảng 25 - 30%, thậm chí trong các doanh nghiệp nước ngoài, tỷ lệ này lên tới 40% gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (VITAS, 2019). Nguyên nhân là do thu nhập của công nhân ngành may thấp trong khi cường độ làm việc cao, thời gian làm việc kéo dài, công nhân phải làm việc cật lực, bám đuổi ca kíp để có thêm thu nhập.
Ngoài ra, tình trạng "khát" nhân lực dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp may. Một số doanh nghiệp đưa ra các chính sách đãi ngộ tốt để thu hút nhân lực. Điều này càng góp phần tạo ra làn sóng dịch chuyển lao động giữa các doanh nghiệp may và gây nên sự xáo trộn nhân lực.
d. Lao động di cư nội địa cao
Doanh nghiệp may được phân chia thành 3 loại hình theo thành phần kinh tế, nhiều nhất là khối tư nhân với tỷ lệ trên 85%, tiếp đến là khối nước ngoài với trên 14% và ít nhất là doanh nghiệp nhà nước với tỷ lệ hơn 1% (VITAS, 2019). Các doanh nghiệp may phân bố chủ yếu vào 2 vùng là Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Hồng, mật độ tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Sự phân bố không đều giữa các tỉnh thành dẫn đến các doanh nghiệp khó khăn về chi phí sản xuất, quỹ đất hạn hẹp, sự cạnh tranh về lao động tạo ra một làn sóng dịch chuyển lao động từ các tỉnh thành vào các khu công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp may chuyển về nông thôn và các tỉnh ngoại thành nhằm giải quyết vấn đề khan hiếm nhân lực tuy nhiên không ít doanh nghiệp vẫn trong tình trạng thiếu lao động và phải tuyển dụng từ các tỉnh lân cận đặc biệt là những doanh nghiệp nước ngoài quy mô lớn, nhu cầu sử dụng lên tới vài nghìn lao động. Khảo sát lao động di cư của CDI (2019) tại các doanh nghiệp may cho thấy, trong số lao động di cư ở Hải Phòng thì có tới 41% lao động trong ngành may, là ngành thứ hai sau điện tử có số lao động di cư nhiều nhất. Còn tại Đồng Nai, số lao động ngoại tỉnh chiếm 52% trong đó 92% NLĐ làm việc trong các doanh nghiệp nước ngoài. Không ít NLĐ gặp phải những khó khăn do đi làm xa nhà đặc biệt là vấn đề nhà ở, điều kiện chăm sóc gia đình, thiếu dịch vụ xã hội, nhiều khoảng trống về văn hóa, tệ nạn xã hội.
3.1.2.2. Tình hình quan hệ lao động tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam
Theo Better Work Việt Nam (2019), tình hình tuân thủ các tiêu chuẩn lao động cơ bản tại các nhà máy may đã có sự cải thiện đáng kể so với những năm trước.
Các doanh nghiệp nhìn chung thực hiện tốt yêu cầu về tiêu chuẩn lao động cơ bản, nhiều nhất là các tiêu chuẩn liên quan đến lao động trẻ em, lao động cưỡng bức và
phân biệt đối xử. Trong đó có 21% số doanh nghiệp khảo sát tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn trên. Bên cạnh đó có một số lượng lớn (49%) nhà máy có vẫn còn 1 đến 2 vấn đề vi phạm, hầu hết liên quan đến an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Dưới 7% doanh nghiệp có từ 5 đến 6 vi phạm, cao nhất là 9 vi phạm, được ghi nhận ở 1 nhà máy (Xem Biểu đồ 3.2). Tỷ lệ vi phạm còn tương đối cao đối với vấn
Biểu đồ 3.2. Tỷ lệ các vấn đề không tuân thủ tại các nhà máy may ở Việt Nam
Nguồn: ILO và IFC (2019) [6]
đề tự do hiệp hội và TLTT, ATVSLĐ, thời giờ làm việc và thực hiện các điều khoản trong HĐLĐ trong đó tập trung vào bảo hộ lao động, làm thêm giờ quá mức quy định, không đảm bảo thời gian nghỉ ngơi và hệ thống quản lý ATVSLĐ.
Mặc dù CĐDMVN và VITAS đã có nhiều cố gắng trong thương lượng tiền lương cho công nhân Dệt may. Tuy nhiên hiện nay đại đa số NLĐ trong các doanh nghiệp may đang phải chật vật để lo cuộc sống của bản thân và gia đình trong bối cảnh tiền lương thực tế của công nhân trong các doanh nghiệp may không đủ sống.
Theo VGCL (2018), tiền lương cơ bản của ngành Dệt may hiện nay thấp nhất trong các ngành (chỉ 4.225.000VNĐ) nên đời sống của NLĐ gặp nhiều khó khăn. Nghiên cứu của Oxfam (2018) tại các nhà máy may xuất khẩu cũng cho thấy mức lương cơ bản của lao động ngành may chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức lương tối thiểu theo quy định của PLLĐ nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức lương đủ sống theo cách tính của Liên minh Lương đủ sống toàn cầu và theo cách tính của Sàn lương châu Á [41] do các nhãn hàng thường tìm cách tối đa hóa lợi nhuận bằng cách đàm phán không minh bạch để ép giá nhà sản xuất hàng may mặc nên tiền lương của NLĐ không được xác lập thông qua TLTT. Thậm chí họ còn phải làm thêm nhiều giờ để đáp ứng đơn hàng với mức lương thấp. Lao động trong ngành hầu hết là lao động phổ thông, nhận thức còn kém nên nhiều khi phản ứng không đúng cách, hành động theo phong trào. Mâu thuẫn, bất bình được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, nếu không được giải quyết thỏa đáng có thể dẫn đến TCLĐ hay đình công. Chính vì vậy, tình hình QHLĐ tại các doanh nghiệp may luôn tiềm ẩn những bất ổn.
21%
49%
23%
6%
1%
0 vấn đề vi phạm 1 đến 2 vấn đề vi phạm 3 đến 4 vấn đề vi phạm 5 đến 6 vấn đề vi phạm Bằng hoặc hơn 7 vấn đề vi phạm
Với sự ra đời của TƯLĐTT ngành Dệt may Việt Nam vào tháng 4 năm 2010 bằng việc thiết lập các tiêu chuẩn lao động tối thiểu cho ngành Dệt may để bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho NLĐ và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, tình hình QHLĐ trong ngành nói chung và tại các doanh nghiệp may nói riêng đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên theo thống kê của VGCL, các doanh nghiệp may vẫn luôn là ngành dẫn đầu cả nước về số vụ đình công. Các cuộc ngừng việc tập thể và đình công xảy ra chủ yếu ở một số địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Tại miền Bắc là ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ.
Khu vực Miền Trung là ở TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Các doanh nghiệp của Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc là những doanh nghiệp xảy ra tình trạng đình công nhiều nhất (VGCL, 2019). Cũng theo VGCL, hiện nay tất cả các cuộc đình công đều là tự phát, không có sự lãnh đạo của TCCĐ. Việc chưa tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn lao động cơ bản đảm bảo quyền của NLĐ tại các doanh nghiệp may đặc biệt là quyền đối thoại, thương lượng về tiền lương làm cho đời sống NLĐ khó khăn có thể là mầm mống gây lên các vụ phản ứng tập thể và đỉnh điểm là đình công. Thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt may mới bao phủ 81/gần 6000 doanh nghiệp nên chưa thể giảm thiểu TCLĐ và đình công ở các doanh nghiệp này.
3.1.3. Đặc điểm đối thoại xã hội trong quan hệ lao động tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam
Một là, ĐTXH tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam diễn ra trong điều kiện đã có TƯLĐTT ngành. Thỏa ước lao động tập thể ngành được coi là “Pháp luật lao động trong ngành” bởi nội dung thỏa ước quy định các tiêu chuẩn lao động tối thiểu trong ngành phù hợp với quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp tham gia buộc phải tuân thủ để đảm bảo quyền và lợi ích cho NLĐ, đồng thời là cơ sở để xây dựng QHLĐ hài hòa, ổn định trong ngành; Thể hiện sự cam kết, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong tạo lập môi trường, điều kiện làm việc, ổn định thu nhập, đời sống và việc làm cho NLĐ. Qua đó nâng cao uy tín của TCĐDNLĐ trong ngành, khẳng định bản lĩnh của CBCĐ trước NSDLĐ và đoàn viên công đoàn trong tổ chức đối thoại, TLTT hiệu quả. Thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt may Việt Nam là nền tảng để xác lập điều kiện khung cho các doanh nghiệp trong ngành xây dựng TƯLĐTT doanh nghiệp. Các nội dung trong TƯLĐTT ngành sẽ là cơ sở để các chủ thể QHLĐ xác định các nội dung trao đổi thông tin, kham khảo ý kiến hay TLTT. Đồng thời quyết định và chi phối đến kết quả ĐTXH tại doanh nghiệp. Đối thoại xã hội tại các doanh nghiệp may diễn ra trong điều kiện ngành Dệt may đã có TƯLĐTT ngành là một lợi thế rất lớn cho các chủ thể QHLĐ tại các doanh nghiệp tham gia thực hiện ĐTXH hiệu quả.
Hai là, ĐTXH tại các doanh nghiệp may ở Việt Nam chưa thực sự dựa trên cơ sở tự nguyện. Do đặc thù công việc ngành may có cường độ làm việc khá cao. Vì vậy, việc thực hiện những quy định về đối thoại định kỳ hay TLTT tại các doanh nghiệp